Menu Close

“Cám Ơn Anh”: Tri ân người góp máu

Sau ngày quốc nạn 30/4/1975 binh sĩ quân lực VNCH đã chịu tù đày, ngược đãi của chính quyền mới; những thương phế binh của quân đội ấy cũng không khá gì hơn. Một số sĩ quan có đủ ngày tù tội giam cầm được Hoa Kỳ đón nhận nhập cảnh đất nước họ qua chương trình nhân đạo Humanitarian Operation. Tiếc rằng chương trình nhân đạo ấy không bao gồm việc đón nhận thương phế binh của quân đội đồng minh cũ.

Ðể tri ân những người đã góp máu bảo vệ miền Nam và cũng để bù đắp phần nào những đau thương bất hạnh ấy, người Việt hải ngoại đã tổ chức những chương trình trợ giúp thương phế binh còn ở lại quê nhà. Nổi bật nhất trong các chương trình trợ giúp là chương trình Cám Ơn Anh do hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ  VNCH tổ chức với sự trợ giúp của đài truyền hình SBTN và ông Nam Lộc, một người điều khiển chương trình đại nhạc hội nổi tiếng cũng như các hội đoàn quân nhân và dân sự khác.

Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn - nguồn mautam.net
Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn – nguồn mautam.net

Những bước khởi đầu

Người khởi đầu chương trình Cám Ơn Anh, một chương trình đại nhạc hội gây quỹ, là cựu Trung Tá Nguyễn thị Hạnh Nhơn. Trong buổi trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc, ông kể rằng khoảng 10 năm trước bà Hạnh Nhơn đã mời ông cộng tác.

Ông đã đứng ra mời gọi nghệ sĩ trình diễn, các nhà mạnh thường quân đóng góp vào chương trình xây Ðài Chiến Sĩ (phí tổn trên 2 triệu Mỹ kim). Trong chương trình Ðài Chiến Sĩ, các nghệ sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Ý Lan, Lưu Bích, Thanh Trúc cũng đã nỗ lực đóng góp. (Những năm về sau khi các nghệ sĩ này về Việt Nam trình diễn, “quên” đi các đóng góp trước đó, nhiều người trong cộng đồng Việt đã mạ lỵ thậm tệ và tẩy chay các nghệ sĩ này).

Sau hai kỳ đại nhạc hội rất thành công, số tiền gây quỹ xây tượng đài lên đến 5 triệu Mỹ kim, nghệ sĩ Nam Lộc được mời tham dự như một thành phần nòng cốt trong ban tổ chức chương trình Cám Ơn Anh.

Địa điểm tổ chức ĐNH Cám Ơn Anh kỳ 10
Địa điểm tổ chức ĐNH Cám Ơn Anh kỳ 10

Khi được hỏi lý do dẫn đến việc cộng tác với hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH, ông Nam Lộc cho biết rằng hội HO có uy tín rất lớn trong cộng đồng người Việt, mỗi khi hội đứng ra tổ chức gây quỹ đều được nhiều hội đoàn cũng như cá nhân tham dự và ủng hộ. Bà Hạnh Nhơn được mô tả là “rất cởi mở”, thẳng thắn; hội giữ sổ sách chi thu phân minh, thêm việc kiểm nghiệm tiền bạc kỹ càng từ  các hội đoàn khác nhất là có cả những chuyên viên tài chánh tra xét (audit) sổ sách theo tiêu chuẩn tài chánh của luật pháp Hoa Kỳ. Với một cá nhân đàng hoàng như bà Hạnh Nhơn và một tổ chức phân minh như hội HO, ông Nam Lộc đồng ý tham dự và ủng hộ hết mình.

Sau mỗi chương trình gây quỹ, bà Hạnh Nhơn và hội HO đều mở cuộc họp báo để minh bạch chuyện tiền bạc, để ban tổ chức trình bày đầy đủ các con số chi / thu và mời gọi mọi người đặt câu hỏi. Câu nói lý thú được ghi nhớ và nhắc nhở của bà Hạnh Nhơn là “người [muốn đặt câu] hỏi thì không đến [dự cuộc họp báo] và người đến [dự] thì lại không hỏi”!

