Menu Close

Chuồng chó núi Pháo

Khí độc, bụi, tiếng ồn và sự hoang mang tột độ là những gì mà những gia đình còn lây lất bên trong khu mỏ khai thác quặng kim loại phải gánh chịu suốt gần sáu năm nay khi sự đền bù không được thỏa đáng để di chuyển chỗ ở. Đã có nhà báo ví khu dân cư 16 gia đình này là “chuồng chó”. 

chuong-cho-nui-phao6
Chốt gác thứ nhất của Núi Pháo

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Có thể nói rằng chuyến đi của tôi đến Núi Pháo, xã Hà Thượng, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên là chuyến đi độc nhất vô nhị. Tôi đã làm một phóng sự phim phát trên một đài quốc tế, và để vào được khu “chuồng chó” Núi Pháo là một chuyện có thể nói là vừa mạo hiểm vừa may mắn. Bởi ngay cả một đài truyền hình cấp nhà nước như VTC 14 cũng chỉ lẩn quẩn bên ngoài và thả Fly Cam quay từ trên cao một cuốn phim dài hơn 60 phút, chỉ mô tả từ bên trên, chấm hết. Phóng viên các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, các tờ báo “lớn” trong nước cũng chỉ đến được cổng hỏi han bảo vệ mấy tiếng rồi lại đi ra ngoài vì không có lệnh của Tổng Giám đốc khu mỏ thì không có ai được vào bên trong, giang hồ, đầu trâu mặt ngựa cả hàng cây số bên ngoài, hai bên đường.

chuong-cho-nui-phao7
Đường vào Núi Pháo luôn có xã hội đen canh me nhà báo

Tôi kể như vậy không phải để khoe mình giỏi hơn các phóng viên kia, hoặc giả mình tài hơn VTC 14, mà tôi muốn nhấn mạnh mức độ trầm trọng cũng như thế lực nào đó mạnh đến nỗi cơ quan truyền thông tầm cỡ cấp quốc gia cũng chào thua. Và bởi chính cái thế lực tư bản đỏ đã bóp ngạt đời sống của 16 gia đình ở xã Hà Thượng sống dở chết dở. Họ chỉ cần đền bù, giải tỏa đúng hợp tình hợp lý để họ ra ngoài để tránh khí độc.

Tôi vào bên trong khu mỏ Núi Pháo lúc 5h chiều, giờ tan ca và thay bảo vệ, ở lớp bảo vệ thứ nhất, do tôi quan sát được từ đầu nên có thể lọt qua một cách dễ dàng trong vòng chưa đầy 5 giây khi hai tốp đổi ca. Vào được bên trong vẫn chưa thể tiếp cận được 4 gia đình sống sát bên nhà máy sản xuất Vonfram (còn gọi là Tungsten, một kim loại quý hiếm, thường dùng làm dây tóc trong bóng đèn điện). Nhưng dẫu sao cũng tiếp cận được với gia đình của ông Mai Văn Sơn, ông cũng là một nạn nhân của mỏ Núi Pháo và các gia đình khác.

chuong-cho-nui-phao5
Tường nhà dân bị nứt do nổ mìn phá đá và xe trọng tải lớn.

Theo lời của ông Sơn, tôi tìm cách lọt qua lớp bảo vệ thứ hai để vào bên trong khu có bốn gia đình bị cô lập trong khói độc và tiếng ồn. Nhưng qua lớp bảo vệ này còn khó hơn cả một con cá chui ra khỏi lờ, bởi lớp rào B40 cộng với đan chằng chịt thép gai cao tới 5m, có liều cỡ nào cũng không dám trèo qua, và nếu trèo nửa chừng mà bảo vệ phát hiện thì đi toi. Đó là chưa muốn nói đến chuyện hàng rào có gắn điện!


Ông Sơn mời tôi ly trà nóng, sau đó mời một chai nước suối và không quên đế thêm câu: “Yên tâm đi, nước nấu trà và nước suối vợ tôi đều mua từ bên ngoài, không có sao đâu!”.

“Như vậy nguồn nước bên trong này không dùng được hay sao ông?” – Tôi hỏi ông Sơn.

“Không, nước ở đây nhiễm độc gần sáu năm nay rồi, kể từ khi khu mỏ này bắt đầu thăm dò là nó đã không bình thường, nước nổi váng màu tím hết, còn bây giờ thì sát bên cạnh nhà tôi là một cái mương thải nước độc của khu mỏ. Ông cứ tưởng tượng mỗi ngày người ta sản xuất hàng tấn Vonfram, thải ra mương này, nó ngấm xuống đất thì ông có dám uống nước giếng không? Uống có mà chết à!”.

chuong-cho-nui-phao4
Ông Mai Văn Sơn

“Mình chưa có kế hoạch dời nhà cửa ra khỏi khu mỏ này sao thưa ông?”.

“Ở đây ai cũng trông thoát khỏi cái chuồng chó này, vì ông thấy đấy, ngay trước mặt nhà tôi là một cái rào giống như nhà tù trong phim, tường rào kẽm gai cao 5m án ngay trước mặt nhà, sau lưng nhà, nói chung bốn bề là kẽm gai, tiếng ồn, khí độc, thở không nổi, ở đây nhiều người bị bệnh đường hô hấp. Chỉ mong được đền bù, giải tỏa để đi. Chúng tôi từng hiến đất ruộng không lấy đồng nào cho mỏ Núi Pháo khai thác, đào hố xả thải… Thế nhưng người ta đối đãi với chúng tôi thế này đây. Không hề bàn đến chuyện đền bù cho thỏa đáng, cứ tùy tiện mà áp giá rồi bảo chúng tôi ký nhận tiền. Làm thế sao được. Phải đo đạt thực địa, phải áp giá đúng với giá trị đất và đền bù nhà cửa, cây cối cho chúng tôi mới phải lẽ chứ!”.

