Vừa viết xong loạt bài về phương tiện giao thông Sài Gòn ngày xưa thì ông bạn quê ở Đà Lạt gợi ý viết một bài về xe tang xưa nay. Đề tài này không vui và ít ai nhắc tới. Nó chỉ là phương tiện đưa cỗ quan tài của người chết về bên kia thế giới. Ông bạn kể, hồi xưa ở Đà Lạt, có nhiều nhà đòn dùng ngựa kéo một cỗ xe màu đen, nghi lễ không rườm rà nhiều bằng xe mai táng rồng vàng của người Sài Gòn thời trước. Lời ông nói, làm tôi nhớ lời bài hát: “… Có một chiếc xe màu trắng đục, hai con ngựa trắng xếp hàng đôi…” (Viếng hồn trinh nữ – Thơ Nguyễn Bính, nhạc Trịnh Lâm Ngân).

Xe tang ngựa kéo có lẽ chỉ hợp hoàn cảnh xã hội hồi thời Pháp trước năm 1954 hoặc là ý nguyện của người quá cố có tinh thần Tây học, không thích những nghi lễ mai táng truyền thống từ xa xưa của người Việt mình ít nhiều bị ảnh hưởng tập tục văn hóa Trung Hoa. Hình thức văn hóa nghi lễ ma chay Tây hay Ta, ta không bàn đến vì đó là một vấn đề lớn trong đời sống tâm linh. Mà thực ra người chết đâu biết gì khi lâm chung, cát bụi trở về với cát bụi. Chỉ có người sống muốn làm tươi vui hơn cho không gian tang tóc ảm đạm bằng những hình ảnh lãng mạn để vơi bớt nỗi niềm hay “vui” cùng người đã khuất bằng các ban nhạc hiếu kèn tây, kèn ta cho rình rang với bà con chòm xóm.

Thuở nhỏ tôi chưa bao giờ thấy xe tang ngựa kéo, chỉ bắt gặp một vài hình ảnh, sách vở về đám tang hiu quạnh ngày xưa trên vài con phố Sài Gòn, hoặc trong phim dựa trên sự kiện có thật tại các nước châu Âu. Ðám tang ngựa kéo của người Việt so với người Châu Âu là một hình ảnh hai thái cực. Một bên thường vắng vẻ, một bên đông đúc bạn bè người thân và các chiến hữu. Chẳng hạn đám tang của trùm mafia Vittorio Casamonica bên Ý. Quan tài đặt trong một cỗ xe chạm trổ tinh xảo có 6 ngựa kéo, hoa hồng được rải từ trực thăng, nhạc kèn trổi lên bài “The Godfather” gây ngạc nhiên cho dân chúng hai bên đường.
Nhưng sau khi nghe xong bài “Viếng hồn trinh nữ” thì tôi lại nghĩ khác, đâu chỉ ở Rome, mà cả thành phố Hà Nội nhuốm màu tang thương vì cái chết của cô gái trinh nguyên. Chắc hẳn là do nhà thơ đã thi vị hóa hình ảnh hai con ngựa trắng và cả cỗ xe màu trắng đi giữa sáng mùa thu đầy lá vàng rơi để tiễn biệt người con gái nằm trong cỗ quan tài trắng. Hình ảnh đám tang quá lãng mạn kiểu phương Tây dễ khiến câu chuyện giữa chúng tôi thêm phần hào hứng. Có người nói, ma chay kiểu này văn minh hơn lối ồn ào của người Việt khi động quan. Phường bát âm tấu khúc “Lưu Thủy Lâm Khốc” não nùng, nhà đòn bày vẽ thêm nhiều nghi thức không còn hợp thời. Riêng tôi nghĩ: lời thơ, lời nhạc dễ thấm sâu vào tình cảm con người, nên mình nghiêng về cảm nhận, chứ thực tế đời sống thực không phải như thế mặc dầu cỗ quan tài trắng kiểu Tây ngày nay không khó đặt hàng ở các nhà dịch vụ mai táng Sài Gòn.

