Menu Close

Làng dịch

Buổi sáng ấy, khi ông trưởng làng thức dậy, điều đầu tiên ông nhận ra là mình không còn mở mắt được nữa. Ông ráng nhướng hết cỡ chân mày mấy lần, nhưng như thể một mảng keo, đám ghèn đã bịt kín mắt ông. Ở cái tuổi mà bất cứ lúc nào cũng có thể trôi ra ngoài thân xác, đứng nhìn vào mình, ông không lạ. Nhổm dậy khỏi bộ ván, ông trưởng làng gọi lớn:

– Chúng bay, có đứa nào ở ngoài đó không?

Ðáp lại ông chỉ là những tiếng o o như thể tiếng ruồi bay trong buổi trưa không gió. Chẳng hiểu đã mấy giờ, bằng cảm nhận của dòng mồ hôi trôi xuống cổ nhớp nháp, ông đoán, đã gần đứng bóng. Thường thì giờ ấy đám trẻ đã trở về sau những trò chơi ngoài đồng, bởi nắng đã lên cao. Chúng sẽ khiêng đến tận giường cho ông một thau nước, để cụ cố rửa mặt. Ông có một nhịp sinh học khác người, đã quen từ thuở còn trai tráng gác chòi ngoài đồng, ấy là thức đến lúc bình minh ló rạng, sau đó là một giấc ngủ đến xế trưa.

Gọi thêm dăm bảy tiếng, vẫn lặng như tờ. Vị trưởng làng rời giường, tay vịn vách liếp, lần dần ra đến cửa. Ông va phải con chó đang nằm dưới đất. Nó tru lên ông ổng. Ông chửi đổng:

– Tổ cha mày, sao không tránh tao. Tao đã mù đây, hay là mày cũng mù luôn chắc?

Ông lần ra đến chum nước. Cái chum cạn không còn một giọt, đang lúc loay hoay tìm chỗ vịn, miệng chửi làm nhàm, ông nghe tiếng con trai:

– Bố tìm nước phải không? Nguy rồi, làng mù hết cả rồi. Sáng nay ngủ dậy chẳng ai mở được mắt. Cả làng kéo ra mương ngoài kia mà úp mặt xuống nước như úp thìa một lượt kia kìa.

lang-dich
Hồ Đắc Vũ

Ông nghe, nghĩ là chuyện đùa. Người con trai đưa tay cho ông vịn:

– Cả làng đang chờ bố đấy. Họ bảo xem có biện pháp nào cứu làng, không thì nguy.

– Thế mày thì sao?

– Con cũng vậy đây. Sáng nay ghèn đùn kín mắt, ra mương rửa một lúc thì nhìn được mờ mờ, nhưng nước mắt cứ chảy ra, buốt như kim châm. Con mang nước về, rửa cho bố đây. À mà không chỉ người đâu bố ạ, cả chó mèo, trâu bò… cùng chung một bệnh tất.

Ông nằm ngửa trên mặt ván. Người con trai nhúng khăn ướt lau từng tí cho ông. Lau đến đâu mắt buốt tóe lửa đến đấy. Già đã bằng này tuổi đầu, ông chưa bao giờ gặp sự nào lạ thế. Mới tối trước mắt còn mở thao láo, tịnh chưa thấy một giọt lệ sống, vậy mà sáng hôm sau đã đổ bệnh cả làng.

Ðến trưa thì gần như mọi người đã tụ tập trước sân nhà ông. Người lớn rên rỉ, con nít gào khóc. Loạn. Không ai nghĩ được một biện pháp nào khả dĩ. Ðường lên tỉnh thì xa. Trong làng xưa nay cũng có một vị thầy thuốc, nhưng chính bản thân ông ta hôm nay cũng đang ngồi bịt chặt hai mắt, từ hai kẽ tay chảy ra hai bệt xanh lè nửa nước nửa mủ. Kéo dài tình trạng này mươi ngày, khéo cả làng chết đói. Tập tục sống xưa nay của cả làng vẫn là vắt mũi bỏ miệng, làm ngày nào ăn ngày đó, mấy ai có của để ăn dần.

