Tiếp theo kỳ trước, hôm nay chúng ta tiếp tục bàn về những nguyên tắc ứng xử trong đời sống hàng ngày, các bạn nhé.
– Giới thiệu bản thân
Khi ở chỗ đông người mà bạn không quen biết ai cả, hãy giải quyết sự cô độc bằng cách cổ điển: bước về phía một người nào đó, đưa tay ra, mỉm cười và nói “Xin chào, tôi là …, rất vui được làm quen với bạn.” Tảng băng trong giao tiếp sẽ được phá vỡ.
– Nhớ tên người khác.
Chúng ta cần nhận ra điều kỳ diệu ẩn chứa sau tên gọi của mỗi con người và ghi nhớ rằng mỗi cái tên, dù đơn giản đến đâu, cũng chính là điều quan trọng và niềm vui của người ấy. Bởi vậy, các bạn nên cố gắng nhớ tên những người quen biết đã có lần gặp gỡ. Nếu lỡ có quên nên tìm cách sửa lỗi bằng cách hỏi người bên cạnh mình. Hoặc đích thân đến chào người ấy, mở đầu bằng cách tự giới thiệu mình: “Tôi là…, rất vui được gặp lại anh. Nhưng xin lỗi đã quên tên, xin anh nhắc lại…”
– Lắng nghe, khích lệ người khác nói về họ.
Là người lịch sự, bạn nên biết chăm chú lắng nghe. Muốn được người khác quan tâm, bạn nên quan tâm đến người khác: hỏi những câu mà họ thích trả lời, khuyến khích họ nói về chính họ và thành tích của họ. Bởi vì sự cảm thông chia sẻ mạnh hơn lời nói, và niềm vui cùng với sự chân thành sẽ thật sự bền vững khi bạn biết quan tâm.

– Ðôi khi hãy là đôi tai, đừng là cái miệng
Con người ai cũng yêu giọng nói của mình. Tuy nhiên, nhiều lúc, bạn bè cần ta để chỉ lắng nghe mà thôi. Có những lúc, điều bạn cần ta là một đôi tai cực to trong cả tiếng đồng hồ. Những chuyên gia trong lĩnh vực nhân học gọi trường hợp này là “sự lắng nghe tích cực”. Hãy là người tích cực trong những tình huống cần thiết, vì nhiều khi, chính bạn là người cần được người khác lắng nghe.
– Tránh lối nói mỉa mai, “nói mát”.
Lối nói chỉ trích người khác một cách bóng gió, văn hoa, tưởng khen mà chê qua giọng điệu xỏ xiên luôn tạo ra ấn tượng cực xấu cho người nghe, và người nói sẽ bị đánh giá thấp. Lối nói mỉa mai thể hiện bạn luôn có thái độ thù địch, kém vị tha và hay xét nét người khác.
(còn tiếp)