Ben Hur và Messala in lần đầu trên tập san Văn Học tại Nam California năm 1991 thời Cao Xuân Huy làm tổng thư ký. Một lần về Sài Gòn, tôi ngạc nhiên nhìn thấy truyện ngắn của mình in trong hai tuyển tập bày bán ở hiệu sách Nguyễn Huệ mà tôi không được thông báo. Bản in trong tập Khi Tan Nắng của Nxb Hội Nhà Văn 1993 cùng với bản in trong Tổng Tập Truyện Ngắn của Nxb Kim Đồng bị lược cắt, biên tập mà không có sự đồng ý của tác giả. Bản đánh máy cho tuần san Trẻ là bản nguyên. Trần Vũ

Những xúc động của Vĩnh khi gặp lại Ðàm, không giống những xúc cảm mãnh liệt đã xảy ra khi Vĩnh trở về Huế gặp lại song thân. Vĩnh đã chờ đợi, mường tượng, mơ ước, suy diễn phút giây gặp lại người bạn thân nhất của mình trăm nghìn lần, từ lúc còn ở ngoại quốc, ngay cả trong những giấc mộng Vĩnh luôn thấy mình gặp lại Ðàm như một chứng nhân tuổi trẻ của Vĩnh. Trong các giấc mơ, Vĩnh luôn ôm vồ lấy Ðàm, đấm thụi thùm thụp vào lưng bạn, hét to, thét gọi gần như la khản tiếng để giải tỏa ẩn ức cô độc kềm hãm, bị dồn nén. Bằng trí tưởng, Vĩnh sướng lịm đi khi gặp lại bạn cũ. Hai người thanh niên nói với nhau thao thao hàng giờ, không có biên giới, không có ngăn cách giữa họ, như thể cả hai chưa xa nhau một ngày, một giờ, một giây khắc nào. Họ là đôi bạn. Cùng một tâm trạng. Cùng một tư thức, chung suy nghĩ. Nhưng lúc Ðàm ở Hội An về, bước qua cổng, thì tất cả hoàn toàn khác.
Ðàm mang dáng dấp kham khổ của một người dân quê sống ở Quảng Trị nhiều hơn là nơi kinh thành Huế. Nước da đen sạm, cử chỉ hận đời, đôi dép đứt quai khâu lại bằng một cọng kẽm, gọng kính nhựa trầy nhiều chỗ, Ðàm khác hẳn người bạn mà Vĩnh thường đèo sau lưng xe đạp qua cầu Bạch Hổ. Chỉ có nụ cười còn phảng phất chút đùa nghịch.
– Tưởng không gặp lại mày nữa. Ðàm cất tiếng.
– Tao về rồi. Vĩnh trả lời.
Ðàm nhìn Vĩnh quan sát, rồi tự tiện vươn tay rút điếu thuốc ngoại Vĩnh để trong bao đặt ở góc bàn. Ðàm nghịch nắp bật lửa, mở đậy, mở đậy rồi đập đập một đầu cán thuốc trước khi đưa lên kẽ răng châm lửa, thở ra từng sợi khói vàng đặc nghệ như da thịt của người Huế.
Tiếng động của bật lửa tiếp tục, cho đến lúc Vĩnh cất lời.
– Tao đi rồi có chuyện gì đặc biệt xảy ra không?
Vĩnh không biết bắt đầu từ đâu, thấy khó khăn trong câu chuyện.
Ðàm vẫn thở khói.
– Nhiều lắm, ban đầu chuyện chi cũng lạ, chướng tai gai mắt có, thảm khốc có, riết rồi giống nhau không còn gì đặc biệt. Ngay cả bi kịch cũng trở nên bình thường. Lúc mày mới đi, tao viết cả một tập nhật ký để dành cho mày đọc, xong rồi cũng quẳng. Biển Thái Bình cũng không chứa hết chuyện của Huế. Nhưng mày hỏi làm gì?
Giọng Ðàm tàn nhẫn. Vĩnh không dám đi sâu vào những câu chuyện đau thương của Huế, rót cà phê vào hai cốc, cố nhớ những chuyện đã kể với Ðàm trong giấc mơ, khi còn ở ngoại quốc nằm mộng trở về đất Việt.
