
Lưu đến Yorkshire vào một buổi chiều muộn đầu thu năm 2008. Sân bay quốc tế Leeds Bradford đón chàng thư sinh chập chững những bước đầu tiên trên những con đường thật xa lạ, để rồi như bao du học sinh khác, sau những bước đi đầu tiên là cả một chân trời mới mở ra trước mắt chàng trai 18 tuổi. Lưu nhớ mãi những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tà trên sân bay càng khiến cho khung cảnh nơi đây trở nên lạnh lẽo, ảm đạm như danh tiếng: Xứ sở sương mù. Lưu may mắn nhận được học bổng toàn phần để du học tại Trường đại học Leeds Metropolitan, thuộc thành phố Leeds, Trung tâm Vương quốc Anh với chuyên ngành Quan hệ Quốc Tế mà anh nguyện sẽ gắn bó suốt đời để vừa có thể theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực mình thích, vừa có cơ hội làm việc ở nước ngoài.
Gia đình Lưu không mấy khá giả, nhưng vốn là học sinh giỏi, và phải vất vả để có được học bổng du học nên Lưu từng nghĩ, mình cần tận dụng thời gian nhiều nhất cho việc học và nghiên cứu chuyên ngành. Thế nhưng, tại Anh quốc, điều quý giá nhất mà Lưu nhận được lại là những công việc để một ngày đưa anh đến với vị trí phóng viên một phòng ban Tin tức Quốc tế thuộc một cơ quan báo chí dù anh còn đang học tập.
Yorkshire sở hữu những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới và có lịch sử 1,000 năm về giáo dục đại học. Khi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit) nhằm đạt được sự độc lập về kinh tế và chính trị, du học sinh Việt Nam lại là những người được lợi từ Cuộc trưng cầu dân ý này. Các Trường đại học đưa ra mức học phí rẻ hơn, ngoài ra, chi phí ăn ở và sinh hoạt cũng phải chăng hơn. Ðiều đáng ngạc nhiên là Brexit có những ảnh hưởng tạm thời đến tình hình xin Visa lưu trú và làm việc tại Anh. Các du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp có nhiều khả năng để làm việc tại Anh hơn, ít bị giới lao động trong Liên minh Châu Âu (EU) cạnh tranh hơn trước.
Hầu hết các du học sinh đều mong kiếm được việc làm thêm trong quá trình học nhằm trang trải chi phí học tập và sinh hoạt của mình. Ngoài ra, vấn đề việc làm tại Anh sau khi học xong cũng là mối quan tâm của du học sinh. Ðã có người bằng thạc sĩ xuất sắc ở Anh về nước làm việc với mức lương tháng 2.4 triệu VNÐ, dù ở Anh vừa học vừa làm thêm anh ta cũng kiếm được đến 1,000 bảng Anh/tháng.

Ai cũng muốn có được một công việc tốt, phù hợp với năng lực, chuyên môn, cũng như những chi phí đã bỏ ra để đầu tư cho việc học tại nước ngoài của mình. Lưu cũng vậy.
Vào năm đầu tiên của bậc đại học, Lưu đã bắt đầu tìm kiếm những công việc part time, theo lời khuyên của các lớp đàn anh, để được xác nhận là người làm việc có kinh nghiệm, Lưu đi làm tình nguyện cho các tổ chức phi lợi nhuận (CARE, Hội Hồng Thập Tự…), đi làm từ thiện tại Tổ chức tạo quỹ ủng hộ trẻ em nghèo Châu Phi (St Vincent de Paul Society)… Trần Vĩnh Lưu tuy chỉ là một du học sinh bình thường nhưng đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với những cư dân Yorkshire: từ những nghệ sĩ đường phố đến các mục sư, cảnh sát, chủ trang trại, ngư dân… Họ đều là những người vô cùng cởi mở, luôn lắng nghe và giúp đỡ mỗi khi Lưu cần tới họ.
