Menu Close

Trần Thiện Đạo: khi nghĩa tử không là nghĩa tận… – (kỳ 2)

Về dịch phẩm “Những ruồi” của Phùng Thăng

Nhìn lại văn học Miền Nam, nhất là phần dịch thuật ta phải nhắc tới hai tên tuổi Phùng Khánh và Phùng Thăng với những dịch phẩm Câu Chuyện Dòng Sông, Sói Đồng Hoang, Những Ruồi… Riêng Những Ruồi bị học giả Trần Thiện Đạo trong nhóm trí thức Pháp ở Paris đánh tơi tả tổng cộng là ba lần: lần đầu năm 1967, lần thứ hai năm 2001 và gần nhất năm 2008. Kể cả sau khi Phùng Thăng và con gái nhỏ đã chết thảm khốc khi vượt biên bằng đường bộ qua Miên năm 1975. Trong lần cuối (?) vào năm 2008, Trần Thiện Đạo đã mượn tay nhà cầm quyền trong nước để đánh. Việc làm của Trần Thiện Đạo khiến nhà văn Trần Hoài Thư bất bình viết bài phản bác. Sau đây chúng tôi xin trích đăng bài viết của Trần Hoài Thư như một tài liệu thư tịch.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Trần Thiện Đạo: khi nghĩa tử không là nghĩa tận…

Như chúng ta đã biết, Trần Thiện Ðạo trong những năm qua kể từ 1967 đến 2008 đã liên tục đánh phá Những Ruồi của Phùng Thăng. Ông cho rằng dịch phẩm Những Ruồi là “một cái kho chất chứa chật ních và đầy đủ hết mọi lỗi lầm trong phép dịch văn”, “bản dịch vừa phản vừa diệt”, “không giữ tánh cách Việt Nam”, “vô nghĩa”, “thiếu nghĩa”, “tối nghĩa”, “lòng thòng”, “dịch ẩu”, “dịch càn”. “sai cả mẹo luật tiếng Việt Nam”. Ông to mồm sỉ vả Phùng Thăng, thậm chí khi Phùng Thăng và con gái nhỏ đã chết thảm khốc dưới bàn tay Khmer Ðỏ và cuốn Những Ruồi đã bị vùi chôn, ông vẫn đào bới lên, mượn bàn tay nhà xuất bản của Hà Nội để đập phá. Những điều Trần Thiện Ðạo viết về Những Ruồi không phải tất cả đều đúng trong khi khả năng dịch thuật của họ Trần còn nhiều chỗ sai lầm, vụng về và thiếu sót. Không chịu nổi thái độ hung hăng, tàn nhẫn của Trần Thiện Ðạo, nhà văn Trần Hoài Thư đã mạnh dạn lên tiếng phản bác trong bài Trần Thiện Ðạo: Khi Nghĩa Tử Không Là Nghĩa Tận mà chúng ta đã trích đăng phần đầu. N&BH

Sau đây vẫn là lời của Trần Hoài Thư:

“Khả năng dịch thuật của TTÐ được Nhị Linh (tức Cao Việt Dũng sinh năm 1980) nhận định như sau:

“Trần Thiện Ðạo kém Phùng Thăng quá, quá xa, đến mức không thể so sánh được. Trần Thiện Ðạo rành tiếng Pháp, nhưng là một thứ tiếng Pháp máy móc, không có gì đặc biệt, và nhất là, Trần Thiện Ðạo có một thứ tiếng Việt của trẻ con học đòi làm người lớn. Khi dịch Le Petit Prince, Trần Thiện Ðạo chính là người nhầm Ðại Tây Dương thành Thái Bình Dương, không những thế còn tạo ra một cụm từ theo tôi là đỉnh cao của lịch sử dịch thuật lẫn lịch sử dùng từ của Việt Nam: “tể tướng bộ tư pháp”. Ngoài đó ra, ở các bản dịch khác, Trần Thiện Ðạo cũng thế. Nhưng mấy điều này, theo tôi chẳng quan trọng mấy, quan trọng nhất là, Trần Thiện Ðạo tạo ra một mẫu hình tuyệt vời cho sự nhất thiết phải tránh ở dịch thuật: không biết tiếng Việt nhưng lại rất to mồm. Và Trần Thiện Ðạo cũng là điển hình cho một nhóm trí thức của các diaspora Việt Nam ở nước ngoài. Ðặc biệt về “nhóm Paris”, tả hay hữu, tôi có nhiều điều để nói lắm, nhiều lắm lắm.” (Nhị Linh: Văn chương miền Nam: Phùng Thăng, nguồn: http://nhilinhblog.blogspot.com/)

