
Trời bắt đầu chuyển sang Thu, gọi là thu theo lịch Pháp chứ ở cái dải đất miền Trung èo ọp này thì mưa như trút nước và nắng thì nẻ đầu. Thôi thì chạy xuống Hội An và mua ngay cái vé cano đi Cù Lao Chàm kẻo lại khó ra thăm hòn đảo này khi mùa đông đến.
Hồi ức thương cảng
Cù Lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Ðại 15km. Ðây là khu vực được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới vào năm 2009. Ðể ra được cụm đảo này, người đi chỉ cần bỏ ra 50 ngàn đồng để mua vé thuyền chợ, xuất phát từ chợ Hội An và đến đảo sau khoảng 1 giờ đồng hồ lênh đênh sóng nước. Nhưng với những người say sóng thì có vẻ chịu mất 150 ngàn đồng và lướt sóng biển cùng cano trong vòng 15 phút nghe ra có vẻ khả dĩ hơn. Hoặc cũng có thể mua luôn cái vé theo tour ra vào đảo trong ngày với giá 450 ngàn đồng.

– Cù Lao Chàm trở thành một thương cảng sôi động ở khu vực Ðông Nam Á trong nhiều thế kỷ và là điểm dừng chân của các thuyền buôn trong nước cũng như quốc tế trong con đường tơ lụa trên biển ngày xưa. – Cô hướng dẫn viên giới thiệu với đoàn khách của mình.
– Cái tên Cù Lao Chàm xuất phát từ Cù Lao của người Chàm phải không anh? – Một bà vợ hỏi ông xã của mình.
– Trước đây tôi đi tour có thăm viếng đảo Yến, sao giờ không thấy trong lịch trình đưa ra hả cô? – Một du khách
– Dạ, Cù Lao Chàm gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Ðúng là trước đây, mọi người có thể thăm hang Yến trên các đảo Hòn Lao, Hòn Tai. Nhưng hai năm trở lại đây, phía công ty đã hủy lịch trình này để trả lại môi trường tự nhiên cho Yến.
– Nghe đâu Yến ở đây có từ khoảng thế kỷ 17, hồi đó, các Chúa Nguyễn đã cho lập “Ðội Thanh Châu”, thực chất là giao cho dân làng Thanh Châu ở Hội An khai thác Yến sào ở vùng đảo Cù lao Chàm và nộp thuế hàng năm. – Một nữ du khách khoảng 50 tuổi tiếp câu chuyện.
– Tôi có ông anh bà con đang thuộc đội khai thác Yến của Hội An. Bữa nay đội này do thành phố quản lý luôn rồi. Ổng bảo muốn khai thác Yến sào phải leo lên các vách đá cheo leo, nguy hiểm lắm. Bên dưới là mặt nước biển ăn sâu vào hang sâu, nếu sơ sẩy, rất dễ mất mạng. Mà ổng nói là mỗi năm khai thác có hai hoặc ba kỳ thôi, vào tháng 4 và tháng 8 hàng năm thì phải. Mỗi kỳ vậy đi khoảng hơn một tuần.


– Bữa nay người ta xây mấy cái nhà kín, đặt mấy cái máy dụ Yến của tụi Trung Quốc sản xuất đầy trong đất liền. Có phải vậy nên ngoài này ít Yến hơn, cũng chẳng còn mấy, nên người ta không cho đến không nhỉ?
Ði cùng cano với chúng tôi còn có khoảng 10 người khác, mọi người trước lạ sau quen nhưng dường như ai cũng hứng thú khi bàn luận về món tổ Yến thiên nhiên có giá trị khoảng 3,500 USD mỗi ký lô này.
Cano đưa chúng tôi đến Bãi Làng của Cù Lao Chàm vào khoảng 10 giờ sáng, vẻ đẹp hoang sơ với không khí trong lành nơi đây hấp dẫn đến khó tả.
Cuốc bộ qua bến đò, leo lên mấy bậc thang, bỏ qua khu chợ Tân Hiệp, tôi tìm đến những ngôi nhà nằm bên con đường nhỏ quanh co. Cuộc sống mọi người ở đây có vẻ yên tĩnh ngoại trừ một số gia đình mở được quán ăn hải sản phục vụ khách du lịch, tuy ế ẩm do biển chết nhưng cũng khá hơn nhiều gia đình khác. Gặp một phụ nữ đang ngồi nhóm bếp, sau một hồi bắt chuyện, cô này giới thiệu tôi vào ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 17 do Ngài Hương Hải Thiền sư khai sơn, ban đầu chỉ là một am nhỏ. Sau này đệ tử đời thứ 4 của Ngài là Hải Lượng Ðại sư đã vận động xây dựng chùa và lấy tên là chùa Hải Tạng.