Nhà thơ Nguyễn Bính viết bài thơ “Viếng hồn trinh nữ” vào năm 1940, giữa lúc phong trào Âu hóa đang lên cao ở nhiều tỉnh thành Hà Nội. Tôi nghĩ, ông là một nhà thơ có tâm hồn mộc mạc thì có lẽ ông không cổ súy văn hóa phương Tây, nhất là các nghi thức ma chay, cưới hỏi khi người Hà Nội vẫn theo lễ nghi Nho giáo bao đời nay. Một đám tang với cỗ xe ngựa chỉ là nghi thức cá biệt của số ít người không chỉ ở Hà Nội mà cả Sài Gòn thời Pháp thuộc. Nhìn lại những tấm ảnh xe tang tứ mã gần Ngã Tư Hàng Xanh (viết đúng là Hàng Sanh vì khi xưa vùng này có hàng cây sanh – một loại cây giống như cây da xà nhưng nay không còn) những năm cuối thập niên 50 và một cỗ xe tang khác tại trung tâm Sài Gòn vào năm 1961, thấy nghi lễ tang ma ở Sài Gòn thì phóng khoáng hơn Hà Nội.
Ba của người bạn tôi, quê gốc Hà Nội kể rằng: Hồi xưa các nhà mai táng vẫn sử dụng xe rồng vàng (cách gọi nôm na xe chở quan tài do có trang trí hai con rồng sơn son thếp vàng ở hai bên thành xe), chúng không khác mấy với xe ở Sài Gòn. Nhưng thời chưa có xe thì sao? Thực ra, từ trước đó nữa, người Hà Nội khi động quan, quan tài được đưa vào kiệu gỗ, chạm khắc hoa văn nhưng đơn giản hơn kiệu tang trong lễ di quan của vua Ðồng Khánh năm 1926. Kiệu tang của vua tất nhiên là to, phải nhiều người khiêng, nó giống như một cái nhà gỗ xưa ba gian cẩn chạm, màn treo trướng phủ. Kể từ khi có xe tải nhập vào Việt Nam, các nhà mai táng thay sức người bằng xe cơ giới trang trí rồng vàng, kiệu tang đặt lên sàn xe tiện di chuyển đến các nghĩa trang trong ngoài thành phố.

Trong lúc thu thập hình ảnh, tư liệu để thực hiện cuốn sách nhỏ về hiện trạng kiến trúc “Nhà xưa Nam bộ”, tôi có dịp được xem một số ảnh gia đình của những điền chủ giàu có, chức sắc ngày xưa ở nhiều tỉnh miền Nam. Tôi nhớ ông Huỳnh Ngọc Chắt khi đó còn là chủ nhân ngôi nhà rường Huỳnh phủ đẹp nhất ở Thạnh Phú, Bến Tre. Ông nằm bệnh trên tấm phản gỗ dày bóng loáng nhưng vẫn kể cho tôi nghe về nếp ăn nếp ở của cha ông một thời từng là điền chủ lớn của tỉnh. Ngôi nhà rường này xây theo kiểu Huế, bên ngoài trang trí kiểu Tây. Ðông Tây phối hợp hài hòa. Nhưng khi ông nội ông chết, đám tang tổ chức kiểu người Việt mình, rình rang, mướn đoàn về ca hát sáng đêm, quan tài để đến cả tuần cho bà con hương chức khắp nơi về thăm rồi mới đem chôn ở lăng mộ tổ tiên cách nhà vài ba cây số. Còn những nông dân bình thường, gia đình có tang ma, hàng xóm phụ nhau mỗi người giúp một tay, động quan có từ 6 đến 8 người khiêng quan tài đi bộ ra đồng, chôn trên mảnh ruộng hoặc sau vườn để con cháu tiện bề cúng viếng.
Ông cho biết, hồi xưa đám tang động quan đưa hòm vào kiệu gỗ trang trí ba gian, có mái thả rèm bông bèo, liễn trướng đi trước, đèn lồng theo sau, hai bên kiệu gỗ là hình nhân to bằng người thật dùng để hóa vàng xuống âm phủ theo hầu chủ nhân. Kiệu gỗ thường một gian cho nhẹ bớt dễ khiêng, nếu là ba gian thì người ta đặt lên sàn xe. Kiệu trang trí chạm lủng sắc sảo, cẩn xà cừ gắn bao lam, y như ngôi nhà gỗ thời còn đang sống. Người chết chưa chôn được xem như cái vong còn sống cùng con cháu, họ hàng, mỗi ngày đều phải dâng cơm dâng nước đầy đủ. Cho nên khi đem chôn, quan tài được đặt vào “nhà kiệu”, chỉ khi nào hạ huyệt thì mới xem như từ biệt ngôi nhà mình ở để về bên kia thế giới. Năm sau, tôi trở lại ngôi nhà trò chuyện cùng con ông. Nhìn bộ ván lạnh tanh dễ đoán biết sự việc. Không biết đám tang của ông có được đi xe rồng vàng ở nhà kiệu gỗ như ông bà thời trước hay không.

