Menu Close

Phong cách ứng xử (kỳ 2)

Hôm nay chúng ta tiếp tục bàn về những nguyên tắc ứng xử trong đời sống hàng ngày.

– Nở nụ cười với mọi người.

Vâng. Ðừng quên mỉm cười trong cuộc sống nha bạn. Nụ cười của bạn mang lại niềm vui cho những người xung quanh và do đó cũng mang lại sự vui vẻ cho chính bản thân bạn.

phong-cach-ung-xu1
Bảo Huân

– Ðừng bao giờ quên nói lời cám ơn những người thân yêu và bạn bè của mình.

Cũng đừng quên cảm ơn người đã giúp mình dù là một việc rất nhỏ như giữ cửa cho mình đi vào phòng hay nhặt một vật mình đánh rơi.

Ðó là những việc thông thường. Ngoài ra có những trường hợp bạn phải viết thư tay cảm ơn như khi người ta mời mình dự một tiệc vui. Nếu công việc quá bận rộn và việc thư tay tốn thời gian để gửi, hãy gọi điện hoặc viết e-mail để cảm ơn trước khi quá muộn.

Khi viết e-mail cảm ơn, đừng quên đề cập đến lý do bạn không thể viết thư tay. Nếu viết e-mail cảm ơn bữa tối bạn đã được mời đến thì đừng quên kể lại một sự kiện đáng nhớ của bữa tối hôm đó, bày tỏ sự ngưỡng mộ với món tráng miệng hoặc món ăn nào đó mà bạn được mời cũng như sự nhiệt thành của chủ nhà, gửi kèm một bức ảnh bạn đã chụp sẽ càng tuyệt vời hơn. Mục đích của thư cảm ơn là khiến người nhận cảm thấy sự biết ơn của bạn.

– Ðừng quên năng khiếu hài hước của bạn.

Hài hước là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong ngôn ngữ giao tiếp. Ðó là cách an toàn nhất cho mọi cuộc xung đột, là chìa khóa để mở “cánh cửa lòng”. Lời đối đáp khôn ngoan, thông minh, dùng ngôn ngữ hài hước để phê phán thường mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. Bởi thế khi kể một câu chuyện cười hoặc một lời đối đáp có nội dung, cách nói hài hước thường làm cho không khí vui lên, điều tiết được tình cảm, nhắc khéo người khác mà không làm họ bực mình. Tất nhiên cũng không nên lạm dụng sự hài hước nhất là trong những tình huống nghiêm trọng.

MH – Tổng hợp