Kỳ 5
Vào bản
Lại gặp trên đường, những chiếc lưng còng và thứ bụi đọng trên những lớp áo thổ cẩm, những nếp nhăn xếp lớp trên khuôn mặt. Những thứ bụi dường như đã bám vào da thịt, chẳng thể phủi đi và tắm rửa là hết. Nó đã ăn sâu vào trong như đã thể!

Pha khen tôi trả giá khéo, 2 cái vòng đồng đeo tay dày nhất trong đó, một cái 100,000 và cái kia 200,000, tôi trả giá xuống còn 150,000 hai cái. Văn hóa hàng mỹ ký và ăn xổi cũng đã bắt đầu lem đến tận những vùng xa xôi như xứ hoa ban tây bắc này. Trong trung tâm thị trấn Sa Pa, họ chào mời bán những túi, những mũ, những vòng amulet đeo cổ mỏng tang, sợi vải rất xoàng xĩnh và chỉ vài họa tiết gợn màu dân tộc. Nó cũng thiếu đi tính đặc sắc độc đáo vốn có trước đây.
Ngày ở đây nhạt tênh như mạc khói sau chiều. Mùi mưu sinh đã hóa bần, những gương mặt, những ánh mắt trẻ, già chẳng mang vẻ hiền lành của cây cỏ. Mọi thứ dường như lãnh đạm. Những người đàn bà, người mẹ, người vợ giờ vào những vai diễn, khoác lên mình những bộ áo dân tộc, làm ra thêm một vài thứ hàng mỹ ký thêu thùa họa tiết khá rẻ tiền để bán cho khách du lịch. Thứ “Văn hoá chào hàng” của người dân tộc cũng khá đa dạng. Có thái độ thân thiện, thái độ tiền trao cháo múc, thái độ mời gọi; cũng có những thái độ tiền đã trao mà mặt “vẫn khó đăm đăm” mới cho chụp vài pô ảnh.

“Sự chắp vá nữa nhỉ, và văn hóa hàng mỹ ký, ăn xổi, nhà sàn tạp chủng. Xuyên suốt là phần hồn cốt của văn hóa dân tộc thiểu số bị bào mòn trong vô thức!” Chàng Pha, lại chẳng hề bao dung ở ngôn từ khi diễn đạt màu sắc của một bức tranh hiện thực.
Tách khỏi lối mòn du lịch quen thuộc. Bọn tôi vào thôn Lao Hàng Chải. Dựng xe ở ngã ba Lao Hàng Chải, xốc ba lô lên vai. Biển “Homestay” đủ chăn ấm, đệm êm 200,000 đồng một đêm. Bên trong, một khung dệt thổ cẩm, một vài tấm vải nhuộm phơi ngoài mái hiên. “Make yourself at home”, tiếng của một phụ nữ Mông đang chào mời một khách tây mắt xanh. Chàng Pha kể mẩu chuyện có lần vào trọ homestay ở Bản Lác, Bản Pom Coọng ở Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Ðêm tối phủ xuống nơi đây là một cánh đồng đầy đom đóm. Và anh đã phá lên cười vì những món ăn mà du khách phương Tây thưởng thức thực ra cũng đã tạo sự tiện nghi quen thuộc mà nói theo cách phương Tây là “comfort zone”. Ở Bản Lác, chàng Pha còn thấy những người dân bắt ấu trùng chuồn chuồn làm món canh. Và chàng đã đánh bạo thử ăn món ấu trùng chuồn chuồn. Rõ ràng, là không phải món ăn cho tất cả mọi người. Ở Bản Lác, đêm về cũng có những điệu nhảy sạp, múa xòe với những bài ca có tính âm điệu dân tộc. Tây cũng ngớ mắt hỏi “họ đang hát gì?” Chàng Pha, chỉ bụm miệng cười, thực ra nội dung bài hát là “kêu gọi người dân đi mua công trái”, nhưng phổ nhạc theo điệu nhạc dân tộc. “Sự hồn nhiên của những người dân tộc, về cơ bản là sự sẵn lòng nghe theo chỉ đạo đây nhỉ?” Chàng Pha, chấm dứt câu chuyện cũng bằng lời mang vẻ “bức xúc”.

Một em gái đang cho con ăn bằng thứ bột nâu đục, tôi hỏi thì biết là một loại nếp nương nghiền nhỏ. Em gái này là em gái của chị Thào Thị Máy, một địa chỉ homestay ở Lao Hàng Chải được một số ít người biết đến.
Chếch bên con đường thôn Lao Hàng Chải, bên tay phải là trường mẫu giáo Lao Hàng Chải. Pha rằng, kể ra như thế cũng đỡ cho các thầy cô giáo, nếu được vào dạy với biên chế chính thức thì lương cũng có “hệ số cao hơn ở dưới xuôi”. Cũng đã có những cô giáo mỏi mòn đánh mất tuổi xuân ở những bản làng xa xôi. Họ leo dốc, lội suối băng đèo để thuyết phục học sinh đi học ở những nơi như Mường Ẳng, Ðiện Biên hay Ðak Mil, Ngọc Linh ở Kon Tum. Chạy tới cả mấy chục triệu mới chuyển xuống được dưới xuôi, hoặc nếu dạy vùng cao lại không có biên chế nữa thì gian khổ cực kỳ. Tình yêu cũng khó đến hơn với những cô vùng xa xôi hẻo lánh, lâu lâu lại gửi gắm vào những cánh quân xây dựng cầu đường ngang qua.

