Tháng Chín đã vào thu, bỗng nhiên rất nắng. Cõi người ta thinh lặng nhìn ngắm cuộc đời qua đôi kính đen, để tránh ánh sáng quá chói của mặt trời. Giữa sự biến động bất ngờ của tiết thu phân, tôi thinh lặng nhớ đến những người được gọi là bằng hữu, thinh lặng nhớ về những ân tình lần lượt rơi rụng, dần cạn theo tháng năm đi không đợi. Bạn hữu giống như đàn chim thiên di, từ lâu không thấy bay về trên đỉnh tháp chuông của ngôi giáo đường cổ kính. Trên từng cây số đời, những con đường tráng nhựa thênh thang gần như không thể dẫn đưa người ta về cùng một ngả. Nên ở khúc quanh nào đó, người ta bỗng dưng thất lạc bằng hữu, bỗng dưng không còn bạn. Có ai đó nói rằng: Thời thanh xuân bạn hữu tăng theo cấp số nhân, nhưng bước vào tuổi trung niên, con số người được gọi là bạn hữu bắt đầu bị triệt tiêu. Nhiều năm trước tôi có hằng hà sa số bạn. Bây giờ chỉ còn một hai người thường xuyên liên lạc, một hai người thỉnh thoảng trao đổi tin tức, nhưng có rất nhiều người đã bặt vô âm tín. Trong suốt cuộc mưu sinh, tôi cũng như ai đó gặp gỡ, kết thân với khá đông bạn hữu. Chính cuộc mưu sinh này khiến số lượng bạn hữu của tôi và của chúng ta, thay đổi như bốn mùa. Người đi thì đã đi. Người đến cũng đã đến. Trước mặt chúng ta là một hàng ghế luôn luôn có nhiều chỗ trống. Những người từng được xem là “a friend in need is a friend indeed,” đã bị gió cuốn đi. Loài người có dân số đông nhất trên trái đất. Nhưng sự giao lưu giữa người và người chỉ hạn chế trong vài trăm cây số, hay vài chục ngàn cây số. Mặc dù thời đại này có khung trời cyber, để nhân loại tưởng như đã được kết bạn với tất cả mọi người, ở khắp năm châu bốn biển.
Tôi từng nghe nói: Bất hạnh lớn nhất của một người là không có bạn. Ðiều này chắc không sai, bởi vì bạn hữu là nguồn thông tin nhạy bén nhất về tất cả mọi sự kiện diễn ra trên địa cầu. Cõi người ta phân chia bạn hữu thành nhiều loại: Bạn đồng nghiệp, bạn xã giao, bạn chí thân, bạn tinh thần…Hay nói ngắn gọn và khái quát, bạn hữu có thể chia ra hai loại: Một loại bạn hữu có liên quan đến đời sống. Một loại bạn hữu có liên quan đến tinh thần. Bạn hữu liên quan đến đời sống, giúp chúng ta biết những thông tin cần thiết trong sinh hoạt đời thường. Chẳng hạn như chợ nào bán thức ăn ngon mà rẻ; bác sĩ nào mát tay chẩn đoán bệnh giỏi; thương xá nào có hàng giảm giá nhiều nhất…Bạn hữu liên quan đến tinh thần có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, có thể cùng xem phim nghe nhạc, cùng đi du lịch, để thưởng thức từng hương vị đặc biệt của cuộc đời. Rất nhiều người quan tâm đến bạn hữu, nhiều hơn quan tâm đến gia đình. Picasso là họa sĩ tài hoa đầy danh vọng, và cũng là người có rất nhiều bạn hữu. Nhiều người dường như được sinh ra, để trở thành bạn giúp đỡ ông. Picasso thường xuyên thay đổi tình nhân, và thay đổi bạn hữu, nhưng ông đã nói: Bạn ra đi là bạn tốt. Ðiều này thật đúng. Ðối với những người từng là bạn, chỉ vì bất cứ lý do nào đó không còn liên lạc, tôi vẫn muốn nhớ đến ưu điểm họ có, hơn là nhớ đến những điều không hay của họ. Bởi vì nghĩ như vậy, tôi thấy bạn hữu quả thật là một tặng phẩm mà Thượng Ðế ban tặng nhân loại.
