Ben Hur và Messala in lần đầu trên tập san Văn Học tại Nam California năm 1991 thời Cao Xuân Huy làm tổng thư ký. Một lần về Sài Gòn, tôi ngạc nhiên nhìn thấy truyện ngắn của mình in trong hai tuyển tập bày bán ở hiệu sách Nguyễn Huệ mà tôi không được thông báo. Bản in trong tập Khi Tan Nắng của Nxb Hội Nhà Văn 1993 cùng với bản in trong Tổng Tập Truyện Ngắn của Nxb Kim Đồng bị lược cắt, biên tập mà không có sự đồng ý của tác giả. Bản đánh máy cho tuần san Trẻ là bản nguyên. Trần Vũ
Ben Hur và Messala – kỳ 1
Sau Tết Canh Ngọ 1990, Nguyễn-Khắc Vĩnh sống lâu ở nước ngoài đưa Trương Mạn-Ngọc trở về Huế. Ngôi nhà của dòng họ Nguyễn-Khắc nằm ở số 60/13 Ðiện Biên Phủ, tức là đường Nam Giao cũ. Khi còn ở ngoại quốc, Vĩnh thường kể với Ngọc về ngôi nhà đầy kỷ niệm của gia đình mình cách bờ sông Hương non một dặm về hướng Nam. Lẫn trong những mẩu chuyện quá khứ của chồng, Ngọc luôn cảm tưởng Vĩnh bị ám ảnh bởi các phế tích cũ nằm rải rác phía sau nhà ra đến chân chùa Vạn Phước. Những ngôi mả loạn, giếng loạn, tình nghi là thuộc thời Tây Sơn mà Vĩnh kiêu hãnh kể lại những đuổi bắt trên gò đống tha ma lúc nhỏ, với một người bạn thân duy nhất, tên Trịnh Hải-Ðàm.
Về tới trước cổng, Vĩnh xúc động trông thấy. Mồ hôi rịn từ lỗ chân lông, bỗng vã ra đột ngột cùng với xúc động bùng vỡ của bao năm ngăn cách. Toàn thân Vĩnh lạnh hẳn đi, tay chân cứng không sao cất bước được. Vĩnh líu ríu nói không ra lời, trong lúc Ngọc bỡ ngỡ nhìn ngắm cơ ngơi của gia tộc chồng. Căn nhà cất xây theo lối nhà vườn Huế, nên các tàn lá sum suê bủa rộng từ những thân cây chi chít trĩu cành. Hơi gió rì rào, man mát qua đầu mọi người. Vĩnh choáng váng lúc bước lên lối đi dẫn vào gian chính giữa, dùng làm gian nhà thờ, mà theo tục xây cất cổ hãy còn giữ lại một bức bình phong sừng sững, sần sùi với hàng chữ tô nổi Phúc-Thọ. Họ hàng, người nhà đổ ra đón Vĩnh. Bà Ngãi trông thấy con, xổ òa tóc tai bù lu bù loa kêu gào kể lể. Tiếng khóc giọng phường Ðúc của mấy mụ đàn bà trong họ tỉ tê ri ri y hệt nhà có đám. Vĩnh đứng chết lặng trong vòng tay gia đình. Hành lý vất ngổn ngang cho lũ cháu lục lọi. Chỉ có Ngọc là xa cách, lạ lẫm, đứng riêng biệt một góc nhìn cảnh tượng diễn ra trước mắt.
Vĩnh cùng khóc với bọ mạ một lúc thì hồi lại. Giây phút giao cảm với số phần mà trời đất đặt định qua đi, Vĩnh mới từ từ nhận ra những khác biệt mâu thuẫn lạ lùng đang nẩy sinh thành tâm trạng của chính mình. Không ai hiểu được Vĩnh lúc đó. Hiểu được cảm giác của một người đàn ông mười sáu năm sau trở về, còn trông thấy cái vỏ ốc do chính tay mình ném vào bể nước cạn thuở bé, hãy còn nằm nghẽn trong ngách. Những vết sẹo mủ ở thân cây tươm ra từ vết dao nghịch ngợm tuổi thơ vẫn còn đó. Vết dao cắt vào da thịt Nguyễn-Khắc Vĩnh lúc ấy. Một nửa tâm trạng Vĩnh đắm chìm vào ký ức cũ. Bừng bừng như sóng dội. Và một nửa tê liệt không hồn phách. Ở giữa, len vào chấn động của tình cảm đứt lìa rồi vụt hàn nối, là một ấn tượng mới — tất cả vụt thu nhỏ lại.
