Menu Close

Nào phải đâu chỉ là buôn gió

Có một sự thật hiển nhiên là con người thế nào cũng phải chết. Nhưng cái chết của mỗi người rất khác nhau. Người quân tử hiền lương, trung thực, hiếu thuận, khi trút hơi thở cuối cùng khiến đất trời phải rung chuyển, nhân loại phải tiếc thương. Kẻ tiểu nhân vong ân bội nghĩa, thất tín, bất trung, bất tài, bất nghĩa, nhắm mắt là xong, chẳng để lại dấu tích gì. Mỗi một người trên trái đất này đều biết họ sinh ra vào ngày nào, tháng nào, năm nào. Nhưng chẳng ai biết bao giờ họ chết. Kinh Thánh Sách Khải Huyền đoạn 3 câu 3 chép rằng: “Do vậy, nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình.” Câu này là metaphor- ẩn dụ về ngày phán xét, ngày cánh chung của nhân loại, và cũng là ngày lâm tử của một người.

Thế nhưng Charle Darwin, ông tổ của thuyết tiến hóa nói rằng: Loài người có họ hàng với loài vượn. Trong tác phẩm “Nguồn Gốc Muôn Loài – The Origin of Species,” ông đưa ra quan điểm: Tất cả các loài sinh vật, từ con kiến đến con voi, đều nằm trong vòng chọn lọc của tự nhiên. Những con vật thích nghi với tự nhiên sẽ tồn tại. Những con vật không thích nghi sẽ bị diệt vong, có nghĩa là sẽ tận số, sẽ chết. Nhà thờ và công chúng bị sốc, hốt hoảng kêu lên: Con người là loài siêu đẳng, độc nhất vô nhị, do Ðức Chúa Trời sáng tạo. Sao có thể tiến hóa từ loài vượn. Những cuộc tranh luận bùng nổ, chỉ xoay quanh một trục cốt tử: Ðó là sự sống trên Trái Ðất diễn ra như thế nào…?

Sự sống trên Trái Ðất diễn ra như thế nào, đã được chứng minh bằng thuyết tiến hóa. Giữa thập niên 1930 và 1950, toàn thể cộng đồng khoa học thế giới chấp nhận Thuyết Tiến Hóa của Charle Darwin. Họ thừa nhận, chọn lọc tự nhiên là cách tiến hóa của sự sống. Vậy còn sự chết thì sao? Lý thuyết nào nói về sự tiến hóa của cái chết. Tất nhiên là không có. Bởi vì quyền uy ngất trời như hoàng đế, hay sống đơn thuần như thứ dân, cũng không biết sau khi xuôi tay nhắm mắt, linh hồn người ta sẽ đi đâu về đâu. Tôi muốn nói đến quan điểm tự nhiên, không nói đến quan điểm dựa trên thần học siêu hình, cũng không nói đến niềm tin về thiên đường hay niết bàn của các tôn giáo. Bởi vì dưới cái nhìn đầy tín lý nhiệm mầu, người ta chí ít cũng biết nếu ở hiền sẽ chết lành, sống khôn sẽ thác thiêng, linh hồn sẽ về với tổ tiên, hay sẽ về với đấng thượng đế mà họ tôn thờ.

Thật ra con người vừa lọt lòng mẹ, cũng là lúc tham dự cuộc hành trình lên đường tìm về cái chết. Sống là quá trình chuẩn bị chết. Nhận thức này ai cũng có thể nói lưu loát, thậm chí từng dùng để khuyên nhủ người hấp hối. Nhưng khi bản thân gần lâm chung lại không muốn hiểu, càng không thể nhớ mình từng an ủi người sắp chết bằng lý lẽ hiển nhiên này. Chính vì không biết, không hiểu bản thân sẽ “tiến hóa” như thế nào sau khi chết, người ta âm thầm làm di chúc, âm thầm để lại di nguyện, âm thầm chuẩn bị cho sự “tiến hóa” cuối cùng khi nằm trong đất. Tuy cũng phải đi đến trạm cuối đường, nhưng tùy theo cảm quan riêng, cách xếp đặt của mỗi người rất khác nhau. Viết đến đây tôi nhớ đến một bằng hữu có bút danh là Người Buôn Gió. Bản tánh dí dỏm tinh nghịch, anh gọi bản thân là Lái Gió, lại rất nhiều khi tự xưng là Gió. Gió khai lý lịch là dân giang hồ, không phải loại giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi bỗng nhớ nhà, mà là giang hồ có số má đàng hoàng. Số má này được biểu hiện bằng những lần sẵn sàng “đâm thuê chém mướn” để đòi nợ, sẵn sàng bán “vàng đen” cho con nghiện, sẵn sàng bị công an xét hỏi, điều tra, và dĩ nhiên cũng từng vào tù ra khám. Tôi không muốn nói đến quá khứ “yêng hùng” của Gió, cũng không muốn nói về những kỹ thuật chém gió như ảo như thật của Gió. Bởi vì những điều này đã là mặt nổi của anh. Tôi muốn nói đến những điều, mà tôi cho là sự chuẩn bị cho cuộc sống thiện thủy thiện chung, khởi từ đáy sâu nội ngã của Gió.

