Menu Close

Những bàn chân mang dấu hỏi (kỳ 2)

nhung-buoc-chan2Kỳ 2
Mạn ngược

Tiếng rao của người bán nước ở ga Lào Cai chưa tan hết vào gió bay, đã thấy mấy chục cây số dốc nữa mà mình phải vượt để lên Sa Pa. Ðèo ngoằn ngoèo, lướt qua mắt là bức tranh miền mạn ngược với những cánh áo người bản tộc, mái tranh, chuồng gà, lợn mán… Màu của sương hay những làn khói trắng của những ả phù dung một thời khét tiếng ở đất Tây Bắc này.

Sa Pa và Tây Bắc, nơi vùng đất của người mạn ngược với đủ các dân tộc như Hà Nhì, Hmong, Dao, Thái… Người Thái, sau khi bị  đế quốc Mông Cổ xâm lấn, đã có cuộc “trường chinh” chạy dạt khỏi đất Ðại Lý mà xuống phía bắc Việt Nam, rồi qua Lào vượt Mekong, Menam mà lập ra vương quốc Sukhothai, Ayutthaya, Siam và là Thái Lan ngày nay. Người Hmong vốn là con cháu của Xi Vưu thì đã trốn chạy người Hán. Họ vẫn nhắc về Vạn lý trường thành, phía nam Trung quốc, xây thời nhà Minh trải từ tây tỉnh Hồ Nam tới Quý Châu. Vùng Tây Bắc nói chung và Sa Pa  nói riêng, mảnh đất vùng viễn biên tưởng chừng như xa cách đó, đã là nơi hội tụ của bao nhiêu sắc dân. Chưa kể người Pháp tìm đến rừng già Ðông Dương nhưng vẫn mơ màng về mẫu quốc của những vùng ôn đới. Họ đến Sa Pa ở Lào Cai, Mẫu Sơn ở Lạng Sơn, Bà Nà ở Ðà Nẵng, Ðà Lạt với cao nguyên Langbian, Tam Ðảo ở Vĩnh Phúc.

nhung-buoc-chan3
Đồ nướng đã sẵn chờ thổi lửa trong khu chợ ẩm thực Sa Pa

Người Pháp mang theo những nhà truyền giáo với sứ mệnh của Thiên Chúa đem đức tin sống khác cho mọi người. Có lẽ những người Hmong ở Sa Pa là những người Hmong đầu tiên trên thế giới theo Kitô giáo. Khí hậu cao nguyên phủ sương mù với cái se lạnh quả là nơi kỳ thú để nghỉ ngơi thoát khỏi những ồn ào dưới miền xuôi. Người Kinh, người Việt cũng dần dà theo lên đây.

Dọc con đường đèo từ Lào Cai lên Sa Pa, mây ôm núi, bồng bềnh. Anh bạn đồng hành Nguyễn Thường Pha chỉ tôi những lối rẽ vào bản Tả Phìn. Sa Pa, vẫn là một miền đất lạ trong tôi như những mường tượng về hình ảnh những phụ nữ sắc tộc thiểu số địu con trên lưng; những tấm thổ cẩm sặc sỡ; những mái lá xiêu vẹo thếch màu…

nhung-buoc-chan5
Mía xương gà, cơm lam quệt dầu hạt mắc khén, và trứng gà đồ nơi cõi nghỉ tạm tại Cổng Trời, đỉnh đèo Ô Quy Hồ cùng chị Vàng Thị Mảy

Cảm giác ngầy ngật còn chểnh mảng từ chuyến tàu đêm từ Hà Nội cộng dư vị choáng váng của đoạn đường đèo, chàng Pha tội nghiệp vừa túm cái bịch ny-lông, vừa thốc mứa.

