Menu Close

Hệ lụy từ Formosa: Cấm đánh bắt cá tầng đáy phạm vi 20 hải lý vào bờ?

Ngư dân lâu nay vẫn bất an vì không biết hải sản đã ăn được hay chưa? Ảnh: Người Lao Động
Ngư dân lâu nay vẫn bất an vì không biết hải sản đã ăn được hay chưa? Ảnh: Người Lao Động

Ngày 27/8/2016, tại Thừa Thiên-Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp bàn việc giám sát khai thác, nuôi trồng thủy sản các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc xả thải của Formosa.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 4 phương án:

Thứ nhất: Cấm ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản vùng biển từ 10 hải lý trở vào, kéo dài từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến hết hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế).

Thứ hai: Cho ngư dân đánh bắt bình thường nhưng cấm ở 3 vùng biển nơi hàm lượng độc tố vẫn còn rất cao, như: Sơn Dương (Hà Tĩnh) diện tích 300km2, Nhật Lệ (Quảng Bình) với diện tích 330km2, hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế) với diện tích 160km2.

Thứ ba: Cho ngư dân đánh bắt bình thường, nhưng cấm đánh bắt cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào đối với 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế

Thứ tư: Cho phép đánh bắt bình thường chỉ cần tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm.

Những quan chức đại diện cho các tỉnh ảnh hưởng trực tiếp từ việc xả thải Formosa cũng không thống nhất nên chọn phương án nào, họ để quyền quyết định thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ này phải kết hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên-Môi trường để khảo cứu dựa trên khoa học rồi mới đưa ra kết luận có nên cho ngư dân đánh bắt hay không.

Tuy vậy, dù Bộ Y tế và các nhà khoa học đến nay vẫn chưa cho biết cá ở vùng này đã ăn được hay chưa nhưng ngư dân vẫn có người ra khơi đánh bắt. Vì theo họ, không thấy chính quyền cấm. Cá đánh bắt về không có ai mua. Một số người đánh bắt ghẹ, là loại sống ở tầng đáy nhiễm kim loại nặng rất cao. Tuy không bán cho dân địa phương, những người đi thu mua vẫn lén bán cho các nhà hàng hải sản ở các thành phố lớn khác với giá rẻ.