Menu Close

Bụi đời!

Thưa, ‘home’ là gia đình, là nhà, là chỗ ở. Còn nói văn chương hơn một chút home là ‘tổ ấm’. Khi Trời sập tối, cánh chim  bạt gió bao giờ cũng muốn bay về ‘tổ’ vì nơi đó ‘ấm’.

Còn thêm tiếp vĩ ngữ ‘less’ (không) thành ‘homeless’ nghĩa là những kẻ không nhà, không cửa, những người vô gia cư. Sinh vô gia cư, tử vô địa táng. Sống không có nhà ở, chết không có đất chôn. Lang thang phiêu bạt, không nhà cửa.

Không có ‘tổ ấm’ để bay về, phải lang thang ngoài trời Ðông, dĩ nhiên là rất lạnh!

Không phải một xã hội từng ly loạn như Việt Nam mình mới có nhiều kẻ bụi đời, không một mái nhà, mà cả ngay nước Mỹ, cường thịnh nhất trên thế giới, nước Úc, ‘lucky country’, đất nước phúc địa, hay cả nước Anh, thời Ðế quốc, đã từng khoe rằng: “Mặt trời không bao giờ lặn ở Ðế quốc Anh!” cũng có vô số người vô gia cư.

Không có xã hội nào là hoàn hảo, là toàn bích cả. Ngay những nhân vật đình đám giàu có và nổi danh, đang sống một đời nhung lụa, chúng ta thường tưởng rằng cuộc đời của họ trên từng bước đi đều trải những đóa hoa hồng. Sự thực thì trái lại. Họ đã từng có một thời homeless.

Charlie Chaplin, là diễn viên hài nổi tiếng nhứt của thời đại phim câm và thần tượng của mọi thời. Trước khi tác phẩm đầu tiên của Chaplin được trình chiếu ngoài rạp hát, ông đã phải trải qua một thời kỳ sống vô cùng vất vả.

Mồ côi cha khi lúc còn rất nhỏ. Mẹ thì nằm bịnh viện liên miên vì bịnh tật, Vua hề Sác Lô phải ngủ bờ, ngủ bụi trên đường phố Luân Ðôn.

Hay tài tử Daniel Craig, tiền thù lao lên đến 20 triệu đô cho một phim, chơi toàn hàng hiệu, quần áo do Tom Ford cắt may, ly bén ngót, sờ tới là đứt tay. Xe xịn Aston Martin DBS V12, cái cell phone là Xperia Z5 của hãng Sony, là siêu sao James Bond của thời đại ngày nay. Ít ai biết được là Daniel Craig đã từng khánh kiệt, phải ngủ trên băng đá công viên, từng chật vật kiếm tiền cho từng bữa ăn một. Ðời nghèo túng cơ cực, không có một xu trong túi, vì mãi lo chạy đuổi một giấc mơ tưởng chừng như không tưởng.

Tuy nhiên trong cả hàng chục triệu người vô gia cư trên toàn thế giới thì số người vượt qua được phần số để đi đến vinh quang quả không có nhiều. Chúng ta luôn bắt gặp rất nhiều người sa cơ thất thế, lang thang cơ nhỡ nhan nhản đầu đường xó chợ của các thành phố lớn toàn thế giới.

Rồi thái độ của người bình thường đối với những kẻ bụi đời phải sống bằng cách đi ăn xin ra sao?

Có hai thái độ đối nghịch nhau. Một là phê phán. Hai là muốn chìa tay ra giúp đỡ.

Thưa, có bà con mình nói: “Ngày mới qua, thấy nước Mỹ đầy cơ hội… Tui vội làm việc vất vả, đầu tắt mặt tối, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, vừa đi làm vừa đi học, để chụp lấy ngay cái American Dream (giấc mơ Mỹ) nầy kẻo hụt… Nhưng cùng lúc lại thấy những người vô gia cư, ăn xin trên đường phố Hoa Kỳ, hơi ‘bị’ nhiều, tui cũng nghĩ mấy tay nầy lười biếng quá, không chịu làm việc, chỉ ngồi đó xòe tay xin ông đi qua bà đi lại ở các ngã tư!”

Còn khỏe vì còn trẻ, trên dưới 20, mà mặt dầy, mày dạn vừa đứng cầm bảng: “No food! No money!” Tai vừa nghe nhạc và mông lắc lư liên tục… ‘bùm chát bùm!’

“Tui chỉ muốn xuống xe, ‘bùm chát bùm’, đạp cho nó một đạp!”

Người cho phần lớn lại là người Việt Nam, đôi khi trông ốm yếu, già cả hơn người đi xin.

Người Việt mình thì thương người như thể thương thân. Thấy ai đói rách lại càng thương hơn.

