Một người hoàn toàn “dốt đặc cán mai,” một chữ Tiếng Việt bẻ đôi không biết, nhưng lại là tác giả của tập truyện “Quê Nhà,” được tái bản đến 9 lần. Người phụ nữ Anh Quốc này đã khiến độc giả khâm phục, khi đọc những nhận xét của cô về Tiếng Việt:
“Tiếng Việt rắc rối quá chừng. Từ cách phát âm cho đến nói trúng dấu. Ôi các dấu tí xíu ngoan ngoãn này đã “phá hoại” Ỷ Lan bao nhiêu lần, thành những “hiểu lầm” vĩ đại! Nào là những giọng nói ba miền. Sợ nhất là mấy ông Huế, cái gì cũng hóa ra “nặng” cả. Nào là cách viết mặt hóa ra mặc, sản thành sáng, làng thành “nà”ng…Ôi chao, tùy hứng đã đời, mặc kệ người ngoại quốc ôm đầu, đập trán… Muốn hiểu người Việt thì phải học cách ăn nói “bình dân” qua các câu tục ngữ, ca dao, và cách nói “bác học” qua các câu Kiều và thơ cổ. Rồi còn một kho tàng nói lái nữa!! Ỷ Lan thường theo dõi loạt bài “Người Việt Tiếng Việt” của anh Vân Xưa. Một người mà Ỷ Lan rất phục, xem như gương mẫu phản chiếu tâm hồnViệt Nam. Xem bài đó thất kinh hồn vía. Xưng hô thường lệ đã khó (đặc biệt đối với người Anh dân chủ, ai nấy đều xưng “me” gọi “you” như nhau, trừ Bà Hoàng Elizabeth II luôn luôn xưng “we” – chúng ta – vì Bà không là một cá nhân. Bà “đại diện” cho cả dân tộc Anh), thế mà tới nước Việt Nam ta có đủ lối xưng hô. Tùy theo tình cảm nóng lạnh mà ông, anh, mày, thằng… Tùy muốn tâng bốc hay hạ giá. Tùy thương tùy ghét. Lại còn cả lối thậm xưng, tôn xưng, vỗ ngực xưng… Thôi, kịch của ông Thạch Sĩ Bia (Shakespeare) phải chịu thua rồi!!! [“Khoảng Ðời “Trâu Ðánh.” Trang 29-30.]
Ỷ Lan tên thật là Penelope Faulkner, người Anh, sinh trưởng tại Cố Ðô York, chưa bao giờ đến Việt Nam nhưng lại yêu thương Việt Nam như là quê cha đất tổ. Bà là ký giả, là nhà văn, nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam, là thông tín viên của Ðài Á Châu Tự Do tại Paris. Bà cũng là Phó Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam, thuộc cơ sở Quê Mẹ, một tổ chức do nhà trí thức Võ Văn Ái thành lập. Ỷ Lan học Tiếng Việt, trở thành nhà văn ngoại quốc viết Tiếng Việt với tập truyện “Quê Nhà,” do nhà xuất bản Quê Mẹ phát hành năm 1988, tái bản 9 lần. Theo lời bà Lê Thị Huệ, chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Gió O: “Tập truyện này là một thành công đóng góp vào nền văn chương Việt hải ngoại, mà lại do người ngoại quốc viết.” Trong phần giới thiệu “Quê Nhà,” Thi Vũ cho biết: “Ỷ Lan là bằng chứng của cuộc chiến đấu mới này: ngòi bút và sự dấn thân chân thực làm kinh động lòng người… Phải chăng Ỷ Lan Penelope Faulkner là người ngoại quốc đầu tiên viết văn Việt? Trả lời câu hỏi này, là thấy ra nguồn hy vọng và niềm bí mật nhiệm màu của Quê Hương mà ta bỏ quên từ lâu.” [“Quê Nhà.” Trang 14] Mười truyện trong số 19 truyện ký của tập “Quê Nhà” đã được đài BBC Việt Ngữ ở Luân Ðôn, mời Ỷ Lan đọc trong hai chương trình đặc biệt, vào tháng 11 và tháng 12 năm 1985, và tháng 08 năm 1987 phát thanh về Việt Nam. Sự kiện này gây chấn động lớn trong lòng thính giả trên toàn quốc. Ỷ Lan trở thành hiện tượng đặc biệt, đối với người Việt tha hương và người Việt còn ở quê nhà.
Ỷ Lan viết: “Ðêm qua nằm chiêm bao, Ỷ Lan thấy mình về Việt Nam!! Rõ ràng như trước mắt. Con đường từ phi trường Tân Sơn Nhứt chạy về Sài Gòn. Thấy từng lớp người qua lại. Bụi tung mù sau bánh xe hơi vun vút. Cổ họng khô ran. Bụi rơi từng lớp dày trên loại ghế nơi có các quán cóc. Ghế không thấp như đòn, không cao bằng ghế trường kỷ. Nửa nửa lưng chừng ngang đầu gối. Và hàng quán có nơi ghi “Ở đây đặc biệt bán Nai đồng quê. Biết bao đêm, Ỷ Lan lên chiếc “mơ bay” riêng, lái bằng tốc độ “la-ze,” như chiếc máy sắp chữ ở tòa soạn Quê Mẹ, về thăm quê nhà vài tiếng trước giờ bình minh thức giấc… Nhưng giấc mơ hãi hùng nhất là chuyến về thăm Việt Nam đêm qua… Gió bão và mây đen quần tụ… Từng hồi rít lên rùng rợn. Những người đi đường áo rách, gầy gò, mặt mày xanh mét… Gió lốc mạnh một cơn, khiến tâm hồn Ỷ Lan bay bổng vào không trung đen tối!!” [“Một Nắm Tiền Bay.” Trang 88]
Người phụ nữ sinh trưởng tại Anh Quốc – xứ sở sương mù – lại mơ về Việt Nam, và đã cảm nhận “…Cá cũng như người, không thể sống xa nước. Nên Ỷ Lan trông đợi ngày về nước Việt, đi chung với các bạn Việt Nam sống ở xa. Và ngày đó, Ỷ Lan sẽ cầm một đèn pin thật lớn, thật sáng, về soi xứ Cần Thơ cho “canh thâu” tan biến.” [“Ðường Về Cần Thơ.” Trang 123]
HNP