Menu Close

Tháng 9 Hòn Cau

Chỉ cách đất liền khoảng 10km nhưng Hòn Cau (còn gọi là Cù lao Câu) không được nhiều người biết đến. Chính nhờ điều này mà Hòn Cau vẫn còn giữ được nét hoang sơ. Vào thời truyền thông Internet, chỉ cần một tin tức về hoang đảo nào đó, lập tức dân Việt Nam đổ xô nhau đến, phá nát những nét vốn nguyên thủy, hoang sơ. Đảo Bình Ba là một ví dụ điển hình nhất.

hon-cau
Thuyền bè neo đậu tại cảng cá Liên Hương

Trước đây trên Hòn Cau không có người ở, kể từ khi nơi đây trở thành Khu bảo tồn Biển Hòn Cau (năm 2011) mới có bóng dáng của con người. Ðó là những người thuộc lực lượng biên phòng, là nhân viên của Khu bảo tồn. Tuy thế, đã từ nhiều đời nay, ngư dân thị xã Liên Hương (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vẫn ra đây để đánh bắt cá. Mặc dù trên đảo không có người ở nhưng vẫn có những ngôi miếu được người dân lập ra để thờ Nam Hải tướng quân (tục thờ cá voi của người vùng biển miền Nam) khi ông lụy vào bờ.

Hòn Cau không hề nằm trong lịch trình của chúng tôi. Trong chuyến du ngoạn, chúng tôi chỉ muốn đến đền tháp Po Dam (đọc là Pô Tằm) tọa lạc tại làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, nơi chỉ cách Liên Hương khoảng 5km đi về hướng Tây. Song, cơ may đã đến khi đến nhà một người bạn, lại được anh ấy rủ làm một chuyến ra Hòn Cau.

hon-cau2
Chi phí bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã của Khu bảo tồn Hòn Cau được sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ

Ba giờ chiều, trời trở gió. Không mưa, nhưng mây đen che kín cả bầu trời. Ðài truyền hình quốc gia liên tục loan báo tin tức về cơn bão số 4 sắp đổ bộ vào đất liền. Mặc kệ, chúng tôi mang vác hành lý, thức ăn, lều bạt để chuẩn bị cho chuyến ngủ đêm trên đảo.

Bắt đầu Liên Hương, một chiếc ghe nhỏ làm nhiệm vụ “trung chuyển” chở chúng tôi ra chiếc ghe đánh cá lớn hơn. Chỉ mới ra khỏi âu tàu, những cơn sóng cao như muốn nhấn chìm chiếc ghe nhỏ. Sóng nhô lên cao, rồi ập xuống. Cảm giác chóng mặt xuất hiện và hơi run sợ khi nghĩ đến phía trước là cả gần 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên những con sóng dữ.

Người bạn của tôi chọn thuê một chiếc ghe đánh cá của ngư dân, ghe này vừa kết hợp chở những du khách như chúng ta ra Hòn Cau, lại đánh bắt cá ngay tại gần đảo.

hon-cau4
Những con mực tươi rói được ngư dân đánh bắt từ biển về

Trời bắt đầu đổ mưa, không nặng nhưng đủ làm cho bầu trời trở nên xám xịt. Từng cơn sóng cao gần 2m như muốn nhấn chìm con tàu xuống lòng biển khơi. Cô bạn đi cùng nốc tháo tất cả những gì có trong bụng, nằm rũ rượi như con cá chết. Những người khác ai cũng bất động. Người rũ đầu xuống gối, kẻ lấy khăn bịt mắt. Một số khác khỏe hơn vẫn cười nói, khinh thường những con sóng dữ.


Trước đó, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân cho xả khói làm mù cả bầu trời. Chẳng những vậy, những bụi xỉ từ nhà máy thải ra chất đầy cao như ngọn núi. Mùa gió, những bụi xỉ này bay vào thẳng nhà dân, tới tận bữa cơm của từng gia đình. Trẻ con, người lớn đều mắc phải những căn bệnh về hô hấp. Chưa hết, là dân vùng biển nhưng người dân Vĩnh Tân không dám đi tắm biển vì nước thải từ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân là đen đục cả một vùng. Việc đánh bắt, nuôi hải sản của người dân trở nên điêu đứng. Ngay cả những diêm dân, công việc của họ chỉ là bơm nước từ biển lên các ruộng muối cũng phải dừng lại vì ô nhiễm từ nhà máy.


Sau gần 2 giờ lênh đênh, bị những con sóng đưa lên, rồi hạ xuống chúng tôi cũng đã đến được Hòn Cau. Từ bên này nhìn về đất liền, cái ập vào không phải là ánh đèn điện thị xã Liên Hương hay Phước Thể, mà là quần thể ánh sáng được phát ra từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Anh Dớt, một ngư dân với hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển nói:

– Bây giờ chưa phải là mùa Bấc, phải thêm một vài tuần nữa mới tới. Ðến lúc đó chẳng còn ai ở trên đảo, kể cả biên phòng.

