Menu Close

Gentle Waves của Trang Lê

Bergamot Station Arts Center thuộc thành phố Santa Monica thuộc Los Angeles, là một khu gồm hơn 20 studio-gallery. Nơi đây, nguyên thuỷ là một nhà ga xe lửa có từ 1875. Sau năm 1953 trở thành Santa Monica airlines. Đến 1994 ngày 17 tháng 9, nơi đây trở thành Bergamot Station Arts Center được tổ chức bởi Wayne Blank, một gallerist và Lawrence Scarpa, một kiến trúc sư, với mục đích tạo ra một trung tâm nghệ thuật đương đại và dành cho các nghệ sĩ trẻ đến ở và sáng tác với giá thuê hàng tháng được tài trợ.

gentle-waves-trang-le5

Hôm 10 tháng 9-2016, vào 4h chiều, tôi và eL cùng cháu Bách từ OC đến Santa Monica để xem triển lãm tranh của nữ hoạ sĩ Trang Lê. Lâu lắm rồi tôi mới trở lại khu nghệ thuật Bergamot Station Arts Center; đã hơn 15 năm.

gentle-waves-trang-le

Hằng năm, vào giữa tháng 9, các gallery ở đây đồng loạt khai mạc các cuộc triển lãm, thành quả của một năm làm việc của các nghệ sĩ lưu trú ở đây.

Mặc dù bề ngoài, là một khu nhà đơn sơ, mái tôn, hình thức bên ngoài là nhà kho nhưng bên trong, nội thất là những vách tường trắng đúng tiêu chuẩn để treo tranh và dàn đèn chuyên dùng để làm nổi bật vẻ đẹp của các tác phẩm được trưng bày.


– Trang Lê sinh ra tại Nha Trang.
– Vượt biên sang Mỹ lúc 11 tuổi cùng gia đình.
– 1996 tốt nghiệp ngành nhân chủng học (anthropology) tại University of California, Riverside.
– 2003 tốt nghiệp ngành hội họa tại trường University of California, Riverside.
– 2006 lấybằng thạc sĩ tại trường Claremonth Graduate University
– Có khiếu vẽ từ nhỏ và chọn học ngành hội họa chỉ để trở thành cô giáo dạy vẽ nhưng càng học cô càng say mê nghệ thuật và chọn trở thành họa sĩ.


Với hơn 20 cuộc khai mạc triển lãm cùng thời điểm như thế, Bergamot Station rộng lớn vẫn không còn một chỗ đậu xe, tôi phải cho xe chạy lòng vòng để coi có xe ai ra về mà điền vào ngay. Ðúng là một ngày hội nghệ thuật, rất đông khách đến xem tranh, một biểu hiện của một xã hội văn hoá phồn thịnh không thể mơ hơn.

Tranh của Trang được trưng bày trong gallery Ruth Bachofner thuộc tòa nhà G2 với 7 bức sơn dầu trên canvas có kích cỡ 1m70 x1m40 theo khuynh hướng trừu tượng biểu hiện. Khi bước vào, Trang trong chiếc áo dài mầu tím và mái tóc xõa ngang vai đang bị vây bởi những người yêu tranh đa phần là người Mỹ. Với cách diễn đạt tình cảm và những xung động nội tâm của mình, Trang đã gửi những điều riêng tư ấy bên trong những đường sọc mỏng manh, mềm mại chuyển động và chuyển sắc một cách tinh tế, đầy gợi cảm. Có lẽ do đó mà một nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ đã đặt tên cho dòng tranh này của Trang là Gentle Waves.

gentle-waves-trang-le4
Một số tranh sơn dầu của Trang Le trong triển lãm.

