Nhóm G7 được thành lập năm 1976 bao gồm những quốc gia Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản. Đây là những cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới vào lúc đó và cũng là những quốc gia dân chủ. Đã có lúc nước Nga được mời tham gia và G7 được đổi thành G8. Nhưng kể từ khi Nga ngang nhiên chiếm rồi sau đó sáp nhập bán đảo Crimea lại thì Nga bị “rút thẻ” hội viên và G8 trở lại thành G7 như cũ.
Những năm sau 1976, trật tự thế giới đã có nhiều thay đổi, những quốc gia trước kia nghèo thì nay đã có nền kinh tế tăng trưởng và vững chắc, đồng thời một số quốc gia đổi từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ. Từ những thay đổi đó, nhiều người cho rằng G7 không còn thích hợp với tình thế mới của thế giới và do đó G20 được thành lập vào năm 1999 bao gồm ngoài bảy quốc gia trên và Nga còn có thêm những quốc gia khác như Trung Quốc, Nam Hàn, Ấn Ðộ, Úc, Brazil, Argentina v.v… thành tổng cộng 19 quốc gia và thêm Liên hiệp Âu châu.
Mục đích của G7 là tìm sự hợp tác trên các vấn đề kinh tế đang thử thách các cường quốc kinh tế kỹ nghệ, trong khi G20 phản ảnh những lợi ích rộng lớn và thiết thực hơn cho những quốc gia kinh tế đã phát triển cũng như đang phát triển.
Nền kinh tế của G20 hiện nay chiếm tới 85% tổng sản lượng nội địa (GDP) và bao gồm hai phần ba dân số của cả thế giới.

Lúc ban đầu, G20 chỉ là diễn đàn để các bộ trưởng tài chánh của các nước gặp nhau thảo luận. Nhưng kể từ năm 2008, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, G20 đã biến thành diễn đàn của các lãnh tụ những quốc gia và tổ chức trên. Những cuộc họp thường niên của các bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng trung ương vẫn được tiếp tục, và họ đóng góp thêm tiếng nói vào những cuộc thảo luận tại các cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh tụ. Các lãnh tụ của G20 gặp nhau ba lần từ năm 2008 đến năm 2010, và kể từ năm 2011 trở đi, thượng đỉnh của các lãnh tụ G20 được tổ chức mỗi năm một lần.
Năm nay, thượng đỉnh G20 được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, trong hai ngày 4 và 5 Tháng 9. Ðây là lần đầu tiên thượng đỉnh được tổ chức tại Trung Quốc và là lần thứ nhì tại Á châu (Nam Hàn năm 2010).
Nhưng tại sao Trung Quốc chọn Hàng Châu mà không chọn Thượng Hải hay Bắc Kinh, hai thành phố quan trọng hơn – một là trung tâm thương mại và một là thủ đô?
Theo giới quan sát quốc tế thì việc chọn Hàng Châu ít nhiều có hàm ý chính trị. Ðây là một thành phố cổ, nằm cách Thượng Hải khoảng 200 cây số về hướng tây nam, từng nổi tiếng qua thơ văn với hình ảnh Tây Hồ, đặc biệt trong thơ Tô Ðông Pha mà đến nay người dân ở đây còn nhớ và đã cho tạc tượng kỷ niệm ông. Nay Hàng Châu đã trở thành một thành phố hiện đại, nơi nhiều công ty kỹ thuật đặt bản doanh, nổi tiếng nhất là công ty Alibaba (kiểu như Amazon của Mỹ) do Jack Mã thành lập từ năm 1999.

