Menu Close

Trâu đen Trâu đỏ

Vài người lớn tuổi xa quê hỏi tôi: Con trâu kéo cày trên đồng ruộng ngày xưa chắc nay không còn? Không còn nữa tất nhiên không phải loài trâu đen tuyệt chủng mà người nông dân không còn dùng trâu cày bừa như hồi xưa, ngoại trừ số ít vùng quê hẻo lánh ở miền Trung miền Bắc. Trâu đỏ (xe máy cày thường sơn màu cam đỏ) đã thay thế trâu đen trên ruộng đồng. Thế nhưng trâu vẫn còn được nuôi để xẻ thịt hoặc thi đấu nhau trong các lễ hội đua trâu, chọi trâu ở miền Nam (An Giang) hay vài tỉnh phía Bắc (Lạng Sơn, Hải Phòng…).

trau-den-trau-do2
Máy cày tay được chế biến lại thích hợp cho vùng đất trũng trước 1975 – Nguồn: Anhxuavn

Các loại nông cụ máy móc đã thay thế sức người sức trâu trong việc đồng áng. Ðặc biệt là các loại máy cày tay, máy cày bốn bánh đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian cày bừa và gia tăng năng suất lúa cho người nông dân. Con trâu là đầu cơ nghiệp ngày nay không còn là hình ảnh biểu tượng cho ngành nông nghiệp từ bao đời. Nó chỉ  còn nên thơ qua trang sách nhỏ. Mấy chục năm trước tôi từng nghe bài hát của trẻ con đồng quê rằng: “Con trâu có một hàm răng / Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao / Xưa kia mầy ở với tao / Bây giờ mấy chết, (tao) cầm dao xẻ mầy / Thịt mầy tao nấu món ninh / Da mầy bịt trống tụng kinh trong chùa / Sừng mầy tao tiện con cờ / Cán dao, cán mác, lược dày lược thưa”.

trau-den-trau-do5
Trâu phương tiện cày bừa của người nông dân thuở trước – Nguồn: Hinhanhvn

Bài đồng dao dễ nhớ, nghe qua một lần là thuộc. Nhớ đâu năm 1972 khi đi theo ba tôi về thăm ngôi nhà mới mua ở cư xá Phú Lâm B, buổi chiều đi bộ đến đồng ruộng cuối con đường tráng nhựa, nghe mấy đứa trẻ con nhỏ tuổi hơn tôi ngồi hát nghêu ngao dưới bóng cây trứng cá. Trên đồng ruộng ngoại ô thời đó tôi không còn thấy bóng trâu cày, mà thay vào đó là những chiếc máy cày tay hoặc máy cày bốn bánh. Sau này, lúc đi dạy học có dịp về chơi nhà người bạn ở Củ Chi, tôi lại nghe bài hát thiếu nhi “Cháu xem cày máy, cày thay con trâu / Ðường cày đã sâu, lại nhanh mà không mệt nhọc”. Lới hát này nghe hiền lành hơn bài đồng dao thuở trước. Có lẽ, sự thật về thân phận con trâu quá phũ phàng. “Người bạn” thân thiết của người nông dân cùng sống với nhau, “trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Nhưng khi trâu không còn hữu ích thì con trâu cũng như con bò chỉ là loài gia súc cung cấp thịt cho con người. Nhiều người cữ không ăn thịt trâu không phải vì thịt dai mà là do mê tín, nhất là người nào thờ Quan Công (thờ Ông) ăn thịt trâu bị thần vật làm cho cả người ngứa ngáy, nổi ban đỏ mề đay.