Và Trần Hoài Thư tiếp tục nhận định: “Riêng tôi, bằng chứng về khả năng Việt ngữ của TTÐ, thì tôi có đây, nhiều lắm. Chỉ đưa ra vài ví dụ điển hình.  Ðó là  TTÐ dịch chữ Littérature là “văn nghệ” trong khi bất cứ một học sinh trung học nào cũng biết nghĩa của nó là văn chương, văn học. Văn chương và văn nghệ khác nhau một trời một vực!

“Không ai ngu gì mà dịch Prix Nobel de littérature  là “giải Nobel văn nghệ” hay littérature vietnamienne là “văn nghệ  Việt Nam” !!!

“Còn  một chữ rất căn bản khác. Ðó là chữ “les”. Ông dịch là “mấy”!

“Khủng khiếp hơn là ông dùng cái cụm từ  “đa cậu”, “nhà chổng đít”… để dạy Phùng Thăng  là “phải giữ tánh cách VN” !!!

“Không ai tự cho mình là người dịch giả toàn hảo, bởi kẻ ấy không phải là tác giả. Cũng chưa hề có dịch giả nào lại đi chê tác giả (chúng tôi sẽ nói sau).  Vấn đề chính là dịch làm sao để người đọc hiểu, và cảm thấy hợp lý hay không. Dù khả năng ngoại ngữ siêu đẳng cách mấy nhưng dịch chữ littérature là văn nghệ  hay Ðại Tây Dương thành Thái Bình Dương hoặc “tể tướng bộ Tư Pháp” như chủ Blog Nhị Linh đã đưa ra, thì cũng khó mà mang cho độc giả một chút gì tin cậy vào khả năng Việt ngữ của dịch giả.

“Tôi đã đọc nhiều bài phê bình, nhưng chưa có một bài phê bình nào lại mang những luận điệu hằn học, miệt thị đến độ điên cuồng như ông Trần Thiện Ðạo phê bình Những Ruồi của Phùng Thăng.

Còn từ ngữ nào hơn để Trần Thiện Ðạo “đánh”, “phang” Phùng Thăng? Ðánh vào năm 1967, chưa hả, đánh thêm vào năm 2001. Chưa hả! Lại bồi thêm vào năm 2008 trong khi PT đã chết, lại chết thảm, trong khi sách bị đốt thành tro bụi, tìm nó như tìm vàng, phải nhờ vào thư viện Cornell?

“Ðây là một vài ví dụ trong bài chửi này:

Trước hết là chữ “những”:

Trên đời nay tôi chưa bao giờ thấy ai lại dị ứng cái chữ “những” như Trần Thiện Ðạo.

PT dịch les mouches là “những ruồi”, ông sửa lưng phải dịch là “ruồi”!

Ông dạy PT phải “giữ tánh cách Việt Nam” !

Dưới đây là nguyên văn ông trưng ra để chê bai Phùng Thăng:

Nguyên tác : (…) Ah! que, les mouches d’Argos m’ont l’air beaucoup plus accueillantes que les personnes. (…)(Les Mouches, sđd, tr. 14)

Phùng Thăng dịch : (…) A! Vậy đó, những con ruồi ở Argos đối với tôi lại có vẻ niềm nở hơn những con người. (…)

Và ông dạy PT phải dịch như ông để “giữ tính cách Việt Nam”:

 (…) Ý, trời mấy con ruồi này coi bộ biết niềm nở hơn con người ở Argos nhiều đó, đa cậu. (…)

Ông thay “những con ruồi”  bằng “mấy con ruồi” và “những con người” bằng “con người”.

Thú thật đọc đoạn ông dịch để “giữ tánh cách VN”, tôi không khỏi phì cười. Nhất là 2 chữ “đa cậu”. Thưa ông, tôi là dân Trung, nghe chữ “đa cậu” có vẻ làm sao ấy.
“Còn nữa. Cụm từ mấy con ruồi mà ông dịch từ les mouches, tiếng Tây là quelques mouches! Quelques nghĩa tiếng Việt là “mấy, vài”! Quelque (số ít), Quelques (số nhiều), khác với les mà ông!

