“Sài Gòn có Bến Chương Dương
Có Dinh Ðộc Lập, có đường Tự Do
Có Chợ Quán, có Cầu Kho
Bến xe lục tỉnh, con đò Thủ Thiêm”…

Bến đò Thủ Thiêm nơi đã từng để lại những dấu ấn đậm đà cho cư dân 2 bên bờ cũng như khách qua lại trong một thời gian dài cả thế kỷ bằng ghe đò lẫn phà đưa sau này trên bến sông Bình Giang (tên gọi trên trăm năm trước của sông Sài Gòn). Thế nhưng, trong sinh hoạt của người Sài Gòn hầu như ít ai nhắc tới đời sống của cư dân bên kia bờ ngăn cách đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn và Thủ Thiêm bởi một con sông rộng chưa đầy 300 mét. Dòng sông như một dải lụa cong mềm mại tựa chiếc quai nón lá ôm trọn cái cằm duyên dáng của các cô gái chèo đò thuở trước. Ấy thế mà nó cách ngăn Sài Gòn và Thủ, một bên hào nhoáng, một bên quê mùa cố cựu.

Từ thời TT. Ngô Ðình Diệm, chính quyền khi đó đã có bản đồ kiến thiết bán đảo Thủ Thiêm nhằm mở rộng đô thị về hướng Ðông thay vì mở rộng về hướng Tây dọc theo từ Chợ Lớn đến Cần Giuộc. Tiếc là kế hoạch phát triển đô thị không được thực hiện vì chiến tranh giữa thập niên 60 lan rộng khắp nơi. Một lần khi sắp xếp lại kho bản đồ của Viện Quy Hoạch, tôi bắt gặp mô hình quy hoạch Thủ Thiêm qua từng giai đoạn bỏ xó góc phòng và một số bản đồ chi tiết phủ bụi thời gian.
Thực ra trước đó vài năm, người Mỹ bắt đầu giúp chính quyền Sài Gòn mở rộng thành phố về hướng Ðông Bắc. Khởi đầu công trình bằng xa lộ Biên Hoà, Làng đại học Thủ Ðức, khu công nghiệp thi nhau mọc làm bộ mặt Sài Gòn được sinh động, sung túc và thuận lợi hơn, trong khi Thủ Thiêm vẫn ngủ yên như từ thuở nào, duy nhất chỉ có cầu xa lộ dẫn vào nội đô mở ra một ngã rẽ đến bán đảo Thủ Thiêm để chuẩn bị cho dự án quy hoạch vào năm 1972. Lại một lần nữa, dự án không được thực hiện hoàn toàn, ngoại trừ chừng trên trăm nhà tiền chế xây bằng gạch đúc dành cho dân cư theo kiểu nhà ở bán nông thôn, mái lợp fibro xi-măng, có thông giếng trời ở phần chái bếp. Mùa mưa hay lúc triều cường khu vực này ngập đến đầu gối.

Thủ Thiêm vẫn bị thiệt thòi, sống cảnh quê mùa giữa hai mùa mưa nắng. Dân ngụ cư đa phần từ các nơi đổ về, dân thương hồ sông rạch tụ tập dựng nhà dọc theo bờ sông kéo dài từ Cây Bàng đến đối diện kho 5 kho 10. Tôi không nhớ tên con đường khi đó vẫn còn là đất đỏ chạy dài dẫn xuống Phước Kiển, Nhà Bè. Hai bên là ao trũng cỏ năn mọc đầy, vài nơi sen súng hoang sơ. Xuống đến Giồng Ông Tố thì mới bắt gặp khung cảnh nhà quê mơ màng hiện ra. Trâu bò cày ải trên đồng, nhà cửa thưa thớt, ít khi gặp nhà mái ngói. Người dân Thủ Thiêm đa số sống trên nhà sàn hoặc nhà cửa tạm bợ dọc theo bờ sông ngó sang con đường Bạch Ðằng từ chỗ nhà máy đóng tàu Ba Son và đường Trịnh Minh Thế kéo dài qua khỏi Thương cảng.
Ðó là những gì còn lưu lại hình ảnh trong tôi một thời xa xưa cách nay gần bốn mươi năm. Nhưng hình ảnh tôi nhớ nhất là năm lớp 11, thằng bạn học tên Nguyễn Bình Giang rủ đám bạn đi chơi một vòng Thủ Thiêm rồi mò đến khu mộ của một cụ bà xác khô nằm trong hòm kiếng ở Phước Kiển để cầu xin mọi chuyện hanh thông khi giã từ học đường bước chân vào ngã rẽ cuộc đời đi tìm học một nghề kiếm sống. Thằng bạn thông minh giỏi toán lại có chút đầu óc mê tín cuộc sống tâm linh. Bạn bảo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, xác khô cụ bà ở Phước Kiển nằm trong khu lăng mộ từ thời xa xưa, nào giờ linh thiêng lắm. Người dân Thủ Thiêm ai mà không biết, kể cả dân bên kia Sài Gòn thường đi phà qua Thủ Thiêm, theo đường làng lui tới viếng thăm cầu nguyện mua may bán đắt, gia đình bình yên. Nghe nói vậy, bọn học trò chúng tôi cũng rất tò mò muốn biết nên tham gia cùng thằng bạn vào cuộc phiêu lưu đến cõi tâm linh. Ðến nơi thằng bạn cung kính đốt nhang khấn vái mà ban đầu tôi còn e dè sờ sợ, cho đến khi bình tĩnh nhìn kỹ toàn bộ xác khô mới phát hiện ra rằng trên đầu vẫn còn mớ tóc bạc lơ thơ.

