Menu Close

Những bàn chân mang dấu hỏi (kỳ 4)

dmh-nhung-ban-chan-mang-dau-hoi3
“Ngã tư quốc tế” Cầu Mây- Mường Hoa, khu phố trung tâm của thị trấn Sapa

Kỳ 4
“Ngã tư quốc tế”

Trong những ngày cuối cùng ở Sapa, tôi ngong ngóng một sự thưởng ngoạn bất ngờ. Chàng Nguyễn Thường Pha đồng hành, nháy mắt bảo “Muốn thưởng thức văn hóa đồng ruộng, nhà cửa làng mạc và cả những bờ vai địu con trẻ, thì cứ leo lên yên!”

Chiếc xế nổ máy lượn một vòng về phía trung tâm của thị trấn Sa Pa- một đường cong đồ thị hình sin. Khu phố Tây ngập những quán bar, nhà hàng, khách sạn, tiệm làm nail, tiệm bánh…, Pha khà khà, bảo cái này chính là “ngã tư quốc tế” của Sa Pa đây. “Khỉ, ở đây làm gì có cái ngã tư này!” Tôi cười hồ nghi. Pha kêu, cái cụm từ “ngã tư quốc tế”  là cụm từ mà người Việt dành cho những khu vực tập trung đông ký giả trong nước và quốc tế để đánh hơi và tán gẫu tình hình thế sự và cũng có thể là nơi R&R của lính Mỹ ngày xưa ở miền Nam Việt Nam. Ðấy, nó có ở khắp nhiều nơi như ngã tư quốc tế ở Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Chánh, Bình Dương, hay Phú Quốc. Hết chiến tranh, sau thời gian Việt Nam he hé cửa thì cái “ngã tư quốc tế” là cụm từ dành cho những nơi Tây ba lô tới thư giãn, nghỉ ngơi và cũng đầy shop, nhà hàng, quán bar, tiệm giặt ủi,… Giờ Hà Nội cũng có ngã tư quốc tế với khu Tạ Hiện, Mã Mây, hay trong Sài Gòn là khu Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão.

dmh-nhung-ban-chan-mang-dau-hoi
Những hướng dẫn viên “bản địa” lên trấn “đón” khách du lịch phương Tây về bản

Ðậu xe trước một tiệm café góc ngã tư quốc tế Sa Pa. Nơi đây là giao điểm hai con phố Cầu Mây và Mường Hoa, giữa hướng phía sau lưng nhà thờ Mân Côi và lối vào những bản của người dân tộc, khu vực này là nơi đặt những viên đá đầu tiên của người Pháp. Giáo sĩ thừa sai đầu tiên ở Sa Pa, Hautefeuille, người Hmong bản địa gọi là Cố Phảy, có thể đã huyễn tưởng về Sa Pa như một thị trấn ở dãy Pyrenees thuộc mẫu quốc và Sa Pa đã từng là thủ đô mùa hè của giới thượng lưu ở đất Bắc từng ca ngợi… “Chẳng thể tìm lại được phế tích của Métropole, Résidence du Tonkin, … có lẽ cái mộng về một thị trấn như Lourdes ở xứ Pyrenees của ông giáo sĩ già đã không thành hiện thực, và người Hmong theo đạo cũng không hẳn coi nhà thờ Mân Côi như một Mecca để hành hương tìm lại về.” Chàng Pha, nửa nhấm nháp, nửa như  chợt lẫn với những hồi tưởng trong vị lạt của chai bia địa phương Lào Cai ở góc quán phố Mường Hoa. Chiến tranh đã xóa nhòa tất cả, sự tranh đoạt của con người nhân danh nhiều thứ và những phá hủy của chiến thuật tiêu thổ, thanh dã, đã giật sập ký ức mơ màng về vùng đất Sa Pa xưa.

Có lẽ, tôi là một thế hệ hơi xa lạ và chẳng quá lưu luyến văn hóa thuộc địa như những lớp người trưởng thành ở trường Bưởi hay Pétrus Ký, với tôi văn hóa Sa Pa thời nay phải cần nhiều lắm mới gầy dựng trên một nền móng như cái tên cổ của nó Cha Pả, bãi cát. “Cha Pả?  tiếng Hmong Cha Pả là bãi cát, nó chính là chữ sa trong tiếng Hán nghĩa là cát đọc theo khẩu âm của miêu tộc là người Hmong”, chàng Pha ra vẻ tường tận.

dmh-nhung-ban-chan-mang-dau-hoi4

Lại cảm giác mình đang ngửi lại một mùi hương xa. Tôi hiểu được một phần lý do nhiều khách du lịch thế giới ghé thăm một lần không trở lại. Sa Pa không thơ mộng như những trang giới thiệu, sự hoài tưởng xa vời của chàng Pha cũng chỉ như sự gẫy dập của những khóm cây rũ úa đen màu sau trận băng giá vài ngày trước đây.


Sa Pa, trong lịch sử hình thành như là một “đô thị vệ tinh” của Hà Nội dùng để nghỉ mát. Nhưng giá trị nội sinh của nó có đủ trầm ổn tạo dấu ấn riêng không? Hay chỉ là sự ký sinh văn hóa như bầy con của người mẹ trẻ Hmong chạy đi xin tiền khách du lịch? 


