Tự nhiên tôi muốn viết lên một điều gì đó đang tiềm tàng trong tâm thức…Một điều gì đó có thể là nỗi buồn, có thể là niềm vui, có thể là ước mơ, hay cũng có thể là nửa giòng sông đời mênh mông sóng gió xa đưa. Làm sao biết được điều tôi muốn viết là gì, khi chỉ trong một sát na đã có hằng hà sa số biến động xảy ra. Những biến động này dù nhiều hay ít, dù lớn hay nhỏ, đều để lại trong lòng tôi hay trong lòng ai đó những hoài niệm không thể nào quên. Trên từng cây số đời thinh lặng, bên cạnh hoài niệm là những điều huyễn tượng, từ thuở sơ khai đã xuất hiện trên trái đất này. Rất nhiều khi tôi chưa từng đến một nơi nào đó, chưa từng biết tên sông hồ, đồi núi, thung lũng ở chốn xa xăm…Nhưng hình như tôi đã nhìn thấy làn nước phẳng lặng màu xanh, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Chung quanh là núi non nhấp nhô ẩn hiện, là giòng thác tuôn chảy từ trên khe núi xuống, tạo thành suối thành sông, hay mặt hồ biêng biếc sóng. Xa xa, có thể nhìn thấy những thôn làng bình yên nằm dọc theo chân núi, có thể nhìn thấy cành lá xanh tươi của vườn cây ăn trái bao bọc từng ngôi nhà sạch sẽ, tinh tươm. Ðời sống bình đạm, âm thầm trôi giữa trời và đất. Tôi cũng có thể nhìn thấy sườn núi cứng cỏi, còn cưu mang dấu tích của những niên đại rất xưa, kiên cường đối diện với thời gian. Thành vách sương mờ của đá như tấm giấy khai sinh, chứng nhận khoảnh khắc trái đất mang nặng đẻ đau, quằn quại rên xiết để sinh thành ra ngọn núi sườn non. Những khối đá khổng lồ đầy mũi nhọn hoắt của ngọn núi, hoặc nhô lên giữa không gian vô tận, hay vỡ ra rơi xuống tạo thành từng phiến đá nhỏ hơn, xếp chồng chất lên nhau. Nắng sớm, mưa chiều, tuyết rơi, bão thổi, vừa bào mòn gọt nhẵn, vừa đưa những mảnh vỡ của núi non đi rất xa. Ở bất cứ chân trời góc biển nào trên địa cầu này, cũng đều có những tảng đá gắn liền với lịch sử khai thiên lập quốc của địa cầu.
Tôi nhìn thấy trong từng phiến đá, những câu chuyện có từ ngàn xưa. Muốn hiểu cuộc đời của đá, chỉ cần nhìn những cạnh dựng đứng, lớp đá nọ nằm trên lớp đá kia, méo mó, nứt nẻ, đầy thương tích, là có thể biết: Từ khi bị giông tố bão tuyết đẩy rơi từ ngọn núi sườn non xuống, những tảng đá đã đang và vẫn còn phải hứng chịu muôn vàn thử thách vô cùng đau đớn như thế nào.Thật âm thầm, nhưng mỗi tảng đá có một ngôn ngữ cương quyết, thẳng thắn, trung thực, như ngôn ngữ của người tráng sĩ đã bạc đầu vì tung hoành ngang dọc, nhưng không bao giờ chấm dứt món nợ kiếm cung. Những tảng đá là những tráng sĩ kiên cường, cắn chặt môi vật lộn với mưa sa bão táp, với những cơn gió lốc kinh hoàng thường hằng diễn ra từ khi có trái đất. Không ai biết bao giờ cuồng phong chấm dứt. Không ai biết bao giờ hết sóng bạc đầu. Giông bão là cột xoáy khổng lồ khiến không khí nóng ẩm chuyển động theo hình trôn ốc, ngược chiều kim đồng hồ, đứng thẳng tỏa lan ra bên ngoài ở trên đỉnh, theo chiều ngược lại. Giông bão là sự kết hợp giữa ba yếu tố mưa, sấm sét, và gió. Ba hiện tượng này gây ra trạng thái “hỗn loạn,” đặc trưng của thời kỳ khó khăn gian khổ.
Khó khăn gian khổ thời đại nào cũng có. Mười lăm năm trước vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc tấn công khủng bố xảy tại Tòa Nhà Trung Tâm Thương Mại New York, tại Ngũ Giác Ðài và Pennsylvania, không chỉ gây ra nỗi thống khổ vô cùng đối với gia đình của 2,996 nạn nhân, mà còn đối với tất cả cư dân trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Ðây là một trong số những vụ tấn công khủng bố đáng chú ý nhất, trong thế kỷ 21. Cuộc khủng bố này đã gây thiệt hại nhiều nhất, về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và quân sự tại Hoa Kỳ, cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới. Ðất đá vỡ ra từ Trung Tâm Thương Mại Thế Giới – World Trade Center, cũng như những tảng đá của ngọn núi sườn non, đau đớn ghi lại trang sử đầy nước mắt ly biệt, đau buồn, của những người bỗng nhiên bị mất người thân, của những người bỗng nhiên mãi mãi ra đi trên bốn chuyến bay định mệnh. Ngày 11 tháng 9 vừa qua, tôi thinh lặng xem lại những bộ phim có liên quan đến cuộc tấn công khủng bố này, lòng riêng cảm nhận: Những hình ảnh bi thương đã trở thành dấu tích bất biến trong ký ức. Những nỗi đau còn âm vang trong từng hồi chuông mặc niệm. Giữa giòng đời ồn ào náo nhiệt, hình ảnh Ground Zero như hòn đá tảng, ấn ký trên bầu trời New York nỗi buồn thiên thu.
