Menu Close

Ðịnh nghĩa táo bón

Năm nay tôi 73 tuổi, sức khỏe trung bình, chỉ có tội là hai ba ngày mới đại tiện một lần. Theo bác sĩ thì như vậy có được không? Trần viết Ðịch.

Ðáp

Thưa ông, mỗi người có một thói quen riêng trong việc đào thải chất bã của sự tiêu hóa thực phẩm.

Có người đại tiện đều đặn mỗi ngày một lần, có người đến 2 hoặc 3 ngày một lần. Khi tình trạng tiêu hóa bình thường, cơ thể luôn luôn tuân theo thói quen đó. Cứ đến cùng thời điểm là họ sẽ có một cảm giác kích thích nhắc nhở ta thực hiện “nhiệm vụ”. Khi thói quen đó không được duy trì như thường lệ thì họ nghĩ là hệ tiêu hóa đang có vấn đề.

Ngoài ra, mỗi người có thể hiểu về táo bón theo một cách khác nhau.

Có người than phiền với bác sĩ là bị táo bón vì từ sáng đến chiều mà vẫn chưa đi cầu như ngày hôm qua, hôm kia.

Có người lại nghĩ rằng mình bị táo bón vì mấy ngày liên tiếp, mỗi khi đại tiện đều phải gắng sức, rồi phân được thải ra cứng như đất sét khô, lại nhỏ như phân dê, đôi khi có lẫn chút máu.

Nói chung, người ta thường cho là bị táo bón khi số lần đại tiện trong một thời gian nhất định bị giảm đi so với thói quen.

Táo bón cũng còn bị gán cho là nguyên nhân gây ra đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, ăn không ngon và tin rằng cứ đại tiện thông là các rối loạn này hết đi. Vì vậy, nhiều người lạm dụng thuốc xổ và đưa tới nhiều tác hại cho hệ tiêu hóa.

Thật ra, đại tiện 3 lần một ngày hay 3 ngày một lần cũng đều có thể xem là bình thường, nếu đó là thói quen đều đặn đã có từ lâu, nhất là khi đại tiện không thấy khó khăn hay gây ra cảm giác khó chịu.

Thường thường, người cao tuổi cho là bị táo bón khi đi tiêu mà phải cố rặn, phân khó ra, cứng và khô, mà không để ý đến số lần đại tiện.  Ðôi khi họ còn có ước lượng ít đi số lần đại tiện của mình, vì tin rằng đại tiện nhiều hơn là có thể loại bỏ chất độc hại nằm ở ruột và sẽ ít bị bệnh. 

Thuốc giảm đau

Ra tiệm thuốc tây, ta thấy có cả vài chục loại thuốc chống đau khác nhau với những tên cũng khác nhau. Xin bác sĩ cho biết công dụng và cách sử dụng khác nhau ra sao?

Ðáp

Hầu hết thuốc giảm đau đều thuộc về bốn nhóm chính:

a. Aspirin gồm có aspirin Bayer, Empirin, Ecotrin, Easprin mà chất chính là Acetylsalicylic acid. Dùng với mọi sự dè dặt khi có bệnh suyễn, loét bao tử; suy chức năng của gan, thận, băng huyết.

Không dùng nếu đã bị dị ứng với thuốc, có thai vào ba tháng cuối, nuôi con sữa mẹ hoặc trẻ em bị thủy đậu, cúm.

Không giữ thuốc trong buồng tắm vì hơi ẩm, sức nóng làm hư thuốc. Khi thuốc đổi mầu từ trắng sang vàng hoặc có mùi chua như giấm thì vứt bỏ.

Nên uống aspirin với thực phẩm hoặc sau bữa ăn để tránh xót bao tử.

Trên thị trường có thuốc với lớp vỏ bọc như Bufferin, Alka-Seltzer. Thuốc không hòa tan ở bao tử mà xuống ruột mới được hấp thụ, nên bao tử không bị xót chua.

b. Acetaminophen là hoạt chất chính trong Tylenol, Paradol, Tempo, Paracetanol.

Lợi điểm của thuốc này là không gây xót và chảy máu bao tử, không gây hội chứng hủy hoại não bộ trẻ em Ryes như aspirin. Nhưng thuốc lại có tác dụng rất xấu với gan khi dùng phân lượng cao hơn hướng dẫn và dùng quá mười ngày.

Ghiền rượu kinh niên nên cẩn thận khi dùng thuốc này vì cả hai đều gây tổn thương cho gan.

c. Ibuprofen với thuốc đặc chế Motrin IB, Advil, Nuprin, Pediacare, Medipren, Rufen.Thuốc cũng làm xót và gây xuất huyết ở bao tử.

Không dùng khi bị dị ứng với aspirin, có thai vào sáu tháng cuối; dùng với mọi dè dặt khi có bầu; không nên dùng khi cho con bú sữa mẹ.

d. Naproxen với Aleve. Không dùng khi có thai vào sáu tháng cuối, dị ứng với aspirin. Cẩn thận khi bị loét bao tử, suy gan thận, tim; cao huyết áp.

Thuốc có thể gây táo bón, ợ chua, nhức đầu, chóng mặt. Nuôi con sữa mẹ không nên dùng.

Thuốc được ghi với chữ “Extra Strenght” có nghĩa là thuốc đó chứa gấp đôi, gấp ba hoạt chất chính. Chẳng khác chi “Big” Mac, “Jumbo”nước ngọt ở tiệm bán thực phẩm làm sẵn, ăn ngay.

Thí dụ viên Tylenol thường có 325 mg acetaminophen, thì Extra Strength có 500 mg. Ðôi khi extra strength lại là hỗn hợp của nhiều hoạt chất.

Chẳng hạn viên Extra Strength Excedrin có 250mg acetaminophen, 250mg aspirin và 65mg caffeine. Caffeine có thể làm tăng hiệu năng của thuốc chống đau nhức nhưng gây mất ngủ hoặc kích thích bao tử ở một số người.

Sau tên thuốc mà ghi thêm chữ “PM”  trong đó có thuốc giúp ngủ ngon, thường thường là chất chống dị ứng diphenhydramine (Benadryl). Như là Tylenol PM. Chẳng nên uống PM này khi lái xe hoặc làm việc cần sự tập trung tư tưởng.

Ibuprofen và Naproxen dường như công hiệu hơn hai thuốc kia để giảm đau khi có kinh nguyệt. Lý do là hai thuốc này làm giảm prostaglandins, một chất gây cảm giác đau do cơ thể sản xuất đáp ứng với thương tích.

Tác dụng của Naproxen cũng lâu hơn (6-12 giờ) so với Ibuprofen ( 4-8 giờ).

Ngoài công dụng chống đau, aspirin còn được dùng để ngừa tái phát tai biến động mạch não ở người đã bị tai biến hoặc cơn suy tim. Chỉ với một viên nho nhỏ là aspirin có thể giúp ngăn ngừa sự kết tụ của các tiểu cầu trong mạch máu. Nhưng nhớ không nên dùng aspirin chung với các loại thuốc cầm máu như warfarin, coumadine. Và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Một thắc mắc thường được nêu ra là thuốc chống đau nhức biệt dược (Brand name) và thuốc tên chung (Generic) có khác nhau gì không.

Theo Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ thì cả hai đều có cùng công hiệu. Khác nhau là biệt dược được các viện bào chế chi nhiều tiền để tìm kiếm rồi sản xuất, thường được trình bày hoa mỹ hơn, quảng cáo rộng rãi hơn do đó chi phí cao hơn. Và giới tiêu thụ lãnh đủ, phải trả nhiều tiền hơn cho món hàng có cùng tác dụng.

NYD