“Gia Tài Người Mẹ” – truyện của Dương Nghiễm Mậu, bìa của Trịnh Cung, do Tạp Chí Văn Nghệ xuất bản lần thứ nhất năm 1964, đã giới thiệu hình ảnh người mẹ trái ngược với biểu tưởng hay mô-típ truyền thống của luân thường đạo lý:
“Các con tôi chắc nó chẳng lạ chuyện năm tôi 18 tuổi đã bỏ làng theo trai, có ai ngờ một đứa con gái hiền thục lại có thể làm thế. Tôi đã hành động theo sự đòi hỏi của lòng mình. Chàng là học trò của thầy tôi, một người học trò thường, nhưng chàng có những hành động khác thường. Chàng đã bỏ học đi biệt tích… Nhưng chàng đã trở về một đêm, chàng bảo phải đi xa, đi thật xa… và tôi đã chẳng dằn lòng bỏ đi theo chàng. Chàng thay họ đổi tên vào đất này… Chàng đã thành một người kinh doanh thực thụ. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng tôi đã đi xa đến thế. Chàng là một kẻ tù đày trọng tội. Cha mẹ tôi chắc sẽ ngạc nhiên không thể nào hiểu nổi sự biệt tích của đứa con yêu.” *
Những người con gái thuở xưa bỏ nhà theo trai không ít. Nhưng gia phong lễ giáo khiến những chuyện được cho là trái ngược luân thường đạo lý ấy, bị chôn giấu tận đáy sâu thẳm của một gia tộc, của một đời người. Có nói đến cũng chỉ thì thầm rất khẽ, nghe như tiếng gió thổi ở đâu đó ngoài đầu hồi. Nhưng kể từ khi hình ảnh người mẹ mười tám tuổi bỏ làng theo trai, khẳng khái trung thực xuất hiện trong “Gia Tài Người Mẹ,” có nghĩa là Dương Nghiễm Mậu hoặc vô tình hoặc cố ý đã sáng tạo ra một chủ đề văn chương mới, một nhân vật mới, một phong cách mới, dĩ nhiên tư tưởng và quan điểm cũng hoàn toàn mới. Câu chữ rõ ràng, văn phong mạch lạc, mà sao đọc xong đầu óc bỗng dưng đau đớn, bởi vì những điều ghi lại trong “Gia Tài Người Mẹ” thật trần trụi, thật tuyệt vọng, thật bế tắc.
Dáng vẻ hao gầy héo hắt của người mẹ, có trong hình ảnh con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non; hay hình ảnh của một người mẹ đầu tắt mặt tối, nước mắt lúc nào cũng ướt đẫm hai vạt áo cánh nâu; đều khiến cho cõi người ta phải khóc. Nhưng những giọt nước mắt ấy một khi đã chảy ra, có nghĩa là tình yêu và lòng mẹ thấu tình đạt lý đến mức người ta chỉ còn biết tri ân và tôn kính. Nhưng chẳng hiểu sao hình ảnh người mẹ tay lần tràng hạt, một người mẹ đã có đứa con lai đen,“hậu quả của một hành động điên cuồng nơi người đàn ông vô danh khuất mặt…” lại khiến lòng của người ta thống khổ, chỉ nhìn thấy mê lộ tuyệt đường.
Có phải người mẹ trong“Gia Tài Người Mẹ” là hình ảnh một người mẹ tật nguyền, dị dạng hiếm thấy trong cõi người ta hay không. Nếu ai đó thích bình luận văn chương, thích phê phán quan điểm, sẽ có thể đưa “Gia Tài Người Mẹ” lên diễn đàn để hoặc kình chống, hoặc cổ súy cho khuynh hướng sáng tạo đặc biệt mà Dương Nghiễm Mậu lúc sinh thời đã khởi xướng. Riêng người mẹ ấy, dưới văn tài của Dương Nghiễm Mậu, tự khẳng định thanh danh của bà qua lời mô tả của con trai như thế này:
“Có thực là tôi đã an phận, hèn yếu hay không điều đó mẹ tôi biết, hình như mẹ tôi cũng buồn tôi về chuyện này, nhưng mẹ tôi không nói ra, mẹ chẳng nói ra vì thương tôi. Nhưng nếu ở trong đời sống ai cũng là kẻ phi thường cả thì những công việc tầm thường giao cho ai, và khi đó sự phi thường có còn chăng?”*
Sự thật trần trụi, dư vị ngọt ngào cay đắng nhưng dư đầy tình yêu của người mẹ xuất hiện trong câu chữ của Dương Nghiễm Mậu, để nói với mọi người về tiếng tơ lòng của bà. Một tiếng tơ lòng đột biến như cung thương mười sáu khúc, bất ngờ vang đầy dấu Á, như bảy nốt đồ-rê-mi-fa-sol-la-sí đột nhiên có đủ dấu bémol và dấu diese, khiến cõi người ta phải khóc, khi chợt hiểu: “… đời sống chẳng bao giờ đến với chúng ta trong những điều kiện ước muốn, mà trong sự lặng lờ vẫn hờm sâu những bất trắc, tàn nhẫn, đen tối.” *
Dương Nghiễm Mậu [1936-2016] tên thật là Phí Ích Nghiễm, người Hà Ðông, di cư vào Miền Nam Việt Nam năm 1954. Ngoài “Gia Tài Người Mẹ,” ông còn có những tập truyện ngắn nổi tiếng như Cũng Ðành, Nhan Sắc; Ðịa Ngục Có Thật; Trong Hoang Vu; Cái Chết Của… Sinh thời ông ít nói, văn chương của ông cũng là dấu lặng, nhưng âm hưởng còn vang mãi đến ngàn sau.
HNP – 10:39am Thứ Bảy ngày 20 tháng 08 năm 2016
*. Trích trong tác phẩm “Gia Tài Người Mẹ.”