Shimon Peres – tổng thống thứ chín, từng ba lần làm thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng, bộ trưởng giao thông, bộ trưởng thu nhận người nhập cư và tổng giám đốc Bộ Quốc phòng của đất nước Israel – vừa tạ thế hôm Thứ Tư 26/9, thọ 93 tuổi.
Ông được xem như nhân vật cuối cùng thuộc thế hệ lập quốc Israel và ảnh hưởng đến từng đời sống của người dân Israel trong nhiều thập niên, kể từ thời giành được độc lập năm 1948 qua suốt thời gian xảy ra tất cả các cuộc chiến tranh và các hiệp ước hoà bình của đất nước, và cuối cùng giữ chức Tổng thống của Israel cho đến năm 2014.
Trong lễ tang của ông diễn ra hôm Thứ Sáu 30/9, có khoảng 75 lãnh tụ và đại diện của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ cũng như Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine. Ðây là một vinh dự hiếm hoi dành cho một chính khách mà từ trước tới nay ít người được hưởng, là nhờ ông đã cố gắng và thành tâm trong nỗ lực mang lại hoà bình cho đất nước Israel nói riêng và khu vực Trung Ðông nói chung, mặc dù đã không mang lại kết quả như mong muốn.
Peres là một trong những học trò ruột của vị Thủ tướng đầu tiên của Israel là David Ben-Gurion, giữ chức Tổng giám đốc Bộ Quốc phòng thời Ben-Gurion khi mới 29 tuổi.
Sinh tại Ba Lan năm 1923, di cư về Palestine cùng với gia đình năm 1934 và bắt đầu theo học nền giáo dục của Israel tại Tel Aviv. Năm 15 tuổi, ông chuyển qua học tại một trường chuyên về canh nông.

Peres là một trong những nhà sáng lập khu định cư (kibbutz) Alumot và được bầu làm lãnh tụ của phong trào giới trẻ phục quốc Do Thái, HaNoar Ha’Oved, ở vào thời điểm ông là một trong hai người duy nhất ủng hộ đảng Mapai của Ben-Gurion, trong khi giữ chức vụ bí thư của phong trào. Ngay sau đó ông đã được Ben-Gurion để mắt tới, dẫn dắt và chỉ bảo cho con đường chính trị tương lai của người thanh niên trẻ tuổi.
Trong cương vị là Tổng giám đốc của Bộ Quốc phòng, Peres đã tạo được mối quan hệ mật thiết về quốc phòng với nước Pháp, bảo đảm rằng Israel có thể mua được những phản lực cơ hiện đại. Là một trong những nhân vật chính trong những cuộc thảo luận đưa đến kế hoạch phát động cuộc chiến tại kênh đào Suez năm 1956, được cả hai nước Anh và Pháp hợp tác quân sự chống lại Ai Cập. Peres cũng là người đã thuyết phục để giành được sự hỗ trợ của người Pháp trong việc xây dựng lò phản ứng hạch tâm tại Dimona mà nhiều người tin rằng chính là nơi Israel đã dùng để phát triển vũ khí nguyên tử của họ cho đến nay vẫn được giữ tuyệt đối bí mật.
Shimon Peres đôi khi được người đời xem như một triết gia hơn là một chính khách. Có lần được báo chí hỏi về Hiệp định Oslo 1993, ông cho biết: “Không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải làm thôi.” Rồi ông nói thêm, “Có một triết gia Hy Lạp được hỏi về sự khác biệt giữa chiến tranh và hòa bình là gì. Ông ấy đã trả lời rằng, ‘Trong chiến tranh, người già chôn người trẻ. Còn trong hòa bình, người trẻ chôn người già.’ Tôi thấy rằng nếu tôi có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn cho những người trẻ, thì đây sẽ là điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể làm được.”
Năm 1959, Peres chính thức bước vào chính trường như là một thành viên quốc hội (Knesset) thuộc đảng Mapai của Ben-Gurion và trở thành phụ tá bộ trưởng quốc phòng cho Ben-Gurion, và sau đó là bộ trưởng. Peres làm việc trong quốc hội từ 1959 đến 2007, khi ông được bầu làm Tổng thống của Israel, chức vị ông giữ cho đến năm 2014 khi hết nhiệm kỳ 7 năm.
Trong khi không được quyến rũ như những thành tích quân sự chói lọi của Moshe Dayan và Yitzhak Rabin, các thành quả mà Peres đạt được lại rất quan trọng cho sự tồn vong của đất nước. Thành tích lớn nhất của ông là phát triển ngành công nghệ quốc phòng cho Israel và thương thuyết để đạt được một số hiệp ước hoà bình, cả hai đều nhắm tới việc bảo đảm cho nền an ninh của Israel.
Peres chưa từng một lần chính thức được bầu làm Thủ tướng, tuy nhiên ông đã giữ chức vụ này ba lần. Một lần đã phải thoả hiệp với đảng Likud để thay phiên giữ chức Thủ tướng cùng với Yitzhak Shamir. Hai lần thay thế làm Thủ tướng cho người tiền nhiệm là Yitzhak Rabin: lần thứ nhất, Rabin dính líu vào một vụ tai tiếng nhỏ và lần thứ hai là sau khi Rabin bị ám sát chết.

