Ðời của người ta có lẽ vui nhất là thời thơ ấu. Cái thuở hồn còn non trẻ ấy, luôn là những dấu ấn không bao giờ phai nhòa trong lòng của anh, trong lòng của chị, trong lòng của tôi, cũng như trong lòng của những người đã đang sống trên trái đất này. Một người bạn thân xưa mới gặp lại, kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện cũ. Trong số những câu chuyện rất xưa ấy, có cả câu chuyện anh cùng bạn hữu giả vờ chia phe đánh trận. Anh vẫn nhớ như in, anh từng là một chiến sĩ xông ra mặt trận, chỉ cần pằng pằng, thằng đối diện phải làm bộ ngã xuống chết. Ðâu phải cầm súng là khỏi chết, anh cũng chết khi bị thằng khác bắn… Thật hồn nhiên, thật vui vẻ, thật hạnh phúc, vì những kẻ chết đều sống lại trong một trò chơi trẻ con. Không sợ có cảnh những người lính đi mãi không trở về vì chết trận…! Vâng, không phải sợ hãi trong một trò chơi. Bởi vì không có ai bị tổn thất, không có ai phải vui ra đi mà không ước hẹn ngày về. Tôi cười khi biết anh sớm có vợ con, và đã cưới rất nhiều vợ khi mới bảy tuổi. Những người vợ lấy về, không cần đám cưới rước dâu. Những đứa con có sẵn, không cần qua giai đoạn mang nặng đẻ đau, không cần giòng sữa mẹ, không cần dãi nắng dầm mưa cực khổ nuôi chúng ăn học. Những đứa con thật ngoan ngoãn, được đặt ở đâu thì đứng ngồi nằm ở đó, đố dám cãi. Như vậy là từ khi còn ngơ ngác tựa gà trống, e đến trăm năm còn trẻ thơ, người bạn của tôi đã có tham lang đào hoa vũ khúc chiếu mạng, đã là số phạm hồng loan, nên lớn khôn mới tán gái dẻo miệng. Nhưng anh lại bảo, đời anh chẳng hề biết sợ ai. Tuy nhiên vì bị phục binh, tang môn, điếu khách, thiên tướng tuần triệt gặp thiên hình. Vì thế đã nhiều năm xa cách, nhưng vẫn cảm nhận “còn mãi là chiếc bóng theo nhau đến muôn đời sau,” khi ngộ hoa vô ưu của pháp môn Tình, mà giáo chủ vĩnh hằng là tôi.
Chuyện xưa như khói như mây. Thời thơ ấu thả thuyền giấy bên giòng suối, cắm trại ở đồi Cù, lang thang giữa đồi thông… Tất cả đều đã trôi qua. Cuối năm lớp 12, anh bạn theo gia đình đi bảo lãnh, chúng tôi chia tay không hẹn ngày gặp lại. Bởi vì thời đó ra đi có nghĩa là hết rồi, bởi vì ngăn cách cả một Thái Bình Dương và một Ðại Tây Dương xa thăm thẳm. Cách biệt gần ba mươi năm, chúng tôi bất ngờ tao ngộ, khi cùng xếp hàng trong quán cà phê Starbucks. Chúng tôi thật vui mừng, tận hưởng tâm tình tha hương ngộ cố tri, cùng nhắc lại những kỷ niệm thời học sinh, ở quán cà phê Tùng Ða Lạt. Ngày xưa của bạn tôi đẹp nhờ những trang sử thiếu niên anh hùng, chỉ pằng pằng chíu chíu là địch quân ngã gục. Anh có thể hát khúc ca khải hoàn, trở về nhà giấu súng vào địa đạo bí mật là gầm giường, để không bị cha mẹ tước đoạt vũ khí thần kỳ là cây súng nhựa bắn nước. Ngày xưa của anh đẹp nhờ những lần cưới vợ bỏ vợ chớp nhoáng, mà không sợ bị thưa ra tòa vì tội bạo hành, dám uýnh vợ và quăng con xuống đất lấy chân đạp dẹp lép cả con, cũng không sợ phải chu cấp nuôi con… Chiếu theo cái tánh chỉ thích tranh ăn đầu cá và khoét đúng hai con mắt của anh, không cần bói cỏ thi tôi cũng biết anh từng cưới vợ rồi bỏ vợ, từng có con rồi đạp dẹp lép con hằng hà sa số lần. Thật may chỉ là chuyện ngày xưa.