– Mời con uống nước, ở đây cô chỉ có nước sôi nguội (nước đun sôi để nguội – UC) thôi. Chút vào trong chùa có nước lá rừng ngon lắm con!
– Mỗi trong chùa có hả cô!
– Ừ, ở mấy nhà hàng hoặc quán nước cũng có con. Nhưng trong chùa là lá rừng thật. Ở đây bà con khó khăn lắm, làm không dễ gì đủ ăn ngày hai bữa. Nên mỗi khi có ai vào rừng thì hái lá về để cúng dường. Ai vào chùa viếng cảnh cũng được mời uống nước lá rừng miễn phí.
– Con thấy bên nhà hàng có rau rừng, chút ra chợ mua về được không cô?
– Khó lắm con, không biết sao nhà hàng họ có món đó chứ ở đây hai năm nay bên xã họ cấm hái rau rừng rồi. Bữa nay cái gì cũng cần bảo vệ vì rau cũng hết, san hô cũng hết mà Yến cũng chẳng còn mấy con…


Cám ơn cô chủ nhà mến khách, tôi tiếp tục vào sâu trong làng. Ðang kỳ nghỉ hè nên không khó để bắt gặp mấy đứa trẻ đang chơi ô ăn quan, nhảy dây mây… Ở đây, việc đi học của trẻ em cũng không dễ dàng gì, muốn học cấp 3 thì phải vào Hội An ở trọ. Nhất là ở thôn Bãi Hương, thôn xa nhất ở xã Tân Hiệp. Nghe một cô giáo nói rằng, ở Bãi Hương, trẻ em học ghép với nhau. Vài trẻ học lớp một ghép với lớp hai, vài trẻ lớp ba ghép với lớp bốn, nhưng mỗi lớp cũng được có vài em. Ðường đi học cũng khó đi. Phần lớn ba mẹ của các em bên đó đều đi biển từ chiều tối đến sáng sớm thì về nên nhiều khi cô giáo chăm luôn cả mấy bé nhỏ.
Mà kể cũng lạ, nhiều người chạy tiền để dạy ở thành phố, hoặc có người lên tận núi cao nhưng chẳng mấy ai chịu ra đây để dạy. Có lẽ do cái thôn này ở cách thành phố không xa nhưng lại cách trở bởi biển cả nên chỉ có mấy cô giáo sinh ra và lớn lên ở đây, gắng học hành rồi về dạy lại cho các em. Nhưng cũng chẳng được mấy người,vì ở đảo toàn là người trung niên, người già, trẻ con, chứ còn người trẻ thì họ vào đất liền học rồi kiếm việc, ở lại trong đó luôn.
Người Chàm nay về đâu
Trời bắt đầu chuyển sang trưa, dưới cái nắng miên man biển đảo, một cụ già ngồi trước cổng ngôi chùa nhìn về hướng núi, hỏi thăm thì cụ nói là những người Chàm đi về hướng đó.
– Người Chàm nào hả bà? – Tôi hỏi.
– Người Chàm về núi cháu à. Thời ba mẹ bà dẫn anh em bà ra đây. Khoảng năm 50, 60 gì đó. Ở đây có mấy ngôi nhà thôi. Hồi đó còn nhiều người Chàm lắm! Nhưng không biết sao, dần dần họ lùi sâu vào núi. Khoảng hai mươi năm trước thỉnh thoảng bà còn thấy vài người nhưng vài năm nay thì không còn thấy ai nữa.
– Bà nhìn núi tìm họ à!