“Họ nói thất nghiệp, đói, nghèo thì mình giúp, còn họ nói dóc, nói láo là chuyện của họ. Mình cứ làm phước, ông Trời sẽ phán xét mọi việc!”

o O o

Thưa, “Vô gia đình” (tiếng Pháp: Sans famille), là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp, Hector Malot, xuất bản năm 1878, đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp. Nhiều nước trên thế giới đã dịch tác phẩm nầy, trong đó có nước Việt Nam mình với dịch giả Hà Mai Anh. Kiệt tác này đã được xuất hiện nhiều lần trên phim ảnh và truyền hình.

“Vô gia đình” là truyện về cậu bé Rémi bị bỏ rơi được gia đình nọ đem về nuôi. Một hôm cha nuôi làm việc ở Paris bị tai nạn và tàn phế trở về. Gia đình không kham nổi nữa đành đem Rémi cho một gia đình nghèo khác nuôi.

Sau đó Rémi đi làm mướn cho gánh xiếc rong của cụ Vitalis. Hai người đã đi lang thang khắp mọi miền nước Anh và Pháp, trình diễn xiếc để kiếm sống.

Rémi ấy đã lớn lên trong gian khổ, đã lang thang kiếm sống khắp mọi nơi, chung đụng với mọi hạng người. Em đã đói có mà no cũng có! Em là một người ‘sans famille’, một người ‘homeless’! Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, Rémi vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitalis là giữ phẩm chất làm người, là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích. Ông Trời có mắt, nên cuối cùng Rémi đã tìm lại được mẹ và em.

o O o

Mỗi đêm Melbourne và Bribane có từ 120 đến 130, Sydney có độ 350 người homeless, ngủ lang thang trên đường phố.

Nhu cầu căn bản và thiết yếu của một người vô gia cư cũng tương tự như chúng ta thôi: là ăn, ngủ và giặt giũ quần áo. Ăn thì có những chiếc xe van lưu động, chạy vòng vòng nơi người vô gia cư dễ tìm tới để được cho một chén súp, một lát bánh mì ‘sandwich’, một ly cà phê sữa hay một tách trà. Cũng có những ‘hostel’ dành cho người vô gia cư đến tạm trú qua đêm. Nơi có gắn cái tủ lạnh nhỏ, cái ấm nấu nước, cái máy truyền hình chạy bằng năng lượng mặt trời. Nhưng phải tới sớm, tới trễ ráng chịu. Ði kiếm chỗ khác để có chỗ ngủ và giặt đồ rẻ lắm cũng tốn tới 4, 5 chục đô. Tiền đâu có?

Thế nên cái nhu cầu thứ ba cũng quan trọng là giặt rồi sấy quần áo cho người vô gia cư chưa thấy ai lo. Nên năm rồi, ở thủ phủ Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Châu, hai người bạn từ hồi nhỏ, năm nay vừa lên 21 tuổi, tên là Lucas Patchett và Nicholas Marchesi nảy ra ý tưởng lắp vào chiếc van cũ, tên Sudsy, một máy phát điện nhỏ, một bồn chứa nước và hai cái máy giặt và hai cái máy sấy đồ cỡ lớn để đáp ứng nhu cầu ăn mặc quần áo sạch sẽ nầy cho những kẻ lang thang. Cái dịch vụ nầy được đặt tên là Orange Sky Laundry, theo tên bài hát của nhạc sĩ Alexi Murdoch. Bài hát diễn tả việc mình đưa tay ra cho những người đang cần, vịn vào để đứng dậy. Chiếc xe van có trang bị đầy đủ tốn 70 ngàn đô. Tiền vận hành, mỗi năm 10 ngàn đô nữa, thường đồng hành với những chiếc xe van cung cấp thức ăn miễn phí. Nhân viên phục vụ đều thiện nguyện.

Những người vô gia cư đến được đối xử đàng hoàng chớ hổng có cái vụ ra vẻ ta đây ‘ngon’ làm để ban ơn bố đức. Thiệt là quý hóa!

Chương trình nầy mở rộng xuống tới tiểu bang Victoria. Chánh phủ Úc và công ty Good Guys hiến tặng 100 ngàn đô.

Thưa, ‘Home’ còn có nghĩa rộng hơn là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rún.

Thế nên bà con mình đã từng là người vượt biên, vượt biển, đã từng là người tỵ nạn, tất đã từng là kẻ không nhà homeless vì mất quê hương, ai mà không từng phải tạm trú trong những cái ‘hostel’ chớ!

Ðêm Ðông, trong căn nhà ấm, bạn có nhìn qua cửa sổ để thấy mưa đêm ướt dầm ngoài khung cửa kiếng, để nghĩ tới những người homeless đêm nay co ro bên hiên nhà ai đấy mà tự hỏi lòng mình:

“ Ðêm Ðông/ Ai lê bước chân phong trần tha hương/ Có ai thấu tình cô lữ đêm Ðông không nhà?”

Bảo Huân
Bảo Huân

DXT – melbourne