Tôi quyết định lấy tựa bài viết này sau khi xem phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy – Hà Nội trong mắt ai. Tôi cũng xin lỗi đạo diễn Trần Văn Thủy bởi sự “ăn cắp” này. Nhưng thú thực là trong bối cảnh Hội An hiện nay, có vẻ như cái tên này rất hợp. Hợp bởi chưa bao giờ Hội An trở nên lạ lẫm trong “mắt ai” như bây giờ, hợp bởi Hội An không còn ở cái thời kinh tế tập trung bao cấp như Hà Nội thuở ông làm phim. Nhưng cảm thức về sự đùn đẩy, chồng chất xếp hàng tranh chén cơm manh áo và rã rời trong cơn vật vã áo cơm lại hiện ra rất rõ nét. Mặc dù người ta vẫn nói cười, vui vẻ với bộ cánh “hạnh phúc đứng nhì thế giới”!
Những đoàn người gây rắc rối
Nếu như cách đây chừng một năm, tôi yêu Hội An bao nhiêu thì bây giờ, tôi lại yêu những ngôi nhà cổ và những tiếng thở dài phía sau những ngôi nhà ấy bấy nhiêu. Và trước đây, cứ mỗi cuối tuần tôi thích xuống Hội An để đi dạo, ăn tối bao nhiêu thì bây giờ lại lười biếng bấy nhiêu. Bởi trên đất Hội An, mùi Trung Quốc quá đậm. Khi con người ta tìm về Hoài Phố nhưng chỉ thấy sự ồn ào của xe cộ, nhặng xị của du khách Trung Quốc, đi cứ sợ đụng xe hoặc ngó trước nghe sau toàn người Tàu và tiếng Tàu, thì liệu còn Hoài Phố nổi không!

Nói như vậy không có nghĩa là tôi kỳ thị dân tộc hay chủng tộc gì đó, bởi tôi cũng là dân gốc rạ mà ra, nhưng chí ít tôi cũng phải dắt con trai mình tránh xa những chỗ ồn ào.
Ồn ào đến nỗi ông chủ quán Tây tên Thọ sống ở đất Hội An lâu năm phải thốt lên:
– Bọn nó làm loạn cả ở đây rồi. Bây giờ cái thành phố cổ này thành cái hội chợ của đám khách Trung Quốc rồi!
– Tôi cũng thấy đông. Tôi nói.
– Ðông thôi thì nói làm gì. Họ ồn ào lắm, nhiều khi tôi cũng cảm giác bị phiền. Còn chuyện mua gian nữa chứ. Tối hôm qua trăng đẹp, tôi lên lầu định chụp mấy bức hình góc phố đêm. Ai dè lại thấy cảnh một đoàn Trung Quốc mua trái cây, cũng là chuối giống như cái video của ông Nguyễn Duy Khoái vậy (Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái từng chia sẻ một clip về việc khách Trung Quốc thô bạo với người bán chuối ở Ðà Nẵng – UC). Bọn này mua kiểu gì mà vây quanh một hồi rồi chẳng thấy còn trái chuối nào trong gánh của người ta. Lúc sau, thấy bà bán chuối nói gì đó một hồi, có người trong nhóm đứng ra đưa cho bả tờ hai chục ngàn rồi kéo nhau đi.

– Anh có quay phim hay chụp hình cảnh này không? – Tôi hỏi.
– Có, tôi quay nguyên một phim dài gần ba chục phút, ban đầu định tải lên facebook nhưng rồi lại thôi. Bởi vấn đề là làm sao cho mọi thứ như xưa mới quan trọng chứ up lên kiểu đó cũng chẳng khác nào câu like.
– Anh nghĩ có cách nào để làm cho Hội An trở lại những năm trước đây không?
– Cái này thì khó vô cùng, vì bây giờ nó qua cài cắm khắp Hội An rồi. Phía Ðông Nam thành phố này tụi nó mua nhiều rồi, chẳng khác gì Ðà Nẵng đâu. Một số chỗ đã có gái Việt lấy tụi nó. Vì tiền cả thôi, người ta đâu có nghĩ là nó đang đồng hóa Việt Nam bằng cách tạo ra thế hệ con lai. Mà tôi sợ vụ này, tôi lo mấy đứa con lai sinh ra ở Việt Nam, lập thân tại Việt Nam nhưng lại thờ tổ tông bên Trung Quốc. Cái đó đáng sợ lắm. Chắc chỉ có một cách là đừng qua về chi với nó nữa, không quan hệ kinh tế mà cũng đừng quan hệ du lịch làm gì. Tôi cũng sẽ đề biển chẳng bán cho người Trung Quốc nữa trong nay mai.