Hàng Châu còn nổi tiếng về tơ lụa và từng là trạm dừng chân trên con đường tơ lụa xưa kia. Nay Trung Quốc đang có tham vọng mở ra một con đường tơ lụa mới cho thế kỷ 21, vừa trên bộ vừa trên biển, với cái tên mỹ miều là “Một vành đai, một con đường” (Nhất Ðới Nhất Lộ – One Belt One Road).
Hàng Châu cũng là nơi làm nên tên tuổi Tập Cận Bình và nhờ đó đã đưa ông lên vị trí tột đỉnh quyền lực như hiện nay. Trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2007, Tập từng nắm những chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Chiết Giang mà thủ phủ là thành phố Hàng Châu, thành công trong những chính sách chấn hưng kinh tế trong khu vực.
Ðể chuẩn bị cho thượng đỉnh G20, chính quyền trung ương Trung Quốc đã tiêu tốn nhiều tỉ Mỹ kim để xây dựng một số xa lộ mới và ba tòa nhà chung cư cao tầng nằm gần địa điểm của khu trung tâm thương mại và hành chánh International Expo Centre, nơi tổ chức thượng đỉnh và vừa được hoàn tất vào Tháng 4, 2016, với kinh phí xây dựng cho riêng trung tâm này đã lên đến khoảng $1 tỉ Mỹ kim.
Khoảng 225 nhà máy được lệnh đóng cửa, một nửa số xe cộ trong thành phố bị cấm chạy để giảm bớt nạn ô nhiễm và tình trạng kẹt xe. Ðồng thời một phần ba dân số của Hàng Châu được nhà nước khuyến cáo rời khỏi thành phố đi nghỉ ở một nơi khác trong mấy ngày diễn ra cuộc họp. Ðiều này đủ cho thấy nhà nước Trung Quốc rất quan tâm đến việc tổ chức thượng đỉnh G20 Hàng Châu và muốn dùng nó như một phương tiện để một lần nữa quảng bá Trung Quốc như họ đã từng làm với Thế vận hội Bắc Kinh 2000, nhưng lần này với vai trò là quốc gia lãnh đạo thế giới trong tương lai và hiện là nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới với tham vọng một ngày nào đó sẽ vượt Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, thượng đỉnh G20 diễn ra nhằm vào lúc tình hình kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu rạn nứt và tình hình chính trị thế giới chưa biết đi về đâu với vụ Brexit vừa xảy ra vào Tháng 6 và kết quả là Vương quốc Anh sẽ rời khỏi khối Liên Âu trong vòng một hai năm tới.
Trung Quốc còn có tham vọng muốn được nhìn nhận như một cường quốc có trách nhiệm, và muốn thế giới quên đi vụ sụp đổ giá trị của đồng nguyên và thị trường cổ phiếu hồi đầu năm, và một nền kinh tế nội địa tăng trưởng chậm chạp, uể oải. Ðây là những thử thách rất lớn đối với Trung Quốc đang ngày càng bị các quốc gia hợp tác kinh tế cáo buộc về một chính sách bảo hộ mậu dịch, tạo thêm khó khăn cho những công ty ngoại quốc muốn vào đầu tư và nghi ngờ về sự mờ ám của một chính sách tiền tệ cố tình kìm giá đồng nguyên thấp để hàng xuất cảng Trung Quốc được lợi thế.
Trong khi chủ đề của thượng đỉnh G20 lần này là “Hướng tới một nền kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, kết nối và toàn diện”. Tuy nhiên, đó chỉ là một khẩu hiệu suông vì cho đến nay ai cũng thấy tất cả mọi chính sách trong nội địa Trung Quốc, từ chính trị, kinh tế cho đến những sinh hoạt của người dân, đều bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ và ngày càng tỏ ra siết chặt hơn.
Theo nhận định của nhiều kinh tế gia hàng đầu, muốn có một nền kinh tế sáng tạo và năng động thì Trung Quốc cần phải cải tổ lại cơ cấu kinh tế cơ bản của họ, là phá bỏ hệ thống kinh tế độc quyền và xơ cứng là những công ty quốc doanh do nhà nước làm chủ và tư nhân hóa những công ty này.
Nhưng điều này sẽ không xảy ra, hay ít ra là sẽ không xảy ra ngay lúc này, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghi ngại sẽ đưa đến những rủi ro chính trị. Một hệ thống kinh tế tự do hơn sẽ là một trở ngại lớn đối với đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc nắm quyền kiểm soát chính trị tại đất nước này. Hậu quả là Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện được giấc mộng của họ là trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới.

Ðúng một năm trước đây, Trung Quốc cho tổ chức một cuộc diễn binh thật hoành tráng để kỷ niệm 70 năm đánh bại Nhật Bản trong Thế chiến II. Trên thực tế lịch sử, không phải Ðảng Cộng sản Trung Quốc mà chính là quân đội chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch đã đánh bại Nhật Bản. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại G20 Hàng Châu đã được mời tham dự nhưng phần đông từ chối vì họ thừa hiểu cuộc diễn binh trên chỉ là ý đồ tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc rằng họ từng là nạn nhân của thế giới và nay đã là một cường quốc trong thế kỷ 21.
Tháng 7 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã cực lực bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Ðông, nói rõ rằng Trung Quốc đã vi phạm luật lệ quốc tế. Một khi Trung Quốc không chịu công nhận luật chơi quốc tế thì điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc chỉ muốn áp đặt và bắt các nước khác chơi theo luật chơi của họ. Ðây không thể là hành động của một quốc gia lãnh đạo thế giới và cho dù Trung Quốc có cố gắng cách mấy thì cũng khó thuyết phục các nước khác nghe theo họ.
Ta có thể kết luận ở đây là Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng để lãnh đạo một thế giới đầy những bất trắc như hiện nay.
VH