Khách sạn Sapa Lake View, căn phòng VIP lý tưởng trên tầng 3 khách sạn. Ðảo Cò, cô quạnh giữa một lòng hồ cạn nước và không bóng dáng  một cánh cò ẻo lả. Nghe là hồ đang nạo vét, hòn đảo cò trên hồ cũng có thể đi bộ sang. Soi bóng xuống mặt nước hồ xăm xắp là các cơ quan công quyền nằm đối diện bên kia bờ. Anh Pha lại lên đồng về cơn gió chủ nghĩa vật chất quả tàn bạo với những thú vui hãnh tiến về ăn thịt chim rừng, chim quý và đào hết các loại thảo dược.

“Những người dân tộc thiểu số xưa không phải từng theo cách sống của vật linh (animism) hay sao? Trân trọng từng cái lông chim, từng ánh mắt nhìn của muông thú, cỏ cây?” Tôi đầy thắc mắc.

Những dấu hỏi, cũng tựa sự tái hiện không hồi kết. Chàng Pha bảo vậy.

nhung-buoc-chan4
Rượu vua Mèo và những vật phẩm nơi hoang nẻo biên thùy

Những bước chân len qua từng mạch phố ngắn. Khung cảnh Sa Pa, như lời tường thuật của “hướng dẫn viên” Pha, thì đã có phần khác lạ. Bãi đất nơi chợ tình Sa Pa xưa đã không còn, giờ là một sân chơi, một quảng trường dốc cho khách du lịch và những thanh niên trẻ tụ tập. Chợ Sa Pa xưa, lụp xụp với những căn nhà tường sơn vàng và cửa gỗ xanh kiểu cũ, những tiếng nhộn nhịp của người buôn bán, những nồi thắng cố nghi ngút khói, những thanh niên Mông mặt đỏ gay vì rượu… tất cả đã nhường chỗ cho một dãy khách sạn, nhà hàng mới.

Không chỉ là cỏ hoa mướt gió. Người là người. Nhà thờ Mân côi, chẳng còn hoang liêu trong mù sương, và hàng thông làm nền chỉ còn là một phần của dĩ vãng. Lại nghe chàng Pha chia sẻ rằng, hai bản người Mông cải đạo đầu tiên theo Thiên Chúa ở đây là họ đạo Hầu Thào và Lao Chải.

Trưa sũng nắng, tôi diêm dúa trong bộ trang phục dân tộc Mông sặc sỡ, kèm theo cái ô che nắng điệu đà, chỉ để selfie! Một em gái người Mông địu con, lơ lớ giọng Kinh. Tôi mường tượng thân phận em tựa  chiếc lá mót cạn đời diệp lục,  chỉ còn lại những mưu sinh nhọc nhằn.

“Người Mông tuy vậy mà cái danh tính cũng mạnh. Bị người Hán đánh bạt mấy nghìn năm không tổ quốc mà con cháu Xi Vưu vẫn còn giữ được nhiều dáng dấp.” Chàng Pha lại mớm tôi một hình dung khác. Một dáng lưng cong, chúc nghiêng về phía trước. Lưng chẳng bao giờ thẳng, kể cả lúc địu con hay gùi đồ, trở thành một cái dáng đi của dân tộc Mông.

nhung-buoc-chan1
Sặc sỡ sắc màu từng shop nhỏ trải dọc triền dốc lên Sân Mây đỉnh Hàm Rồng

Từ dưới thị trấn Sa Pa đi về phía Lai Châu, tôi cùng anh Pha ngang qua những Thác Bạc, Thác Thiên Ðường rồi mới tới đèo Ô Quy Hồ. Những con đường đèo quanh co hoang lạnh, phần nào như bị xé nát.