Việc một số người kiêng ăn thịt trâu chẳng qua con trâu là “người bạn” đồng cam cộng khổ nắng mưa với người nông dân ngày xưa. Là mục súc trong nhà gần gũi như con chó con mèo. Ăn thịt những con vật đó cảm thấy có tội… nhưng khổ nỗi là không biết tội gì. Tuy thế ăn thịt bò thì lại không sao, cả thịt sống còn ấm nóng ngay sau khi giết mổ. Thịt thăn bò mềm chấm mắm nêm kèm chuối chát khế chua rau sống. Có những vùng người ta còn làm lễ Tết trâu. Trâu được cúng bái, cho ăn thức ăn ngày Tết giống như người. Trâu cả năm làm việc cùng với người nông dân nên được chăm sóc đàng hoàng, ăn no, ngủ thả mùng (vùng có nhiều muỗi) hoặc người ta dùng rơm hun khói để xua đuổi muỗi mòng.

trau-den-trau-do1
Nông dân háo hức xem máy cày để thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp năm 1972 – Nguồn: nguoicaycoruong

Nói chuyện con trâu đi cày mà không nhắc đến bạn cấy bạn gặt thì bức tranh đồng quê thiếu đi màu sắc mùa màng. Tuy có hơi lạc điệu một chút nhưng tôi nghĩ người lớn tuổi còn nhiều hoài niệm về miền thôn quê ruộng đồng nơi mình từng sinh sống. Ông bạn già của tôi kể chuyện hồi xưa ở Ðức Hoà, mùa gặt thường thì sau sáu tháng, sau này mới có lúa Thần Nông ba tháng ngắn ngày. Vào mùa gặt lúa khắp thôn làng rộn rã khi ông trùm vạn (người thầu gặt lúa thuê) mỗi ngày tầm bốn năm giờ sáng đi từ làng trên xóm dưới tập hợp thợ gặt bằng tiếng tù và. Ông vừa kể vừa chụm miệng thổi như thể mình là ông trùm vạn: Ú… ù… u… ú… ù… u… u. Dân gặt mướn tập trung xong kéo nhau ra đồng. Trùm vạn phân công người gặt, người bó, người mang ra bờ đê cho người đập lúa vô bao. Bầu trời còn ngái ngủ đêm đen đã nghe tiếng liềm cắt lẹt xẹt vào chân lúa, họ vừa làm vừa cười nói xôn xao. Tới giờ ăn sáng, chủ điền cho người gánh xôi ra ruộng, xôi đậu phộng ăn với muối đậu rang. Ăn xong có sức tha hồ vừa gặt vừa hò đối đáp, chọc ghẹo nam nữ với nhau vui lắm. “Hò hơ… Tôi bước cẳng xuống đám ruộng này, trước xin lỗi ông chủ điền, sau là ông trùm vạn với chị em bạn ngang vai… hò hơ… để xin hò chơi đôi lời…”. Ðến chín mười giờ chị em xúm nhau ăn trưa với cơm trắng, canh thịt vịt nấu khoai mì. Ăn xong nghỉ ngơi đôi lát rồi gặt cho đến mặt trời đứng bóng là xong công việc trong ngày.

Ðó là cảnh đồng quê của thập niên năm mươi. Chứ sau này, hình ảnh đó thưa dần rồi không còn những sinh hoạt ngày mùa đáng yêu như thế nữa. Người nhà quê vẫn còn gặt cấy vần công nhưng cảnh vật đó đổi thay, thấy nhàn nhạt không còn đượm tình quê (chắc thiếu câu hò của những đôi trai gái). Câu hò, câu ca đối đáp trên cánh đồng mùa gặt chỉ còn trên sân khấu. Có lẽ, đời sống nông thôn được thay đổi với nhiều phương tiện sản xuất và nhất là sau hai đợt cải cách ruộng đất từ thời đệ nhất, đệ nhị Cộng Hoà. Người nông dân được chia ruộng đất. Ruộng mình mình làm không cần phải làm thuê cho chủ điền nên chuyện gặt mướn không còn cần thiết trên một diện tích lớn cần phải có ông trùm vạn thuê nhiều thợ gặt.

trau-den-trau-do3
TT. Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc triển lãm máy cày năm 1972 – Nguồn: nguoicaycoruong

