Mắc cười… tao gặp thời hoạn nạn
Mầy theo tao làm bạn… hết thời
Vượt suối trèo đèo tắm giọt mồ hôi
Lẽo đẽo theo tao một lòng hết biết
Trạch Gầm (“Nói Với Lon Guigoz”)
“Nhớ thằng bạn cùng đơn vị xưa kia kể lại, bà mẹ của cậu ta cứ nắc nỏm ao ước tìm đâu ra một chiếc hộp sắt để đựng kim chỉ khâu hay đựng thuốc cảm cúm, nhức đầu… Tìm đâu ra vài chiếc bình, chiếc chai thật đẹp để tích lạc, đựng vừng phòng ngày mưa gió, lụt lội.”
“Vừa khô ráo, vừa tiện lợi, bày biện chỗ nào cũng sáng cả một góc nhà. Bà mẹ tơ tưởng vậy thôi, chứ đang thời bom rơi đạn nổ, mọi người chỉ sống nhờ vào mấy chiếc tem đậu phụ, tem thịt, vào những viên gạch xếp hàng giữ chỗ thay người trước một xe bán rau, trước cửa hàng bán nước mắm mậu dịch…, bới đâu ra chiếc hộp, chiếc chai bà ưng ý?”
“Ấy vậy mà hôm tiễn thằng bạn tôi vào chiến trường, không hiểu bằng cách nào, bà mẹ đã tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigoz đặt vào một bên túi cóc của cậu con trai. Nhờ cái vỏ hộp sữa ấy – chống được ẩm mốc, mưa nắng – cái ba lô lính của thằng bạn tôi thực sự trở thành một cái chạn di động. Không gặp thì chớ, hễ gặp nhau y như rằng nó sẵn sàng khoản đãi tôi đủ thứ ‘cao lương mỹ vị’: thịt nai sấy khô, mắm ruốc cá, thịt cheo xào gừng, sả… Tất cả chứa trong chiếc hộp sữa Guigoz đó!”
“Bạn tôi hy sinh ở Bàu Bàng cuối năm 1969. Nhận được giấy báo tử người con trai đâu đó chín tháng hay một năm, bà mẹ ngã bệnh qua đời. Mãi hơn hai mươi năm sau, những đội viên Hội Chữ Thập Ðỏ phường Mã Mây mới tìm ra nơi chôn cất thằng bạn tôi. Họ kể lại, di vật của người hy sinh đã ẩm mục, rã rữa hết, chỉ còn tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigoz. Hôm đưa hài cốt bạn tôi về với bà mẹ cậu ta ở một khu phố cổ Hà Nội, người ta đã đặt chiếc vỏ hộp sữa bên cạnh bó hài cốt bạn tôi trước bàn thờ bà mẹ. Ðủ lệ bộ ngay ngắn, họ mới thắp hương báo với bà con trai bà đã về..” (Nỗi Buồn Lâu Qua – Tô Hoàng).
Cha đẻ của “cái chạn di động,” chứa được “đủ thứ cao lương mỹ vị,” như vừa được mô tả qua đoạn văn thượng dẫn, tên là Maurice Guigoz. Ông là người có sáng kiến biến chế sữa tươi thành bột. Sản phẩm này thường được ưa chuộng ở những nơi mà phong thổ không thích hợp cho việc nuôi bò lấy sữa, và tủ lạnh – một thứ vật dụng vẫn bị coi là xa xỉ – chưa phổ cập, trong mọi gia đình.
Maurice Guigoz qua đời hồi đầu thế kỷ trước, vào năm 1919. Không mấy ai biết rõ họ của ông nhưng tên Guigoz, chắc chắn, sẽ còn được ghi nhớ rất lâu trong lòng người – nhất là những người dân Việt chỉ biết đến … cái lon không, chứ chưa bao giờ có dịp nếm thử loại sữa (dành riêng cho những em bé sơ sinh) này!

Tôi thực bất ngờ khi bắt gặp cái lon Guigoz trong túi cóc của một người bộ đội trên đường vượt Trường Sơn, và thật xúc động khi thấy nó được trang trọng đặt bên cạnh bó hài cốt của anh – trước bàn thờ bà mẹ. Kinh nghiệm và kỷ niệm của tôi, một người lính cầm súng bảo vệ miền Nam, với cái lon Guigoz thì hơi khác. Muộn màng hơn, sau khi cuộc chiến đã tàn, và (e) cũng xót xa hơn!