Ngoài Nam Lộc, đài truyền hình SBTN cũng đã tham dự và đóng góp rất nhiều cho đại nhạc hội Cám Ơn Anh. Ngoài việc ủng hộ kỹ thuật trực tiếp thu hình và phát hình tại nhiều địa phương, SBTN đóng góp thêm về nhân lực, nhiều ca nhạc sĩ cộng tác với trung tâm Asia tham dự chương trình đại nhạc hội này, phần đóng góp ấy có trị giá từ 70 – 100 ngàn Mỹ kim mỗi lần “Cám Ơn Anh”.

Chương trình đại nhạc hội Cám Ơn Anh đã tổ chức được 9 kỳ, và năm nay là năm thứ mười.

Poster1
Poster Đại nhạc hội: Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH

Hiện tại và tương lai

Tổ chức nhiều lần như thế thì ta rút được những kinh nghiệm gì? Hay / dở ra sao? Và có cần thay đổi chi không?

Lần lượt trả lời các câu hỏi này, nghệ sĩ Nam Lộc nói rằng hàng năm, đại nhạc hội Cám Ơn Anh được luân chuyển giữa hai vùng Nam và Bắc California.  Ðây là nơi cộng đồng người Việt tụ họp đông đảo nhất nên được nhiều người tham dự kể cả các nghệ sĩ trình diễn. Năm nay chương trình Cám Ơn Anh đã được tổ chức vào ngày 31 Tháng Bảy tại sân vận động của trường Trung Học Los Amigos, thành phố Fountain Valley, Nam California

Việc tổ chức luân chuyển giữa bắc và nam California đã đạt nhiều thành quả tốt đẹp từ chương trình trình diễn “sống” được trực tiếp phát hình đi khắp nơi đến hệ thống “telethon”, qua điện thoại khán thính giả từ xa có ủng hộ và đóng góp tiền bạc. Tổ chức tại các thành phố khác phí tổn sẽ lên rất cao và số người tham dự có thể không nhiều.

Dù không cần thay đổi cách tổ chức nhưng những người nòng cốt trong ban tổ chức cũng nhận ra rằng họ mỗi ngày một già yếu, sức khỏe mòn mỏi, như bà Hạnh Nhơn, linh hồn của hội HO năm nay vừa mừng sinh nhật thứ 90; nghệ sĩ Nam Lộc cũng đi vào tuổi thất tuần, thì việc tiếp tục chương trình gây quỹ khó lòng tiếp nối khi lớp sóng cũ đi vào lòng biển khơi. Gầy dựng tinh thần dấn thân trong lớp người trẻ đang là điều quan tâm của ban tổ chức. Hai nhân tố chính, bà Hạnh Nhơn và ông Nam Lộc, tha thiết với việc tìm người đầy nhiệt huyết và có lý tưởng để chuyển giao trách nhiệm nặng nề.

Một nét thay đổi khác giữa các kỳ đại nhạc hội là sự hào hứng của khán thính giả tham dự. Cũng như ban tổ chức, người tham dự trước đây, phần lớn là cựu quân nhân và thân hữu, mỗi ngày một già yếu dù lòng hăng say vẫn còn nhưng sức khỏe tiết giảm, việc di chuyển trở nên khó khăn, phải cậy nhờ con cháu nên họ bớt tham dự. Nói giản dị là tre đã già và ta cần măng mọc mạnh mẽ để thay thế.

Về phía nghệ sĩ trình diễn, một số cần ca hát tại Việt Nam để sinh sống nên muốn tránh việc xuất hiện trước công chúng dưới lá cờ vàng, sự ủng hộ của các nghệ sĩ do đó trở nên giới hạn dù một số nhỏ vẫn tiếp tục cộng tác. Ðể thay thế ta cần mời gọi các nghệ sĩ mới kể cả các ca nhạc sĩ từ Việt Nam nếu họ đồng lòng ủng hộ bằng cách hát các nhạc khúc đòi tự do và nhân quyền điển hình là các bài hát của Việt Khang, Trúc Hồ…

