Xa mãi tận thôn làng Pettah, xứ Ấn Ðộ nơi dân cư sống về nghề bán dừa. Quốc gia này sản xuất 15 tỉ trái dừa hàng năm từ tài nguyên thiên nhiên và sức người khai thác. Mỗi trái dừa được hái bằng tay, chẳng có máy móc chi ráo.
Dầu dừa và thịt dừa dùng trong kỹ nghệ thực phẩm, và mỹ phẩm. Xơ dừa dùng chế tạo thảm chùi chân, bện dây thừng, chão… Người Ấn dùng cả rễ dừa để chà răng mỗi sáng. Hầu như tất cả mọi thành phần của trái dừa đều được dùng, không bỏ phí chút nào. Mỗi gia đình Ấn Ðộ dùng khoảng 30 trái dừa mỗi tháng trên thị trường nội địa, phần còn lại được xuất cảng. Nói tóm tắt là dừa giữ một vai trò quan trọng trong kinh tế Ấn Ðộ, ít ra là tại vùng Pettah nọ.

Người dân quê, đời này sang đời khác làm nghề trèo cây hái dừa để sinh sống. Và ở Ấn Ðộ thì người ta tổ chức thành “caste”, một hình thức phân chia các thành phần xã hội, nói rõ ràng hơn là “giai cấp xã hội”, gần gần như “Sĩ Nông Công Thương” trong văn hóa Tàu. Hệ thống phân chia giai cấp trong xã hội Ấn gồm 4 thành phần chính: Brahmin hay giai cấp tu sĩ; kế đến là giai cấp Kshatriyas, vua quan hay lãnh chúa, sứ quân cai quản một vùng; giai cấp Vaishyas gồm thương buôn và chủ đất; và sau cùng là giai cấp “lao động”, nhân công làm thuê làm mướn. Bên ngoài hệ thống giai cấp kể trên là những người lang thang, ngoài “lề” xã hội hay “Dalit”. Những người hái dừa thuộc “Dalit”, một giai cấp không “được”, không “nên” thì chính xác hơn, “sờ mó” (“untouchable”) đến nếu người Ấn muốn duy trì vị trí (cao hơn) của mình trong xã hội phân biệt kia.

Cây dừa thân cong, tuốt trên ngọn mới có trái, có cây cao cả 30 thước; người hái dừa lưng đeo dao sắc và chẳng có gì bám víu hay giữ an toàn cho việc sẩy tay lỡ chân, cứ như thế mà bám tay chân leo thang trên thân dừa cho đến ngọn mà chặt cành hái trái. Người hái dừa “học” cách leo cây từ thủa thơ ấu, và tiếp tục theo nghề cha ông, cái nghề không “vốn” ngoài trừ sự khéo léo và sức người.
Theo Cơ Quan Phát Triển Kỹ Nghệ Dừa, the Coconut Development Board, họ đã loay hoay với việc thu hái nhiều năm, làm thế nào để hái trái từ ngọn cây cao, mảnh mai như thế kia, nguy hiểm cho tính mạng người hái biết bao? Hái dừa là việc quan trọng trong việc sản xuất các chế phẩm từ dừa. Dừa Ấn Ðộ nở hoa quanh năm nên kết trái không đồng đều, cây dừa kết khoảng 60 bông mỗi 45 ngày, hoa nào nở trước thì kết trái trước, một cây dừa có thể kết trái non già, lớn nhỏ khác nhau, nghĩa là không thể leo cây một lần mà thu hái tất cả mọi trái. Người hái dừa dùng kinh nghiệm để chọn và hái trái chín, dành lại trái non cho lần sau. Họ biết mỗi loại dừa dùng cho việc gì. Khi dùng máy móc để hái, làm sao để dạy máy móc biết cách hái trái chín và để dành lại trái còn non?