Khi làm Ngoại trưởng dưới thời Yitzhak Rabin làm Thủ tướng lần thứ hai (1992-95), Shimon Peres, bằng tất cả nỗ lực ngoại giao đã giúp Israel được chính thức công nhận bởi một số quốc gia Ả Rập trong một khu vực đầy thù nghịch. Thành công lớn nhất của Peres là vào năm 1993 khi ông làm việc với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) để đưa ra một kế hoạch thành lập một chính quyền tự trị tại dải Gaza và một phần khu vực Tây Ngạn (West Bank), cả hai nơi này đã bị Israel chiếm đóng từ năm 1967.
Sau nhiều tháng bí mật thương thuyết với đại diện của PLO, qua sự giúp đỡ của một số nhà ngoại giao Na Uy, Peres đã thuyết phục được Rabin, lúc đó là Thủ tướng, để chấp nhận kế hoạch. Kế hoạch này sau đó được biết đến dưới tên là Hiệp định Oslo.
Shimon Peres, trong chức vụ Ngoại trưởng, đã ký bản hiệp định vào ngày 13 Tháng 9 năm 1993 trong buổi lễ tại sân cỏ phía nam của Toà Bạch Ốc trong khi Thủ tướng Rabin và cựu thù của họ là Yasserr Arafat, chủ tịch của PLO, chứng kiến và, qua sự khích lệ của Tổng thống Bill Clinton, đã bắt tay nhau.
Ðây là cú bắt tay mang tính lịch sử vì, cho tới lúc đó, Israel vẫn luôn từ chối thương thuyết trực tiếp với tổ chức PLO. Peres đã phá bỏ được điều được xem là cấm kỵ và không ai nghĩ là có thể vượt qua được.
Cuối ngày hôm đó, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Peres tuyên bố đầy tin tưởng rằng hoà bình đã tới. Với những thay đổi trên thế giới – chiến tranh lạnh chấm dứt; sự sụp đổ của Liên bang Sô Viết và theo đó là chấm dứt sự hỗ trợ về quân sự, tài chánh và ngoại giao của nước cựu cộng sản này dành cho PLO; và những nguồn tài trợ bắt đầu cạn kiệt từ các quốc gia Ả Rập do họ nổi giận vì Arafat đã công nhiên ủng hộ Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất – và đã đến lúc để dân tộc Palestine đi tìm một nền hoà bình.
Hiệp định Oslo thành lập định chế với danh xưng là Thẩm quyền Palestine (Palestinian Authority), tựa như một chính phủ lâm thời, và đưa ra thời hạn năm năm để giải quyết tất cả các khu vực xung đột giữa người Palestine và người Israel.
Hiệp định chia vùng Tây Ngạn thành ba phần: Khu A, những thành phố lớn nơi người Palestine được hoàn toàn kiểm soát; Khu B, nơi Israel sẽ đảm nhận trách nhiệm an ninh trong khi người Palestine đảm nhận phần hành chánh dân sự; và Khu C, dưới toàn quyền kiểm soát của người Israel. Những chi tiết nêu trên đến nay vẫn còn được thi hành giữa hai bên. Khu C chiếm tới hơn hai phần ba vùng Tây Ngạn – là khu định cư của người Israel sau này và là lý do khiến phía Palestine cáo buộc phía Israel đang có âm mưu xâm nhập vào Khu A.
Hiệp định Oslo chính là nền móng của cái gọi là tiến trình hoà bình. Nó bao gồm việc chính thức công nhận lần đầu tiên sự hiện diện của quốc gia Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine, và định rõ việc thương thuyết song phương là con đường duy nhất đưa đến sự thành lập quốc gia cho người Palestine.
Shimon Peres, Yitzhak Rabin và Yasser Arafat được trao Giải thưởng Nobel Hoà bình năm 1994 là do nỗ lực hoà bình này.
Nhưng thời kỳ tốt đẹp này đã không kéo dài được lâu. Gần một năm sau đó, Thủ tướng Rabin bị ám sát bởi một tay súng cực đoan người Do Thái do không đồng ý với hiệp định; cái chết của Rabin đưa Peres vào vai trò Thủ tướng. Tuy nhiên, một loạt những vụ đánh bom tự sát của người Palestine đã làm cho uy tín của Peres sụt giảm, và ông bị thua Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử năm 1996.
Tiến trình hoà bình về cơ bản đã mất hiệu lực và có thể nói là đã thất bại từ nhiều năm qua. Những cuộc thương thuyết gần đây nhất, được môi giới bởi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, kéo dài được chín tháng và sụp đổ vào Tháng 4 năm 2014.
Từ lâu, Shimon Peres bị chỉ trích là đã quá lạc quan về một nền hoà bình với các nước lân bang của Israel. Tuy nhiên, điều khá mỉa mai là khi ông không còn giữ những chức vụ quan trọng nữa thì những tiên đoán của ông, ở một vài khía cạnh nào đó, đang thành hiện thực.
Mối quan hệ của Israel đối với Ai Cập và Jordan được cho là khá mật thiết và hợp tác, ít ra là trong lãnh vực an ninh, và mối quan hệ với một số quốc gia vùng Vịnh cũng đang dần được hâm nóng.
VH