Sông Sêrêpok mùa trơ cạn, mạch máu của Tây Nguyên vắt mình qua những lũng khe héo hắt, trơ đá, trơ đất đỏ, bùn đỏ. Đôi khi, một thác cạn gồ lên như tiếng nấc của đại ngàn. Như sợi dây nối giữa đồng bằng với cao nguyên nắng cháy.

Có một mối dây liên hệ khá mờ nhạt nhưng lại rất gắn bó giữa đất Quảng Nam với Tây Nguyên bạt ngàn cà phê, hồ tiêu. Mối dây này đi từ vật thể đến phi vật thể. Có vẻ như tiến trình giao lưu, giao thoa giữa xứ Quảng và Tây Nguyên diễn ra muộn nhất nhưng lại sâu đậm nhất. Con người trong quá trình xô dạt “kinh tế mới” những năm sau 1975 và tương tác của những nghệ nhân cồng chiêng xứ Phước Kiều (nơi có làng đúc Phước Kiều, nguồn cung cấp cồng chiêng chủ lực cho Tây Nguyên và nhà thờ cổ Phước Kiều, nơi mà Cha Alexandre De Rhodes đã hoàn thiện cuốn Tự điển tiếng Việt đầu tiên, cho đến nay vẫn giá trị) với các bản làng Buôn Hồ càng về sau càng tẻ nhạt thì phải?!

Cồng chiêng và nhà sàn
Không gian văn hóa của người Tây Nguyên, đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số là không gian văn hóa cồng chiêng và nhà sàn. Nếu không có hai thứ này, Tây Nguyên không còn là Tây Nguyên nữa. Ngược lại, nếu nhà sàn và cồng chiêng phát triển theo cách mà nó đang có, thì chẳng bao lâu nữa, Tây Nguyên sẽ thành một cái nồi lẩu khó nuốt. Cũng giống như mối quan hệ kỳ lạ giữa Quảng Nam và Tây Nguyên.
Nói về mối liên hệ kỳ lạ này, một lão làng người Ê Ðê có quan tâm văn hóa cồng chiêng, tên Hỉ (tên Kinh của ông, tên Ê Ðê thì khá dài và ông không muốn nêu trong bài viết), chia sẻ: “Giữa Quảng Nam và Tây Nguyên có cái này khá thú vị, thời thịnh vượng, nó cũng thịnh vượng chung, thời mạt vận, nó cũng mạt vận chung, và thời nào nó cũng có tương tác qua lại”.

“Ông có thể nói cụ thể hơn một chút không?”.
“Trước 1975, số lượng nhà sàn của người Ê Ðê trên đất Tây Nguyên khá nhiều và rất đẹp, các công trình của nhà nước, tôn giáo và giới chức xây dựng trên đất Buôn Ma Thuột hay cả Tây Nguyên đều mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn nhằm tạo ra không gian văn hóa Tây Nguyên, nhà của Quốc Trưởng Bảo Ðại, bây giờ gọi là biệt điện Bảo Ðại là kiến trúc nhà sàn pha lẫn kiến trúc Pháp rất hài hòa và đẹp, và nhà thờ gỗ, bây giờ là Tòa Tổng Giám Mục Tây Nguyên là hai dẫn chứng sống. Trước 1975 mặc dù đang thời chiến nhưng người đồng bào thiểu số lại giữ được hồn cốt”.
“Vậy bây giờ thì sao thưa ông?”.
“Cuộc di dân ‘kinh tế mới’ sau 1975 làm thay đổi nhiều thứ. Nhưng cũng còn tốt hơn cuộc di dân sau này, vào những năm 1990 và 2000. Vì cuộc kinh tế mới sau 1975 là dồn toàn bộ thành phần công chức, nhà binh của chế độ cũ lên Tây Nguyên khai hoang vỡ đất. Mục tiêu của cuộc di dân này là tạo ra khoảng trống nhà cửa và chính trị ở các thành phố. Nhờ thành phần của chế độ cũ, họ có căn cơ văn hóa, nên không làm thay đổi bộ mặt Tây Nguyên, thậm chí họ làm cho Tây nguyên trở nên sinh động hơn. Nhưng khi nhóm di dân thuộc thành phần chế độ cũ này khai hoang, vỡ đất và tạo ra được thế mạnh cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên thì thành phần mới gồm giới chức nhà nước, nhóm có tiền và thế lực đỏ, lên đây thao túng. Nhóm lên sau này làm cho Tây Nguyên nát vụn”.

“Nát như thế nào thưa ông?”.
“Trước 1975, các già làng Tây Nguyên tìm xuống Phước Kiều, Ðiện Bàn, Quảng Nam để mua cồng chiêng, nhờ nghệ nhân cồng chiêng ở đây hiệu chỉnh âm thanh. Và thời đó, người hiệu chỉnh âm thanh cồng chiêng biết nắn âm theo cấu trúc thất âm của người Ê Ðê. Việc mua bán cũng thật thà, mọi thứ có cái hồn của nó. Nhà sàn cũng vậy, thợ ở các làng mộc Quảng Nam cũng lên Tây Nguyên làm nhà sàn theo thiết kế và hướng dẫn của già làng. Người Kinh thời đó lên Tây Nguyên là để xây dựng Tây Nguyên rõ nét hơn, không ai lừa gạt ai”.
“Bây giờ thì sao thưa ông?”.
“Sau 1975, nhất là sau 1990 và 2000, cồng chiêng Tây Nguyên bị chỉnh âm theo ngũ âm của Trung Hoa với Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Và không có gì đáng sợ khi âm gốc bị mất đi. Hiện tại, cồng chiêng Tây Nguyên chỉ còn xác, đã mất hồn. Nhà sàn thì cũng nửa nạc nửa mỡ, lai căn đủ thứ. Những nhà phiên bản gốc thì giới có tiền đã mua, sau đó biến nó thành điểm kinh doanh du lịch. Hầu hết nhà sàn ở Ako Dhong, tức Cô Thôn không còn chủ là người Ê Ðê. Núi rừng thì bị cày xới, chặt phá vô tội vạ!”.