Tôi nhớ ngày xưa thả thuyền giấy trong mưa. Những chiếc thuyền bồng bềnh trôi giữa chiều mưa thu của Tháng Bảy Âm Lịch. Bỗng dưng trời sấm động, gió mạnh thổi từng cơn, mưa đổ ào như thác lũ. Làn nước dâng cao, nhận chìm lật úp những con thuyền tôi thả. Tháng bảy mưa ngâu ngày dài không thể tả. Ðêm tháng bảy mưa ngâu, con đường loang loáng nước vắng tanh. Tôi nhìn thấy từng đốm sáng trong lá cây trên đồi cao lộng gió, không biết đấy là những vì sao rơi rụng, hay là đom đóm lập lòe giữa rừng thông. Tôi nhớ chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ, nhớ ngày thất tịch mùng bảy tháng bảy, nhớ đàn quạ và chim khách bắc nhịp cầu ô thước, để chàng Ngưu và nàng Chức được đoàn viên. Chuyện xưa như khói như mây làm cảm động lòng người, đã được ghi lại trong văn chương, thi ca, âm nhạc. Tôi thức trắng đêm rằm tháng bảy, khắc họa trong vườn trí tưởng hình ảnh dị thường của đàn quạ trắng đầu, lông cánh xơ xác giữa đêm mưa. Không gian kín mít không một lối vào. Âm thanh duy nhất vang lên giữa hư không, chính là lời tôi nguyện cầu cho chàng Ngưu nàng Chức. Nửa đêm dương cầm đau đớn khóc. Giọt mưa thu của Ðặng Thế Phong nức nở thương đời, châu buông mau dương thế bao la sầu.
Sao hôm ban mai đã lặn. Ánh đèn đường hắt ra nhạt nhòa trên phố vắng. Từ khoảng sân nhà tĩnh lặng giữa hừng đông, qua khung cửa sổ tôi vẫn nhìn thấy vầng trăng tròn. Một mùa trăng thu lại đến. Có khách tha hương nào rời bỏ căn nhà êm ấm, lại không nhớ những mùa trăng bày cỗ ở quê xưa. Khúc ca thời niên thiếu âm vang trong lòng tôi: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ. Lặng im ta nói cuội nghe. Ở cung trăng mãi làm chi. Bóng trăng trắng ngà có cây đa to. Có thằng cuội già ôm một mối mơ.” Tôi từng nghe nhiều người thắc mắc: Tại sao nhạc sĩ Lê Thương lịch lãm như thế, lại gọi ông Cuội già là “thằng.” Thật ra nào có ai biết Cuội bao nhiêu tuổi. Tôi cho rằng chữ “thằng” chỉ là cách gọi thân mật; chữ “già” đệm theo phải chăng chỉ muốn nói đến sự từng trải trong giấc mộng của chú Cuội, giữa đêm trăng vàng mơ lấy Hằng Nga. Tôi không thắc mắc câu chữ, tôi chỉ thích giai điệu tự do bồng bềnh của ca khúc:“Gió không có nhà. Gió bay muôn phương. Biền biệt chẳng ngừng. Trên nước ta.” Gió bay muôn phương để “Lặng nghe trăng gió bảo nhau. Chị kia quê quán ở đâu. Gió không có nhà. Gió bay muôn phương. Biền biệt chẳng ngừng. Trên trời nước ta.” Rằm Tháng Tám Âm Lịch hay Trung Thu là ngày đoàn viên của gia đình. Tôi ở thật xa, nhớ thành đô Ða Lạt, nhớ chè trôi nước thuở còn thơ mẹ làm để ăn mừng gia đình sum họp. Bây giờ chúng tôi ở trong tình cảnh sinh ly tử biệt; cha mẹ đã mệnh chung, anh chị em không sống gần nhau. Mỗi mùa trăng là một lần nghe “biệt ly, nhớ nhung từ đây. Chiếc lá rơi theo heo may. Người về có hay. Biệt ly sóng trên giòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng. Và mây trôi nước trôi. Ngày tháng trôi cùng lướt trôi…” *
Giòng nhạc của ca khúc“Biệt Ly” xui giục lòng tôi cảm nhận: Tháng Chín có biết bao điều để nhớ.
HV – 5:15am Thứ Ba ngày 13 tháng 09 năm 2016
* Ca khúc “Biệt Ly” của Nhạc Sĩ Dzoãn Mẫn