Tại Thế Vận Hội Rio 2016 vừa qua, nhiều khán giả mộ điệu thể thao đã có dịp chứng kiến một số lực sĩ có dấu giác hơi hiện rõ trên cơ thể. Có dư luận cho rằng một số giới lực sĩ cũng rất mê tín dị đoan và thường quá nhạy cảm đối với đủ thể loại kiêng kỵ. Nếu họ thử một cách thức điều trị nào đó một lần – như giác hơi chẳng hạn – rồi ngay sau đó lên phong độ ào ào, họ sẽ tiếp tục giác hơi dài dài

Dĩ nhiên, điều này không sai, nhưng chưa khả dĩ giải thích trọn vẹn sự kiện giác hơi, hay “Cupping”, là một trong nhiều phương pháp điều trị Ðông Y cổ truyền ngày càng được chú ý, đánh giá cao, và đem ra áp dụng trên làng thể thao hiện đại tại Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương. Giới lực sĩ quen dùng Ðông Y, trong đó có kình ngư trứ danh Michael Phelp của Hoa Kỳ, không ít lần xác nhận các kỹ thuật điều trị có từ thời Ðông Phương cổ đại thật sự chữa trị chấn thương, giúp cơ thể hồi phục, thúc đẩy khí huyết tuần hoàn, giảm đau nhức, v.v… Các yếu tố này cho họ thêm lợi thế trước, trong, và sau các cuộc tranh tài. Ðối với các lực sĩ thì điều quan trọng tối hậu là phong độ, sức mạnh, khỏi chấn thương… Những hiệu quả thực tế của Ðông Y trên đấu trường thể thao hiện đại mới là lý do chánh khiến ngày càng có nhiều phương pháp điều trị cổ truyền, bên cạnh Tây Y thường thức, mà thuật ngữ thể thao gọi là CAM – Complimentary and Alternative Medical được chấp nhận rộng rãi.

Lấy thí dụ loại chấn thương thường gặp nhất trong thể thao là trật cổ chân Ankle Sprain. Ngay lập tức sau khi chấn thương, chỗ ảnh hưởng sẽ có sưng tấy, nóng, đỏ, thật đau khi chạm vào. Lý do là có nhiều máu và các chất dịch tụ về theo đúng phản xạ cơ thể tự vệ theo bản năng. Ankle Sprain chẳng những phổ biến, nó còn có thể lâu lành, cản trở lịch trình tập luyện, tranh tài. Trật chân cũng không giới hạn trong giới lực sĩ, mà có thể dễ dàng xảy ra cho bất cứ ai trong đời sống hằng ngày. Và để điều trị loại chấn thương này, nhằm thuyên giảm các vụ viêm hay sưng, Tây Y lâu nay vẫn áp dụng phương pháp 4 bước gọi tắt là RICE (Rest, Ice, Compression, Elevation).
Phương pháp điều trị chấn thương kiểu Tây Y với 4 bước gọi tắt là RICE:
– Rest (nghỉ ngơi): tránh hoạt động mạnh gây tái phát chấn thương.
– Ice (chườm nước đá): đá lạnh làm co mạch máu, hạ nhiệt vết thương, giúp giảm sưng, bớt đau. Chỗ này Ðông-Tây dị biệt, vì Ðông Y không thích dùng nước đá, cho rằng bắp thịt co chặt, đông lạnh các chất dịch, cản trở tiến trình làm lành vết thương.
– Compression (siết chặt): chỗ bị thương thường bị buộc chặt, dán kín, giới hạn máu chạy về. Chỗ này cũng ngược lại với Ðông Y với lý do cô lập vết thương, cản đường huyết mạch chỉ khiến thời gian chữa lành kéo dài.
– Elevation (nâng cao lên): bước cuối cùng là nếu có thể thì tìm cách nâng chỗ bị thương lên trên trái tim để trọng lực giúp rút hết máu bầm và những chất dịch thải.
Tuy nhiên, phương pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm nước đá, siết chặt, nâng cao lên) của Tây Y vẫn có nhiều bất cập. Thí dụ RICE không giải thích được vì sao có những chấn thương chỉ cần nghỉ ngơi là tự lành, trong khi có trường hợp khác phát triển thành mãn tính; hay vì sao có những chấn thương khiến lực sĩ bị đau nhiều hơn trong thời thiết lạnh lẽo. Trong khi đó, trải qua mấy ngàn năm, Ðông Y lại phát triển một hệ thống triết lý điều trị rất căn cơ dựa trên các nguyên lý KHÍ Qi, ÂM Yin, và DƯƠNG Yang. Theo Ðông Y, khí là động lực tối hậu kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể. Cũng giống như hệ thống máu, khí luân chuyển khắp cơ thể trong một hệ thống rất phức phạp bên dưới lớp da. Mọi hoạt động của cơ thể đều do khí Qi này quyết định, từ máu chảy trong mạch máu, các chất dịch chuyển đến tế bào, hệ thống hô hấp, hệ thống miễn nhiễm, v.v… Chấn thương hay bệnh tật xảy ra là do dòng chảy của khí bị ngưng trệ. Nguyên do khí bị mất quân bình có thể từ trong hay từ ngoài. Nội lực có thể do hỉ nộ ái ố, buồn vui thất tình lục dục, thất trận, v.v… Ngoại lực bao gồm nắng gió mưa bão nóng lạnh, và riêng trong thể thao là các vụ va chạm bất ngờ có ảnh hưởng lên cơ thể. Và Ðông Y điều trị dựa trên nguyên tắc khôi phục lại dòng lưu thông khí huyết, khôi phục lại sự thăng bằng Âm-Dương trong cơ thể.