Tôi làm quen với cái lon Guigoz vào mùa mưa năm 1975, trong trại cải tạo. Chịu đói là bài học đầu tiên mà chúng tôi được dạy, và đây cũng là bài học kéo dài suốt khóa.
Ở vào hoàn cảnh của chúng tôi khi vớ được mấy củ khoai đào sót, một con ếch chậm chân, một nắm rau rừng cấu vội, hay một vốc gạo thừa – vét được sau những lần tạp dịch dọn kho – mà có sẵn cái lon Guigoz bên mình thì tiện lắm. Nó gọn nhẹ khi cần di chuyển hay cất giấu, và đòi hỏi rất ít nhiên liệu khi nấu nướng.
Hằng đêm chúng tôi đều được nghe giảng dạy về một cuộc sống mới không giai cấp, không có cảnh người bóc lột người, mọi sản phẩm đều là của chung, người ta làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu… Chúng tôi cũng được động viên cứ yên tâm học tập, không phải bận tâm gì về thân nhân hay gia quyến. Cả nước đang sửa soạn đi từ giai đoạn ăn no mặc ấm sang giai đoạn ăn sang mặc đẹp…
Chúng tôi tiếp thu tốt, thảo luận tốt, viết thu hoạch tốt, với tinh thần nhất trí rất cao về tất cả mọi khía cạnh. Tuy nhiên, cứ sau giờ học là mọi người lại đều lục đục mang tất cả những thứ kiếm được trong ngày – bỏ vào cái lon Guigoz – rồi tìm một góc để nấu ăn riêng.
Kiểu sống này (ngó) kỳ thấy rõ!
Vì đây là lần đầu tiên trong đời chúng tôi biết đói nên (có lẽ) tất cả đều đã hơi quá hốt hoảng, và có những phản ứng rất đáng xấu hổ.
Ðói mãi cũng quen. Thời gian cũng lại cho chúng tôi cái khoảng cách cần thiết để nhìn lại vấn đề, và thay đổi thái độ.
Những bài học (trời biển) không còn được lắng nghe như trước nữa. Những cái lon Guigoz cũng bị dẹp bỏ từ từ, hay chỉ còn dùng để đun nước – khi cần.
Chúng tôi họp thành từng nhóm và nấu ăn chung, vừa ăn vừa nói chuyện giễu về những nét khôi hài của …thế giới đại đồng – nơi mà của rơi không có người nhặt vì không ai muốn có thêm một cái cuốc hay cái thẻ cử tri. Cuốc, nếu hư, chỉ việc xin thay cái khác. Còn thẻ cử tri thì lại quá dầy, và cũng quá nhỏ, không tiện cho việc vệ sinh!
Chúng tôi cố gắng khôi phục lại con người bình thường của mình bằng những nụ cười vui như thế. Tất nhiên, cũng có những chiến hữu… một đi không trở lại. Họ đâm ra sợ hãi và nghi kỵ tất cả mọi người. Họ hết dám cười, dù chỉ là cười thầm hay cười lén, giữa đám bạn bè đồng cảnh.
Họ vẫn tiếp tục theo đuổi “chủ nghĩa ăn gô.” Họ sống lủi thủi và lặng lẽ với cái lon Guigoz của (riêng) mình. Trông cô đơn và buồn lòng muốn khóc.
Họ là biểu tượng của một thứ chủ nghĩa cá nhân, phát sinh từ một hoàn cảnh khắc nghiệt, để chống lại cái chủ nghĩa tập thể (rất) đáng nghi ngại của những người cộng sản. Chúng tôi gọi đùa đó là cuộc đấu tranh, thời hậu chiến, giữa hai thế lực quốc tế (Guigozism v.s Communism ) ở Việt Nam.
Chương trình cải tạo, của riêng tôi, được chấm dứt sớm hơn dự liệu. Xử thế nhược đại mộng. Vài năm tù ngắn ngủi (cứ) coi như một giấc ngủ trưa thôi, dù với hơi nhiều ác mộng.