Trong “ Nụ Cười Dưới Chân Cầu Thang -The Smile At The Foot Of The Ladder,” Henry Miller viết: “ Niềm vui giống như giòng sông: Giòng sông miên trường trôi chảy, không ngừng. Ðối với tôi dường như đây là lời nhắn gửi của một anh hề, đang cố gắng mong chúng ta hãy hòa nhập vào giòng nước, không so sánh, không phân tích, không chiếm hữu, chỉ miên trường trôi chảy, như giòng nhạc bất tận. Ðây là tặng phẩm của việc buông xả; anh hề diễn tả sự buông xả một cách tượng trưng. Riêng chúng ta đã biến sự buông xả thành hiện thực. Joy is like a river: It flows cease-lessly. It seems to me that this is the message which the clown is trying to convey to us, that we should participate through ceaseless flow and movement that we should not stop to reflect, compare, analyze, possess, but flow on and through, endlessly, like music. This is the gift of surrender, and the clown makes it symbolically. It is for us to make it real.” Trước đây tôi đã đọc đoạn văn này, nhưng chẳng nghĩ ngợi gì. Bây giờ đọc lại tôi nhận biết: Người ta có thể thấu hiểu và trân trọng tình bạn hơn, một khi không so sánh, không phân tích, không chiếm hữu, bằng lòng buông xả để gió cuốn đi những điều vụn vặt. Hơn nữa bạn như hoa mùa xuân, sang mùa đông sẽ không còn nữa. Phải chăng nên xem niềm vui về tình bằng hữu giống như giòng sông miên trường trôi chảy, âm vang sóng nhạc bất tận.
Tôi nhớ hình ảnh cây ngô đồng đầy lá xanh tươi, khi mùa xuân đến. Lá ở dưới cành màu xanh thắm, lá ở đầu cành màu xanh nhạt. Tuy cùng mọc giữa một cành, tư thế dáng vẻ của từng phiến lá vẫn rất khác nhau. Mùa xuân và mùa hạ, những chiếc lá xinh tươi đầy niềm vui sẽ lớn dần, bằng cái quạt buồm. Nhưng cuối thu lá không còn tăng trưởng, bắt đầu rơi rụng. Mùa xuân năm sau, cây ngô đồng lại mọc kín lá, vẫn dưới cành màu xanh thắm, đầu cành màu xanh nhạt, tư thế dáng vẻ của từng phiến lá vẫn rất khác nhau. Những người bạn cũng như lá cây ngô đồng. Hiểu theo một nghĩa khác, họ không tốt giống như nhau, và cũng chẳng xấu cùng một kiểu. Những chiếc lá trước khi rơi rụng, cũng đã từng vui vẻ thoải mái. Những người bạn trước khi cách biệt muôn trùng, ở chừng mực nào đó cũng đã từng chia sẻ với chúng ta một điều gì đó. Vì thế lời than thở hay tiếc thương cho một tình bạn đã kết thúc, phải chăng không cần thiết. Xem ra sự tăng trưởng của lá cây ngô đồng, không chỉ là giòng chảy vô biên bất tận của màu xanh vĩnh hằng, mà còn là một luận đề triết học đang được tôi cảm nghiệm: Niềm vui đến, niềm vui lại đi. Tình bạn đến, tình bạn lại đi. Ðây chính là quan điểm về niềm vui ở giữa trời và đất. Phải chăng vạn vật trên cõi đời tự hoàn thành sự tồn tại riêng, theo quan điểm này.
Tháng Chín đã vào thu, bỗng nhiên rất nắng. Cõi người ta thinh lặng nhìn ngắm cuộc đời qua đôi kính đen, để tránh ánh sáng quá chói của mặt trời. Nhưng ở đâu đó trong từng khoảnh khắc thời gian, tôi nhận ra hàng cây bắt đầu rụng lá báo hiệu mùa đông đến. Mặt trời chuyển sang màu đỏ rực, lẩn khuất giữa màn mưa trướng tuyết dày đặc, sẽ thinh lặng rơi xuống trần gian. Hình ảnh mùa đông trang nghiêm tĩnh lặng, khiến người ta trầm mặc suy nghĩ, không vội vã nói không vội vã làm một cách nông nổi. Tùy theo cảm nhận của từng người, mùa đông hoặc sẽ là dấu phẩy, hoặc sẽ là dấu chấm suốt bốn mùa thường tại. Giữa màu tuyết trắng, cây trơ trụi không sinh hoa kết lá, cũng không bị thui chột hay khô cằn. Khách bộ hành lặng lẽ đi trong sương gió, thưởng lãm phong cảnh mùa đông. Trước mặt không ai đi. Ðằng sau không ai đến. Tâm hồn lữ khách lâng lâng như sắp chứng kiến một cuộc sáng tạo thần kỳ nào đó. Tưởng như cây đã rụng lá từ lâu. Một đàn chim nhỏ đang đậu trên cành khô, chính là những lá xanh biết hát. Mùa đông được ví như bà mẹ đang trong thời kỳ thai nghén, chuẩn bị chuyển dạ sinh con. Chẳng phải mùa đông cũng đang thai nghén mùa xuân đó sao?
Và phải chăng những người bạn lâu rồi không gặp, cũng đang mong chờ một ngày trùng hoan, trong sắc mạnh huy hoàng của màu nắng vàng rất ngọt giữa rừng thu.
HV
4:30am Thứ Bảy ngày 24 tháng 09 năm 2016