Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 tại Thừa Thiên. Cựu sinh viên Viện Hán Học và Ðại Học Văn khoa Huế. Bước vào con đường văn chương trong những năm sống và dạy học tại Tuy Hòa trước 1975.
Hiện cư ngụ tại Ðà Nẵng, đang điều trị ung thư ở bệnh viện thành phố. Nhiều bạn văn nghệ đã đến thăm: Ðỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Quang Chơn, Thu Vàng… Riêng ca sĩ Thu Vàng đã hát cho Phạm Ngọc Lư nghe một bài của Phạm Duy trong lần ghé thăm hồi tháng qua. Thi phẩm xuất bản: – Ðan Tâm (Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, năm 2006) – Mây nổi (tác giả tự xuất bản, in rất giới hạn)
Thơ của Phạm Ngọc Lư đã xuất hiện trên nhiều tạp chí văn học trước 1975 và được nhiều người yêu thích. Cảm xúc tinh tế, hình ảnh độc sáng, ngôn ngữ chọn lọc đã tạo nên giá trị của thơ Lư. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu một bài rất nổi tiếng của Phạm Ngọc Lư: Biên Cương Hành. Nhà văn Khuất Ðẩu ca ngợi bài này là “thốn tâm thiên cổ”. Du Tử Lê thì gọi Biên Cương Hành là “cơn địa chấn thi ca”. Chúng ta đọc bài thơ thấy lại một thời bi thảm của chiến tranh và cảm thấy lạnh toát rợn người theo từng câu thơ. Ðây mời bạn cùng đọc – SAO KHUÊ
Thuyền Quyên
Em từ tình sử bước ra
Y trang yểu điệu đôi tà mộng bay…
Chờ nhau gác gió lầu mây
Nghìn đêm giọt nến rơi đầy trang thơ
Nghìn đêm sông lạnh trăng mờ
Trương Chi bạc tóc bên bờ Tương giang
Chiều nao nhất kiến hồng nhan
Chiều nay xác bướm rơi vàng mộ hoa
Áo xưa mộng mị đôi tà
Ðành thôi xếp lại Nam Kha gối đầu
Mơ gì phong các vân lâu
Mà theo chim mộng tìm nhau cuối trời
Ðêm nay nước chở thuyền trôi
Thuyền quyên em chở tình tôi xuôi dòng
Ngày mai lặng lẽ hư không
Còn chăng đôi hạt bụi hồng… thơ bay
4 – 1996
Ðêm Nước Lũ
Ðiên tiết đất trời mưa mưa mưa
Sông nghênh ngang nước nhảy lên bờ
Ðêm ngồi canh nước chun qua cửa
Sờ soạng chân giường coi ướt khô
Ngó trước nhìn sau nghe động tĩnh
Lửa đèn run, bóng nước thập thò
Mưa xóc ngang hông nhà thót bụng
Nhổm người quýnh quáng giả vờ ho
Bất thần ngứa miệng ho sù sụ
Liếp cửa rêm mình cọt kẹt kêu
Gió tru tréo như bầy ma đói
Mưa vỡ mồ ác quỷ hò reo
Ðêm chìm lỉm đen ngòm địa ngục
Bỗng thấy đời ta nổi lều bều
Giữa trùng trùng âm binh thủy tặc
Ðôi mắt nào ướt sũng nhìn theo…
Quê làng, 10 – 1977
Biên Cương Hành
Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Ðoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Ðá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Ðá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?
Ðây biên cương, ghê thay biên cương!
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Ðỡ thèm môi mắt gái buôn hương
Ðây biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Ðá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường!
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.
PNL – tháng 5.1972