Menu Close

Những người bay không có chân trời

Tôi khóc cho những người bay không có chân trời

Câu thơ của Trần Dần nói lên một thực trạng: Đã có thời những nghệ sĩ sáng tạo (những người bay) không có chân trời nghĩa là không có không gian phóng khoáng, tự do để họ hình thành những công trình tim óc của mình. Trước hết chính bản thân Trần Dần có lúc là hiện thân của con người bay mà không có chân trời đó. Ông từng viết: Tôi bước đi / không thấy phố / không thấy nhà / chỉ thấy mưa sa / trên màu cờ đỏ… Mưa sa và màu cờ đỏ đó đã che kín chân trời. Người nghệ sĩ chỉ còn niềm tuyệt vọng cay đắng. Chính Trần Dần đã có lúc cắt mạch máu tự tử vì tuyệt vọng.

Những người bay không có chân trời… là như thế. Nhà cầm quyền Cộng Sản trong mấy chục năm cai trị Miền Bắc đã cấm đoán, đe dọa, bách hại nghĩa là bít kín những chân trời, khiến những cánh chim không bay lên được. Tệ hơn nữa, họ đã cắt cụt cánh những con chim trời, như Tưởng Năng Tiến đã có lần viết. Chẳng riêng Trần Dần là nạn nhân của chế độ, cả một lớp nhà văn, nhà thơ, họa sĩ của Miền Bắc từng chịu chung khổ nạn. Nguyễn Hữu Ðang, Phùng Quán, Phùng Cung, Lê Ðạt, Hoàng Cầm v.v… là những tài năng bị vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vùi dập. Những người khác cũng chẳng viết được gì đáng kể. Trường hợp Huy Cận, Xuân Diệu, Hoài Thanh,… chẳng hạn.

Cái chân trời bưng bít dưới chế độ Cộng Sản làm cho nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ bị ngộp thở. Văn Cao kể từ sau Sông Lô và Làng Tôi, coi như đã chết. Ông nhận chìm nỗi sầu khổ, cô đơn trong men rượu. Chế Lan Viên suốt bao nhiêu năm tháng ăn bánh vẽ của Cộng Sản mà vẫn đóng kịch giả vờ rất hoan hỷ để rồi cuối đời viết Di Cảo chỉ là những mảnh vụn suy nghĩ chứ chưa phải là tác phẩm. Trường hợp Văn Cao và Chế Lan Viên, thủ phạm giết chết mầm sáng tạo của nghệ sĩ là do ở chế độ và những giới hạn, áp bức đè nặng lên số phận người cầm bút.

Nguyễn Khải trước khi “về cõï”, nhìn lại những sáng tác của mình cũng chỉ thấy toàn giả tạo, hời hợt, nông cạn tuy ông nhận được hết giải thưởng này đến giải thưởng khác. Nguyên Hồng và Nguyễn Minh Châu theo lời kể của nhà văn Ý Nhi cũng từng chán chường, bất mãn và sầu khổ vì bị gò bó.

Trường hợp nhà danh họa Dương Bích Liên càng đáng cho chúng ta suy nghĩ. “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái” là những danh họa Việt Nam mà trong bốn số phận đó, Dương Bích Liên có lẽ là con người u uất lặng lẽ sống và chết buồn thảm nhất – tài liệu trên net gần đây ghi rằng cuối đời ông nhịn đói cho tới chết. Một danh họa được xưng tụng mà sinh thời chưa một lần triển lãm tác phẩm của mình, một danh họa vẽ cả đời mà cuối cùng muốn tự hủy hết tác phẩm của đời mình.

Họa sĩ Trịnh Cung, trong bài tham luận gần đây (ngày 31 tháng 1. 2010) đọc tại hội trường báo Người Việt ở Cali trong buổi triển lãm Hội Ngộ nhân Huỳnh Hữu Ủy ra sách hội họa. Trịnh Cung cũng đã trình bày về hậu quả của chế độ đè nén và cấm kỵ đối với người sáng tác. Dưới chế độ cai trị ở miền Bắc sau 1954, ông nói, nhà cầm quyền “coi các trào lưu mỹ thuật phương Tây là nguy hại, cần quét sạch ra khỏi xã hội và cấm triệt để.” Kết quả là hội họa miền Bắc “mất hết tư duy độc lập sáng tạo.” Chỉ có mỗi đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa là được áp dụng, để đẻ ra có mỗi hai loại tranh: “Tranh cổ động tuyên truyền chống đế quốc và tranh ca ngợi Ðảng.” Trong bối cảnh đó, các họa sĩ của trường Mỹ thuật Ðông Dương cũ, nếu không ra ngoại quốc hay di cư vào Nam, đã “trở thành những cái bóng thừa, và tác phẩm của họ luôn ở trong bóng tối” trong xã hội miền Bắc trước 1975. Ông kể ra các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm.

Những người bay không có chân trời là thế. Một chế độ dùng quyền lực bít kín chân trời có đáng được tồn tại không? Chưa bao giờ câu hỏi trở thành thúc bách như hiện nay.

TN