“Người ta vẫn yêu thích chữ đỉnh đèo Ô Quy Hồ hơn, nó có cái gì đó ma mị, hoang liêu. Con người, vẫn bị thu hút bởi cái gì mà họ không hiểu hết nổi, giống như cách đặt tên của bao nhiêu con phố tại Hà Nội như ngõ Tạm Thương, Cấm Chỉ, phố Chân Cầm, Gia Ngư… Ðèo Ô Quy Hồ không phải là con đèo hiểm trở nhất Việt Nam, nhưng là con đèo cao nhất trong tứ đại đỉnh đèo gồm Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Ðin và Mã Pí Lèng.” Chàng Pha giảm ga, giọng vẫn như át tiếng gió đèo, “Hiển nhiên, do nằm cạnh đỉnh cao Fansipan, đèo Ô Quy Hồ cũng ké theo một ‘giá trị đính kèm’. Thế đấy!”

Sự hớp hồn của cái gì đó thật hùng vĩ không có ở dải đất hình chữ S này nữa. Ðã không còn thấy những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, hay những bãi biển nguyên sơ cát trắng. Ngay cả vùng Tây Bắc xa xôi này, cái mảng màu uyên nguyên của thiên nhiên cũng bị sự  “du lịch hoá” tẩy sắc.

Con trâu sắt miệt Tây Bắc, giá thuê 150 ngàn. Những chiếc xe máy nơi đây hiếm khi sạch bùn vì những con đường đất vô sâu, gập ghềnh trên đá và bụi của những tỉnh lộ leo đèo. Những lán dựng tạm của người dân địa phương bán hàng cho những bạn trẻ đi phượt, những Tây ba lô, và những con nhạn lạc đàn như bọn tôi.

nhung-buoc-chan
All you can see – “Chuẩn bị nước lèo cho tô tái gầu!” cô bán phở xếp bánh và thịt sau dàn móc treo tại quán Phở Tùng Hà Nội, phố Xuân Viên, Sa Pa

Giáp với vách quán lá là vực. Vùng trung du xếp lớp núi và mây. Ðất thì bụi, áo cũng vương bụi, gương mặt cũng bụi. Tôi đang nói ngôn ngữ của một “Tây ba lô”, cưỡi ngựa sắt miệt Tây Bắc, ngồi bệt xõa ở những quán ăn bờ bụi.

“Người Việt mình, phần nào vẫn còn bị di chứng của vua nước La, nhỏ mà tưởng lớn và hay dùng những từ đao to búa lớn như ‘Hà Nội tinh hoa ngàn năm văn vật’. Và cả ở Sa Pa này, ta lại có những Chân Mây gần thị trấn, và đây trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ này thì là Cổng Trời.” Chàng Pha, vừa tán chuyện, vừa thành tâm thưởng thức mấy cái ống tre cơm Lam còn hưởm mùi than đỏ. Ðặc sản cơm Lam của vùng đèo heo hút gió này là một thứ nếp ngâm trộn gạo, dầu ăn với hạt mắc khén, gói nén trong một ống tre nhỏ rồi nướng than. Tôi ngồi bệt xõa, chăm nhìn chị hàng quán phe phẩy từng lượt quạt nan. Trên cái vỉ nướng, mấy đốt mía xương gà, đặc sản của Mường Khương, cỡ gang tay; vài quả trứng gà đồi nướng đang hôi hổi trên miếng vỉ thiếc.

Chị bán hàng, không trang phục thổ cẩm nhưng cái tên Vàng Thị Mảy đã mỉm thẹn thừa nhận khi tôi hỏi chị có phải người tộc Mông. Trưa rẻo cao, những mảng nắng hườm qua mái phên. Cái bàn trệt giữa quán chụm một nhóm chân người. Một gã khách vãng lai đang thán về chai rượu tăng tốc vua Mèo, loại rượu tráng dương “nhị hoa dâm dương hoắc”, tuần 6 lần hơn cả là cái lời chào hàng trên cái nhãn chai  “chồng uống, vợ khen”. Vị la hán ngọt thanh, nhúm lá “chè ngọt sapa”   đang réo rắt sôi trong cái ấm sắt. Chị hàng quán bảo chỉ cần cho dăm lá vào ấm chè, đổ nước sôi vào hãm là có thể thay cho nước uống hàng ngày. Xem như, những công dụng  từ một loại lá hái trên cây cổ thụ trong rừng là, “bổ mát, dùng cho người bị tiểu đường, nóng trong người, điều hòa huyết áp, mát gan”.