Ðứng ở góc nhìn chuyên môn, kỹ thuật sử dụng sơn dầu của Trang, người nữ họa sĩ sinh năm 1970 tại Nha Trang, vượt biên đến Mỹ năm 1986, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Claremont Graduate University, thuộc một trình độ kỹ năng và kiến thức rất điêu luyện và rất nền tảng, hiếm thấy ở nhiều họa sĩ người Việt mà tôi từng được xem tranh của họ. Ðiều đặc biệt là tính ngẫu sinh không đóng vai trò chủ đạo trong cách thực hiện tác phẩm của Trang như phần lớn nghệ thuật hiện đại, nếu có thì rất ít, thay vào đó là phần ý thức sử dụng thế mạnh về kỹ năng để tạo ra không khí và ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Trang chọn lọc rất kỹ về phối mầu cho từng layer của tác phẩm, cho từng vai trò của đường nét, khi bình yên, lúc lay động nhẹ nhàng, mềm mại, chỗ bùng lên cao trào của cơn sóng muốn xô ngã, muốn cuốn đi những gì cần phải. Hình như Trang kiểm soát toàn bộ đường đi của tác phẩm từ khi khởi đầu cho đến kết thúc, vì tôi không tìm ra một chỗ nào thừa hay thiếu về cách thực hiện tác phẩm của Trang. Tôi bị cuốn theo, bị ấn tượng mạnh về một phong cách nghệ thuật rất riêng, đầy rung cảm của một nghệ sĩ gốc Á đông đã không cần dùng cách bộc lộ nguồn gốc của mình một cách dễ hiểu bằng những mô típ thông thường như trang phục dân tộc hay các hình thức mang tính làng xã rất ước lệ để tạo ra sự khác biệt bản sắc văn hoá dân tộc nhằm tránh câu hỏi “who you are?” từ cửa miệng người Mỹ bản địa khi họ thấy một người Việt  sáng tạo bằng chính thứ ngôn ngữ nghệ thuật được sinh ra và phát triển bởi người Phương Tây. Chính câu hỏi phần nào hàm chứa sự kỳ thị này đã gây nên mặc cảm và bối rối cho những họa sĩ trẻ người Việt lưu vong ở Mỹ, như trường hợp của Ðinh Q.Le chẳng hạn. Ðây là một chọn lựa đầy thách thức đối với một nghệ sĩ Việt, lại là phụ nữ khi đơn độc chen chân vào một môi trường nghệ thuật khổng lồ kể cả lịch sử lẫn sự dư thừa tài năng như Los Angeles – một trung tâm thuộc hàng đầu thế giới về nghệ thuật.

gentle-waves-trang-le3

Những tác phẩm lần này tại gallery Ruth Bachofner cho thấy Trang đã là một tài năng hội họa vượt khỏi những giới hạn của khái niệm “bản sắc văn hoá dân tộc” hay “mất gốc”. Thực ra, không có một nghệ sĩ nào không phải người phương Tây bị đánh mất bản sắc gốc của mình khi vẽ hoặc viết,… bằng ngôn ngữ phương Tây. Ngược lại, với tài năng của họ, những tư duy về con người và nghệ thuật của họ đã được cảm thông và kính nể mà không cần bất cứ một sự trợ giúp dẫn giải nào và sau đó, chắc chắn người yêu tác phẩm sẽ biết tác giả của nó là ai và từ đâu đến.

gentle-waves-trang-le2
Trang Le và khách xem tranh

Ðiều quan trọng bậc nhất của người nghệ sĩ là tạo ra những tác phẩm của mình với một chất lượng nghệ thuật đẳng cấp mà bất cứ người thưởng ngoạn nghệ thuật đến từ bất cứ một địa chính trị nào cũng thích thú. Trong nghệ thuật, bản sắc nghệ thuật của nghệ sĩ quan trọng hơn hẳn bản sắc dân tộc của người làm nghệ thuật. Tôi nghĩ Trang Le đang là một trong số ít họa sĩ người Mỹ gốc Việt có một thành tựu ban đầu rất đáng kể trong môi trường nghệ thuật dòng chính Mỹ, ít nhất là tại Los Angeles.

Xin chúc mừng Trang Le.

gentle-waves-trang-le1
Trang Le và tác giả bài viết tại buổi khai mạc triển lãm.

TC