Vị trưởng làng cố gắng bình tĩnh. Ông ngồi trên chiếc ghế cao nhất kê trước hiên. Hai mắt ráng mở to, nhưng mỗi lần ông nhướng mày lên, như thể có một nắm bột ớt tung thẳng vào:

– Bệnh này là do nước. Nước độc thì hóa bệnh. Mấy đứa chúng bay chia nhau lội lên tận nguồn, xem thử có dị vật gì làm thối nước không?

Nhưng nguồn nước là ở đâu? Chẳng ai hay. Sông chảy ngang làng, rẽ nhánh vào mương. Người ta cứ thế ra mương lấy nước về dùng. Xưa nay, ngay đến bản thân ông cũng chưa bao giờ nghe nói đến thượng nguồn con nước ấy ở đâu. Nhưng trưởng làng nói là làm. Một đám thanh niên được cắt cử, phải lần theo bờ mương, đi ngược, đến bao giờ tìm được nguyên nhân mới thôi.

Giải pháp dừng lại ở đấy. Làng lục tục kéo nhau về. Con nít khóc đến lả đi trên vai mẹ. Tỉnh dậy lại khóc tiếp, khóc đến khi biến thành một tàu lá nằm dính trên mặt chiếu. Người còn kìm được, thú vật thì không. Khởi đầu là đám chó cuồng lên, tru những hồi thảm thiết. Tru từ sáng sớm đến tận đêm thâu. Tiếng tru dần toạc ra như xé họng. Rồi chúng cứ thế lao đầu vào bụi rậm, chúi thẳng xuống ao hồ cống rãnh.

Ðám thanh niên đi đến ngày thứ ba vẫn chẳng thấy tin tức. Cả làng nhắm tịt mắt nằm chờ. Thoi thóp. Lặng tờ. Mùi hôi thối bắt đầu thoảng lên đây đó. Lần theo cho đến tận nguồn thối, thì ra những xác chó, xác mèo đã ủng ra, trương lên, vo vo ruồi nhặng.

Một trưa, phó làng được cáng đến nhà trưởng làng:

– Hay làng ta xưa nay làm điều ác, bị thần linh vật? Khéo phải lập giàn cúng?

Trưởng làng mông lung:

– Hẵng chờ thêm dăm ba hôm nữa…

Phó làng không thuyết phục được, đành về.

Quả thêm dăm hôm. Bỗng nghe có tiếng la hớt hải từ đầu làng:

– Có người về. Có người về.

Một trong những anh thanh niên ra đi hôm nào ập vào nhà trưởng làng. Anh ta cứ thế bưng ngực thở dốc. Trưởng làng run run quờ đôi tay như bắt chuồn chuồn:

– Cái gì làm thối nước làng ta?

Chàng thanh niên đã qua cơn thở, giọng dõng dạc:

– Thưa trưởng làng, con nghĩ việc đi tìm nguyên nhân nước thối là vô ích…

Trưởng làng đập tay lên phản:

– Ngươi dám cãi lệnh ta thì vác mặt về đây làm gì?

– Thưa con mang về đây bí quyết trị bệnh cho làng- Mắt chàng thanh niên sáng long lanh. Anh trầm giọng- Từ buổi ra đi, ngược dòng con sông nửa ngày, hốt nhiên con nghĩ, dẫu có tìm ra nguyên nhân cũng chắc gì làng khỏi bệnh. Thế là thay vì ngược dòng, con quyết định chuyển hướng đi lên tỉnh. Con tin là ở tỉnh mới tìm ra được cách thức chữa bệnh cho bà con…

Trưởng làng ho một chuỗi:

– Thế ngươi đã tìm được chưa?

