Menu Close

Nguyên Khí

Nguyên Khí” là tác phẩm khảo luận lịch sử, cũng có thể gọi là tiểu thuyết dã sử, viết theo khuynh hướng hậu hiện đại, khảo luận về trí thức và quyền lực, kẻ sĩ và chế độ toàn trị trong mọi thời đại. Nội dung của tác phẩm xoay quanh vụ án Lệ Chi Viên, thảm sát hai đại công thần triều Lê Sơ là Quan Thừa Chỉ Hành Khiển Nguyễn Trãi, và Quan Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ. Câu chuyện gói ghém trong thời gian ngắn ngủi: Từ ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất 1442, ngày bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh Hoàng Tử Lê Tư Thành,  tức là vua Lê Thánh Tông sau này;  đến ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất 1442, ngày Ức Trai Tiên Sinh và bà Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ bị xử chém. Chỉ có 27 ngày nhưng thật nhiều mưu mô, thủ đoạn, và bi kịch đã xảy ra. Biết bao nhiêu người đã bị thảm sát, vì bản án oan của chế độ quân chủ chuyên quyền.

nguyen-khi-hoang-minh-tuong

Hoàng Minh Tường mô tả bản án Lệ Chi Viên trong “Nguyên Khí” như sau:

“Bấy giờ khắp kinh thành Ðông Kinh như có loạn. Cơn gió độc “Nguyễn Thị Lộ giết vua” lan đi, làm dựng tóc gáy mọi người. Tiếp đến là tin sét đánh: Nguyễn Trãi đang bị giải từ Côn Sơn về kinh. Ngày 16 sẽ tru di ba họ. Không biết từ đâu, xầm xì một truyện hãi hùng: “Rắn báo oán.”

Chuyện rằng: Hồi cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh mở trường dạy học tại Trại Ổi, Nhị Khê, ông cùng học trò phát cỏ trong vườn để dựng lớp học. Ðêm ấy, ông nằm mộng thấy một người đàn bà dẫn đàn con lít nhít năm sáu đứa đến vừa khóc lóc vừa cầu xin ông hãy thư thả cho vài hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dời nhà. Nguyễn Phi Khanh nhận lời. Sáng hôm sau ông định bảo học trò hãy khoan dọn cỏ vườn. Nhưng đã muộn. Lũ học trò đã phát hiện ra ổ rắn, đập chết bầy rắn con, đuổi rắn mẹ bị thương lủi đâu mất.

Nguyễn Phi Khanh rất hối hận. Nửa đêm ông ngồi đọc sách, bỗng có con rắn trườn trên xà nhà, nhỏ xuống một giọt máu, đúng ngay chữ “tộc”, thấm qua ba lớp giấy, ứng với “tam tộc”. Con rắn ấy, về sau thành tinh, ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Nguyễn Thị Lộ, tìm gặp con trai Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Trãi, xướng họa thơ với chàng, kết thành vợ chồng. Rồi cơ hội báo thù đã đến. Nguyễn Thị Lộ theo vua Lê Thái Tông đến Lệ Chi Viên để giết vua, trả thù ba họ nhà Nguyễn Trãi…Câu chuyện quái dị, nhưng ai cũng tin đó là món nợ tiền kiếp. Ngay cả đám tiến sĩ tân khoa, như bọn Lương Nhữ Hộc, Nguyễn Như Ðổ, Ngô Sỹ Liên… cũng nghĩ  rằng không một bậc đại khoa nào có thể sáng tác ra được.
[Ðoạn 16: Nguyên Khí]

Tác giả Hoàng Minh Tường sinh năm 1948, tại Ðộng Phí, Hà Tây. Ông tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Hà Nội, từng giữ nhiệm vụ về giáo dục  tại Sở Giáo Dục Khu Tự Trị Việt Bắc của chính quyền CS, từ năm 1970 đến năm 1977. “Nguyên Khí”  bị chính quyền Việt Nam rút giấy phép xuất bản ngày 23 tháng 12 năm 2013. Ðây là tác phẩm thứ ba của Hoàng Minh Tường, bị ngăn cản không được phát hành trong nước. Tác phẩm “Nguyên Khí” dày 424 trang, do nhà xuất bản Dân Khí Press ở Hoa Kỳ phát hành.

“Nguyên Khí” đề cao vai trò của người trí thức, trong việc xây dựng và phòng vệ đất nước. Nếu nhà cầm quyền hiểu được giá trị của tầng lớp trí thức, dùng họ trong việc canh tân cải cách đường lối chính trị, xã hội sẽ được ổn định, dân chúng an hưởng đời sống ấm no hạnh phúc. Có nghĩa là quốc gia sẽ phồn vinh, thịnh vượng. Nhưng khi những người trí thức không được trọng dụng, bị bắt giam, bị sát hại, có nghĩa là xã hội đang đi dần đến chỗ biến loạn, bạo động, cướp bóc, chiến tranh. Ðây là lúc quê hương suy tàn, đất nước mạt vận, người dân thống khổ rơi vào cảnh khốn cùng.

HNP