Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, bút hiệu khác: Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20/10/1925 và mất ngày 28 tháng 9. 2015, là tác giả của trên dưới 30 tác phẩm giá trị.
Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn Võ Phiến, báo Người Việt ghi lại một số trích đoạn của bằng hữu viết về ông, như một nén nhang để tưởng nhớ một nhà văn đã cống hiến một đời cho văn học nước nhà. Sau đây mời độc giả theo dõi.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Đặng Phú Phong
Tôi là người Bình Ðịnh nên ưa ông cũng chỉ là chuyện thường. Tôi có chắc một điều là người miền Bắc, miền Nam cũng rất yêu, thích ông. Tôi cũng chắc rằng nếu có người dịch toàn bộ tác phẩm ông ra tiếng nước ngoài, họ cũng sẽ thích ông. Giống như người Việt thích Stefan Zweig qua những bản dịch của ông.
Tôi không có ý định bước vào văn nghiệp của Võ Phiến. Chỉ một vài, thật ít, chung quanh ông. Mà thôi! (trích)
Đặng Thơ Thơ
Tôi được gặp nhà văn Võ Phiến vào năm lên 9 tuổi.
Lúc đó nhà bà ngoại tôi có một căn gác đầy sách, có đủ loại báo chồng chất, có toàn tập Văn, Bách Khoa, Sáng Tạo… Vào những buổi trưa vắng, tôi lên đó một mình, lục lọi, tìm đọc những thứ mà người lớn không cho trẻ con đọc. Căn gác gỗ mùa hè ở Sài Gòn rất nóng, không ai muốn lên gác vào giờ ấy, và vì vậy không ai phát giác ra việc tôi đã ở đó hàng giờ để đọc những thứ sách báo của người lớn. Và không ai biết rằng tôi đã gặp nhà văn Võ Phiến ở đó. Cùng với ông, tôi còn gặp nhiều người khác do ông dẫn đến. Một buổi trưa này, tôi gặp Anh Tư trong “Một Ngày Ðể Tùy Nghi”. Một buổi trưa khác, tôi gặp anh Bốn Thôi, ông Ba Thê, chị Bốn Chìa Vôi. Rồi lần lượt những Chàng/Nàng thay phiên nhau xuất hiện qua nhiều chương sách… Họ đến, họ nói, họ đi lại, họ suy nghĩ, rồi họ sống chung chật trong căn gác, ngay trước mắt tôi. Tất cả họ mở ra cho tôi một không gian khác, mới mẻ, và cũng khó hiểu, và cái khó hiểu này thật quyến rũ. Nó khác với thế giới tôi vừa đi qua của những bộ Thiếu Nhi, của Tự Lực Văn Ðoàn. Cái thế giới này nói với tôi bằng một cách khác, khác về cách biểu đạt ý tưởng, khác về cách chọn điều để nói, và điều không nói. Nó lại đưa ra một kiểu sắp đặt khác về trật tự không gian và thời gian, và cách con người được soi chiếu trong không gian ấy. Nó rất mới, với tôi lúc ấy. (trích)
Đặng Tiến
Chiều cuối năm. Nhớ bạn hiền. Mùa đông chiều xuống sớm. Chưa thèm rượu mà đèn đường đã sáng. Nhớ xa xôi. Nhớ một câu văn Võ Phiến không biết đọc ở đâu. Có thể không phải Võ Phiến. Chỉ đơn giản thế này thôi:
“Trời! một ngọn đèn vàng cạch tầm thường khuất lấp trong một cái thường nhật vô danh như thế, vẫn sáng đâu đó nơi chàng suốt ba mươi năm (…)
“Chiều vẫn còn mưa bay nửa trời, những con én chiều bay lẻ đã lặn mất vào bóng tối…”.
Chiều nay 28 -9 -2015, ngọn đèn đã tắt.
Và con én chiều bay lẻ đã vĩnh viễn lặn mất vào bóng tối. (trích)
Đinh Cường
nhìn anh phút cuối nằm đó. có Thầy Viên Lý
có chị Viễn Phố chắp tay tụng niệm
có chuỗi hạt bồ đề có cả trang kinh
ở xa bên này miền Ðông tôi tụng niệm tiếp dây chuyền
anh ra đi thanh thản yên lành là Phước Ðức.
từ nay tôi không còn nghe tiếng thác đổ sau nhà... (trích)
Luân Hoán
Ðược gặp mặt, được bắt tay, được ngồi nghe những câu nói gởi trực tiếp đến với mình, từ một người danh tiếng, quả thật là một kỳ thú, một hãnh diện. Tuy không cố tình săn đuổi những cơ hội này, nhưng nếu hữu duyên có được sự hội ngộ, tôi sẽ rất phơi phới trong lòng. Bằng hữu, dù là đàn anh, đàn chị, đàn em, đàn…cháu, vẫn quý báu như nhau. Không được là bằng hữu, chỉ tương kính xã giao cũng vô vàn sung sướng.
Với nhà văn Võ Phiến, được quen biết ông, được gặp mặt ông, kể như có thêm một hạnh phúc. Chắc chắn nhiều bạn sẽ nhăn mặt, cho rằng tôi có phần tâng bốc, ra chiều nịnh bợ. Không sao. Ðây là niềm vui tôi tìm thấy, khi cảm nhận mình được hưởng ké cái rực rỡ của một nhân tài, bất cứ họ hoạt động ở lãnh vực nào.
Sự tâng bốc của tôi dành cho nhà văn Võ Phiến nếu có, cũng là chuyện bình thường, bởi những gì ông đã dành cho nền văn học Việt Nam không nhỏ chút nào. Ðể xác định điều này, chúng ta thử ghé qua từng trang đời của ông, một cách vắn tắt…”(trích)
Nguyễn Hưng Quốc
Sau đó, hầu như năm nào tôi cũng sang California và năm nào cũng ghé thăm Võ Phiến. Thân thể ông vẫn khỏe mạnh, da dẻ ông vẫn hồng hào, nụ cười ông vẫn hiền lành, giọng nói ông vẫn chất phác, nhưng tai ông càng lúc càng nặng và bệnh mất trí nhớ càng lúc càng trầm trọng. Ông ít nói hẳn. Trong các buổi họp mặt hay ăn uống chung, ông chỉ ngồi lặng lẽ cười, lâu lâu cất lên lời than thở: “Tôi lú lẩn rồi anh ơi! Tôi là người bỏ đi rồi!” Vừa nói vừa lắc đầu, đôi mắt ánh lên vẻ buồn rười rượi. Ðến thăm, tôi chỉ nói chuyện với bà Võ Phiến là chính; còn ông, sau những cái bắt tay mừng rỡ và nồng ấm, lại ngồi lặng lẽ. Lâu, lâu lắm, mới góp tiếng. Thường là những câu chuyện cũ. Và những lời than vãn. Than không viết được. Rồi than không đọc được. (trích)
Phạm Xuân Nguyên
Chia tay ông tôi nghĩ khó lòng gặp lại, nhưng tôi đã được gặp một nhân vật lớn, một chứng nhân quan trọng của văn học Việt Nam thế kỷ XX, mà văn học sử không thể bỏ qua.
Vĩnh biệt nhà văn Võ Phiến! Mong ông về cõi trời thanh thản. Ở cõi người đất Việt những trang văn của ông, nhất là những trang tuỳ bút, tạp luận, sẽ còn day dứt mãi lòng người đọc.(trích)

Nguồn: Người Việt Online