Có thể thấy dù chỉ một chấn thương đơn giản như trật chân, Ðông Y đòi hỏi người y sĩ am hiểu sâu về mối quan hệ khí huyết, về Âm-Dương / Yin Yang. Chính ở chỗ này, vì không hiểu hoặc chưa hiểu hoặc hiểu lầm Ðông Y, cũng như cách chữa trị của Ðông Y đối với các ca chấn thương cách riêng, mà rất nhiều người bài bác Ðông Y là thiếu khoa học. Nhiều người dùng một cách khác để hiểu khái niệm khí Qi của Ðông Y, ví nó tương tự như trường hợp văn hóa Tây Phương khi bắt gặp cảnh một người chống chỏi mãnh liệt với thương tật hay bệnh hoạn thì Anh ngữ gọi là “Will To Live”. Người Việt cũng có vài cách nói khác nhau như “ý chí” hoặc “khí chất” để giải thích vì sao cùng một thầy thuốc, một bài thuốc, một căn bệnh, mà kết quả cuối cùng khác nhau là do mỗi con bệnh có “Will To Live” khác nhau, có khí chất khác nhau–đều dẫn về các quan niệm Ðông Y căn bản là KHÍ Qin và ÂM DƯƠNG Yin Yang.

Vài phương cách điều trị Complimentary and Alternative Medical, gọi tắt là CAM đang được áp dụng rộng rãi trong làng thể thao hiện đại:
– Châm cứu – Acupuncture: Kim châm thúc đẩy lưu thông khí huyết thông qua kích thích huyệt đạo, dây thần kinh nối bắp thịt và các tế bào khác khắp cơ thể, hữu ích trong các loại chấn thương cũng như đau đầu, căng thẳng, trầm cảm, v.v…
– Bấm huyệt – Reflexology: Tay nhấn lên cơ thể dọc theo hệ thống huyệt đạo chằng chịt có thể làm giảm đau, giúp cơ thể thư giãn.
– Reiki: Phương pháp “bấm huyệt” của người Nhật nhưng không tạo áp lực lên cơ thể mà chỉ xoa chạm nhẹ nhàng, nhưng kết quả đem lại không khác mấy.
– Ayurveda: Một cách chữa trị lâu đời đến 5,000 năm của người Ấn Ðộ chú trọng ẩm thực, lối sống, và kết hợp thêm dược thảo, giúp đem lại cân bằng cơ thể và tinh thần.
– Tai Chi, cũng như Yoga, là kỹ thuật công GONG dùng cử động, hơi thở, thiền, để đem lại ích lợi tinh thần lẫn thể xác.
– Giác hơi: Dùng các chiếc tách nhỏ bằng thủy tinh tạo lực hút lên lớp da giúp thu hút máu về một vị trí định sẵn nào đó, giúp máu tuần hoàn dễ hơn, làm thư giãn bắp thịt, khớp xương, giảm sưng tấy, giúp cơ thể hồi phục mau hơn.
Còn có một nhân tố khác góp phần vào xu hướng phát thịnh của Ðông Y. Trong thể thao (chấn thương) cũng như đời sống hiện đại (bệnh tật), người ta có vô vàn áp lực: hợp đồng sắp ký hoặc sắp tái ký, lịch tranh tài, cạnh tranh từ đồng đội, áp lực của chủ nhân, v.v… Kết quả là người lực sĩ, hoặc một người thường, phải trở lại làm việc, tập luyện, tranh hùng… ngay cả trước thời điểm cơ thể sẵn sàng. Những tác động này gom lại ngày này qua tháng khác chẳng những hút bớt khí huyết nội lực để chữa lành chấn thương, mà còn có thể làm suy kiệt cơ thể. Khung cảnh xã hội như vậy nhiều khi đưa Tây Y vào chỗ nan giải vì nó chú trọng RICE 4 bước, mà bước đầu tiên là nghỉ ngơi – REST. Cũng chính đây là chỗ cơ hội vàng cho Ðông Y, với bề dầy lịch sử hằng ngàn năm, nhưng lực sĩ hoặc bệnh nhân lại chỉ cần thời gian nghỉ ngơi tối thiểu. Vượt qua các trở ngại về phương pháp thực hành chẩn bệnh, chữa bệnh, nhiều khi khó mà cân đong đo đếm chính xác theo khuôn khổ Tây Phương, y học Ðông Phương nay càng lúc càng thêm thịnh hành ở Tây Phương. Riêng tại Hoa Kỳ ngày nay có rất nhiều trường đại học, học viện y khoa có chương trình học hoàn chỉnh với bằng cấp Ðông Y. Trong nhiều phương pháp điều trị cổ truyền gọi là CAM đang được xã hội Tây Phương chấp nhận, đặc biệt riêng khoa châm cứu được áp dụng rộng rãi cho rất nhiều chương trình thể thao học đường lẫn nhà nghề. Thậm chí người ta cũng dần dần làm quen nhiều loại dược thảo Ðông Y để yểm trợ thêm hoặc thay thế luôn thuốc Tây.

TTD