– Thưa sau nhiều ngày mò mẫm, con bỗng nghe một người bảo: Mắt anh thế này, trước hết phải mang kính vào! Con chả biết kính là gì. May chính anh ta dẫn đi, tìm cho một cặp. Con mang vào, mở mắt ra, thấy tất cả cứ ngầu ngầu, nhưng được cái hết cả đau mắt. Hôm nay, con đã mang về đây đủ số kính cho cả làng ta dùng.

Chàng thanh niên lục cái giỏ bên hông:

– Cặp kính đầu tiên, con xin biếu trưởng làng. Nhưng trước hết Ngài phải đi rửa mặt cái đã.

Một thau nước được bưng tới giường nằm của trưởng làng. Ngài mau mắn rửa mặt. Ðeo cặp kính lên tai. Quả nhiên đôi mắt dịu đi rất rõ. Nhìn tận mặt trời vẫn không thấy cảm giác buốt nhói, tuy rằng cảnh vật trước mắt, thảy cái gì cũng mang một sắc bầm bầm. Trưởng làng đờ đẫn, vân vê chỗ hai vành tai nằng nặng vì cặp kính móc vào. Ngài cười ngơ ngác, rồi reo lên:

– Gọi cả làng lại đây. Mang thứ này chia đều mỗi người một cặp.

Người ta chen nhau. Người ta rối rít ra bờ mương rửa mắt. Những gương mặt ngước lên trời. Những nụ cười rạng rỡ. Rồi tất cả lao ra đình làng hò hét. Chàng thanh niên được công kênh trên kiệu, đi từng nhà. Sau bao ngày đói khổ, nhà ai còn vật gì có thể ăn được là mang hết ra đình. Lễ hội kéo dài mấy ngày, cho đến khi tất cả rũ ra, nằm lăn lóc khắp nơi. Trưởng làng phải hiệu triệu, tất cả ra đồng, ra mương… tiếp tục công việc, chứ mê mẩn thế này thì chết đói hết cả.

Không khí tưng bừng lắng dịu. Mọi người lại tiếp tục công việc làm ăn. Nhưng sự đen tối chưa chịu bỏ làng mà đi. Người có kính mang người mở mắt, nhưng chó mèo, trâu bò vẫn tiếp tục lăn ra chết. Mùi thối nồng nặc len mọi ngõ ngách. Nó ngự trị không gian, nồng nặc cả khi đứng gió. Và một hôm chính trưởng làng phát hiện ra, mình không còn có thể ngửi ra bất cứ thứ mùi nào nữa ngoài mùi thối. Cơm ăn, thối. Cá cua, thối. Ngay cả đến mùi lá mùi hoa cũng thối. Và ruồi nhặng o o tràn khắp nẻo. Cái âm thanh o o ấy tra tấn lỗ tai. Và đến lượt lỗ tai bùng bùng, tưng tưng. Người đứng nhà này réo nhà kia chẳng còn nghe gì nữa.

Chàng thanh niên được triệu tập đến nhà trưởng làng:

– Nhà ngươi hãy tìm ra phương cách.

Chàng phải ghé tai vào sát miệng trưởng làng mới nghe được tiếng khào khào. Nhưng sức chàng đã kiệt. Ðường lên tỉnh lại quá xa. Không chỉ chàng, người mạnh khỏe nhất làng lúc này có lẽ cũng chỉ đủ sức đi đến nửa đường. Bất lực.

Một không khí chết chóc bao trùm khắp đường trên ngõ dưới. Nhiều kẻ bỗng dưng đổ hết tội cho chàng thanh niên bất lực. Nó phải đi chứ, chính nó chứ không ai khác. Vài kẻ điên lên, bẻ tan cặp kính đeo mắt bấy nay kè kè như báu vật. Họ kéo đến nhà chàng. Ðứng trước sân. Người kêu gọi chàng lên đường. Kẻ gào tên chàng chửi bới. Rồi dòng người từ sân tràn lên tận cửa. Chàng thanh niên nằm thoi thóp trên mặt ván. Xung quanh không một người thân. Khi đám người bắt đầu xông vào cửa, chàng gắng cất mình lên lần cuối, lết ra được cái cột cái giữa nhà thì tự nện thẳng đầu mình vào đấy. Óc chàng rỉ qua những kẽ hở trên hộp sọ nứt toang. Ruồi lập tức bu lại, xanh lè…