“Ðã ngót nghét sáu năm kể từ khi dự án Núi Pháo này rục rịch khởi công, sao người ta vẫn không đền bù để các gia đình Hà Thượng ra ngoài vậy ông?”.

chuong-cho-nui-phao3
Kho chứa Vonfram

“Thì tôi nói rồi đó, nó tự áp giá thấp tè, chỉ đủ để ra ngoài mua đất chứ không xây nhà được thì làm sao chúng tôi đi. Còn ở đây trước đây chúng tôi là nhà mặt tiền quốc lộ 37, con đường này có từ thời Pháp, chúng tôi buôn bán, làm ruộng, nói chung là sống rất tốt, rất phồn thịnh, đùng một cái chúng tôi trở nên như thế này đây, bị vây bốn bề. Ở đây ngày nào là chết ngày đó. Nhà cửa thì nứt toác vì mìn phá đá và xe tải loại 25 tấn nhưng lại chở lên gần 50 tấn, để số rung. Có chỗ nào trong nhà tôi mà không bị nứt đâu. Giờ nó cứ để lì như vậy để mình tự bỏ đi, thế mới khốn nạn! Chút nữa ông vào bốn cái nhà ở bên trong lớp bảo vệ thứ hai để xem thêm, khủng khiếp lắm!”.

Không cho mua bán, làm ăn…

Và như ông Sơn nói thì trong đó không có ai lọt vào, kể cả gia đình ông và một số gia đình ở quanh ông, thuộc lớp rào thứ nhất cũng không được vào thăm bốn gia đình này, họ bị cô lập hoàn toàn.

chuong-cho-nui-phao2
Ống khói nhà máy Vonfram cách nhà dân chưa đầy 50m.

Ðang phân vân chưa biết nên như thế nào thì tự dưng tôi lóe sáng, hỏi ông Sơn: “Bốn nhà trong đó có ai đi làm công nhân bên ngoài không? Hoặc có ai đi chợ bên ngoài?”.

Ông Sơn gật đầu: “Có mấy đứa đi làm công nhân bên ngoài, chút nữa nó về đấy!”.

Tôi bàn với ông Sơn một kịch bản “bắt cóc một em công nhân” vào nhà ông Sơn. Vậy là tôi ở trong nhà để khỏi bị theo dõi, ông Sơn bắc ghế ra trước hiên ngồi chờ “bắt cóc”. Chừng hai mươi phút,  ông Sơn gọi cô gái tên Dung: “Dung ơi, anh mày nó chờ mày từ chiều tới giờ nè!”. Dung ngơ ngác dừng xe, tôi chạy ra tay bắt mặt mừng. Không để Dung phản ứng, tôi và ông Sơn kéo Dung vào nhà ông. Vào bên trong nhà, tôi mới giải thích mọi việc và thuyết phục Dung chở tôi về nhà. Sau đó tôi thay cái quần lửng, bỏ máy ảnh móc vào giỏ đi chợ của Dung và đeo ba lô trên lưng.

chuong-cho-nui-phao1
Một căn bếp đầy bụi của người dân

Ðúng như dự đoán, vào cổng, bảo vệ chặn xe lại, hỏi: “Ông này là ai?”.Vừa hỏi vừa giật ba lô của tôi lục lọi, thấy toàn áo quần thì trả lại.

“Anh họ trong miền Nam ra thăm chơi!”. – Dung trả lời.

“Bảo nó trình giấy tờ!”.

“Chút nữa tôi chở anh ấy lên công an trình giấy tờ. Giờ tôi phải về nhà cho anh ấy tắm!”.

“Chở nó về tắm cho kỹ Dung nhé!” – Một tay bảo vệ nói giọng nhừa nhựa và tiếp sau đó là một tràng cười khả ố.

Dung im lặng bỏ đi, một đoạn cô lẩm bẩm: “Quân mất dạy! Mẹ chúng mày!”.

chuong-cho-nui-phao
Bên trong chốt gác thứ hai, Núi Pháo

Vào đến bốn nhà bên trong lớp bảo vệ thứ hai thì ôi thôi, nhà của Dung thì giống khu nhà hoang, có thể nói đây là ngôi nhà khá giả trước đây, tường ốp gạch men và đá granit, cửa ngõ toàn gỗ tốt. Nhưng bụi bám đầy và mọi thứ không còn gì bởi Dung đã cho dời ra nhà trọ bên ngoài Núi Pháo để tránh độc. Tối đến cả nhà tụ về đây theo ca, mỗi người ở vài giờ rồi đi để tránh tình trạng bị san bằng ngôi nhà sau một đêm, sáng mai thấy mặt đất ngổn ngang thì chẳng biết hỏi ai.

Khu nhà của bốn gia đình này bị bao vây bởi hai lớp bảo vệ và rào kẽm, bên hông là ao nước xả thải xanh lè xanh lét, bốc mùi ete nồng nặc, phía trước là nhà máy, sau lưng cũng nhà máy, khói bụi, tiếng ồn và nhà cứ rung lên nghe rè rè suốt 24/24h vì nhà máy hoạt động suốt ngày đêm.

Những gia đình này chỉ mong được được đền bù thỏa đáng.

Chẳng biết họ chờ đợi đến bao giờ.

HL