Chàng Pha vừa hớp ngụm chè ngọt, đã tiếp lời bằng mẩu chuyện lên Mai Châu là bản Lác của người Thái trắng. “Người Thái họ cũng so đo gớm, nói là họ làm ăn kinh tế không kém người Kinh, chứ người Mông thì chỉ ở trên núi. Cái này đúng là chủ nghĩa sắc tộc trong chủ nghĩa dân tộc. Mà đúng rồi, người Mông họ chỉ ở trên núi. Quen lạnh, nhà đất thấp chứ không có nhà sàn như Kinh, Thái, Mường.”

Tôi cảm giác mình đang vượt cạn giữa những ngữ ngôn, những danh tộc, những sắc thái cảm xúc. Và cả những cái nhìn hồn nhiên về một xã hội đầy lạ lẫm lề lối. Một đất nước với những vô ngôn của cơn đau, những an yên chẳng còn màu nguyên thủy.

Cái quyến rũ của Sa Pa chẳng ở mấy loại rượu sán nùng, rượu sâu chít hay món đặc sản thắng cố  “hầm bà  lằn” từ ngựa, trâu, bò, lợn. Ðiều tôi yêu là những bàn chân nứt kẽ, những cổ tay vẫn hằn màu đồng của những chiếc vòng đeo cổ tộc. Những con dốc hụt thở mù sương, những con đường bụi đỏ, ngược gió không tên gọi.

Cơn đói réo tên những hàng quán đêm. Chợ ẩm thực Sa Pa, nơi tập trung đa số khách Việt, không nhiều khách Tây, đa sắc và huyên náo. Khu quán xá với những loại đồ nướng sắp sẵn, những vò rượu xếp thành hàng và những nồi lẩu nghi ngút khói trong đêm lạnh. Tô cháo gà đồi lửng dạ, ngày nhét tôi vào cơn váng vất, chỉ mong một giấc vùi.

Ngày mót lại những âm thanh mè nheo “chị ơi, cho tiền em!” Ánh mắt trẻ ngước lên, cái đầu tôi cúi xuống, “Thế mẹ em đâu?”Chàng Pha nhanh miệng, “Mẹ chúng đang đứng ở mấy cái cột đèn gần đấy!”

Tôi thử thêm vài chục bước, “cái đuôi” của cao nguyên nhỏ cũng thôi lẽo đẽo, chắc đã ra khỏi “địa bàn hoạt động” mà bà mẹ người dân tộc thiểu số cho phép.

Bất chợt, tôi nghe mình buông tiếng thở dài như khói thuốc.

Buổi sớm Sa pa, ngồi với “cốc- nâu- nóng” –  đúng kiểu gọi của Hà Nội, thay vì càphê sữa nóng của Sài Gòn. Quán Café Nhân, một chi nhánh café nổi tiếng của Hà Nội từ thời bao cấp đã mò lên Sa Pa. Những cái lưng cong thổ cẩm, những hàng quán nhiều tên gọi, những chiếc xe đổ khách lên Sa Pa… lướt chậm trong màn sương sớm.

Tô phở điểm tâm “Tùng- gia truyền Hà Nội” phố Xuân Viên với menu đa dạng từ tái-chín-nạm- gầu đến sốt vang, gà ta. Chàng Pha bảo, chỉ tội cái xếp hàng ngang tự phục vụ.

Lịch trình kế của những bàn chân mang dấu hỏi, “Ði chinh phục nóc nhà Ðông dương”- Toàn là mỹ từ, chỉ để diễn đạt một ngọn núi cao 3,143m- Fansipan!

đmh

https://www.facebook.com/hanhphoto