– Mày còn nhớ phim Ben Hur mình xem đầu năm đệ tam? Cuốn phim La Mã có thằng Charlton Heston đóng.
– Nhớ.
– Tao sang bên ấy có xem lại. Cái cảnh mà thằng Messala người La Mã trở về Jérusalem tìm thằng bạn cũ kết nghĩa Do Thái Ben Hur, hai đứa nó phóng lao lên đà nhà, hai cây lao bay vút đi rồi chập làm một cắm sát vào nhau, tao có ý nghĩ thật kỳ cục nếu Thượng đế cho phép trở về Huế gặp lại mày, tao cũng bắt chước làm như vậy. Mày ở nhà không hiểu sự mong ước của người ra đi, nhớ nhung quay quắt đến cỡ nào.
Vĩnh nói một hơi, mắt Vĩnh không nhìn thấy ngôi vườn với những gốc cau, mà nhìn thấy cảnh Messala mặc áo choàng La Mã cùng với Ben Hur đua ngựa và Esther, người yêu Do Thái của Ben Hur thật đẹp. Vĩnh tự dưng nghĩ vu vơ đến Tịnh, đến dáng mình dây của Tịnh cho đến khi bị Ðàm cắt ngang ý nghĩ.
– Mày muốn ví tao là thằng Ben Hur bị trị thống khổ?
Ðàm nhếch môi cười không có tiếng.
Chỗ Ðàm và Vĩnh ngồi, có một lằn nứt sâu của đất chạy dài ra tới khuôn tĩnh. Với người xưa, đó là dấu hiệu của đất bị chạm long mạch tối kỵ. Nhưng với Ðàm, thế hệ sinh sau không hề có sự bận tâm cho đất cát, ngoài giá đất. Ðàm dụi tàn thuốc xuống cái khe nứt, trong lúc Vĩnh lắc đầu.
– Không hẳn. Ý tao muốn nói là những kẻ ra đi không thực sự sung sướng như bọn chúng mày nghĩ đâu. Tụi tao bị dằn vặt tinh thần. Bằng chứng là suốt mười sáu năm tao chỉ có một ước mơ duy nhất trở về Huế để gặp lại gia đình, mày, trông thấy thành phố này một lần nữa rồi mãn phần.
Vĩnh muốn thêm “gặp lại Tịnh,” nhưng ngừng kịp.
– Mãn phần?
Ðàm đang khuấy cà phê, ngửng lên ngạc nhiên nhìn Vĩnh.
Vĩnh chưa kịp giải thích thì Ðàm bật phá ra cười.
– Mãn phần? Có hàng triệu thằng ở đây chỉ mong được chết sung túc, trong một cái áo quan tiện nghi chôn ở Nữu Ước, huyệt đào dưới chân thần Tự Do trong lúc mày đòi mãn phần ở cái xứ sở này! Trái đất đúng là một cái vòng. Chết thì thành vòng luân hồi, sống thì là vòng tròn lẩn quẩn. Mày thực sự muốn mãn phần ở Huế hay vì hám lăng?
Giọng Ðàm mỉa mai, làm Vĩnh bực.
– Bọn chúng mày mới là những đứa hoang tưởng. Thứ nhất thằng nào nói với mày sở thích chết chôn ở New York, nó sẽ không được toại ý.
Vĩnh lớn tiếng, hai chữ “hám lăng” làm Vĩnh khó chịu.
Thấy Vĩnh xẵng. Ðàm xẵng lại:
– Tại sao? Sống mới khó, chết rất dễ. Nhất là chết trong phú quý.
Ðàm đốt thêm điếu thuốc ngoại, nhìn Vĩnh bằng một sự ngờ vực mà trước đây chưa hề có. Vĩnh cũng nhận ra giữa mình và Ðàm không còn sự cảm thông như trước. Chỉ có nhân dáng của tình bạn, còn tình bạn thực sự, họ chưa tìm lại được.
Vĩnh nhìn những ngón tay chai sần của Ðàm.
