Menu Close

Phát minh: do đâu?

Các phát minh có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống con người từ đâu đến? Xuất hiện thình lình như những mẩu chuyện kể chẳng hạn như chuyện trọng lực đến từ trái táo rơi lên đầu ông Isaac Newton, điện xuất phát từ việc sét đánh ông Benjamin Franklin (nhưng không trúng?), cụ Archimede nằm trong bồn tắm, bị nước đẩy nên vỡ ra nguyên lý sức đẩy của nước nên tồng ngồng chạy ra đường, miệng la “eureka, eureka” dịch nôm na là “thấy rồi”?

Những câu chuyện “hiểu ra” bất ngờ cho ta cảm tưởng là những khám phá lớn đều do sự ngẫu nhiên, không khổ nhọc tìm kiếm mà có. Huyền thoại và các giả thuyết chắc như bắp kia vừa được một số các chuyên viên giáo dục & xã hội “giải mã” bằng cách đả phá, mạnh lời cả tiếng nhất là ông Steven Johnson. Ông này viết nguyên một cuốn sách nhan đề “Where Good Ideas Come From”, nôm na là “Sáng kiến xuất phát từ đâu”. Cuộn phim “The Social Network” xoay quanh cuộc đời Mark Zuckerberg, người tạo ra mạng lưới giao thiệp Facebook, cũng góp phần giải thích thêm chút nữa về việc hình thành những khám phá lớn.

Theo ông Johnson, ta có nhiều huyền thoại về việc phát minh, khám phá;

– Huyền thoại lớn nhất là “ý tưởng xuất hiện bất ngờ”.

Không vì ngẫu nhiên mà mạng nhền nhện xuất hiện và trở thành một hệ thống truyền thông vĩ đại quy mô như hiện nay. Ông Johnson chứng minh điều này qua các bài viết cũ, xuất hiện trước mạng ảo nhiều năm: Bài viết của một đứa nhỏ mày mò tìm đọc tự điển bách khoa xưa cũ cả trăm tuổi; một phóng viên loay hoay tìm cách giữ liên lạc với người quen biết, quen biết nhiều quá do nhu cầu nghề nghiệp nên khó lòng duy trì sự thân cận…, họ chia chung một ước muốn là có kho dự trữ dữ liệu. Ý tưởng nọ dẫn đến việc tạo dựng một kho dữ liệu dễ sử dụng và tiện lợi, lúc nào cũng được không cần phải mò vào thư khố, thư viện.

Bắt đầu từ các ước muốn kia mà ý tưởng “kho dữ liệu” thành hình, âm ỉ nhiều năm trước khi có người tìm ra kỹ thuật để thực hiện. Giản dị hơn, ý tưởng sáng kiến có thể xuất hiện nhiều năm trước khi có kỹ thuật để thực hiện.

phat-minh-do-dau
Steven Johnson – nguồn www.npr.org

– Huyền thoại thứ nhì là các công ty lớn là nơi xuất phát của những cái “mới”

Chẳng hạn như công ty Apple với chiếc iPad. Thật ra, theo ông Eric Von Hippel tại Viện Kỹ Thuật Massachussetts (MIT), số cá nhân đã xuất vốn để sáng chế các món gia dụng cộng chung lại cũng tương đương với số tiền các công ty sản xuất đã tiêu xài để tìm kiếm sản phẩm mới. Trong mỗi người tiêu thụ là một bộ óc sẵn sàng sửa chữa, cải tiến những món đồ dùng hàng ngày theo mức cần thiết hay ý thích của họ. Tự đó, các món hàng mới mẻ ra đời khắp nơi trên thế giới. Nghĩa là không chỉ các công ty lớn tìm ra sản phẩm mới!

– Huyền thoại thứ ba: Sáng kiến xuất hiện khi ta “một mình”.

Việc ngồi mơ màng, ngó ra cửa sổ và sáng kiến tự dưng xuất hiện là một sự kiện cũng… mơ màng và không có thật!

Các sáng kiến phần lớn xuất phát từ những buổi thảo luận, góp sức giữa nhiều người.

Thí dụ? Cứ xem các tay nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm ta sẽ thấy sự thật hiển nhiên. Không có mấy sáng kiến xuất phát từ kính hiển vi của một chuyên gia mà xuất phát từ các bàn hội thảo. Các chuyên viên thảo luận hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng về công việc của mình với đồng nghiệp. Tự các cuộc thảo luận, trình bày ý kiến…, họ đi đến các sáng kiến khác, hay hơn, tốt đẹp hơn ý kiến trước đó. Những cuộn phim thu hình các chuyên viên khoa học làm việc tại Ðại Học McGill là các bằng chứng hùng hồn.
Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà những người có khuynh hướng khai phá làm việc chung với nhau, và họ thành công lớn so với những người chỉ ưa khai phá một mình, không hợp tác được với kẻ khác.

phat-minh-do-dau1
nguồn anthonylukephotography.blogspot.com

– Huyền thoại thứ tư: Sáng kiến hay nhất là sáng kiến mới nhất.

Những sáng kiến dẫn tới phát minh vĩ đại thường là những ý tưởng đã xuất hiện trước đó, được trau chuốt, phát triển thêm vào đúng thời điểm. Yếu tố “thiên thời” thường là yếu tố quyết định, ý tưởng hay đến đâu đi nữa không gặp thời cũng hỏng.

Như câu chuyện của ông Charles Babbage. Ðây là người đầu tiên nghĩ đến máy điện toán, và ông đã nghĩ đến máy điện toán từ năm 1800, nhưng kỹ thuật của thế kỷ XIX không cho phép ta thực hiện việc chế tạo cỗ máy, thủa ấy chẳng có silicone chip để dùng!

Bức họa cỗ máy được ông Babbage vẽ phác với các ý tưởng của thời điện tử được đặt tên là “Analytical Engine”. Sinh không phùng thời, ông Babbage qua đời trước khi có thể bắt đầu việc chế tạo cỗ máy và sáng kiến của ông ta bị xếp xó. Vào những năm ấy, con người vừa mới bắt đầu làm quen với máy móc chạy bằng hơi nước, dùng vật dụng điện tử là chuyện xa vời như việc lên cung trăng! Ông Babbage đã đi trước những người khác đến 200 năm!

Cuốn phim “The Social Network” là một bằng chứng khác, cho thấy thêm một vài điều nữa: Sáng kiến tạo dựng Facebook không phải là một ý tưởng mới lạ. Mấy năm trước đó, hai sinh viên tại Harvard đã thúc đẩy Mark Zuckerberg thiết kế một mạng lưới truyền thông với mục đích giao tế và Facebook ra đời. Ý tưởng này dựa trên các mạng lưới đã xuất hiện như Friendster và MySpace.

Như thế rõ ràng là sáng kiến hay đã đến từ những sáng kiến trước đó, và được cải biến cho thích hợp hơn. Biết đâu vài năm sắp tới, ta sẽ có một mạng lưới truyền thông an toàn hơn, hấp dẫn hơn Facebook ngày nay?

Nói chung, các công trình vĩ đại đến từ các sáng kiến do nhiều người đóng góp chung sức, có thể bắt đầu từ một ý tưởng đơn sơ nhưng với nhiều bộ óc góp sức, ý tưởng nọ sẽ hoàn thiện và trở thành một công trình quy mô. Bài học ở đây là sự cộng tác, cộng sinh, người có thể làm việc chung với những người khác, biết sử dụng những ý kiến của người chung quanh sẽ thành công lớn.
Cứ tiếp tục tìm kiếm, biết đâu các cánh cửa sẽ mở, phải không bạn?

TLL