Menu Close

Giác hơi trong thế kỷ 21

Nhiều khán giả thích theo dõi tranh tài Olympic Rio 2016 hẳn đã có dịp chứng kiến nhiều dấu giác hơi hiện rõ trên người siêu sao kình ngư Michael Phelps. Anh là một trong số các lực sĩ tại kỳ Thế Vận Hội vừa qua dùng kỹ thuật giác hơi, thường thấy nhất là các lực sĩ bơi lội, vì trang phục đơn giản của họ dễ để lộ các dấu giác hơi tròn tròn trên vai, lưng, và nhiều chỗ khác trên cơ thể.

giac-hoi2
Jeremy Bloom, từng là một tay trượt tuyết tại TVH Mùa Đông, và cựu cầu thủ banh bầu dục NFL, nay làm bình luận thể thao cho các đài ESPN, Fox, NBC, trong một phóng sự về giác hơi tại Olympic 2016. Ảnh www.nbcolympics.com

Giác hơi, Anh ngữ gọi là Cupping, là một phương pháp điều trị Ðông Y cổ truyền dùng các chiếc tách nhỏ bằng thủy tinh tạo lực hút lên lớp da. Tại TVH Rio 2016, đài NBC có chiếu lên TV luôn các hình ảnh giác khô, tức hút hơi chứ không dùng lửa. Kỹ thuật giác hơi, qua các tách thủy tinh, giúp thu hút máu về một vị trí định sẵn nào đó, giúp máu tuần hoàn dễ  hơn. Mặc dù các tách thủy tinh chỉ được đặt trên mặt da vài phút, nhưng áp lực làm bể các mạch máu nhỏ trên mặt da, đủ để lại các dấu giác hơi tròn tròn rõ nét. Những vết bầm này do giác hơi tuy không được mỹ thuật, nhưng về mặt y khoa và hồi phục lại có thể giúp làm thư giãn bắp thịt, khớp xương, giảm sưng tấy, và giúp cơ thể hồi phục mau hơn. Một khảo sát y khoa năm 2010 từ 550 ca bệnh đã cho thấy giác hơi có thể giúp giảm đau hiệu quả. Một khảo sát khác năm 2012 chỉ dựa trên 61 bệnh nhân nhưng đều là các ca đau cổ mãn tính, cũng cho thấy mức độ đau nhức suy giảm đáng kể sau khi được giác hơi. Một khảo sát nữa năm 2014, quy mô nhất, bao gồm 921 người, cũng ghi nhận sự đau đớn suy giảm trong thời gian ngắn nhờ giác hơi.

giac-hoi5
Dấu giác hơi trên bắp vai lực sĩ Hoa Kỳ Alexander Naddour tại TVH Rio 2016. Ảnh www.dailysabah.com
giac-hoi4
Kình ngư Michael Phelps, với các dấu giác hơi còn in trên vai, băng về đích giật thêm một huy chương vàng nữa ở Olympic Rio 2016. Ảnh www.theepochtimes.com
giac-hoi3
Dấu giác hơi trên lưng một kình ngư China. Ảnh i1os.com

Vì những lý do này, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có thêm lực sĩ thích giác hơi. Tại TVH Rio 2016, một thành viên khác của Team USA cũng dùng kỹ thuật giác hơi là lực sĩ thể dục nghệ thuật Gymnastic, Alexander Naddour. Nhưng nhiều nhất là lực sĩ bơi lội giống như Michael Phelp. Nữ kình ngư Missy Franklin cho biết đã làm quen với giác hơi từ khi gia nhập đội bơi lội Ðại Học University of California at Berkeley, hay UC Berkeley. Nữ kình ngư người Lithuanian, Ruta Meilutyte, cũng vẫy vùng trên hồ bơi Rio 2016 trong lúc hai vai còn hằn dấu giác hơi. Kỹ thuật giác hơi dễ làm đến mức một số lực sĩ tự làm cho mình, hoặc nhờ bạn đồng đội làm giúp, như trường hợp Michael Phelp. Một trong những lý do giới lực sĩ chuộng giác hơi vì nó giúp họ bớt lệ thuộc vào thuốc giảm đau, thậm chí tránh phải sử dụng chất kích thích bị cấm. Giác hơi chẳng những giảm đau nhức, mà còn giúp gia tăng tuần hoàn máu, đưa máu và oxy đến các tế bào ở bắp thịt, cũng như xương, sụn, gân, v.v…, thật là mau lẹ, có thể giúp tăng thêm sức mạnh. Các chất kích thích tựu trung cũng để nhằm đưa thêm oxy và gia tăng tuần hoàn máu để thêm sức dẻo dai và lực sĩ bớt mệt. Ðiều khác biệt là giác hơi chưa bị liệt vào sổ bìa đen của cơ quan chống chất kích thích thế giới World Anti-Doping Agency. Riêng cá nhân kình ngư Michael Phelps cho biết anh đều làm giác hơi trước mỗi lần tranh tài ở bất kỳ tầm vóc nào chứ không chỉ Olympic.

