Tôi gặp lại Vân Thanh, người bạn thân quen từ thời thơ ấu. Hai đứa ôm chầm lấy nhau, cười muốn vỡ tung căn phòng nhỏ bé. Mọi chuyện cũ mới cứ thi nhau tuôn chảy, hết người này kể lại đến người kia. Anh Huy, chồng của Vân Thanh hỏi: Sao, hai cô nói hết chuyện của mấy mươi năm chưa. Chúng tôi cười khúc khích trả lời: Chuyện nghìn đêm lẻ biết nói đến kiếp nào mới hết. Chúng tôi cùng nhìn nhau, cùng nhận xét: Lạ thật, hai mươi mùa trăng rồi, chúng tôi hình như không thay đổi. Một nàng hơi tròn trịa, một nàng hơi gầy đi. Nhưng những gì là bản tính cố hữu thì bất biến. Hai mươi năm, thời gian thật dài đủ để cõi đời này có nhiều biến động, đủ để thay đổi thân phận của ai đó. Thế nhưng tôi và bạn vẫn giữ nguyên nếp đơn sơ của thời thư sinh tay trắng mộng đầy. Phải chăng khi thực sự là mình, người ta mãi mãi vẫn như xưa.
Vân Thanh là người đầu tiên mơ mộng có một nhà xuất bản, chỉ để in thơ văn của bạn hữu, trong đó dĩ nhiên không thể thiếu tôi. Nàng đặt tên nhà xuất bản ấy là Ráng Chiều, gọi tôi là thi sĩ Cánh Sen Hồng. Ðúng là cái thuở hồn còn son trẻ ấy, xem đời dễ như trở bàn tay. Chúng tôi thích gì thì cứ nói, mơ gì thì cứ ước, chẳng cần biết chuyện ngày mai sẽ thế nào. Cho dẫu chuyện cũ mười điều chín chẳng như, chúng tôi vẫn dream big dream, vẫn cười rất tươi không ngại đường xa gánh nặng xế chiều. Nhớ xưa, trong một đêm trăng trên thành đô Ða Lạt, Vân Thanh bỗng nhiên bảo: “Hai đứa mình, một đứa là sen, một đứa là súng, tuy hoa có khác nhau nhưng cùng giống ở chỗ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Tôi hỏi: “Thế tớ và cậu ai là sen ai là súng.” Cô bạn thân đã ấp úng, rồi nói: “Cả hai chúng mình đều là sen.” Tôi cười khanh khách, lắc đầu: “Sao tớ và cậu có thể cùng là sen được, vì cậu đã khẳng định một đứa là sen, một đứa là súng cơ mà…” Vân Thanh làm thinh không nói. Câu chuyện dở dang có tiền đề nhưng không có kết luận, đắm chìm trong ánh sáng dị thường của mùa trăng phố núi.
Chúng tôi ôn chuyện cũ, cùng cảm nhận: Bây giờ hai đứa cũng không biết ai là sen ai là súng. Chỉ biết rằng, từng cây số đời đã đưa cả hai người đến những bến bờ khác biệt. Tôi chợt nhớ những điều đã viết: Ðành như được, đành như thua. Ðược vui mấy bận, buồn thua mấy lần. Ðành như thăng, đành như trầm. Nam Kha nhất mộng vừa không? Chẳng vừa! Gặp lại nhau giữa tiết thu phân, bắt đầu mùa trăng mới. Chúng tôi cùng nhớ những lần đò dọc đò ngang, đi chơi khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Ðốc, Hà Tiên, Minh Hải, là những nơi chúng tôi từng đi qua, khi còn là sinh viên. Chúng tôi không chỉ nhớ những địa danh, mà còn nhớ cả con đường bụi đỏ gập ghềnh đi suốt Kinh B. Khi xe chạy trên đường Nguyễn Trung Trực tiến vào Thị Xã Rạch Giá, vừa qua cầu chúng tôi đã nhìn thấy tháp chuông nhà thờ. Giữa phố thị êm đềm, giữa ráng chiều tím nhạt, tháp chuông giống hệt thành quách ngàn năm còn vang vọng âm hưởng ngàn thu. Tôi đã ghi chép rất nhiều, trong những chuyến đi xa ấy. Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Ðốc thật huyền bí, chứa đựng hằng hà sa số điều thiêng liêng, linh hiển, khó có thể minh định hay giãi bày. Thạch động Hà Tiên đúng là địa danh của cổ tích. Tôi nhìn hang sâu thăm thẳm, ngắm hòn đá treo lơ lửng trên thạch động. Câu ca dao nói về truyền thuyết Thạch Sanh ngân nga trong trí tưởng: “Ðàn kêu tích tịch tình tang. Ai đem công chúa lên hang mà về!” Giữa đất trời cao rộng, giữa thành vách rêu phong, tưởng như tôi cũng giống nàng công chúa thuở xưa, ngồi trông đợi Thạch Sanh của lòng mình.