Bà Hạnh Nhơn cũng như ông Nam Lộc cũng không thoát khỏi mũi dùi của dư luận, người khen không thiếu và người dè bỉu cũng nhiều. Bà Hạnh Nhơn đã trọng tuổi nên dư luận bớt “đao kiếm” nhưng ông Nam Lộc đã nhận được khá nhiều lời mạ lỵ không căn cứ, các bài viết đồn đoán, ném đá vô trách nhiệm. Khi được hỏi “Có nản lòng không” thì ông Nam Lộc trả lời rằng  “…niềm tin và lý tưởng khiến chúng tôi giữ vững tinh thần. Tôi chỉ sợ mình làm điều sai lầm chứ không sợ bị hiểu lầm! Tôi soi gương mỗi ngày mà không xấu hổ là đủ”.

Poster Đại nhạc hội:  Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH
Poster Đại nhạc hội: Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH

Ðể bảo toàn danh dự cá nhân và gia đình, “bí kíp” làm việc của ông Nam Lộc không nhúng tay tới tiền bạc khi làm việc với các tổ chức xã hội. Mỗi lần tổ chức đại nhạc hội gây quỹ là ông nhờ hội đoàn khác đứng ra kiểm soát tài chánh, xem xét việc chi thu của ban tổ chức.

Ðộng lực nào đã khiến các con người vị tha nhân này dấn thân như thế? Nghệ sĩ Nam Lộc nhớ đến các chiến hữu không may của mình và cảm thấy có trách nhiệm, trách nhiệm của những người may mắn đối với những người bất hạnh. Thì ra ông cũng đã một thời mặc áo lính, sĩ quan báo chí của Sư Ðoàn 5 rồi Quân Ðoàn III cho đến ngày mất nước. Ngày 27 Tháng Tư trước tình hình đen tối, Nam Lộc theo bạn bè di tản. Ông ấy nói rằng “lên tàu mà lòng cứ bứt rứt, ân hận, tự hỏi mình không biết ra đi như thế đúng hay sai…” Sự mâu thuẫn ấy tỏ lộ trong nhạc phẩm “Saigon Vĩnh Biệt”, đã nói lời “vĩnh biệt” nhưng vẫn hứa hẹn “sẽ trở về”. Người đi có nỗi lòng của người đi và kẻ ở cũng nặng nề một tâm tư bất ổn!

Ra đi trước ngày rã ngũ có thể cũng là niềm ân hận thúc đẩy nghệ sĩ Nam Lộc dấn thân làm việc xã hội hầu đền bù cho đồng đội, đồng hương kém may mắn?

Ngoài chương trình Cám Ơn Anh, ông Nam Lộc còn góp sức với cộng đồng Việt trong các chương trình gây quỹ khác như chương trình Hoa Tình Thương bên Canada; Thank You Australia…, gần đây nhất là chương trình Cám Ơn Anh của cộng đồng Việt tại Houston (Tháng Sáu vừa qua), và chương trình Cám Ơn Anh tại Orlando (Tháng Tám sắp tới).

Hỏi về hoài bão, ông nghệ sĩ “có hai ước mơ”. Ước mơ thứ nhất là sự hình thành của các nhà văn hóa tại các địa phương nơi đông người Việt sinh sống để “giữ lại cho con cháu”. “Nhà văn hóa” hay phòng triển lãm sẽ là nơi thu góp, lưu trữ dấu vết các đóng góp của người Việt di tản với cộng đồng địa phương để con em về sau hiểu được gốc gác của mình, hiểu tại sao cha mẹ liều chết vượt biển. Ước mơ thứ nhì là phát triển tinh thần “hướng về cội nguồn” của giới trẻ Việt tại hải ngoại; liên kết với người trẻ hiểu biết tại Việt Nam để khơi dậy tinh thần bất khuất; giúp giới trẻ bắt tay với nhau góp phần tạo dựng đất nước trên nền tảng tự do và dân chủ.

Ước mơ lớn nên đường đi còn dài, xin cầu chúc ông Nam Lộc chân cứng đá mềm và thành công.

Trân trọng Cảm Ơn Anh!

 

Kỳ tới:

Cảm Ơn Anh: Từ California đến Houston, Texas