Thoáng nhìn những shop bán đồ leo núi trên phố, tôi tự “mặc cảm” vì mình đã chọn một lối đi dễ dàng để lên Fansipan, thay vì đã là chuyến “phượt” với một tinh thần trải nghiệm. Con phố xưa như một dãy hành lang chen chúc những người và xe, những cái lưng còng thổ cẩm tụm ở mỗi góc phố với ánh nhìn dè dặt trước ống kính của du khách. Ngã tư quốc tế Cầu Mây- Mường Hoa- sự bồi lấp kiến trúc của dòng phù sa mới nơi chẳng thể tìm thấy những nền móng xưa… cuộc sống như lại cuốn tôi đi…

dmh-nhung-ban-chan-mang-dau-hoi2
Tác giả và bia địa phương Lào Cai có vị lạt và ít bọt

“Có chỗ thì bóng bẩy. Có chỗ thì nhếch nhách. Thẩm thấu vẻ đẹp phải gạn bớt những tầng sạn dính cọ quét lên lớp toan” Mọi thứ hầu như không có chủ đề khi chàng Pha phát biểu. Tôi ậm ừ. Cảm giác cái lạnh của đỉnh Fansipan còn đọng lại trong lớp áo phông. Nắng nhạt thếch.  Pha rồ ga lẫn vào con đường đèo ngoằn ngoèo phía trước. Một chút gì đánh thức trong tôi. Những cành đào rừng xù xì nổi gai bám dốc đồi, thanh khiết, hoang dã. Những sắc hoa mang hơi sắc ấm chứ không đậm màu như đào Bích. Ðào Sa Pa, hai loài đào Mốc và đào Phai. Ðào Mốc là giống đào của người HMong, nụ ít, hoa hồng nhạt mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối; thân và cành sần sùi, thô ráp. Ðào Phai với những thân cành chắc khỏe, phớt hồng và đơm nhiều nụ.

“Dân mình chơi đào theo kiểu khoe mẽ chứ không thưởng hoa nhiều. Ði chặt phá đào rừng, bán mấy chục triệu, trăm triệu 1 cây, rồi chuyển về Hà Nội cho dân giàu mới nổi, ‘petty bourgeoisie’ tư sản bé mọn ở thế giới thứ ba là đây. Tàn phá đào rừng cũng như lâm tặc!” Chàng Pha lại tặc lưỡi như một con thạch sùng tiếc của.

dmh-nhung-ban-chan-mang-dau-hoi5

Tôi gắng cảm chút màu cảm thán của đất trời. Cảnh hoang sơ nơi đây như một bức tranh thô. Những ngôi nhà sàn pha tạp như một sự kết hợp không hoàn mỹ giữa những thớ gỗ ép hời hợt. Một lớp nước sơn có màu dân tộc mà phần hồn cốt đã rơi rụng đi ít nhiều. Lỡ lậm cái màu hồng hoang của những cành đào rừng. Thôi thì, trả vẻ tinh khôi về với đất.

Một toán khách Tây đang vác ba lô ngược dốc. Một em gái dân tộc nhỏ thấp đen nhẻm nói sành sỏi tiếng Anh bồi. Pha bảo, cái màu du lịch ở đấy nhiều hơn Lao Chải; có cả em gái người Kinh nói tiếng Anh nhoay nhoáy mặc áo dân tộc!  Vài toán phụ nữ dân tộc túm tụm rời bản lên đến thị trấn. Nhưng có lẽ bây giờ đã khác xưa, họ không lên chợ Sa Pa với những quang gánh tần tảo như phụ nữ người Kinh, cũng không xe ngựa, lừa, la thồ hàng nông lâm sản. Họ mang theo đủ thứ khác để bán cho khách du lịch. Mỗi ngày lại vận lên người những bộ áo cánh dân tộc. Họ đi túm tụm chứ không đơn lẻ như phụ nữ dưới xuôi, có gì đó thật khác biệt, cứ như màu của mùa trẩy hội.

dmh-nhung-ban-chan-mang-dau-hoi1
Cây đào rừng vẫn giữ nét tinh khôi, dù mùa Tết đã trôi thật xa…

Những con đường ngoằn ngoèo mù sương, những khóm tre dọc hai bên đường. Tôi lại liên tưởng đến hình ảnh nào khác chứ không phải ở xứ hoa ban, hoa đào rừng tây bắc. Khi bọn tôi bắt đầu vượt qua ngã ba rẽ vào bản Cát Cát, có một trạm thu phí bên đường gọi giật lại và lại phải móc bóp đóng 50,000 vnd để du lịch vào các bản phía sâu trong. Chẳng hiểu, tiền thu phí này có được đưa trở lại để phát triển bền vững cho văn hóa trong các thôn bản người dân tộc hay không; chỉ thấy rằng chúng ngày càng bị bào mòn bởi du lịch và thương mại hóa. Cái rào chắn vô hình dần hiện như cây sào chặn thu phí ở cổng làng, nó như nếp gấp hàng ngàn năm trong “tư duy ăn xổi” ở một đất nước sống vội thời hậu chiến.

Một chiếc xe du lịch quá khổ ních người dần khuất sau rẻo đường bụi đỏ vào bản. Sapa mờ khói bụi.

Ðmh

https://www.facebook.com/hanhphoto