Ông này nói rằng mỗi sáng mở mắt dậy, dân Hội An phải đón những đoàn người rồng rắn ồn ào, chuyên gây chuyện rắc rối và mang mầm tai họa. Vậy mà vẫn phải chịu đựng, khốn nạn thật! Khổ là ông chẳng thể làm gì!
Những con phố lạ lẫm
Câu chuyện với ông Thọ tạm dừng, tôi hẹn cà phê với ông Trí, một người dân sống đã 6 đời ở Hội An, cũng là thợ mộc gốc Kim Bồng, làng mộc cổ nổi tiếng của Việt Nam. Cà phê một lúc, nghe tôi hỏi thăm về những cái đặc biệt của Hội An như nghề mộc Kim Bồng, cao lầu Hội An, chè bắp Cẩm Nam, bánh tráng đập Cẩm Nam… Ông lắc đầu chua xót:
– Bây giờ còn cái xác không thôi chứ hồn thì tiêu tán đường rồi!
– Vì sao vậy ông?
– Thì ngay từ đầu, lựa chọn chạy theo du lịch, làm bất kỳ thứ gì cũng chặt hẻo vé của người ta. Hội An có 25 điểm di tích, làng nghề, người ta bán vé tất tần tật. Mỗi vé tám mươi ngàn đồng, đi được ba điểm, như vậy, muốn ghé thăm không thôi, chưa có thuyết minh gì thì đã mất gần bảy trăm ngàn đồng chỉ để ghé qua, nhìn lướt lướt… Bán vé như vậy là vô tội vạ!

– Mà khi mọi thứ nó lộn xà ngầu lên vì tiền thì người ta phát ngán vì tính hình thức của nó. Thợ mộc như tôi ngày xưa là khi làm, tập trung tinh thần để làm cho ra sản phẩm, bây giờ vẫn làm cho ra sản phẩm nhưng ngồi trình diễn cho khách du lịch chụp hình. Tôi hỏi cô chứ làm trình diễn như vậy thì làm sao ra được sản phẩm tốt? Ðó mới là chuyện nhỏ, cái đáng nói là dân Hội An gốc bây giờ còn rất thấp, dân nơi khác tới, chủ yếu là từ ngoài Bắc vào. Họ mua đất, xây khách sạn. Mà theo chỗ tôi biết thì có nhiều người rất nghèo trên đất Bắc mà vào Hội An làm chủ cả một khách sạn lớn. Tôi nghi những khách sạn này lắm. Chắc gì của họ. Mà thời gian họ mua đất, xây dựng lại trùng với thời gian người Trung Quốc nhờ người Việt mua đất xây dựng ở Ðà Nẵng. Vụ này lạ lắm!”.
– Như vậy dân gốc Hội An họ đã đi đâu rồi ông?
– Họ đi tứ xứ, có nhiều đợt lắm. Trước 1975 họ cũng vào Nam nhiều, sau 1975 thì họ vượt biên cũng nhiều, hoặc là bây giờ, sống Hội An thấy chộn rộn quá họ bán nhà trong phố, ra ngoại ô để sống yên tĩnh. Những người chủ mới của Hội An chủ yếu ngoài Bắc vào và giới cán bộ có nhiều tiền, mua nhà kinh doanh, rồi thành phần không rõ tung tích làm chủ một số căn nhà ở đây nữa. Nhưng mà Hội An bây giờ phải nói là của Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam. Mặc dù họ chỉ là khách du lịch nhưng có vẻ như họ đã có cơ sở ổn định bên này rồi nên họ tỏ ra tự tin và hống hách lắm. Thì các công ty trầm hương, các tay chủ đầu tư người Trung Quốc và công nhân của họ có mặt khắp nơi, chính sách nhà nước thì đặc biệt ưu ái với họ. Xem ra họ làm chủ, còn mình chỉ là thứ nô dịch đóng vai chủ nhà thôi!”.

Tạm biệt ông Trí, tôi lại đi lang thang qua những con đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, rồi chợ Hội An, làng mộc Kim Bồng, Cẩm Kim, làng bánh tráng đập Cẩm Nam… Dường như khách Tây rất vắng, chỉ thấy khách Trung Quốc có mặt mọi nơi.
Và thành phố cổ này trở nên ồn ào, thương tích hơn bao giờ hết. Ồn ào vì quá đông khách Trung Quốc, thương tích vì biển lở lói, người Trung Quốc đã phá vỡ sự cổ kính, yên tĩnh của phố!


UC