Mở đầu hồi ký “Dưới Bóng Ða Chùa Viên Giác,” Hòa Thượng Thích Như Ðiển viết: “Ngày 15.05.1964, ngày trọng đại nhất của đời tôi là ngày tôi được Cha Mẹ cũng như gia đình cho phép rời xa cuộc sống bình thường, vào chùa xuất gia học đạo. Hôm đó cũng là ngày đám giỗ của ông Nội, nên gia đình và tất cả mọi người đều có mặt, kể cả các anh rể của tôi. Năm ấy tôi 15 tuổi, giã biệt đời sống thôn dã đầy mộng mơ lên đường đến Phố Cổ Hội An, nơi có ngôi chùa Viên Giác.” [Ðoạn 1: Xuất Gia Tu Học]
Trong khi đó tác giả Trần Trung Ðạo nói về ngôi chùa đặc biệt này như sau: “Không biết là duyên hay nghiệp, nhưng đời tôi gắn liền với những ngôi chùa. Chùa Ba Phong ở làng Mã Châu, chùa Viên Giác ở Hội An, chùa Phổ Hiền ở Ngã Tư Bảy Hiền. Ngay thành phố Boston tôi đang sống, trước nhà tôi bây giờ cũng là một thiền viện.” [Ðoạn 22: Lời Ngỏ]
Hòa Thượng Thích Như Ðiển sinh năm 1949, tại Duy Xuyên, Quảng Nam, xuất gia năm 1964, từng du học tại Nhật trước năm 1975. Hòa Thượng định cư tại Ðức năm 1977, sáng lập Niệm Phật Ðường Viên Giác năm 1978. Những kỷ niệm này nối tiếp kỷ niệm kia trong Chùa Viên Giác, được Hòa Thượng Thích Như Ðiển trình bày trong“Xuất Gia Học Ðạo; Chùa Phước Lâm; Làm Nhang; Học Tập, Về Lại Chùa Viên Giác; Ngày Mất Mẹ; Làm Ðậu Hủ; Pháp Nạn Năm 1966; Học Tán Tụng; Về Cẩm Nam; Hội An Ngày Ấy; Hồi Ký; Tết Năm Mậu Thân; Thầy Tôi; Di Tích; Chiếc Nón Bài Thơ; Xa Hội An; Cách Học Cho Giỏi; Lời Cuối; Gặp Lại Nhau; Ba Thế Hệ Ðậu Tiến Sĩ.”
Tác giả Trần Trung Ðạo tên thật là Trần Văn Nhơn, sinh năm 1955, tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông vượt biên, định cư tại Hoa Kỳ năm 1981. Ông đã ghi lại tháng năm sống dưới mái chùa Viên Giác qua “Lời Ngỏ; Vài Nét Về Chùa Viên Giác; Ðến Chùa Viên Giác Lần Ðầu; Rời Chùa Viên Giác Ðến Vĩnh Ðiện; Trở Lại Chùa Viên Giác; Sư Phụ, Cố Ðại Lão Hòa Thượng Long Trí; Tưởng Nhớ Bổn Sư Thích Như Vạn; Tưởng Nhớ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh; Phố Cổ Hội An Và Những Ngôi Trường Cũ; Hãy Ngủ Yên Ðà Nẵng Của Tôi; Vu Lan Nghĩ Về Mẹ Và Quê Hương.”
Mỗi người một cảm nhận, nhưng điểm chung của hai tác giả là kỷ niệm gắn liền “Dưới Bóng Ða Chùa Viên Giác,” và kỷ niệm với ân sư của họ là Ðại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí, vị tu sĩ gốc Trung Quốc, nhưng đã dành trọn cuộc đời hy sinh cho đất nước và con người Việt Nam. Hòa Thượng Thích Long Trí, Hòa Thượng Thích Như Ðiển và tác giả Trần Trung Ðạo cùng song hành trên con đường đấu tranh cho chính nghĩa, chống bạo quyền xảy ra trong thiền viện hay trong đời thường tại Việt Nam.
Hình ảnh Ðại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí được tác giả Trần Trung Ðạo mô tả như sau: “Thầy hãnh diện về quê hương xứ Quảng Ðịa Linh Nhân Kiệt của thầy. Ngày xưa thầy thường dạy chúng tôi: “Huế là chiếc nôi của Gia Ðình Phật Tử; nhưng Quảng Nam lại là nơi chôn nhau cắt rốn của người đã góp phần lớn nhất để tạo dựng nên tổ chức này”. Ý thầy muốn nhắc đến Bác Sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám, người sáng lập nên Gia Ðình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam. Quê hương của thầy cũng là nơi dừng chân cuối cùng trên đường hành đạo của Thiền Tổ Minh Hải, tổ sáng lập nên dòng Lâm Tế Chúc Thánh từ thế kỷ 17. [Ðoạn 28: Tưởng Nhớ Sư Phụ, Cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí.]
Ðọc “Dưới Bóng Ða Chùa Viên Giác,” để cảm nhận: Cửa thiền không chỉ là nơi tu tâm dưỡng tánh phụng thờ Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng, mà còn là nơi giáo huấn đại chúng trở thành những công dân tốt, hết lòng vì gia đình, vì quê hương, vì tổ quốc.
HNP – 9:10pm Thứ Ba ngày 13 tháng 09 năm 2016