Dòng người cuồng dại, vô phương, quay sang cấu xé lẫn nhau. Những kẻ không tham gia tấn công vào nhà chàng thanh niên bắt đầu chửi rủa những kẻ đã làm việc ấy. Cuộc hỗn chiến lan từ nhà này sang nhà nọ. Trưởng làng bất lực nhìn đám đông quằn quại. Ngài cố hết sức gào lên, ngăn cản. Nhưng còn ai đủ thính lực và sự bình tĩnh để nghe những lời đáng kính ấy.

Cuộc hỗn chiến kéo dài đến tối. Những thân hình đầy thương tích nằm lết lê khắp nẻo. Trưởng làng nhờ người kêu phó làng đến nhà.

– Ông có nghĩ ra cách gì không? Tại sao tất cả lại thế này chứ hả?

– Phải nhờ thần linh- Phó làng thều thào luận điểm xưa kia của mình. Mấy người cùng đi bên cạnh phải hét tận tai cho trưởng làng nghe được lời phó làng.

– Nhưng thần linh ở đâu?

– Hẳn nhiên là ở… trên trời.

– Ông đùa đấy chắc? Dễ phải ngửa mặt lên trời mà kêu ư?

Phó làng run rẩy:

– Làng ta xưa nay không có thầy phù thủy, nhưng làng bên cạnh hẳn có. Hãy cho người sang bên ấy, nhờ ông ta sang bên này. Có lẽ phải lập giàn mà cúng bái, hòng trời thương nghe thấy.

Cùng đường. Còn giải pháp nào khác nữa đâu? Nhưng biết lấy gì làm lễ vật? Trưởng làng, phó làng chìm trong suy nghĩ u uất. Bỗng có người bước lại trước mặt hai vị cao lão.

– Con nói không phải, nhưng bấy nay vẫn biết nhà trưởng làng còn một số bảo vật gia truyền, từ cha ông làng ta để lại. Việc đến nước này, phải chăng nên dùng chính những thứ ấy mà làm lễ vật?

Trưởng làng như nảy lên:

– Có lẽ nào lại thế. Trời dẫu có giúp ta, nhưng đình làng còn đó, tổ tiên còn đó, dân làng còn đó. Ta không thể mang tội được.

Phó làng lắc làn râu thưa thớt:

– Thì trước mắt cứ phải nhờ họ đã. Nếu quả việc thuận tiện, dân làng ta qua được cơn nguy khốn này, lúc ấy hẵng tìm cách khác sau.

Trưởng làng ôm ngực ho, kêu mệt. Con cháu khiêng lui vào nhà sau. Việc dừng lại nửa chừng.

Thêm những ngày dài dặc. Thần chết lê qua từng nhà. Mỗi hôm những hình hài nối nhau đổ xuống. Làng có lẽ đã đến ngày tận diệt.

Một đêm có những bóng đen len lén tìm lối ra khỏi làng. Qua sáng hôm sau, những tiếng kèn trổi dài, kéo từ đầu xóm lại. Tiếng kèn không u uất mà có phần rộn rã giữa cảnh chết chóc hoang tàn. Vài người đủ sức lết ra cửa, thấy có một cỗ kiệu hoa, xung quanh rất đông người nhún nhảy. Trên kiệu gà gật một người áo thụng, vóc dáng to lớn, da mặt xanh, mắt nhắm nghiền, hay là đang mở nhưng quá nhỏ nên không thấy rõ tròng mắt. Dứt hồi kèn dài, có tiếng la dõng dạc:

– Thầy đã được rước đến, cứu làng khỏi tai ách. Nhà nhà mau ra nghênh tiếp. Ai muốn khỏi bệnh, hãy đến đình làng.

