Bánh may mắn (Fortune cookies) được “sáng chế” tại Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.
Bánh may mắn là một loại bánh quy giòn, hình bán nguyệt bẻ gập ở giữa, thường được làm từ bột mì, đường, vani, trong có một tờ giấy nhỏ in một câu như “Bạn là một người thông minh” hay một câu tục ngữ như “Ở hiền gặp lành” và một dãy các con số mà đã có người dùng để mua vé số và trúng xổ số.

Ý tưởng cho rằng loại bánh giòn này được người Trung Quốc làm ra đầu tiên là do nó được đưa ra cho thực khách vào cuối bữa ăn tại các nhà hàng Trung Hoa ở Mỹ. Những tiệm ăn này đã được “Mỹ hóa”, còn nếu vào một tiệm ăn Trung Quốc nào khác trên thế giới bạn không tìm được loại bánh này. Ngoài ra cũng không thấy tài liệu nào ghi lại về thứ bánh này ở Trung Quốc cả.
Có nhiều giải thích về việc này. Theo một ý kiến (www.todayifoundout.com) thì loại bánh này được bắt đầu làm tại Nhật Bản, và có nhiều chuyện lưu truyền rằng bánh đó do những người di dân Nhật Bản “sáng chế” ra vào đầu thế kỷ 20.
Thực ra thì mới đây vào khoảng đầu thập niên 1990 một nhà sưu tầm người Nhật tên Yasuko Nakamachi đã thấy một thứ bánh quy giòn hình dạng giống như fortune cookie, gọi là Tsujiura Senbei, làm bằng tay trong một lò bánh gia đình (Sohonke Hogyokudo) gần ngôi đền Thần đạo (Sinto) bên ngoài thành phố Kyoto (Nhật Bản). Thứ bánh này, không chỉ giống hình dạng chiếc fortune cookie, mà bên trong cũng chứa một “vận may” gọi là một “omikuji” (dòng chữ may mắn) và thường bán trong các đền, miếu từ rất lâu trước khi chiếc bánh fortune cookie xuất hiện ở Mỹ.

Vạn lý Trường thành được nhìn thấy từ mặt trăng
Vạn lý Trường thành (VLTT) có nghĩa là “Thành dài vạn lý” là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc được xây dựng bằng đất, đá, gạch và các vật liệu khác, liên tục từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên (TCN) cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Đế quốc Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện nay thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Một số đoạn tường thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN, trong đó nổi tiếng nhất là đoạn do Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây từ năm 220 – 206 TCN, nay chỉ còn sót lại ít di tích. Phần VLTT hiện nay đa số là từ đời nhà Minh (1368-1644).
Đã có lúc người ta cho rằng VLTT là kiến trúc duy nhất do con người tạo dựng trên mặt đất có thể nhìn thấy được từ trên mặt trăng. Tuy nhiên, không có phi hành gia phi thuyền Apollo nào từng đổ bộ lên mặt trăng đã báo cáo cho biết có thể nhìn được bất cứ vật thể nào do con người tạo dựng cả, và ngay đến những phi hành gia bay quanh quỹ đạo trái đất cũng vậy. Tuy nhiên, ánh sáng phát ra từ các đô thị được thấy dễ dàng trên phía mặt đêm của trái đất nếu nhìn từ quỹ đạo. Jay Apt, phi hành gia trên phi thuyền con thoi, có nói: VLTT hầu như đã không nhìn thấy được ở độ cao 180 miles (290 km). Chỉ huy trưởng trạm không gian quốc tế Chris Hadfield cố gắng tìm xem có thấy được VLTT từ không gian không nhưng nói là “thật khó vì nó hẹp và màu sắc nâu xám.”