Tuổi thơ của tôi không dữ dội như tuổi thơ của người bạn này. Tôi lớn lên giữa thành đô của thác suối, đầy hoa tươi cỏ thắm, nên những trò chơi, những điều tôi yêu thích gắn liền với sắc vàng sắc đỏ của hoa, nhất là với màu xanh vĩnh hằng của cỏ. Anh bạn cười bảo: Cô vẫn văn chương như thuở nào, như thời còn đi học luôn đoạt những giải thưởng lớn nhất về văn chương. Anh hỏi tôi có ghi lại những điều liên quan đến Ða Lạt của ngày xưa còn bé hay không. Tôi gửi email cho anh hai bài “Lời Yêu Thương Gửi Cỏ,” và “Bài Thơ Xin Lỗi Cỏ Gà,” đầy âm hưởng độc huyền của thời áo trắng. Anh đọc xong rồi trả lời: Cô đúng là người Ða Lạt, sinh ra để viết văn chương. Người Ða Lạt trên cõi đời này không hiếm. Nhưng người Ða Lạt thấm đậm linh hồn thảo mộc, linh hồn thác suối, linh hồn ngàn thông, chính là cô. Cũng giống như khi thi viết văn ngày xưa, cô đứng hạng nhì không ai dám đứng hạng nhất. Lời khen tặng chân tình của bạn học cũ ngày xưa, khiến lòng tôi cảm nhận gió thông vàng lưng đồi Ða Lạt thổi giữa thành phố Santa Ana, mặc dù mấy hôm nay trời nóng như thiêu đốt.
Ngày xưa còn bé, tôi rất thích gấp thuyền. Những con thuyền giấy có mui thật đẹp. Khi trời mưa như thác đổ, tôi ngồi trong hiên nhà gấp thuyền, thả thuyền trôi theo giòng nước. Có chiếc thuyền lao đi vun vút, đi thật xa không sợ những trận mưa roi khốc liệt của trời. Có chiếc thuyền tôi vừa mới thả, đã bị lật úp. Tôi thương con thuyền bị lật úp nhiều bao nhiêu, thì tôi cũng nhớ con thuyền lao đi vun vút nhiều bấy nhiêu. Tôi tự hỏi có bao giờ thuyền lại sẽ trở về…? Hỏi để hỏi mà thôi, chứ ngay từ thuở ấy tôi đã biết thuyền ra đi không bao giờ trở lại.
Những con thuyền gặp nạn không trở lại là chuyện đã đành… Nhưng vì sao những con thuyền lao đi vun vút cũng không hẹn ngày về…? Ðây là một vấn nạn, mà câu trả lời sẽ là vô nghiệm. Chỉ có những con thuyền lao đi vun vút, mới biết vì sao chúng không thể trở lại. Những suy nghĩ về nguyên nhân như thế này hay như thế khác để có thể trả lời câu hỏi vì sao, ở chừng mực nào đó cũng chỉ là võ đoán, cũng chỉ là suy diễn, không phải là sự thật. Rất nhiều khi lý do chỉ là khi ra biển cả, thuyền chỉ nhắm một hướng, cứ thế mà đi rồi khuất bóng. Rất nhiều khi lý do chỉ là vì thuyền có về qua lối cũ, nhưng ngần ngại không ghé vào bến xưa. Bởi vì không biết và không thể đưa ra lý do, vì sao đã bặt vô âm tín một thời gian lâu dài như thế. Cách hay nhất, hãy cứ để những con thuyền ra đi như ý nguyện. Không nên bận tâm đến những điều, mà tôi hay ai đó biết rõ không thể thay đổi. Chẳng giúp ích cho tôi và chúng ta khi nhớ mãi những điều không thể thay đổi. Trạng thái tinh thần lắm khi bị ảnh hưởng, trở nên bi thương, tiêu cực, và bệnh tật. Có một sự thật đó là nắng của ngày hôm qua, không hong khô được quần áo của ngày hôm nay. Những con thuyền lao đi vun vút cũng vậy, đã không thể nào cộng hưởng với những gì mà tôi hay ai đó cùng cảm nhận, trong chuỗi thời gian còn lại của cuộc đời.
