
Cách thành phố Huế 17 km, không xa về hướng Đông Bắc, nhưng trước đây gần 10 năm, dường như chẳng ai biết làng An Xuân ở huyện Quảng Điền là đâu. Đùng một cái, festival Huế chọn đoạn phá Tam Giang ở huyện này thành một trong những điểm diễn ra hoạt động của lễ hội. Cộng thêm việc nhiều Việt Kiều về thăm quê rồi nhiều người tìm về đây lập nghiệp, giới xe thồ, xích lô và taxi Huế chẳng còn lạ gì vùng đất này.
Có khoảng 1,000 gia đình sinh sống ở ngôi làng An Xuân, cạnh phá Tam Giang này. Nhờ ông taxi chở giùm đến một nơi nào đó mới phát triển nhưng đời sống giản dị chút, ổng nói ngay liền:
– Chị ghé chợ Bao Vinh, qua cầu Thanh Hà rồi tạt xuống An Xuân nhé, hai năm nay em chở khách du lịch về đó nhiều. Họ có vẻ thích lắm!

Xuất phát từ quán cà phê Vĩ Dạ Xưa bên bờ sông Hương, chúng tôi mất gần nửa giờ đi dọc bờ Bắc con sông này rồi quanh co qua những con đường “cổ lũy” để đến mảnh đất “lắm người nhiều ma”. Xe dừng ngay trước chợ, sẵn chưa ăn sáng, thì vào đây, thế nào cũng có món quê dân dã, dễ ăn, dễ trả tiền.
– Bánh bột lọc em nhé! – Lại bánh bột lọc rồi, con ăn trong Cầu Hai, Phú Lộc rồi cô ơi, tôi tự nghĩ.
– Bánh mì chả, thịt, hay bánh mì bột lọc nghe con. Bánh mì thịt chả 5 ngàn, bánh mì bột lọc, 5 ngàn, 7 ngàn, 10 ngàn một ổ. Loại nào cũng có con à!
– Chè không chị ơi, có chè hạt sen, chè đậu ván ngon lắm!..
Trời bắt đầu có chút nắng buổi sáng, thôi thì chọn tô bún bò Huế ở ngay góc chợ cho tình thương mến thương, bởi biết đâu mai mốt ghé lại cô bún bò đã dẹp tiệm vì cái vụ vi phạm bản quyền bún bò Huế. Cái thương hiệu mà nhà chức trách Huế mới đây bảo rằng đã đăng ký và bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu muốn bán bún bò Huế thì phải đến Huế để đăng ký.

– Cho con tô bún bò cô ơi!
Phải gọi vậy vì ở đây ngoài bún bò ra còn có bún gân, bún chả, bún riêu cua, bún tái, bún nạm… và cả bún mắm. Công nhận cô này đa tài thật bởi một thứ bún có một hương vị, một hấp dẫn riêng. Hai mẹ con một phụ nữ bước vào quán:
– Cho hai tô bún tái, 5 ngàn một tô nghe chị!
– Ừ, lớp mấy rồi cháu, chuẩn bị đi học chưa? – Người bán bún hỏi.
– Vài ngày nữa vào năm học mới lại rồi chị, nhìn nó nhỏ thế chứ lên lớp 8 rồi đó chị.
– Ừ, con em thế nào chứ con chị thì khổ. Năm nay lớp 11 rồi, không muốn học thêm cũng phải học thêm, thấy nó học ngày học đêm mà mình cũng lo muốn đọa!
– Con chị cũng vậy à, con em trước cũng đỡ lắm. Nhưng cả hè nay hôm nào cũng đi học thêm hè, nhà em khó càng thêm khó, đủ khoản. Ăn uống cũng không được như trước, thấy nó càng ngày càng ốm mà em phát rầu.

– Chao ui, bữa nay vậy rồi mấy mệ ơi. Muốn con lên lớp được thì phải đi học thêm. Dễ gì gặp được thầy giáo tốt, ai rồi cũng giấu bí quyết, muốn học nổi thì phải đi học thêm. Thằng con tui năm ni 12 rồi, sáng nào cũng 4 giờ sáng dậy rồi, đạp xe lên nhà thầy, học gì không biết, sáng 7 giờ có mặt ở trường. Tối lại 9 giờ vô lớp luyện thi, 11 giờ 30 mới về tới nhà. Tui cũng chẳng biết khuyên răng cho phải nữa đây. – Một ông khách bỗng lên tiếng.
Ra là gần năm học mới rồi, ở ngôi làng nhỏ này con nít bỏ học cũng nhiều mà học đến đại học cũng nhiều nhưng rồi, tương lai cũng chẳng về đâu bởi ra trường cũng không mấy ai xin được việc, lại trôi dạt vào Nam làm thuê hoặc quay về quê cày cuốc qua ngày.
Trả tiền tô bún bò với giá 10 ngàn đồng, tôi ghé vào quán nước trước cổng chợ. Gặp ngay hai anh thanh niên kéo theo loa thùng, micro đứng hát dạo, bán bông tăm, lược nhựa và cả miếng rửa chén. May mà trạc tuổi, cũng dễ làm quen. Hai anh bạn này người ở đây. Chàng trai tên Tuấn học đại học ra rồi, trước có ông bà con trên huyện hứa xin cho một chân khi ra trường nhưng “đúng đen’ (theo lời của Tuấn nói) bởi ổng vừa về vườn trước hôm đại hội đảng vừa rồi.