– Ðúng.Chết thật dễ. Nhưng tiền mua đất để chôn thì không dễ kiếm. Mày chưa bao giờ trông thấy cái lò thiêu xác ở New York. Nó không phải là một cái lò, mà là căn phòng của địa ngục. Ðịa ngục của bọn da trắng. Tin đi, trông thấy mày sẽ sợ, vì biết chắc chín mươi chín phần trăm là mầy sẽ phải kết thúc cuộc đời trong căn phòng đó. Ở Huế ít ra có thể được chôn sau vườn, giỗ Tết hương khói hoa quả đầy đủ, sống gần người thân, chết gần người thân, hồn lìa thì xác vào nằm trong đất mẹ. Tụi mày vọng ngoại làm sao hiểu được hạnh phúc của một kiếp người chỉ cần chừng ấy.
Câu chuyện gặp gỡ, không ngờ trở thành cuộc cãi vã. Ðàm nhìn Vĩnh lạ lẫm. Vĩnh biến mất khỏi cuộc sống Ðàm, bẵng đi mười mấy năm, rồi tự dưng trở về nói những chuyện nhân sinh — cuộc đời, kiếp người, hạnh phúc sau khi chết — những chuyện gần như hoang tưởng khi Ðàm phải chạy gạo từng ngày. Những đề tài mà họ chưa khi nào đề cập với nhau và kỳ quặc là trong giọng nói giảng đạo của Vĩnh, ít nhiều tính trịch thượng làm Ðàm bất mãn. Ðàm cắn cán thuốc rồi phun xuống khe đất nứt. Dễ đến hai trăm năm từ lúc dòng họ Nguyễn-Khắc theo chúa Nguyễn vào lập nghiệp đất này. Long mạch bị động là phúc hay là hại? Ðôi khi đất cần nứt để toát hết âm khí… Ðàm ngẫm nghĩ vừa tự hỏi, vừa nhìn Vĩnh chăm chú ở mọi góc độ, đến nỗi Vĩnh cũng nhận ra sự lạ lùng trong đôi mắt Ðàm. Biết mình lớn tiếng, Vĩnh đâm ngượng, bỏ ngang cuộc bàn cãi.
Tự trong thâm tâm Vĩnh thất vọng về Ðàm thì ít, mà thất vọng với chính mình thì nhiều. Ước muốn ôm chầm lấy người bạn học cũ một thời gắn liền với tuổi trẻ của Vĩnh vẫn còn đó, nhưng chỉ ở yên trong lòng mà không sao chuyển hóa thành hành động. Vĩnh không sao thực hiện, nhấc tay lên được. Làm như tình bạn đã tê cứng, không thể động đậy, hay có một phiến chắn tách rời Vĩnh với chung quanh. Rõ ràng là Vĩnh không thể siết tay Ðàm, chạm lấy da thịt Ðàm, làm như có một biến đổi lạ lùng nào đó ở Vĩnh, hay ở xứ mẹ, mà Vĩnh không sao biết là ai thay đổi, nhưng cảm được sự khác biệt rõ rệt mỗi khi Vĩnh giao tiếp với những người chung quanh. Thậm chí ngay đến cả sự hiện diện của Ðàm, mà mới đêm rồi, Vĩnh hãy còn cho là nhân tố quyết định giúp mình tìm lại tâm thức cũ, cũng trở nên nhàn nhạt không mấy cần thiết. Cả Ðàm nữa, tại sao Ðàm không ôm chầm lấy Vĩnh như trong tất cả các giấc mơ? Vì sao Ðàm không làm những cử chỉ thân mật đã có giữa hai người bạn? Nguyễn-Khắc Vĩnh và Trịnh Hải-Ðàm là một đôi bạn. Như trong tiểu thuyết Ðôi Bạn của Nhất Linh từng sóng đôi, như hình với bóng. Mười sáu năm Vĩnh đã tin mình là hình, Ðàm là bóng, về đến Huế, Vĩnh chợt ngộ ra chính mình mới là Bóng. Chiếc bóng cũ của Huế mà không phải hình ảnh thật của Huế bây giờ. Ðàm mới là hình ảnh thật của một Huế thực tế. Vĩnh cảm thấy thất vọng vì đã trông chờ quá nhiều từ quê hương.
(còn tiếp 2 kỳ)