Tại đảo có hai cái quán do người dân từ bên Liên Hương qua để kinh doanh du lịch. Lượng khách chẳng có bao nhiêu. Mùa này mấy ai đi biển.

– Trên đảo rắn nhiều lắm. Cứ mỗi lần trời mưa là rắn bò ra kiếm ăn- Anh Dớt khuyến cáo chúng tôi.

hon-cau3
Hòn Cau, nơi có khu bảo tồn rùa và đồi mồi

Nghe tới rắn những cô gái đi cùng chúng tôi giật mình. Họ là những vị khách từ Sài Gòn ra, chúng tôi vô tình lại quen biết nhau. Không hề biết nhau từ trước, nhưng nhờ đi chung “chuyến tàu bão táp” nên hóa ra thân thiện.

Cũng Anh Dớt cho chúng tôi biết, Hòn Cau là nơi sinh sản của các loại đồi mồi, rùa biển. Nhiều năm trước, những sinh vật đó là mục tiêu của những ngư dân như anh. Mối lợi mang về từ rùa, đồi mồi cao hơn đánh bắt cá. Nếu gặp phải con đồi mồi sắp đẻ có giá lại càng cao hơn. Có khi đến vài chục triệu.

Kể từ khi chính quyền thắt chặt việc đánh bắt hải sản, khoanh vùng khu bảo tồn và phạt nặng những người đánh bắt đồi mồi, rùa nên người dân cũng không còn coi rùa, đồi mồi là mục tiêu săn bắt. Mà ngược lại, họ cùng chung tay với chính quyền bảo vệ loài rùa.


Sự tham lam của con người mà ở đây là lãnh đạo CSVN dường như vô tận. Chính quyền Cộng sản tỉnh Ninh Thuận vừa rồi đã chấp thuận cho Tập đoàn thép Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị được phép xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná. Từ Cà Ná đến Hòn Cau chẳng ra là mấy. Chỉ mỗi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân Hòn Cau đã chịu không nổi. Nay lại thêm nhà máy thép, trong một viễn cảnh không xa, rùa, đồi mồi và những loại hải sản, sinh vật biển tại Hòn Cau sẽ vĩnh viễn biến mất.


Tháng 4/2015, một vụ bạo động kinh hoàng đã nổ ra tại Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Hàng ngàn người đã xuống đường yêu cầu phải đóng cửa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã phải cử công an, lãnh đạo đến thuyết phục dân chúng. Tuy vậy, người dân vẫn xuống đường yêu cầu phải đóng cửa nhà máy.

Người dân bạo động, xuống đường là tất yếu. Liên tiếp trong nhiều ngày, đường quốc lộ 1A huyết mạch bị tắc nghẽn, giao thương bị đình trệ. Bí thế, chính quyền Trung ương liền điều động cả lực lượng cảnh sát cơ động của Bộ công an về đàn áp người dân. Trước lựu đạn, dùi cui, súng ống… người dân Vĩnh Tân đành thất thủ.

Chủ quán Sóng Biển trên Hòn Cau nói với chúng tôi:

– Dạo này không còn thấy cá heo về đây chơi bời nữa. Chứ mấy năm trước thường về lắm.

hon-cau1
Một góc tại Hòn Cau

Những tác động từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân là điều có thể thấy rõ trước mắt. Lượng cá, hải sản đánh bắt gần bờ giảm mạnh. Muốn có cá, người dân phải ra xa đánh bắt. Các loại ốc, sò ở những rạn, bãi đá gần bờ cũng không còn nữa. Chất xả thải từ nhà máy Vĩnh Tân rồi cảng chuyên dụng Vĩnh Tân được xây dựng đã tác động rất lớn đến nguồn sinh thái tại nơi đây.

Trước việc nước biển bị ô nhiễm, chất độc được thải ra lan rộng chính quyền tỉnh Bình Thuận mới đây đã có văn bản xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thu hẹp diện tích khu bảo tồn Hòn Cau.

Tháng 4 là mùa du lịch biển. Vào đêm trăng rằm của tháng 4 sẽ có lễ hội Nghinh Ông tại Hòn Cau. Ngư dân địa phương từ Liên Hương sẽ ra Hòn Cau để Nghinh Ông, cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển nhiều hải sản, đời sống người dân ấm no.

Song, có lẽ ngư dân chẳng cần phải cầu trời, mà chỉ cần cầu lãnh đạo chính quyền CSVN dừng ngay những dự án nhà máy thép, kiểm soát chặt chẽ lượng nước thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân ấy là có thể được đời sống ấm no.

Tháng 9 không phải là mùa du lịch. Những cơn gió heo may trên hoang đảo làm rờn rợn da người, làm quặn thắt khi thấy những ống khói từ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân xả lên trời cao. Mai này, sẽ chẳng còn rùa ở Hòn Cau, sẽ không còn những con mực tươi rói được đánh bắt lên bờ. Mà thay vào đó là những đứa trẻ còi cọc mang trên người hàng chục thứ bệnh lạ lùng.

TT – Viết từ Phan Rí 9/2016