Tôi rời khỏi trại tù nhưng cái lon Guigoz lại không chịu rời khỏi đời tôi. Toàn dân, té ra, chưa chuyển đổi từ giai đoạn ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp. Cán bộ trong trại quên đề cập đến chiến thuật “lùi một bước tiến hai bước” của chế độ mới. Cả nước vẫn đang còn ở thế bước lùi, và xem ra thì có vẻ cả nước đã lùi nhiều bước (lắm rồi) chứ không chỉ một.
Ðói rách ra mặt nên chả ai giấu được ai, và cũng không ai buồn xấu hổ. Mọi người đều nhẫn nại và chăm chỉ sáng xách gô đi, chiều xách gô về. Tuy không ai hớn hở nhưng dường như ai cũng cỏ vẻ mừng (thầm) vì còn có cái lon gô để xách, một chỗ để đến, và một nơi để về – thay vì đi vùng kinh tế mới!
Tôi cũng mừng luôn (tất nhiên) dù cả ngày tối tăm mặt mũi, chân lấm tay bùn. Có gắng sức đến mấy thì tôi cũng chỉ kiếm được lượng thực phẩm, vừa đủ, cho cái lon Guigoz của chính mình. Những nhu cầu khác đều do mẹ tôi bán dần đồ đạc trong nhà để bù đắp thêm cho.
Tôi cảm nhận được sự suy sụp của kinh tế gia đình theo trọng lượng của cái lon Guigoz. Nó mỗi ngày một nhẹ. Trọng lượng cơ thể của tôi, vì thế, cũng nhẹ theo.
Chuyện cái lon Guigoz, đến đây, tuy đã đủ buồn… nhưng chưa chịu hết. Dù mọi người đã bị đẩy đến mức bần cùng, chỉ còn có quyền sở hữu một cái lon Guigoz thôi nhưng đây vẫn chỉ là sự bình đẳng về hình thức. Tất cả những cái lon Guigoz bề ngoài trông giống hệt như nhau nhưng bên trong thì không.
Nhiều thứ được ém nhẹm trong cái lon Guigoz đã bị phơi bày. Có hôm, người phụ trách việc hâm nóng những lon Guigoz cho ban chỉ huy nông trường bị trợt chân. Cơm gạo, thức ăn vương vãi tung tóe. Các đồng chí thủ trưởng, chính trị viên, cán bộ quản lý nông trường … đều bối rối nhăn nhó nhìn khẩu phần ăn vượt quá chế độ của mình phơi bày trên mặt đất. Trong những cái lon Guigoz này chỉ có tí cơm độn phủ lên trên mặt, và chừng một phần ba cơm trắng, phần còn lại toàn là thịt cá.
Có lần tôi nghe Lenin nói rằng: ”Hãy cho tôi biết loại quần chúng nào bỏ phiếu cho anh, tôi sẽ nói được anh thuộc loại người nào.” Áp dụng chủ nghĩa Maxist – Leninism vào hoàn cảnh ở nước tôi, sẽ không có gì trật, nếu ông ấy nói thêm: “Hãy cho tôi biết trong cái lon Guigoz của anh giấu cái gì tôi sẽ nói cho anh biết anh thuộc giai cấp nào trong chế độ cộng sản.”
Chế độ này sẽ còn tồn tại lâu, nếu những điều cần giấu luôn luôn có thể ém nhẹm trong những cái lon Guigoz nhỏ bé. Vấn đề, tiếc thay, không giản đơn như thế. Những người cộng sản Việt Nam đã đi xa hơn thế từ lâu.
Báo Dân Trí, số ra ngày 2 tháng 3 năm 2016, đi tin: “Gần 50 cuộc đình công trong 2 tháng qua chủ yếu liên quan tới điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016, thanh toán lương, thưởng và thực hiện chính sách phúc lợi trong doanh nghiệp. Ðình công cũng phần nào bộc lộ mâu thuẫn trong việc giải bài toán chi phí và lợi nhuận…”
Giới công nhân VN (chắc) không còn ai ăn gô nữa. Giai cấp thống trị ở xứ sở này cũng vậy. Họ cần phải có những trương mục, trong những ngân hàng ngoại quốc, mới ém nhẹm được hết những điều cần giấu kín.
Sự phân cực giữa kẻ có/người không ở xứ sở này sắp đến điểm tận cùng. Vật cùng tất biến. Tình trạng sẽ biến đổi ra sao là điều mà không một người Việt nào, kể cả những kẻ vẫn được coi là ưu thời mẫn thế, quan tâm hay dự liệu.

TNT