– Hát vậy đỡ không bạn?
– Cũng đỡ chị à! (Gọi chị – Chắc có lẽ mình bồng con nên trông già đi chút…☺). Nhưng còn đỡ hơn đi bán nội tạng. Tuấn tiếp lời.
– Bạn đúng vui tính, dễ đùa.
– Em đùa đâu, ở đây cũng lắm người bán nội tạng kiếm tiền. Trước ở đây nuôi tôm dựa phá Tam Giang nhiều lắm, nhưng dạo gần đây tôm chết trắng, trắng tay, cũng từ cái vụ biển chết. Nhiều người lâm nợ không biết làm thế nào. Chị biết không, trước đây hơn 10 năm, ở đây nhiều người phất lên lắm. Họ xây thêm nhà, sắm đủ đồ ở bên hồ tôm, người ta bảo đắt như tôm tươi đúng không sai luôn. Ðến nỗi mấy đứa con dễ gì thấy mặt cha mẹ, được cho một đống tiền rồi tự lo. Ban đầu thì sướng lắm, lâu nay ở đây dễ gì đủ ăn đâu, mà giờ còn được cho tiền ăn vặt. Nhưng kết quả là “Ðời đ’. đẹp”.
– Nick name một thời của em đó chị!- Quân, chàng trai đẩy loa nói.
– Thời đó nó lừng lẫy một thời. Có tiền đúng lúc mấy tiệm net mở ở đây. Tha hồ chát chít. Rồi mấy cái lớp dạy võ nữa. Trai gái gì cũng đi học, sau rồi phân phe, làng này, xóm nọ rồi đến võ phái này, võ phái kia. Học được chút là mang ra dùng liền, công an xã mời cha mẹ miết, nhưng chẳng ai đi, riết rồi quen.
– Thì giờ mới cùng mày hát rong này. Dù sao tao cũng đỡ, còn ‘bám trụ quê hương’. Quân nói rồi cười chua chát với Tuấn.
– Nó nói đúng đó chị, thằng này chẳng học mấy chữ, cũng nghỉ nửa chừng, phá phách, giờ thế này là đỡ lắm rồi. Chứ thanh niên trong làng này, được mấy đứa học tới nơi tới chốn đâu. Nghỉ học cỡ lớp 3, lớp 4 rồi vào Sài Gòn hết. Ðứa học nghề sửa xe, cắt tóc, đứa thì đi bán vải thuê. Thanh niên chút thì vào trong đó bán trái cây dạo, hoặc làm tay sai vặt… Tết về, đứa nào mua được chiếc xe máy. Chạy “dợt le” quanh làng là oai rồi.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi được thêm lúc thì họ tiếp tục đi hát, họ tiết lộ thêm về việc ở đây gái miền Tây cũng không thiếu. Ðàn ông thường kháo nhau rằng, bữa nay chân dài miền Tây về làm chúa ở An Xuân rồi. Nhưng đều là những bà già 30, ở vài tháng rồi đi, lại có người khác tới. Có vẻ có một cuộc luân phiên làm chúa của những cô gái miền Tây về vườn trong nghề massage giữa các tỉnh miền Trung.
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với hai thanh niên hát dạo giúp tôi biết thêm về vùng đất này đôi chút, đã cố chạy trốn nhưng đi đâu rồi cũng nghe đến chuyện biển chết, dân mất đường làm ăn. Dù tôi có cố nhắm mắt hay bịt tai thì tự dưng cũng gặp nó trong mỗi chuyến đi, ở mỗi điểm dừng. Thôi thì quyết định lên taxi và cảm ơn bác tài vì đã đưa chúng tôi đến với vùng đất này.
– Ðẹp đúng không chị, đây là một trong hai vựa lúa của Huế. Bác tài nói khi xe chúng tôi đi qua con đường làng với ruộng lúa bao quanh.
– Cám ơn bác tài, vùng đất này đúng là có nhiều điều để người ta nghĩ.
– Ði qua con đường này, chị có thể xuyên qua thị trấn Sịa rồi đi đường tắt ra Quảng Trị cũng được.
– Ðường sá bữa nay dễ đi quá hả bác?
– Cũng nhờ có ông lớn chị à. Trước đây dễ gì em dám nhận khách về vùng này. Ðường xấu lắm. Nhưng mấy năm nay đường mở rộng ra, quang cảnh cũng đẹp. Mỗi lần nghe khách về đây, em cũng khoái đi.
– Mà bác nói nhờ có ông lớn là thế nào?
– Chị không biết thôi chứ ở đây, làng nào có ông lớn là làng đó được nhờ, hễ ổng làm trong xã thì làng ổng nhờ, rồi ông nào lên huyện thì xã ổng được nhờ. Rồi ông huyện lên tỉnh thì huyện ổng được nhờ. Cứ hễ ai lên chức là đường sá về nhà ổng được mở thẳng bưng, cứ thế lên xe là về thẳng nhà…
Chiếc taxi tiếp tục chạy, băng qua khu nghĩa trang lớp lớp mộ địa. Tự dưng hình ảnh những cụ già bán vả (một loại trái giống trái sung nhưng lớn hơn) ở chợ An Xuân lại hiện ra trước mắt tôi. Thời gian cứ thế trôi và người ta lại quay cuồng để làm, để sống, để thở, và nhiều người đạp trên nước mắt, mồ hôi, xương máu của đồng loại để thăng tiến.
Những cụ già rồi sẽ nằm xuống, người trẻ sẽ cố gắng vay mượn để đắp cho cha mẹ một ngôi mộ (và hình như là trả cả cho 30 triệu nợ công mà người khuất núi để lại nữa thì phải!). Và rồi khi góc chợ kia được điền khuyết bởi một người kiếm cơm khác, hình dáng cha mẹ ngày xưa đôi khi làm họ thấy mủi lòng…

UC