Vĩnh ngắm sắc lá xanh thâm thẫm của khoảng sân vườn rộng mênh mông, vẫn khoảng sân ấy với sắc lá ấy, bấy lâu rập rờn ẩn hiện trong trí não Vĩnh, um tùm rậm rạp âm u trong ký ức Vĩnh, bỗng hiện ra chỉ vỏn vẹn một doi đất rào ngay ngắn, với dăm hàng chè tươi mọc trĩu qua lối đi. Cả ông bà Ngãi cũng nhỏ thó quắt queo. Ông Ngãi không còn phương phi hộ pháp. Người thím họ co rút lại giống bị tàn phế và thằng Hậu – đứa em kế Vĩnh -không cao thêm được chút nào.
Ông Ngãi gọi Vĩnh và Ngọc ra lạy trước khán thờ tổ. Nhưng Ngọc theo đạo Công giáo vùng vằng tỏ ý không chịu. Vĩnh bất đắc dĩ phải quỳ lạy một mình. Các mụ trong họ xì xầm nhưng Ngọc ngoảnh mặt nhìn sang hướng khác. Khác Vĩnh, Ngọc không xúc động bồi hồi mà chỉ thấy chung quanh bẩn. Một con gián bò trên khăn nhựa trải bàn nhưng không ai chú ý.
Vĩnh run run quỳ trước khán thờ. Bó nhang bén lửa phựt lên như tâm thần Vĩnh hực cháy. Vĩnh phải vẩy mấy lần trước khi cắm vào bát sành bày trên hương án. Gian buồng thờ tối om bao năm âm u đe dọa trong trí nhớ Vĩnh, với hình nộm Phương Tướng cầm đao đuổi quỷ dữ tợn, với lá thế kỳ màu đen thêu bốn chữ “Hổ Sơn Vân Ám”, tự dưng hóa ra bình thường, thô dị, khi Vĩnh ngửng lên giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đám đông họ hàng chờ đợi, vái lạy rồi xá vong. Vẫn chừng ấy thứ đồ cúng. Một mâm ngũ quả, hai đĩa xôi gấc, một đĩa thịt luộc, hai cây đèn sáp, một lọ hoa huệ và chiếc lư đồng. Khác chăng là di ảnh của những người quá cố, đã khuất mặt, mà thuở niên thiếu Vĩnh luôn tránh ánh mắt, lúc này tẻ lặng bất lực, bạc màu. Toàn thân Vĩnh ngầy ngật, đầu óc bần thần rã ra vì ý nghĩ đang va chạm quá khứ, gặp lại tâm thức cũ, nhưng cùng lúc không phải là tâm thức cũ. Quá khứ đang dịch chuyển. Tất cả đã thun lại. Ngay cả xúc động lớn lao bồi hồi mới vừa rồi khi Vĩnh trở về đất tổ, cũng đang thu nhỏ lại dần.
o O o
Bà Ngãi làm bốn món chính mực ống nhồi, bò bóp thấu, bún giấm nuốc với một thẩu tôm chua để đãi con và dâu ở nước ngoài về. Mùi nhang đèn, mùi rượu cồn đốt từ đống vàng mã ông Ngãi đương hóa vàng trước khuôn tĩnh chôn sau vườn xông lên nồng nặc, ngun ngút làm Ngọc khó chịu. Trước bữa ăn, Ngọc trông cái cốc thủy tinh bày trước mặt mình có dính một cợn bẩn, mở ví lấy giấy ra chùi. Lúc thằng Hậu chuyền bún giấm nuốc, Ngọc lẳng lặng lấy đũa gạt sứa ra đĩa vì bị ruồi đậu lên. Hai cử chỉ đó bị bà Ngãi và cả dòng họ Vĩnh bắt gặp. Ngọc phải nhìn lên bức hoành phi chạm lộng để tránh ánh mắt mọi người.
Sau chung đế Kim Long, tâm thần Vĩnh như người chết đuối được vớt, hồn không thoát đi nhưng nhập lại xác, từ từ tỉnh táo. Xúc động qua đi, Vĩnh ồn ào trả lời mọi người về đời sống ở nước ngoài. Ðôi lúc Vĩnh cường điệu thêm vài chi tiết, đến cuối bữa ăn, Vĩnh bất chợt ngửng lên hỏi thăm về Ðàm. Người chú họ nghe hỏi, đang no say cười sặc lên chế riễu: “Hắn về quê giống như Lữ Bố đi xa nhớ Ðiêu Thuyền…” Mọi người quanh bàn cùng cười rộ, nhưng Vĩnh không cười. Thằng Hậu thấy anh nóng ruột thì nhanh nhẩu đáp: “Anh Ðàm công tác cho xí nghiệp ở Hội An chưa về.” Vĩnh nghe thằng Hậu nói, mắt đập vào bức mành vàng chanh mắc nơi hàng rầm thượng. Bao nhiêu năm bức mành vẫn ở y nguyên một chỗ, không xê dịch chuyển dời đi đâu. Vĩnh trông bức mành nhớ chỗ mình thường ngồi tập đàn tây ban cầm với Ðàm. Căn buồng ăn không gió, nên bức mành thẳng đờ không lay động, chỉ có tiếng nhạc cũ vọng về.