– Không, bà đang đợi con. Bà có ba người con, một đứa hơi bị điên nên không có vợ có con gì được. Thằng nữa thì lấy vợ rồi, bà có cháu rồi nhưng nó làm cũng không đủ ăn. Bà đợi đứa con gái đang rửa chén ở Hội An. Nó cũng gần 50 rồi, không chồng con gì cả. Thỉnh thoảng cũng về thăm bà!
– Sao bà nhìn núi hoài?
– Ừ, hồi xưa bà ra bến cảng ngồi đợi. Nhưng giờ nhiều khi nhìn người ta đi hoài, chóng mặt quá, lâu lâu cũng có mùi thối bốc lên nữa, bà già rồi, không chịu nổi. Nhà bà gần ngoài đó đó, chỗ có cái võng mắc ngang đó, chút con ghé chơi. Trưa trưa bà ngồi thế này, bà đợi… mỗi lần mặt trời qua bên kia núi là hết một ngày. Cứ hết tháng là nó xin về thăm bà được một ngày…
Bà vẫn ngồi đó, ngắm đàn cò bay qua như nhìn một đàn thiên di. Ðã từng có một cuộc thiên di của những người Chàm ra nơi hoang vu này để rồi đến năm 1306, hai Châu Ô và Lý thuộc về Ðại Việt, một cuộc thiên di mới của người Việt tràn ra nơi này, đẩy dần người Chàm về rú. Mãi cho đến một ngày, không tìm thấy bóng dáng của họ trên hòn đảo này… Tự dưng thấy lo sợ cho một cuộc thiên di mới của những kẻ thô lỗ, dường như đâu đó đã bốc mùi…!
Ngồi được thêm lúc, tôi đành tạm biệt bà để ghé vào thăm ngôi chùa cổ, thăm bảo tàng Hoàng Sa ở Cù Lao Chàm, nơi người ta đặt một vài mái chèo gãy, một ít ngư cụ… rồi thăm giếng cổ. Nhiều du khách đang cố gắng chen nhau để xin uống ngụm nước giếng. Bởi theo lời giới thiệu của những hướng dẫn viên thì uống 3 ngụm sẽ sinh được con gái, uống một ngụm sẽ sinh được con trai.

Ngoài kia, bên Bãi Ông, mười mấy chiếc cano xếp dài bãi biển, những đoàn khách ghé vào nhà hàng có hàng dừa thẳng tắp để dùng bữa. Thực đơn gồm có hải sản biển, rau rừng và thịt quê.
Cano của công ty du lịch cũng đưa du khách đến Bãi Chồng để tắm biển, rồi tắm lại nước ngọt, thay đồ sau khi theo đoàn đi ngắm san hô.
Trên cao, nhiều người bỏ ra 500 ngàn đồng để thuê dịch vụ cano kéo bay, rồi người ta mua thêm cái túi tự hủy với giá 5 ngàn đồng nếu muốn đựng thứ gì, bởi ở đảo này, có quy định không mang bao nilong lên đảo. Ngay cả đi chợ, người dân cũng dùng lá chuối hoặc giấy báo cũ để bọc thức mua…
Có vẻ, công nghệ du lịch đã giúp cho một nhóm nhỏ người trở nên giàu có. Nhưng lẩn khuất đâu đó, cuộc sống của dân đảo vẫn kham khổ làm không đủ ăn. Mong rằng theo thời gian sẽ không còn những đoàn người trong số gần một ngàn người sinh sống ở đây lùi sâu vào núi…!
UC