Chẳng nhà nào ngỏ cửa. Nhưng đã có vài bộ dạng nhúc nhắc lê trên đường làng. Nơi đình làng, cỗ kiệu được hạ xuống. Trưởng làng có mặt chỗ ấy khi nào không ai biết. Ngay cạnh trưởng làng còn có thêm phó làng. Thầy được đón lên ngồi nơi cao nhất. Kèn tiếp tục ngân dài, lời rao tiếp tục vang vang:

– Dân chúng hãy mau mau ra đình làng. Mau mau ra xem thầy xuống phép cứu bệnh. Kẻ nào không có mặt, ấy chính là kẻ có tội với thần linh.

Lời rao cất lên thêm một lúc. Những kẻ đủ sức đều đã lết ra đình. Trong ấy đa số là những người cùng cực, không còn biết làm gì hơn là nắm lấy chút hy vọng nhỏ nhoi. Số còn lại, phần do tò mò, phần bị người thân lôi đi.

Thầy vẫn ngồi trên cao, xung quanh là mấy tên trợ tế, cùng một bộ dạng, hình hài. Trưởng, phó làng nằm dán mình trên hai cái chiếu hai bên, mình mẩy chỉ còn da bọc xương, vo ve ruồi nhặng. Lũ con nít không còn đủ sức khóc nữa, mắt đen ngòm, biến mất dưới hai cái lỗ sau những tròng kính vẹo vọ.

Thầy cất mình khỏi ghế, ra trước thềm hỏi lớn:

– Các người bị bệnh gì?

Chẳng ai nghe, bởi lỗ tai dân làng đã đầy những mủ.

Thầy biết có hỏi nữa cũng vô ích, nên nói luôn vào vấn đề:

– Khởi đầu là các người đau mắt. Kế đến là các người ngạt mũi. Tiếp đó là các người điếc tai. Thảy bệnh đều nằm trên cái đầu của chính các ngươi. Vậy cách chữa chạy hữu hiệu nhất, chính là các người phải chặt bỏ đầu mình đi, lúc ấy tự khắc mọi sự đớn đau sẽ hết.

Hầu như không ai nghe được lời thầy nói, nhưng không hẳn là tất cả, những cặp tai còn sót lại chút khả năng nghe mơ hồ, trong ấy có phó làng đều dựng đứng lên. Rồi thông tin từ miệng người này được gào vào tai người kia, cho đến khi tất cả những cái đầu cùng ngóc hết dậy. Trưởng làng thất kinh, ráng rướn mình ngồi lên. Nhưng Ngài không còn đủ sức nói nữa, chỉ thấy hai vệt môi gắng xé ra:

– Tai vạ, tai vạ rồi…

Phó làng đột nhiên đưa lên một cánh tay run rẩy:

– Tôi xin tình nguyện làm người đầu tiên.

Thông tin lại được truyền đi, những tiếng ồ kinh ngạc nổi lên đây đó. Phó làng không nói gì thêm nữa, chỉ lấy tay ra dấu ngang cổ mình, mắt ngước nhìn lên đám người lạ lẫm trước mặt.

Thầy gật đầu, bảo mấy tên trợ tế chuẩn bị dao, đoạn quay sang dân làng:

– Các người nhìn đây sẽ rõ. Ta chẳng có ý hại bất kỳ ai. Chỉ là đem lại sự tồn tại cho chính các người. Các người ngẫm kỹ lại đi. Ta tin, sau khi nhìn vào sự hồi sinh của chính phó làng các người. Các người sẽ nghe theo lời ta thôi.

Phó làng được mấy tên trợ tế khiêng ra một cái đôn đặt ngay trước sân đình, kê cổ vào đấy. Những tiếng gào khóc nổi lên, khởi đầu từ đám con cháu phó làng, sau qua những người đang há hốc mồm chứng kiến.