Vĩnh lắng nghe âm thanh cũ, từ quá khứ còn vang rất nhỏ trong phòng, còn cả những tiếng nhấn từ ngón tay Ðàm, cả nếp da vuốt lên dây đàn. Vĩnh cố hình dung ra cảnh tập đàn lúc trước, với bóng dáng Tịnh – bạn gái Ðàm; thân áo lụa của Tịnh dán vào lưng ươn ướt mồ hôi làm nổi lằn dây áo lót dưới mái tóc dài đong đưa. Vĩnh muốn hỏi Tịnh còn đẹp hay không nhưng gian buồng ăn đầy ắp tiếng động, tiếng cười ồm ồm của người chú họ, giọng phường Ðúc của bà Ngãi, tiếng răng nhai trạo trạo của thằng Hậu và cả tiếng thở bực dọc của Ngọc lấn át quá khứ. Vĩnh không sao hồi tưởng lại được ánh mắt của Tịnh khi liếc nhìn Vĩnh, cứ nhòa đi bên cạnh bóng áo trắng của Ðàm đến rồi đi, khi hiện mờ, lúc biến mất trước tấm mành. Không gian của quá khứ muốn trở về mà chưa nhập được vào đúng vị trí cũ. Còn thiếu một con ốc, một mũi chỉ, một kim may, khiến vẫn còn khoảng trống của một hình ảnh mà Vĩnh biết là do sự vắng mặt của Ðàm.
Tàn tiệc. Chờ hết khách, ông Ngãi và thằng Hậu thay nhau khui những thùng quà Vĩnh đem về. Ông Ngãi kín đáo dặn gia đình đợi hết khách về mới khui, để trong họ không ai xin. Thằng Hậu lôi ra từng chai rượu Tây. Bà Ngãi một mình âm thầm thu dọn chén đũa đem xuống nhà dưới rửa, không quên liếc xéo con dâu, lúc Ngọc quày quả bỏ bàn ăn vào buồng. Ðêm khuya, trăng thượng tuần ở Huế lạnh lẽo, bà Ngãi úp hết chén bát, rồi nói với chồng: “Thằng Vĩnh hắn lấy phải con vợ mất nết.” Ông Ngãi chỉ ậm ừ không đáp. Thằng Hậu dọn mền chiếu ra gian ngoài nhường buồng cho Vĩnh và Ngọc, đang buông mùng trên đất, nghe vậy chen vào cãi: “Chị dâu hắn ăn mặc trộ nhứt Huế.”
Ðêm đầu. Vĩnh vật vã không sao ngủ được. Gió lay màn cửa đập phộc phạch từng lúc thành tiếng động chầy vồ của quá khứ dộng từng nhát vào óc Vĩnh. Tiếng động của quá khứ hòa vào tiếng nước chảy róc rách ở ống cống sau hè. Mùi nhang đèn còn vướng u uất. Mấy chấm nhang lập lòe ngoài mả xưa. Dăm tiếng dế khuya gáy rìn rịt trong cỏ và tiếng thở bực bội đứt quãng của Ngọc nằm bên cạnh không cho Vĩnh an giấc. Mớ hình ảnh cũ theo ánh trăng lại lan vào buồng, tràn chung quanh cột chống, dọi lên trần rồi quanh quất nơi cửa sổ. Vĩnh trông thấy lại ngấn cổ trắng ngần của Tịnh nhưng thân thể nở nang thực tại của Ngọc, sát ngay cạnh, gần như một chướng ngại không cho Vĩnh trở về với tâm linh cũ. Vĩnh thấy mình xa cách hẳn với Ngọc, như cả hai không cùng nằm chung trên một giường, chưa từng gặp, chưa hề ân ái. Vĩnh muốn tâm sự với vợ, nhưng Ngọc nằm quay mặt vào vách, nói độc một câu duy nhất: “Tôi không ở đây lâu. Anh liệu đưa tôi trở sang bên ấy, không thì mướn khách sạn cho tôi ở.” Vĩnh im lặng, cố tảng lờ như không nghe. Trong bóng trăng, có tiếng nước rào rào thằng Hậu đi mót khuya dội cầu chảy tồ tồ thật mạnh. Vĩnh nghe Ngọc ngao ngán chép miệng. Suốt đêm, cả nhà ông Ngãi không có người nào chợp mắt.
(còn tiếp 3 kỳ)
TV