Menu Close

Huy Phương

Tên thật Lê Nghiêm Kính. Sinh năm 1937 tại Huế, học trường Khải Ðịnh và trường Quốc Gia Sư Phạm Saigon. Giáo sư Nguyễn Hoàng Quảng Trị, phụ trách tờ nguyệt san Sổ Tay Sư Phạm.

Sĩ quan khóa 16 Thủ Ðức. Ra trường phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Những năm cuối cùng trong quân đội, ông là Trưởng Phòng Chính Huấn và Tâm Lý Chiến tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

nha-tho-huy-phuong

Sau tháng 4.1975, Huy Phương đi tù cải tạo 7 năm và đến Hoa Kỳ cuối năm 1990. Ông làm nhiều nghề để mưu sinh. Hiện định cư ở California.

Khởi viết năm 15 tuổi (1952), đã có thơ và tùy bút đăng trên tuần báo Ðời Mới. Ở trong nước, Huy Phương đã có hai tác phẩm: Mắt Ðêm Dài (thơ) năm 1960 và Mây Trắng Ðồn Xa (truyện) năm 1966. Ðến Mỹ, ông tích cực hoạt động trong ngành báo chí, truyền thanh và truyền hình. Sở trường về Phiếm và Tạp Ghi.

Những tác phẩm đã xuất bản tại Hoa Kỳ:

Nước Mỹ Lạnh Lùng, 2003

Ði Lấy Chồng Xa, 2006

Ấm Lạnh Quê Người, 2007

Nhìn xuống Cuộc Ðời, 2009

Hạnh Phúc Xót Xa, 2010

Những Người Muôn Năm Cũ, 2010

Những người thua trận, 2012

Chúc thư của một người lính chết già (thơ), 2013

Ngậm ngùi tháng tư, 2014

Ðọc tập thơ “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già” của Huy Phương, ta nhận thấy hơi thơ lãng mạn của thời Ðời Mới và Mắt Ðêm Dài vẫn còn thấp thoáng trong một vài câu, vài đoạn còn phần lớn tập thơ in đậm dấu vết thời thế từ 1954 ra đến hải ngoại bây giờ. Nào chiến tranh, lui binh, tù cải tạo, vượt biên, cuộc sống nơi chốn định cư tại Hoa Kỳ. Thơ Huy Phương đầy giọng oán trách. Trách mình không trọn tình trọn nghĩa với cha mẹ, anh em, bè bạn, không tròn nhiệm vụ trai thời chiến, bỏ nước ra đi, trách ai bỏ quên đồng đội mưu cầu giàu sang và tự do cho riêng mình. Ông tự thấy mình không xứng đáng với màu cờ tổ quốc. Không chỉ có giọng oán trách, thơ Huy Phương đây đó còn vương nỗi hoài cảm và tiếc nhớ bâng khuâng. Nhờ vậy được ưa thích hơn.

Có thể nói Huy Phương trong Chúc Thư… đã nói lên tâm trạng và suy nghĩ của nhiều người do đó được anh em đồng hội đồng thuyền đón nhận.

SAO KHUÊ

Nhớ Huế

 

Mùa này nước Hương Giang có mặn

Muối đại dương có thấm vào sông?

Từ ngày anh đoạn tình bỏ Huế

Nguồn xa đã lạc mấy trăm dòng!

 

Mùa này Huế còn mưa tầm tã

Thương quê xưa vẫn nỗi đói nghèo

Anh ở nơi này vùng nắng ấm

Vẫn nhớ hoài đời Mẹ gieo neo.

 

Mùa này quê có còn bão lụt

Chén cơm em còn độn sắn khoai?

Trên tiệc rượu người con xa xứ

Men nồng nào lẫn nước mắt cay.

 

Mùa này Huế có còn phượng đỏ

Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa

Nơi này cả một trời hoa tím

Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.

 

Mùa này Huế có còn áo trắng

Em hiện thân làm bướm tan trường

Thương ngày tháng một thời niên thiếu

Huế bây giờ – Huế đã mù sương!

 

Huế của tôi giờ đâu còn nữa

Cảnh vô hồn khuất nẻo người xưa

Hồn cổ tích Hoàng Thành hoang phế

Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ…

 

Mỗi bước xa

mỗi nỗi nhớ gần

 

Mỗi bước xa, mỗi nỗi nhớ gần

Ngập ngừng em chậm bước qua sân

Cỏ may đan vướng chân em lại

Lòng nhớ nhung hay mắt khóc thầm.

 

Nhìn lại năm năm trời cách biệt

Ðậm buồn trên nét mặt người yêu

Trong hơi nắng ấm còn ươm lạnh

Em có nghe lòng chớm quạnh hiu.

 

Trên chuyến xe về miền nắng ấm

Em qua những thành phố lên đèn

Em đi những con đường mùa hạ

Kỷ niệm nào em chẳng nhớ tên.

 

Em có nhớ một thời tuổi trẻ

Thoáng qua mau như nắng buổi chiều

Em có hát thầm nghe nho nhỏ

Bản nhạc nào thuở bắt đầu yêu?

 

Có phải càng xa em càng nhớ

Những lời cho lúc dỗi hờn nhau

Giờ không bên cạnh người thương nữa

Em chẳng nỡ nào thấy giận lâu.

 

Em sẽ trở về trên lối cũ

Từng bậc thang, rèm cũ quen xưa

Saigon vẫn những chiều mưa gió

Chăn áo đâu che lạnh cho vừa.

 

Anh gọi tên em trong nỗi nhớ

Từng đêm từ lúc giã từ nhau

Với anh tất cả như nguyên thủy

Tươi mát hương hoa lúc buổi đầu.

 

25/7/80 – Tân Kỳ- Nghệ Tĩnh

Buổi thăm nuôi đầu tiên

Chúc thư

 

Tôi người lính già ở xa tổ quốc

Xa chiến trường lưu lạc tới đây

Nơi quê người sương pha tuyết đổ

Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.

 

Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội

Vẫn hiên ngang cho đến phút sau cùng

Ðã tự hiến thân mình cho tổ quốc

Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.

 

Không phải chỉ chịu ơn người đã chết

Tôi như còn mang món nợ nước non.

Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở

Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.

 

Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp

Có vui chi nhìn người lính chết già

Hổ thẹn đã không tròn ơn nước

Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.

 

Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc

Ðừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi

Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ

Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.

 

Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển

Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương

Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu

Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.

 

Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ

Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa

Hãy rải hoa trên con đường thấm máu

Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.

 

Anh là ai, mang ngọn cờ tổ quốc

Nhân danh ai, đứng phủ lá quốc kỳ.

Chúng ta là những con người bỏ ngũ

Quên anh em nằm lại, để ra đi.

 

Ta lành lặn để bao người thương tật

Ta sum vầy đành để bạn chia phôi

Ta đến bến để bao người chết biển

Dù ấm êm cũng thương nhớ một đời.

 

Danh dự này dành cho người đã chết

Ðã hy sinh để giữ vững ngọn cờ

Không phải tôi, người lính hèn bỏ ngũ

Ðể sống còn trong lúc bạn sa cơ…

(trích Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già)