Phó làng quay nhìn mọi người lần cuối:

– Sống mà chờ chết. Sống mà như không sống. Vậy chẳng nên sống để làm gì. Nhưng mà ta tin là mình chẳng chết. Xin giao phó thân phận này cho trời đất định đoạt. Ta mong các ngươi cũng sẽ làm theo ta.

Nói đoạn, Ngài kê cổ vào chiếc đôn, nhắm mắt. Thầy trực tiếp cầm trên tay con dao ánh lên nước thép xanh biếc, to như một thanh đao. Mặt thầy ngửa nhìn trời, lầm nhầm đọc những câu gì đó, đôi môi thầm nhếch lên một nụ cười bí ẩn. Phập.

Những tiếng rú hãi hùng, những đôi vai co giật vì khiếp đảm. Cái đầu phó làng bắn ra, lăn lông lốc dưới sân đình. Kỳ lạ thay, nơi đoạn cổ vừa đứt lìa kia không rỉ ra lấy một giọt máu. Ðoạn thân phó làng giật lên, đổ xuống. Một khắc, hai khắc trôi qua, hốt nhiên hai ngón tay phó làng run nhẹ. Rồi Ngài vươn mình ngồi dậy trước sự kinh ngạc của tất thảy những người chứng kiến. Ðoạn thân không đầu đứng lên, hai cánh tay dang thẳng lên trời như thể biết ơn. Phó làng đi quanh đám dân đang run bắn lên vì kinh hãi. Ngài chỉ tay vào từng người, rồi chỉ về phía chiếc đôn, như muốn bảo các ngươi hãy làm theo ta. Một thanh niên bật dậy, bò về phía chiếc đôn. Cái đầu thứ hai rụng xuống. Y như phó làng, đoạn thân còn lại lập tức ngồi dậy, khỏe khoắn dị thường.

Không ai bảo thêm ai điều gì nữa, lần lượt từng người bước về phía chiếc đôn. Cứ thế cho đến kẻ sau chót. Thay thế dần những con người thối khẳn là những hình hài không đầu khỏe mạnh. Người cuối cùng kê đầu vào đôn chính là trưởng làng. Phập. Một dòng máu đỏ ối phun ra từ cổ trưởng làng. Ðầu Ngài lăn lông lốc. Không có tiếng rú, không có sự hãi hùng. Bởi tất thảy mọi người xung quanh không ai còn cái đầu để mà biểu cảm. Trưởng làng là người duy nhất không bao giờ đứng dậy được nữa.

Phó làng giờ đây đã thành trưởng làng. Ngài bước lại phía cái đầu của mình, ôm nó lên tay, đi về phía cánh đồng lớn nhất làng. Tất cả dân làng đều răm rắp làm theo. Loáng chốc trên sân đình chỉ còn cái xác trưởng làng nằm co trên vũng máu.

Những cái đầu được đặt xuống hố chôn. Một nghĩa địa đầu lâu kéo dài từ giữa cánh đồng ra đến mé sông. Từ đó hằng năm, đến ngày giỗ “đầu”, người ta lại tổ chức ăn mừng. Làng tiếp tục tồn tại, bình an, hạnh phúc. Những đứa trẻ được sinh ra, thuở sơ sinh chúng đều có đầu như nguồn gốc xa xưa, nhưng càng lớn, từng phần đầu cứ thế thoái hóa, rụng rơi dần. Ðến tuổi trưởng thành, tự nhiên chúng cũng không còn đầu nữa. Thảng trong số chúng đôi khi cũng có những kẻ không rụng được đầu. Trưởng làng phải trực tiếp cắt đầu cho chúng. Những đứa trẻ ấy bị xem là dị nhân, sau khi lớn không bao giờ được tiến cử vào những chức vụ quan trọng của làng. Chẳng những thế, chúng thường bị đày đọa trong sự e sợ của tất thảy dân làng. Bỏ đi làng khác cũng không sống nổi. Cứ lê thân rụi rọ đó đây, cho đến khi chẳng còn ai nhớ đến chúng nữa…

NDL