Một Tây Nguyên khác
Tạm biệt ông Hỉ, chúng tôi lang thang qua Ako Dhong (Cô Thôn), đến hồ Lak, thăm những vườn cà phê, thăm những gia đình người Ê Ðê, một trong những nhóm dân tộc thiểu số có dân số đông nhất Tây Nguyên và Việt Nam. Có thể nói rằng dường như các buôn làng Ê Ðê đã bị xóa dấu vết của dân tộc họ một thuở, những ngôi nhà bê tông và tường gạch mọc lên nham nhở và hoa hòe, trông hết sức khó chịu.
Vào thăm một gia đình người Ê Ðê trong một ngôi nhà nhỏ ở Krong Ana, gặp một ông cụ ngồi trước hiên đang cho gà ăn, chúng tôi chào hỏi làm quen một lúc thì ông mới hết nghi ngại và nói chuyện cởi mở hơn bằng giọng Kinh lơ lớ của ông: “Con già nó đi làm rẫy cà phê, chưa về, già thì cho gà ăn cho nó đẻ cái trứng”.

“Nhà mình trồng cà phê nhiều không ông?”
“Ðâu có, làm thuê cho người ta, đất bán hết rồi, bán người ta trồng tiêu, cà phê mình mới có tiền mà phá cái nhà sàn đi, xây cái nhà xi măng này chớ!”.
“Ông bán đất lâu chưa?”.
“Gần hai mươi năm rồi, bán hết đất rừng, bán luôn cái nhà sàn gỗ mới dồn tiền để xây cái nhà xi măng này đây!”.
“Ở đây còn những lễ hội buôn làng, đánh cồng chiêng không ông?”.
“Không còn, chỉ có lễ hội nhà nước họ tổ chức hằng năm thôi, mà cồng chiêng bây giờ âm nó khó nghe lắm. Làm mình nhớ cái thời xưa…”.

Chúng tôi cố quên đi ý nghĩ gia đình ông cụ này đã bị người ta gạt, bởi đất đai mấy đời để lại nhờ khai hoang, vỡ đất, bán được vài chục triệu đồng, sau đó bán nốt căn nhà sàn bằng gỗ để mua xi măng về xây một cái hộp nóng nực rồi chui ra chui vào cho khỏi bị “thua đời”, khỏi bị “lạc hậu” theo luận điệu của kẻ lừa gạt. Và lẽ ra các con ông làm chủ một khu vườn cà phê rộng lớn, sống thoải mái trong căn nhà gỗ truyền thống thì họ lại sáng ra lo vội vã cơm nước đi làm thuê cho chủ cà phê, chiều về chui vào cái hộp xi măng nóng nực để chịu cái nóng Tây Nguyên, lấy sức mai đi cày tiếp…!
Một người bạn là nhà thơ phố núi đưa chúng tôi đến thăm Biệt điện Bảo Ðại, anh chỉ tay sang khu bảo tàng Tây Nguyên nằm sau lưng Biệt điện: “Tây Nguyên bị nhốt vào đây và bị lột da không thương tiếc!”.
Chúng tôi đứng trong sân Biệt điện một lúc thì gặp một cô gái Ê Ðê đi bán chôm chôm. Hỏi thăm về đời sống. Cô Hằng (tên Kinh của cô) chia sẻ: “Ở đây khổ lắm. Vì thiếu nước, thiếu mọi thứ, nhà giàu thì có tiền khoan giếng, tốn cả vài chục triệu đồng lận. Bây giờ đất đai gì cũng chật hẹp hết!”.
“Nhà em có làm rẫy hay trồng cà phê gì không?”.
“Dạ nhà em còn một ít đất để trồng rẫy, chủ yếu là sầu riêng, chôm chôm và măng cụt. Còn đất trồng cà phê thì năm 1995 bị nhà nước lấy rồi, họ chia cho doanh nghiệp trồng cao su hết. Ba em làm nghề buôn cồng chiêng và trống da voi. Trước thì khá chứ bây giờ khó khăn rồi, ba em chuyển sang buôn rượu cần”.
“Khó khăn như thế nào em?”.
“Trống da voi thì hiếm lắm, voi cũng hết rồi, muốn mua phải xuống đồng bằng mua về đây bán lại. Mà người biết đánh trống da voi và cồng chiêng bây giờ không còn nên chủ yếu là bán cho nhà văn hóa của nhà nước thôi. Rượu cần thì toàn đồ giả, uy tín cũng không còn. Trước đây em bán thổ cẩm, dệt thổ cẩm nhưng bây giờ đồ của Trung Quốc sản xuất giống y chang mình mà bán giá rẻ bèo, mình bán không được nữa. Ðụng đâu cũng thấy khổ!”.
Chúng tôi lại đi dạo giữa cái thành phố cao nguyên cách Sài Gòn 350km và cách Hà Nội 1710 km này. Dường như không gian vẫn còn rất núi đồi, vẫn còn những con dốc, hàng cây xà cừ, gụ, sến, lim trăm tuổi, vẫn còn những người Ê Ðê, Ba Na lang thang trên đường sau buổi chợ phố, vẫn còn bầu không khí se lạnh phảng phất hương cà phê đêm… Nhưng dường như Tây Nguyên đã rất khác và lạ lẫm, nằm lạc lõng giữa xô bồ, huyên náo!
HL