MICHEL BUTOR sinh ngày 14. 9.1926 ở Mons-en-Baroeil trong một gia đình khá giả, từng làm giáo sư Pháp văn, mặc dù có cấp bằng về Triết học. Ông nổi tiếng và được mến chuộng như một nhà văn của trường -Tiểu thuyết mới- của Pháp với các tác phẩm: Passage de Milan (1954), L’Emploi du Temps (1956), và nhất là La Modification (1957)… Nhưng ông đã làm thơ từ trước khi viết truyện. Ông đã cho xuất bản những tập thơ échanges – carnets, Zone franche, À la Frontière, À l’écart, D’un jour à l’autre, và Chantie. Thi phẩm mới nhất của Michel Butor làL’Horticulteur itinérant (2004). Ông vừa qua đời ngày 24/08/2016, ở tuổi 89. Chúng tôi xing đăng lại những bài thơ của ông qua bản dịch của dịch giả Hoàng Ngọc Biên như một lời tưởng niệm.
Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên
Một bông hồng cho mẹ tôi
Con đã bơi bao nhiêu tháng trời
trong những ao hồ đậm màu hồng tía của mẹ
tai lắng nghe tiếng đập
trái tim và những buồng phổi của mẹ
Con không dễ gì lọt ra ngoài
nhưng đấy là mong muốn lớn nhất của con
cảm hứng đầu tiên vừa lên tiếng
đã trả lời ngay tiếng khóc đầu tiên
Khi người ta cắt xong cuống rốn
người ta tắm rửa ủ ấm cho con
ôi an ủi biết chừng nào
khi con có thể ngửi được mùi da của mẹ
Trong thế giới tiếng động chát chúa
đôi mắt con mơ hồ mở ra
con dần dần nhận diện
mạch nguồn của cuộc sinh tồn
Chính trong khi nắm bàn tay mẹ
con đã chinh phục những bước đầu tiên
cái thìa xuất hiện sau bầu vú
sau những bài ca là câu chuyện kể
Con đã tách khỏi vòng tay mẹ
như trái cây chín rụng khỏi cành
được êm đềm tiếp nhận bởi đám cỏ
trên những cánh đồng tay mẹ đã gieo
Bởi thế mà suốt cả đời con
trong những xứ sở xa nhất
gắn bó mẹ con ta là một dòng hương thơm
mà cái chết không hề tháo gỡ được
“Một bông hồng cho mẹ tôi” dịch từ nguyên tác “Une rose pour ma mère” trong Michel Butor, Michel Butor – Présentation et anthologie, Tủ sách Poètes d’aujourd’hui (Paris: Seghers, 2003).

Bay trên không
tặng Anne Walker
Mấy hạt mầm kia sẽ trở thành nội cỏ
mấy giọt nước sẽ trở thành thác lũ và sông
những cây con sẽ trở thành lùm cây và rừng
những căn lều nghèo sẽ trở thành khách sạn và cung điện
những lối đi nhỏ sẽ trở thành đường lớn và xa lộ
những bãi đất hoang sẽ trở thành sân bay và kho chứa
bóng tối và tro than sẽ trở thành nghĩa trang và phế tích
những lời than thở trong gió đêm
sẽ trở thành tiếng gầm địa chấn khi bước qua thế kỷ sau
Nghi lễ cà phê
Ngày xưa tôi uống cà phê
đặc biệt là ở Ai Cập
nơi tôi rất thích nhai một chút
chỗ cà phê lắng dưới đáy tách
Ngày nay tôi phải kiêng cữ
nhưng tôi đi tìm mùi của nó
đưa trở về một con phố tuổi thơ
có tiếng lò rang hạt reo vui
Khi tôi đến xứ sở
Rimbaud lọc chọn hạt cà phê
tôi cảm thấy cần thiết
phải thử làm một nghi lễ
Gần những ngôi nhà thờ trong hang
hứng khởi chuyến đi xa
tôi muốn uống nguyên một ngụm
cà phê của trọn một đời người
Mùa xuân sẽ trở lại
Những dòng suối sẽ chảy dưới tuyết
các cánh cửa tầng hầm ở đây sẽ mở ra
Dưới những ngón tay của gió lan tỏa
hương thơm của những miền đất xa
Những tia nắng thanh xuân
sẽ long lanh trên những tảng băng ngũ sắc
Tan thành nước ở những rìa mái nhà
tí tách tiếng đàn luth trên những vũng nước
Nhựa sẽ lưu hành trở lại
trên những thân cây và những nhánh lá
Ðập vỡ những chồi non
giữa những lá đài láng bóng
Các cậu học trò sẽ nghiền nát
điếu thuốc trên những chiếc ghế dài
Ðể giải thoát những tiếng mưa rào
lao xao trong giọng nói của mình
Cây sẽ lôi ra màu phấn
để phác vẽ những cành lá
Và chim gõ kiến xanh sẽ bắt đầu
gõ trên máy chữ những dòng thơ
“Mùa xuân sẽ trở lại” dịch từ nguyên tác “Le printemps reviendra” trong Michel Butor, Seize lustres, thơ, Nhà xuất bản Gallimard, 2006.