Chúng tôi đến thăm Chùa Tam Bảo, nơi từng là dinh của Mạc Cửu. Năm tháng qua đi. Cảnh cũ còn, nhưng người xưa đã khuất. Chỉ còn lại bức tường thành trơ trọi, đứng ngẩn ngơ như hoài vọng một thời uy danh vàng son. Lăng Mạc Cửu đầy chứng tích cổ kính. Tôi đứng trên cao lộng gió, giữa đêm trăng vừa sáng, tự hỏi lòng: Hàng trăm năm trước, phải chăng nơi đây cờ bay đuốc sáng, trong những ngày hát hội trăng rằm. Giữa cơn gió se lạnh vào thu, giữa đồng cỏ khô hoang dại, từng ngôi mộ ẩn hiện xa xăm gợi lên niềm hoài cảm sâu xa. Ai có thể thờ ơ, khi nhìn thấy mộ phần của những người đã lưu danh thiên cổ ?!
Hà Tiên quả xứng danh là biển của thần tiên. Bởi vì nước biển Hà Tiên trong vắt, phẳng lặng, tưởng như có thể nhìn thấu đáy của trùng dương. Hà Tiên không chỉ là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, mà còn là chiếc nôi của huyền thoại, mà còn là nơi lưu giữ khối tình thiên cổ lụy giữa Mạc Thiên Tích và nàng Phù Cừ, cô gái tài hoa mệnh bạc. Cuộc sống của cư dân ở đây thật bình dị, thật đơn giản. Họ dường như vẫn còn được bao phủ, trong những câu chuyện truyền kỳ có từ thời Mạc Cửu. Họ cũng không biết có nhiều chính biến trong xã hội. Họ chỉ tôn thờ cảm phục một người, đó là Quốc Công Mạc Cửu. Ông chính là vua của đất trời Hà Tiên.
Chúng tôi và bạn hữu đi dạo bên bờ Biển Ðông, giữa đường trăng ánh sáng ảo diệu phi thường. Sông là dải lụa bạch, là ánh trăng vàng lung linh giữa mặt nước gờn gợn sóng. Tôi tưởng như sông Ngân hóa hiện, nhớ câu chuyện tình buồn chung thủy của chàng Ngưu và nàng Chức. Tôi tưởng như đang đi trong chiêm bao, không nhận biết tôi là ai, chỉ biết bản thể hiện hữu giữa phút giây khải huyền màu nhiệm. Mặt nước đầy hào quang, sóng lấp lánh như châu ngọc, vì hình như những muôn ngàn tinh tú rơi rụng giữa trùng dương.
Tôi và Vân Thanh thinh lặng. Giữa mùa thu Santa Ana, mà tưởng như chúng tôi đang đứng trước biển Hà Tiên, nhìn thấy bóng nàng tiên xuất hiện trong khói sóng.
HV – 3:15am Thứ Sáu ngày 09 tháng 09 năm 2016