Lưu nhận ra các tổ chức từ thiện và tình nguyện đóng vai trò lớn trong xã hội. Cuộc sống bên ngoài trường học thật thú vị. Vì thuê phòng trọ của một người Anh nên Lưu có nhiều cơ hội tiếp cận với văn hóa và con người nước Anh. Chủ nhà là những người rất tốt, họ đưa Lưu đi thăm chơi nhiều nơi, họ giúp Lưu hòa nhập cộng đồng bằng những chuyến đi và công việc thiết thực.
Có rất nhiều cánh cửa nghề nghiệp đợi Lưu sau khi học xong lấy bằng Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế, và Lưu đang bị Yorkshire hớp hồn. Vùng đất mênh mông vừa thần tiên vừa như ma quái làm nên một khung trời huyền bí dù đang thế kỷ 21 tại một vương quốc hiện đại nhất thế giới vẫn mãi đang ám ảnh, quyến rũ và lôi cuốn chàng du sinh đầy tham vọng. Lưu đã dành hầu hết thời gian trong các kỳ nghỉ hè để khám phá Yorkshire. Trong 8 năm du học, anh chỉ có một lần duy nhất về quê ăn Tết và anh đã nhớ nước Anh đến không chịu nổi, anh say đắm vẻ đẹp lãng mạn của cảnh vật và khát thèm sự lịch lãm, thân thiện, uyên bác của người Anh. Những tòa lâu đài hàng trăm năm tuổi, những con phố mang đậm dấu ấn lịch sử, dòng sông Ouse và Foss thơ mộng ôm ấp những tòa thành cổ đẹp nhất Châu Âu nằm ẩn mình giữa phong cảnh thiên nhiên lộng lẫy, những cánh đồng lúa mì vàng rực, những vạt hoa lung linh xen giữa những vườn khoai tây, cải bắp xanh rờn, dựa vào những triền đồi thoai thoải tím sậm hoa thạch nam, tĩnh lặng, không chút bụi bặm chốn thành thị, yên bình, vắng lạnh.
Yorkshire mà những linh hồn chết vẫn ám ảnh với hai chị em Brontë và Bram Stoker trong những cuốn tiểu thuyết từ thế kỷ 19 vẫn đọng lại trong tâm trí Lưu, từ Chạng vạng cho đến True Blood. Và có thể tìm thấy những bá tước Dracula trong tiểu thuyết của nhà văn Bram Stoker, hay những thây ma sống dậy hiện ra trên những cánh đồng hoang. Một thế giới với các nhân vật phản diện như quỷ truyền thống của Whitby, ma cà rồng hoặc người bà điên sống trong căn gác và bị tước đoạt tinh thần, những câu chuyện đầy cảm hứng về hoàng tộc Howard, những căn phòng xưa cũ bên trong còn treo giữ những bức tranh ma quái, thi thoảng có những tiếng gào khóc, than van cùng tiếng gió rít va đập cửa kính trong những đêm mưa làm không gian trở nên bí ẩn một cách kỳ lạ.
Trải dài trên một diện tích rộng lớn phía Bắc nước Anh, Yorkshire là vùng đất của sự tương phản. Nét cổ kính và hiện đại đan xen hài hòa ở Scarborough, các bảo tàng thiên nhiên và lịch sử chồng chất, vẻ đẹp choáng ngợp của Ilkley Moor nằm ở vị trí khá cách biệt, Công viên Quốc gia Yorkshire Dales chập chùng thung lũng và núi đồi, Làng cổ Saltaire – Ðịa danh được UNESCO trao tặng danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới – nối dài những thành phố sầm uất và hiện đại như Bradford, Leeds và Sheffield.
Tám năm sống và học ở Yorkshire với Lưu nước Anh đã là quê hương thứ hai. Anh đã gặp gỡ nhiều bạn bè tới từ mọi châu lục, anh từng phải làm những việc như rửa bát, phát tờ quảng cáo, bồi bàn, quét rác… nhưng dù làm bất cứ việc gì và sống trong cảnh giá lạnh và sương mù quanh năm Lưu vẫn thấy mình được bao bọc, dung dưỡng trong ánh sáng ấm áp của tình người, dù không cùng màu da chủng tộc.

LTT