Các loại máy nông ngư cụ bắt đầu được nhập vào miền Nam từ giữa thập niên năm mươi. Ở Sài Gòn nhiều người biết danh ông Nguyễn Tấn Ðời ngoài chuyện kinh doanh phụ tùng xe hơi, thành lập hãng phim, ngân hàng, ông còn buôn bán các loại máy nông ngư cơ, máy cày máy gặt máy tuốt lúa nhập từ Nhật để đáp ứng nhu cầu cải thiện sức lao động và cơ giới hoá một phần cho ngành nông nghiệp. Số lượng tiêu thụ các loại máy nông ngư cơ khá nhiều cả trăm ngàn chiếc mỗi năm. Các loại máy Kohler vừa làm công việc máy bơm nước vào đồng vừa làm máy tuốt lúa vừa làm máy chân vịt chạy ghe thuyền di chuyển nhanh chóng. Theo thống kê của Nha Nông cơ đến năm 1973, miền Nam có 12,359 máy cày tay, 8,628 máy cày bốn bánh. Những cánh đồng địa hình tương đối bằng phẳng như Long An, Vĩnh Long là vùng được nông dân mạnh dạn tiếp cận dùng cơ giới hoá khá nhiều nên năng suất lúa của những vùng này tăng cao. Năm 1974, sản lượng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đạt 7.5 triệu tấn.

Tình cờ tôi xem được phim tài liệu ngắn về Ngày Nông dân Việt Nam (26/3/1970 – Ngày ban luật người cày có ruộng) tổ chức tại Cần Thơ năm 1973. Ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng máy cày cho nông dân giỏi ở Bình Thuận đạt năng suất 11.6 tấn/hécta. Ðây là năng suất lúa cao nhất từ trước cho đến hiện nay. Máy cày làm tốt đất chỉ là một phần trong việc cải cách nông nghiệp, giống lúa Thần Nông năng suất cao kết hợp mới đem lại sự vượt trội sản lượng cho một mẫu đất trồng lúa ở vùng đất khô hạn Bình Thuận. Giá máy cày tay hai bánh thời đó cũng khá cao (600,000 đồng – tương đương gần 10 lượng vàng nếu so với ngày nay số tiền này mua được một máy cày bốn bánh loại trên 30 sức ngựa).

trau-den-trau-do4
Triển lãm Kỹ Nông Công Thương ở Biên Hoà năm 1970 giới thiệu các loại máy nông nghiệp – Nguồn: nguoicaycoruong

Ba của người bạn đồng nghiệp kể chuyện làm nông ở Củ Chi cách nay gần ba mươi năm. Thời đó, nhà nông có hai mẫu ruộng như ông bán trâu đen mua trâu đỏ là không có lợi. Máy cày mới giá cao, hầu hết những người có máy cày tay hay máy cày bốn bánh ở xã Tân An Hội đều mua máy xài rồi. Giá rẻ hơn nhiều, mua cày cho ruộng mình và cày thuê cho những mảnh ruộng khác. Một máy cày bốn bánh cày được chừng 3 mẫu mỗi ngày. Nếu dùng một cặp trâu chỉ đạt được một phần tư mẫu ngày. Trâu cần phải nghỉ ngơi, không cày quá sức, nuôi công chăm sóc hao tốn nhiều. Nhiều gia đình ở Củ Chi không còn dùng sức trâu mà thuê máy cày cho khoẻ. Ðất vùng này hay ở Long An được bằng phẳng không có ruộng sâu ruộng trũng nên máy cày hoạt động dễ dàng. Gặp vùng ruộng trũng, máy cày mạnh vài ba chục sức ngựa vẫn chịu thua con trâu. Trâu cày dai nhưng không tơi đất bằng máy cày. Gặp đất khô cứng, trâu phải cày đi cày lại tốn nhiều thời gian.

Trâu đỏ dần thay thế trâu đen trên đồng ruộng khắp nơi. Tùy theo địa hình vùng đất mà người nông dân sử dụng máy cày hai hay bốn bánh. Máy móc nông nghiệp đã từng bước thay đổi diện mạo đời sống nông thôn tươi sáng tốt đẹp hơn. Tuy thế, với nhiều người, hình ảnh con trâu lững thững dưới những hàng tre với đứa bé mục đồng vẫn là hình ảnh đẹp còn in sâu trong tâm tưởng của một thời đã xa ở miền quê thanh bình. Người ta gọi đó là văn hóa. Mà văn hóa là những gì còn lại sau khi đã mất.

trau-den-trau-do
Máy gặt lúa tại miền Nam trước 1975 – Nguồn: nguoicaycoruong

TN