Phải chăng khi gần đi qua nửa đời người, tôi hay ai đó mới cảm nhận được cuộc sống rất đơn giản. Cách hay nhất, đó là hãy cảm thụ và tận hưởng cuộc sống của bản thân. Tuổi trẻ đầy hào hãnh, chạy theo những thứ hào nhoáng, phù hoa, viễn mộng. Tất cả mọi quyết định đều rất vội vàng, vì sợ mất đi cơ hội, vì sợ mất đi chỗ dựa cho bản thân. Liều lĩnh quyết định, để rồi lãnh nhận nhiều hậu quả về sau.
Khi cái tôi đầy hào hãnh phải nhún nhường trước nghịch cảnh, phải uyển chuyển và mềm mỏng để thích nghi với sóng gió cuộc đời, người ta bắt đầu thận trọng. Ðôi khi sự thận trọng và biến chuyển đã lỡ muộn. Nhưng vẫn tốt hơn cứ khư khư giữ mãi một điều đã không còn tồn tại. Cho đến bây giờ, có một điều tôi cảm nhận rõ rệt nhất, đó là thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian chính là những con thuyền giấy ngày xưa tôi xếp, đã lao đi vun vút, không hẹn buổi tao phùng. Thời gian hay những con thuyền giấy đã lao đi vun vút ấy, cũng dạy cho tôi biết rằng: Trên cõi đời này không có điều gì sẵn có. Hạnh phúc không tự nhiên đến. Niềm vui không tự nhiên xảy ra. Tất cả đều phải tận sức tìm kiếm. Có thể tôi và chúng ta không tìm được hạnh phúc hay niềm vui như ý nguyện. Nhưng chúng ta và tôi đã tận sức. Ðây chính là điều quan trọng.
Tôi từng viết: Ngày xưa gió lộng tuyền khê, tôi theo mưa thả thuyền về suối mai. Cao nguyên sương quyện bóng dài, rừng thông cười với tôi ngoài phố hoa. Con thuyền giấy bỏ đi xa, tôi buồn đứng khóc trăng nhòa, thương ôi! Vỗ về thác rũ mây trôi, tặng tôi bong bóng mưa đồi cỏ sa. Cầm khăn tay chấm lệ ngà, tôi theo mưa bóng chiều qua vọng thuyền. Dốc đồi thung lũng tịnh yên, cảm thương chiếc bóng dịu hiền vô tư. Con thuyền giấy đã đi từ, mùa mưa năm ngoái bây chừ nơi nao…? Tôi về khóc với ngàn sao, cầu xin Trời Phật trên cao cứu thuyền! Ngày xưa chân sáo hồn nhiên, tôi qua phố núi gọi thuyền. Thuyền ơi…! Tiếng lòng tôi rất chơi vơi, ngân vang bốn phía buồn rơi thông gầy. Con thuyền từ độ sa lầy, bão hoang gió thổi đường mây. Mất rồi…! Tôi về nguyện một câu thôi, Quán Âm Bồ Tát chuông hồi quỳ an. Con thuyền xưa đã lên đàng, quy lai hóa hiện suối vàng kết hoa. Bây giờ đời đỗ bến xa, cơn giông biển động trăng tà. Thuyền ơi…! Tìm đâu vàng phấn thông rơi, tìm đâu cõi mộng gọi mời thuyền xưa. Khúc ca đồng vọng dạ thưa, thương con thuyền cũ sầu đưa ngậm ngùi!
Như giờ đây tôi cũng đang viết về kỷ niệm xưa, nhưng viết bằng cảm nhận của thời gian hiện tại, mà tôi đang sống. Tôi vẫn yêu thương những con thuyền giấy lao đi vun vút, không bao giờ trở lại. Như yêu thương thời gian buồn vui đã nghỉ an trong quá khứ. Nhưng tôi biết rằng, người ta có đôi chân để đi về phía trước, người ta có đôi mắt để nhìn về phía trước. Tôi cũng đang đi và đang nhìn về phía trước.
HV – 1:15am Thứ Bảy ngày 20 tháng 08 năm 2016