Tại một số quốc gia sản xuất chế phẩm từ dừa đã thử hái dừa với các loại máy nâng, đưa người hái dừa lên ngọn cây, có nơi huấn luyện khỉ để hái dừa. Cách hái dừa kể trên không áp dụng được tại Ấn Ðộ, người ta không thể mang máy móc đến những vùng biển như Pettah, và tại một vài nơi bằng phẳng đất không lún, thì cái máy kia quá đắt đỏ khó cáng đáng nổi; và vì lý do tôn giáo (Ấn Giáo thờ thần Haneman, đầu khỉ mình người), họ không thể dùng khỉ để hái dừa.
Riêng tại Kerala, Ấn Ðộ, chính phủ địa phương tường trình rằng 3.5 triệu người trồng dừa và thêm vài triệu người nữa sinh sống qua việc sản xuất chế phẩm từ dừa nên kỹ nghệ này là một phần rất quan trọng trong ngành nông nghiệp địa phương.
Hái dừa nguy hiểm như thế nên số người hành nghề hái dừa mỗi ngày một giảm sút nhất là khi “giai cấp” hái dừa được phép đi học. Tỉnh Kerala là một địa phương được tiếng “cấp tiến” về bình đẳng xã hội, chính phủ dân cử sở tại cố gắng xóa bỏ giai cấp qua hệ thống giáo dục. Khác với miền Bắc Ấn nơi trường học và việc giáo dục chỉ dành riêng cho một số giai cấp, ở đây, mọi người dân đều được đi học và làm ăn buôn bán tự do. Tại đây, trình độ “biết đọc biết viết” có tỷ lệ 100%! Do đó con cái những người hái dừa thoát khỏi kiếp hái dừa, họ học hành và tìm đường tiến thân. Kết quả là cái nghề hái dừa nguy hiểm mất dần nhân công.
Dù giai cấp hái dừa được tự do học hành làm ăn, danh hiệu “hái dừa” luôn đi đôi với “nghèo hèn” nên áp lực xã hội khiến cư dân không muốn hành nghề hái dừa dù tiền công được trả khá cao so với các công việc khác, một người hái dừa thiện nghệ được trả 8 Mỹ kim một ngày. Ðây là một số tiền khá lớn so với mức sống dưới 2 Mỹ kim một ngày cho các công việc khác kể cả việc văn phòng! Như thế ta có thể hiểu là tiền lương cao chưa hẳn đã là động lực thúc đẩy con người nhất là khi người ta sống tạm đủ theo tiêu chuẩn sống của riêng họ.
Mướn không được nhân công hái dừa, tỉnh Kerala tìm cách giải quyết vấn nạn kinh tế qua việc đầu tư vào máy móc. Họ bắt đầu bằng cuộc thi chế tạo máy hái dừa, giải thưởng là 20 ngàn Mỹ kim cho ba đề án thiết kế một cái máy hái dừa thích hợp với thị trường địa phương, tiêu chuẩn “thích hợp” ở đây cần hiểu là giá rẻ và dễ dùng để có thể chế tạo và sử dụng. Ðã có 350 kỹ sư gửi đề án dự thi, Dế Mèn chưa biết kết quả ra sao. Năm nọ lang thang qua Ấn Ðộ, đi ta bà khắp miền Bắc Ấn, đời sống còn vô vàn khó khăn, không biết nhân công hái dừa còn tiếp tục hay không?
Băn khoăn chuyện dừa Ấn Ðộ làm vậy nhưng khi đọc mấy bản tài liệu về kinh tế liên quan đến kỹ nghệ dừa của Liên Hiệp Quốc, Dế Mèn ham quá. Ở chốn xa xôi kia, người ta thay đổi đời sống, dùng tài nguyên thiên nhiên và sự tự do để thay đổi kiếp sống con người. Con cháu giai cấp Dalit đã có cơ hội thoát ra cái vòng giai cấp oan nghiệt mà tự họ thay đổi đời sống qua việc chọn lựa nghề nghiệp. Làm thế nào để ta “nhập cảng” cách suy nghĩ trên vào Việt Nam? Sự thay đổi từ chính quyền sở tại và người dân có thể thay đổi đời sống và những cô gái Việt không còn phải bán thân xác ra ngoại quốc như hiện nay?
TLL