Menu Close

Trịnh Cung

Họa sĩ, nhà thơ. Sinh tại Nha Trang năm 1939. Học mỹ thuật ở Huế & Gia Ðịnh. Tổng thư ký Hội họa sĩ trẻ VN (1966 -1973). Giáo sư thỉnh giảng của các trường: Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế, Gia Ðịnh trước 1975; Ðại Học Sư Phạm & Ðại Học Tổng Hợp TpHCM, Ðại Học San Francisco & Indiana những năm 90. Triển lãm cá nhân tại Paris, Los Angeles & Washington DC. Ông hiện sống ở California.

tho-trinh-cung

Ngoài là một họa sĩ nổi danh, Trịnh Cung còn là một nhà thơ. Ông làm thơ rất sớm và đã có ý thức làm mới ngôn ngữ thơ. Ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu” do Trịnh Công Sơn phổ từ thơ của ông đã có những hình ảnh tân kỳ so với thời ấy, thập niên 50-60: “Bây giờ anh vui / hai bàn tay đói / Bây giờ anh vui / hai bàn chân mỏi…”

Tôi nghĩ, Trịnh Cung là người tràn đầy năng lượng và luôn không bằng lòng với chính mình, trong đời sống và nhất là trên đường nghệ thuật. Khi không vẽ thì ông viết phê bình mỹ thuật và làm thơ, những bức tranh, những bài thơ của ông luôn không là sự lặp lại chính mình. Những bài thơ và tranh dưới đây ông làm trong thời gian gần đây, khi đời sống chuyển qua không gian sống khác.

Thận Nhiên.

 

Ở càfê Taza
Những cô gái ngồi ở càfê Taza làm anh nhớ em

Mùa Ðông lạnh xám cửa kính

Mà mắt họ lại ấm đen

Những cây Sồi nặng trĩu cô đơn ngoài công viên

Mà họ thì tung tăng như Sóc

Líu lo như chim Hoạ Mi

Anh muốn gõ vào bàn phím chiếc máy đánh chữ cổ không còn giấy carbon

Những lời tình cố để dành

Vì mấy ngón tay thèm đụng chạm

Anh muốn đun sôi ấm nước đồng đen

Người chủ quán dành để chưng quá khứ

Bằng tiếng cười thuỷ tinh vỡ của tuổi thanh xuân

Vì lòng muốn tan băng

Lục lọi những ngăn kéo của chiếc tủ kệ gỗ cũ kỹ

Còn sót lại gì

Ký tự hay sợi tóc một người

 

Em

Họ vẫn cứ mãi líu lo

Như cuộc đời mới bắt đầu

Mà sao mùa Ðông của chúng ta vẫn kéo dài

tho-trinh-cung1

Arcadia, January 2014, cho eL.

 

Ký ức

 

Ký ức

Như hòn máu

Ðừng bắt anh phải dọn dẹp

Ðừng làm anh đau đớn

Ðừng khiến anh kinh động

Thành kẻ điên linh hồn

 

Ký ức

Như tĩnh vật

Hãy để anh sắp xếp

Trên ngăn kệ thời gian

Như tác phẩm nghệ thuật

Hãy để anh trưng bày

Trong bảo tàng trí nhớ

Như những thước phim trần truồng

Hãy để anh cất giấu

Trong ta bà hư vô

Những tĩnh vật không hình hài

Không tan vỡ

Không thối rữa

Không thể đánh tráo

Như bình cổ

Như xác người

 

Ký ức

Như những bài thánh ca

Mà linh hồn anh là giáo đường nhỏ

Thường cất lên vào những ngày đời anh mưa bão

Những chiều lẻ loi

Những buổi mai không muốn thức dậy

 

Ký ức

Như tràng hạt

Anh lần từng ăn năn

Anh lần từng mắt lệ

Anh lần từng môi hôn

Anh lần từng tội lỗi

Anh lần từng tan vỡ

Anh lần từng mộng vàng

 

Ký ức

Những vì tinh tú không bao giờ tắt

Dù ngày mai anh ngừng thở

SG 29-3-20011

 

Cho Em

những buổi trưa

 

Anh nhìn qua vai em

Khu vườn nhỏ Yoko

Lá ưỡn cong nắng vàng

Có ai thầm thì

Nước chảy từ một giấc mơ xa

 

Trong quán trưa

Giữa những ly và ghế

Giữa bóng tối và chút đèn vàng Yoko

Em nhìn qua vai anh

Lô nhô những người đàn bà trong quá khứ kể từ ngày hôm qua

Và bắt đầu cuộc tương tàn siêu tưởng

 

Trong quán trưa

Khi em thôi nhìn qua vai anh

Những người đàn bà lặng câm lần lượt rút lui tả tơi về quá khứ

Tống biệt điệu jazz buồn từ sân khấu trống

Chỉ còn hai ly nước chúng ta

 

Chỉ còn hai ly nước của chúng ta im tiếng thủy tinh

Vì môi em và môi anh

Không cần đường, chanh, sữa, trà và nước đá

Vì tay em và tay anh

Ðang lần theo những đường chỉ cất giấu bí mật số phận ngày mai

 

Trong quán trưa

Anh không còn nhìn qua vai em

Khu vườn nhỏ Yoko đã ướt đẫm nước của lá

Và nắng mềm nhũn con sâu chờ hóa bướm

Bóng tối lảng vảng bên kia bức tường ai bỏ lại

Vệt máu ngày phai

Loang lổ chờ giờ khâm liệm nỗi cô đơn vào đêm

 

Về đi em

Trước khi sự yên tịnh không còn nuông chiều chúng ta