Có lần tôi đã kiểm chứng kích thước ngôi nhà tang kiệu gỗ 3 gian mà ông nói. Hồi tôi phục chế ngôi nhà gỗ ở quê cần tìm kiếm mua hai gian bao lam tả hữu. Cho thợ mộc làm mới thì quá dễ. Thời nay mọi thứ đều làm bằng máy móc. Cưa lộng, máy mài, bản chạm rập khuôn theo hình mẫu sẽ thiếu đi cái hồn sáng tạo của những bàn tay thợ chạm khắc vốn tài hoa nhưng không có thời gian tỉ mẩn. Người chuyên mua bán đồ cổ giới thiệu cho tôi cặp bao lam xưa. Nhìn đống khung gỗ “xà bần”, tôi đoán ngay là khung kiệu của nhà đòn xưa nào đó nhưng các khung gỗ chạm nổi bật đường nét mềm mại rất đẹp, kéo thước kiểm tra chính xác khổ bao lam đúng chiều ngang 2.2m. Tôi mua về phục chế, lên khung bao lam hai gian phải trái đúng khớp dễ dàng. Ðám thợ mộc ai cũng bảo trông đẹp và thật có hồn, nhưng nào biết hồn của người đã chết.
Từ khi xe hơi nhập vào Sài Gòn vào những năm 60, có thêm xe nhà đòn thùng màu đen, trang trí đơn giản hơn trên diềm mái, giảm bớt chi phí mai táng cho những thân chủ cần tiết kiệm. Xe rồng vàng truyền thống vẫn còn sử dụng mặc dầu cách trang trí không còn “đẹp” như xưa. Tuy nhiên chi phí cho xe rồng vàng đắt hơn, nghi thức cũng nhiều hơn, và gia đình nào có tang chế yêu cầu phục vụ được xem là “chịu chi” cho một ma chay lớn. Hiện nay thị trường dịch vụ nhà đòn cạnh tranh không kém thị trường dịch vụ cưới hỏi. Xe tang trang trí toàn hoa tươi trên những xe đời mới sang trọng, hòm cũng đủ kiểu ta tây giá cả có khi lên tới vài ngàn đô la, chưa kể chi phí cho các đội nhạc hiếu tây ta, hoặc thậm chí còn chơi nhạc sống.

“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, đó là ý của người sống chứ nào phải của người chết. Suy cho cùng, có khi dựng lại hình ảnh cỗ xe tang ngựa kéo kiểu Tây, chậm chậm dòng người đi tiễn, vậy mà hay. Nhưng chỉ khổ nỗi hầu hết nghĩa trang ngày nay ở ngoài thành phố thì xe ngựa nào đưa tang?
TN