Những mái nhà trong thôn bản không hàng rào, một vài gian đắp đá cho đất đỡ rữa trôi vì nhà xây trên triền dốc. Tôi gặp những đứa trẻ chơi đùa bên vệ đường thôn, lê la như cây cỏ rồi lẫn vào với đất.
Tôi thật gắng hoà mình với đủ giác quan, nhặt trong cây cỏ thứ mùi thật của đời sống. Mùi của những thứ vải đen nhuộm phơi sào đang đợi nắng; những chiếc xu chiêng hồng phơ phất giữa cơn nắng gió ẩn sau những tấm áo dân tộc. Mùi của những con lợn mán, đàn gà, những con chim sẻ sà đàn trên những sàn đất vương vãi bắp ngô; những con đường bụi, lấm lem trên những gương mặt sần sỏi gió sương, những bàn chân nứt nẻ trên những ngõ đất.

Những nẻo đường thôn thơm hương lúa hay miền ám ảnh của những cánh diều no gió trên lưng trâu, chẳng là nơi đây. Tôi nghe mùi của cái cũ xen lẫn cái mới. Mùi đời thường của một gã thợ cắt tóc trẻ, chăm chú lia những vết kéo trên mái tóc dài thượt của một thiếu nữ dân tộc trên là cái váy thổ cẩm, dưới đôi giầy thành thị. Mùi của âm thanh nhạc trẻ xập xình lẫn với tiếng bình bịch của những cái ống pô từ một gian tiệm sửa xe vách tôn rệu rã. Mùi rau cải, mắm muối xộc mũi trong những gian hàng mái lá thấp lè tè trong thôn bản. Mùi của những mảng thịt hun khói xèo xèo.
Ghé qua thôn Lý Lao Chải, Pha nói, phải có chút rượu sán nùng, sâu chít thứ thiệt. Thêm vào cái mùi say trong sương sớm như chàng Mông ngật ngưỡng đánh vài ve trên lưng ngựa thồ sau khi ra chợ phiên bán vài sản vật. À, mà giờ thì ngựa hết, cánh rừng cô độc không tiếng chim thú thì tinh thần hoang dã trên lưng ngựa hí vang của chàng Hmong cũng chẳng còn.

“Bất đắc chí, thì phải!” Tôi hỏi Pha, mắt liếc về hướng hai gã đàn ông, một già, một trẻ đang khập khưỡng trên con đường đất dốc với những chai rượu thuốc trong vắt. Những người đàn ông của một thời dùng lửa thắp gió, giờ thiêu mình trong cơn say màu cồn công nghiệp.
Sâu trong bản, là mùi của đời sống thời thường nhật phơ phất trên những cây sào; một cụ già Mông gập lưng cúi nhặt thứ gì rơi dưới đất, rồi rướn cái lưng còng để treo lên. Tôi cúi chào, ông cụ móm mém cười, giọng đặc trưng của người dân tộc nói tiếng Kinh. Một đàn gà cục tác quanh cái vách đất nứt nẻ. Căn nhà tranh vọng ra âm thanh của tiếng tivi. Tôi lạ lẫm nhìn Pha, “Họ xem tivi bằng tiếng Kinh, và còn xem cả phim… bộ Hàn quốc!”

Sự ngạo nghễ của một nền văn hóa giờ đã bị xâm thực. Sau yên xe chàng Pha, tôi cùng những suy tư bạt gió. Thương mại hóa hay du lịch hóa Sa Pa và hồn cốt văn hóa của người dân tộc nó cũng chẳng đâu xa. Những thanh niên trẻ người Việt với sự thiếu nhận thức của mình đã hình thành những văn hóa bầy đàn, sẵn sàng la hét khóc thét, hôn ghế những sao Hàn trong trào lưu Hallyu mà Park Chung Hee khởi xướng. Chỉ có sự trưởng thành trong nhận thức mới có thể cứu rỗi được. Vẻ đẹp là ở những tàn tích, những hồn cốt, những giá trị tinh thần ẩn sâu nhất còn lại. Và đó là những thử thách thời cuộc mà tôi cảm nhận.
Tôi đi tìm chất liệu của đời sống, không ở những thứ mùi như những bài thơ bản mường muối xổi. Mông hoa, Mông đen, Mông xanh, Dao đỏ vẫn khó ẩn giấu dưới những lớp áo thổ cẩm sặc mùi du lịch hóa. Cái màu đời sống nhàn nhạt như những cánh sen không còn rũ sắc giữa lòng ao. Những hình ảnh ruộng bậc thang trong thung lũng Mường Hoa với những khóm nhà trên đỉnh đồi như bức tranh mosaic của lớp màu nước đã nhạt. Phải chăng, vẻ đẹp tiềm ẩn bị xói mòn và vội vã tráng men bằng chất liệu đã rạn và bong tróc.
Một ngày trôi qua. Sự quan sát để lại một câu đố: Sa Pa sẽ còn lại gì ở những mùa xa?
Ðmh – https://www.facebook.com/hanhphoto