giac-hoi7
Đồng đội Allison Schmitt (trái) trong đội bơi lội Hoa Kỳ làm giác hơi giúp Michael Phelps (nằm). Ảnh www.instagram.com/m_phelps00

giac-hoi6


Cũng không chỉ có lực sĩ TVH thích giác hơi. Vài năm trước, cầu thủ phòng vệ của đội banh bầu dục nhà nghề Denver Broncos, DeMarcus Ware #94 đã lên trang Social Media cá nhân trên Internet gắn hình gần 20 tách thủy tinh giác hơi chi chít trên tấm lưng size XXXLarge của mình (cao 6 ft 4 nặng 258 pound) khiến không ít fan ái mộ bị một phen hoảng vía. Bên ngoài thế giới thể thao, cũng có 2 nữ tài tử Jennifer Aniston và Gwyneth Paltrow từng bị chụp hình lén với dấu giác hơi còn hằn in trên da. Ngay cả quân lực Hoa Kỳ ngày nay cũng đã thấy sử dụng phương pháp điều trị này.

giac-hoi1
Dấu giác hơi của nữ tài tử Gwyneth Paltrow. Ảnh www.nydailynews.com

Giác hơi dĩ nhiên không phải là một phương pháp điều trị mới. Người Trung Hoa đã dùng nó hằng ngàn năm qua như một cách giảm đau, làm thư giãn bắp thịt, thậm chí khi bị ho hoặc các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp. Và kỹ thuật giác hơi cũng không hẳn hoàn toàn mới đối với người Hoa Kỳ. Tây Y làm quen với Ðông Y từ thời Trung Cổ, và có nhiều y sĩ Hoa Kỳ từng sử dụng giác hơi trong các thế kỷ 18-19. Nhưng rồi giác hơi dần dần bị thất sủng khi bước sang thế kỷ 20 thời cực thịnh của Tây Y. Từ những năm 1920 trở đi, tại Hoa Kỳ người ta xem giác hơi như điều lập dị, cổ hủ, thậm chí đáng… ghê. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, cùng với đà toàn cầu hóa, kỹ thuật giác hơi lại tái xuất lợi hại hơn xưa, mặc dù vẫn có không ít dư luận chê là “giả khoa học” Psedo-Science, thậm chí nguy hiểm có thể gây ra phỏng, bầm giập ê ẩm mình mẩy, nhiễm trùng, v.v… Khoảng chừng một thập niên đổ lại, giác hơi ngày càng thịnh hành, trở thành mốt điều trị thời thượng nhất là tại những nơi như Hollywood hay New York. Ngày càng thêm nhiều y sĩ thể thao và các chuyên gia đấm bóp cũng bắt đầu áp dụng thêm kỹ thuật giác hơi như một cách hỗ trợ. Thậm chí, tạp chí Swimming World đã ghi nhận một số chương trình thể thao đại học đã có đầu tư cho kỹ thuật giác hơi. Nhờ Michael Phelps và các lực sĩ Olympic giúp… quảng bá cho giác hơi tại kỳ TVH Rio 2016 mà đã thấy có các cơ sở phục vụ giác hơi cho biết khách hàng của họ thình lình gia tăng 400%. Có thể thấy giác hơi và những  phương pháp điều trị Ðông Y cổ truyền khác đang ngày càng được chú ý, đánh giá cao, và đem ra áp dụng trên làng thể thao hiện đại lẫn trong đời sống tại Hoa Kỳ và Tây Phương ngày nay.

giac-hoi
Một lần điều trị bằng giác hơi cho một quân nhân Hoa Kỳ đang tại ngũ. Ảnh http://avfinfo.org

TTD