Lần đầu tiên gặp Gió tại Berlin, tôi quý mến Gió không phải vì những đòn sấm sét trong Ðại Vệ Chí Dị, cũng chẳng phải vì Gió có hằng hà sa số người kết bạn hay follow trên Facebook, mà chỉ bởi vì tôi biết Gió trụ vững trên tính nhân bản của con người. Tôi quý Gió, vì Gió từng viết: Từ khi sinh Tí Hớn, Gió ngưng không muốn làm những gì bị cho là phản trắc, là dối trá, là mất đạo đức. Bởi vì không thể nào dạy Tí Hớn trở thành người tốt, nếu bố Tí Hớn không phải là người tốt. Tôi quý Gió, vì Gió từng dằn mặt công an: Bàn thờ Phật của mẹ em, các anh đừng động đến. Em cũng chưa bao giờ dám động đến. Tôi quý mến Gió, vì Gió chân thành nói với tôi, về những đồng tiền trong sạch Gió kiếm được nhờ viết bài đăng báo. Tôi quý mến Gió, vì nghe Gió kể câu chuyện em nhỏ mất xe đạp bỏ nhà đi bụi đời. Gió đã cho ăn uống, rồi lấy xe “đèo” về tận nhà ở thật xa Hà Nội. Tôi quý mến Gió, vì Gió đã mượn cái xe tay ga mới toanh của vợ, để bán cấp cứu giúp bạn giang hồ cũ. Tôi quý mến Gió vì Gió đã làm cật lực, để mua lại cho vợ một chiếc xe cũng mới toanh như vậy. Chính vì sự quý mến này, khi gặp lại Gió ở thành phố Santa Ana, tôi đã nhắc chuyện xưa. Tôi biết Gió cảm động, vì không ngờ tôi ghi nhớ từng câu chuyện cũ, vì không ngờ tôi đã làm đúng những điều tưởng chỉ hứa hẹn trong lúc trà dư tửu hậu – những điều mà Gió không hề nhớ.

Gió chẳng bao giờ kể chuyện tình cảm cá nhân, nhưng Gió nói với tôi: Hai hột cơm chúng ta ăn, nhìn rất bình thường, tuy nhiên xuất xứ của chúng không đơn giản. Chúng có thể đến từ những đồng ruộng khác nhau, từ những nhà máy khác nhau, và vì nhân duyên nên hội tụ trong cùng một đấu gạo, để được nấu chung một nồi. Người ta gặp nhau cũng là nhân duyên. Nhân duyên để Gió ăn đời ở kiếp với vợ – người đã tìm được Gió trong một cái góc gần Hồ Tây, nơi Gió và mẹ ngồi bán dép. Cái góc ấy không ai biết, nhưng cô ấy đã tìm thấy Gió trong lúc cuộc đời Gió bị bế tắc. Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ cho thấy Gió là người coi nặng nghĩa tình. Gió sẽ chẳng bao giờ quên người đã tìm ra Gió, ở góc khuất ngay giữa đô thành hoa lệ, nhưng không phải ai cũng biết. Chỉ những người mang nặng Chữ Tình, mới không quên những điều tưởng như rất giản dị, rất đời thường, nhưng đầy khói hương xưa tràn thân ái cũ.

Gió là người tín cẩn của bằng hữu. Trao đổi với tôi về một người mà cả hai chúng tôi đều biết. Gió nhận xét người này tính tình trí trá, không có bản lãnh. Tuy nhiên Gió lại bảo: Nhưng anh ấy cũng là người tốt..! Gió là thế đấy. Không phải buôn gió, rồi buôn luôn những điều kín nhiệm. Tôi nhìn vào mắt Gió, đọc được sự thật về người khác nhiều hơn những gì tôi nghe Gió nói, nhưng tôi không gạn hỏi. Bởi vì tôi cũng là người coi nặng Chữ Tình. Tôi không muốn Gió phải khó xử vì nghĩa tình của Gió đối với tôi, và vì nghĩa tình của Gió đối với đệ tam nhân khác. Trong cõi người ta có rất nhiều chuyện lạ. Những cây xanh dù bị đốn tận gốc, vẫn còn chồi non mọc ra từ vết chém sâu hoắm của búa rìu. Từng chiếc lá bé xíu vẫn lớn lên, mượt mà, xanh thẳm. Màu xanh lung linh lấp lánh dưới ánh mặt trời, chính là giòng chảy vô biên đầy sức sống. Từng giọt sương trong veo nương tựa trên mép đường răng cưa mong manh của lá, chính là suối nguồn uyên nguyên sung mãn trong tính bản thiện của nhân loại. Nghĩa tình của Gió đối với bằng hữu cũng là một trong số những điều lạ, trên cõi đời vốn hiếm nhân nghĩa này.

Gió và tôi hoàn toàn khác biệt. Nhưng chúng tôi quý mến nhau, vì cùng trụ vững trên tính nhân bản của con người, và cùng mang nặng Chữ Tình. Tôi tin rằng, bây giờ và mai sau, Tí Hớn đã đang được thừa hưởng thanh danh đầy nghĩa tình của Gió.

HV – 4:50pm Thứ Ba ngày 13 tháng 09 năm 2016