“Còn nữa. Bạn có bao giờ nghe ai nói là ngôi nhà “chổng đít” ra đường không?

Vậy mà TTÐ lại dịch, nói là để “giữ tánh cách Việt Nam”:

Nguyên tác:

Elles les ouvrent sur des cours bien closes et bien sombres, j’imagine, et tournent vers la rue leurs culs. (…) (les mouches, tr.12)

TTÐ dịch:

…Chắc là loại nhà này cửa sổ ngó ra sân sau kín bưng và om tối và chổng đít ra đường (…)(tập san Văn số 2, tháng 12-1967 )

Tôi thì chỉ nghe động tác “chổng mông”, “chổng đít”, “chổng khu” chỉ dành cho con người, đôi khi con vật… (Thường thường, nó mang cảnh tượng chẳng đẹp đẽ gì, khiến phái nữ phải đỏ mặt và các bà mẹ phải bịt mắt con cái không cho nhìn) chứ chưa bao giờ nghe ai nói dành cho ngôi nhà! Ðúng là dịch giả số một TTÐ!

Còn nữa, hết dạy tiếng Tây, TTÐ lại dạy tiếng Nho.  Ông chê Phùng Thăng dịch cẩu thả: Người thiếu phụ trẻ (dịch Une jeune femme). Ðã “thiếu” phụ sao lại còn “trẻ”?

Tôi rất dốt chữ nho nên chỉ tìm hiểu qua GOOGLE. Ðể xem có bao nhiêu kẻ “cẩu thả” như PT,  thử google search “thiếu phụ trẻ” trên Mạng chúng ta sẽ thấy có tất cả 22100  bài viết sử dụng cụm từ “thiếu phụ trẻ”. (Ðó là chỉ dùng Unicode, chưa kể VNI, VPS, VIQR, VISCII. ..).

Còn cái cụm từ “trường phái Chú Mục” mà TTÐ tự sáng chế khi  dịch từ “La Force des choses” (trang 648) của Simone de Beauvoir thì zero!

Kết luận

Ngôn ngữ nói lên phẩm chất của nhân vật. Mỗi thứ ngôn ngữ phải có chỗ đứng của nó.

Văn chương của Phùng Thăng chính là con người của bà: Một loại văn chương chọn lọc, sang cả, cẩn trọng. Ngôn ngữ Phùng Thăng sử dụng lột tả được vai trò của Thần, của Gods… đồng thời cũng vẽ lên được nhân cách quá đẹp của bà – Phùng Thăng, một đời tài hoa bạc mệnh!

Trần Thiện Ðạo lầm lẫn “tính cách Việt Nam” với sự sàm sỡ, với ngôn ngữ cục mịch. Những chữ như “Ý, trời!” hay “… đa cậu” “cậu nè”, “như vầy”, “chổng đít” mà TTÐ cố nhét vào “Ruồi” của ông, chúng chỉ hay khi phát ra từ miệng một người dân quê Nam Bộ, thuở xã hội còn sơ khai, như các nhân vật trong Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam chẳng hạn .

Ðọc ngôn ngữ phê bình của TTÐ, chúng ta nhận ra một thứ ngôn ngữ của một con người võ đoán, hẹp hòi,  ngạo mạn, coi thiên hạ là đồ bỏ, luôn luôn muốn làm thầy thiên hạ.

Bản chất này được biểu lộ qua những câu như:  “phải dịch như sau thì mới đúng và có nghĩa”, “phải dịch như sau đây thì mới sáng nghĩa” trong bài viết của ông.

Nói như Nhị Linh: TTÐ là kẻ “ không biết tiếng Việt nhưng lại rất to mồm”  !

Vâng to mồm thật. Ngay cả Camus,  TTÐ cũng còn chê là “viết lủng củng bắt ông ta cũng dịch lủng củng theo” trong khi ông không phải đẻ ở Pháp mà qua Pháp  lúc 15 tuổi, làm Tây mũi tẹt, đáng xách dép cho Camus!

Ông thật xứng đáng làm giáo chủ của trường phái “nghĩa tử không là nghĩa tận”!

THT

(Trích từ tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 71 phát hành tháng 8 -2016 chủ đề: Chiều đầy bông Phùng Thăng)