Nhưng điều tôi nhớ mãi không phải là hình ảnh thằng bạn cúi lạy cầu xin hương hồn người chết. Tôi nhớ như in hình ảnh cô giáo chủ nhiệm dạy môn sinh vật đã xúc động rơi nước mắt trước cả lớp. Lớp trưởng Bình Giang đứng lên vào tiết sinh hoạt nói lời từ biệt rất cảm động với thầy cô và bạn bè để vào trường kỹ thuật Don Bosco học một cái nghề lái tàu sông. Cái tên Bình Giang cha anh đặt để nhớ con sông Sài Gòn và cũng để nhớ mẹ anh, người mẹ trẻ chèo đò năm xưa chết vì tai nạn lật đò giữa dòng sông đêm. Bà mẹ ngộp nước khi trong bụng có đứa con 9 tháng. Ca nô cảnh sát vớt cứu đưa đến Tàu Bệnh viện Hải quân của Mỹ neo đậu trên bến Bạch Ðằng. Cuộc cấp cứu người mẹ đã không thành công nhưng đứa con trong bụng được cất tiếng khóc chào đời. Bình Giang, cái tên nghe êm đềm lại chứa nhiều nỗi đau mất mát.
Ba bạn đành phải đi bước nữa để có người chăm sóc con thơ. Bạn kể: Ông nội nói, ông già tao lái phà, tính tình cục mịch, vậy chớ đào hoa lắm nghe. Nhiều cô trong xóm để ý nhưng lúc đó ổng không chịu. Hồi má tao mất, ổng ở vậy mấy năm, nuôi tao bằng nước cơm pha sữa “Ông Già” (Ông Thọ). Cứ mỗi chiều sau khi tan ca, ổng về nhà lo cơm nước cho con cái xong là ổng qua nhà hàng xóm lai rai vài ba xị. Say xỉn ổng lại hát hò ngâm thơ: “Ngó lên trên chợ Thủ Thiêm / Thấy em đương đệm giắt ghim lên đầu”. Không biết má tao ngày trước có đương đệm không mà ổng mê, ổng cưới. Hay là bà má Hai của tao làm nghề đương đệm? Chứ tao chỉ nghe ba nói má tao làm nghề đưa đò ngang. Cũng như ông già tao mỗi ngày đưa khách đi phà sang sông không biết bao nhiêu lượt chuyến.

Nghe bạn kể chuyện xưa của gia đình từ thời ông nội hồi còn bé thường đi phà chùi sang Sài Gòn bán củi đước, rồi lớn lên trở thành người lái phà chùi. Phà chùi là loại phà gỗ chỉ chở số ít người và xe ba gác. Phà có bửng xà phía trước khi đến bến bửng cập chùi lên trên nền đất hoặc bãi bờ bê tông sát bờ sông. Ba bạn theo cha phụ việc học cách điều khiển phà chùi rồi xin làm tài công lái phà hột vịt từ giữa thập niên 60 cho đến bấy giờ (1977). Sở dĩ gọi như thế là do hình dáng con phà có hai đầu tròn cong hình oval như cái hột vịt, cửa ra hai bên ở giữa, phà cập bến bên hông áp sát vào cầu tàu. Phà không lớn nhưng có thể chở được nhiều người, xe đạp và xe gắn máy. Gia đình nội ngoại của thằng bạn, là người cố cựu sống mấy đời ở Thủ Thiêm. Cho nên bến đò, bến phà trải qua nhiều giai đoạn, họ là những người biết rõ nhất, từ phà nhỏ cho tới khi phà nâng cấp thành những con phà lớn, an toàn và tải trọng lên đến cả trăm tấn.
Theo nhiều bài biên khảo, bến đò Thủ Thiêm có từ thời vua Tự Ðức. Và chính thức xuất hiện ghi chú trên các bản đồ Environ de Sài Gòn hồi năm 1911. Có lẽ vì thế, lúc thi công hầm chui Thủ Thiêm, người ta đã cố công hoàn tất để kịp thông xe vào đầu năm 2012 trong khi khuya ngày 31/12/2011 chấm dứt chuyến phà cuối cùng ghi dấu ấn trăm năm qua chuyến phà đêm. Thủ Thiêm – Sài Gòn bây giờ là một, tiếp tục dự án phía Ðông, mở lại thời kỳ quy hoạch đô thị Sài Gòn II có từ thời trước. Tuy thế, người dân Thủ Thiêm hiện thời đa phần là dân từ nơi khác đến mua đất xây nhà. Có thể họ biết về vùng đất Thủ Thiêm cũng có thể là chẳng ai quan tâm đến chuyện xưa tích cũ. Chỉ có những người sống ở Thủ Thiêm bao đời như gia đình thằng bạn học ngày xưa còn lưu luyến bến sông xưa như bến đỗ đời người, nơi đã từng gắn kết cuộc đời con người mấy thế hệ vào cuộc mưu sinh thăng trầm qua từng thời kỳ.

Sài Gòn bây giờ vẫn còn những chuyến phà ngang. Phà Cát Lái nối Quận 2 với Nhơn Trạch, Ðồng Nai hay phà Bình Khánh nối Nhà Bè với huyện Duyên Hải sau năm 1975. Rồi tương lai vài ba năm nữa, cầu đường sẽ được xây dựng để kết nối giao thông chóng vánh. Những con phà ấy rồi cũng sẽ chấm dứt sứ mệnh như con phà Thủ Thiêm trăm năm về trước. Nhưng liệu khi vắng bóng con phà, người ta có thấy chạnh lòng như vừa đánh mất điều gì trong ký ức nữa hay không?
TN