Menu Close

Ben Hur và Messala (kỳ 4)

Haya Harareet (Esther) và Charlton Heston (Judah Ben-Hur) trong "Ben-Hur", 1959.  nguồnpinterest.com
Haya Harareet (Esther) và Charlton Heston (Judah Ben-Hur) trong “Ben-Hur”, 1959. nguồn pinterest.com

Mười ba ngày sau Ngọc cho người đưa giấy về nhà, nói trở ra ngoại quốc, nếu Vĩnh không trở sang Mỹ thì đâm đơn ly dị. Vĩnh cầm bức thư trên tay, giải thích với Đàm:

– Sau năm 75 ra nước ngoài, làm bao nhiêu gia đình Việt Nam ly tán. Mầy không sống trên đất Mỹ để thấy những ông bà già sáu mươi tuổi còn đưa nhau ra tòa ký giấy ly thân. Bây giờ về nước, thêm những gia đình tan vỡ vì không chịu nổi sức va chạm quá mạnh của hoàn cảnh địa lý. Đó là quy luật. Mình phải hiểu để chấp nhận những tráo trở của cuộc sống.

Giọng Vĩnh nặng, hơi lớn tiếng như nói cho cả nhà Đàm cùng nghe. Tịnh, vợ Đàm, đang dọn ăn phải ngửng lên nhìn. Tịnh bắt gặp Vĩnh đang ngắm mình, mắt Vĩnh đọng ở cổ áo Tịnh vừa cho con bú còn hở khuy. Lúc tia mắt Vĩnh chạm đến ngực Tịnh, thì Vĩnh cũng đột ngột ngưng nói. Cả gian buồng ăn chỉ còn trơ lại tiếng dép lội mưa lưa thưa bèm bẹp của mấy mụ hàng rong đi rảo ngoài đường rao cơm hến, vọng vào. Mưa lai rai nhay nhắt từ sáng không tạnh. Tịnh cài cúc áo cổ, rồi trở xuống bếp. Đàm ngồi bên cạnh Vĩnh, lắc đầu:

– Không phải tráo trở, mà là hệ quả của mâu thuẫn. Tụi mầy ra nước ngoài chạm phải mâu thuẫn ở xã hội Mỹ, rồi về nước đem theo khối mâu thuẫn đó, giản dị chỉ có vậy.

– Không đơn giản như mầy nghĩ đâu. Có những trạng huống tâm thần khác lạ mà mầy không thể hiểu nổi.

Vĩnh ngắt lời Đàm. Thở bung những vòng khói xám nghịt lên trần. Thái độ có vẻ khinh bạc của Vĩnh làm Đàm khó chịu. Không phải cung cách của một ngoại kiều, mà là của nhà Chúa. Chúa Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Khắc Vĩnh. Đàm cũng đốt thuốc liên miên, hỏi ngược lại:

– Chẳng hạn?

– Chẳng hạn như hồi ở ngoại quốc, tao chỉ ao ước đào được một cái ao con, thả dăm cánh sen, để chiều chiều bắc ghế ra ngồi uống trà nhìn sen nở. Khát vọng nhỏ như vậy mà mười mấy năm không thực hiện được.

– Tại sao không được? Tụi mầy bên đó tiền rừng bạc bể.

– Không phải chuyện tiền, mà là thời giờ. Mầy không hiểu thì giờ bên kia hiếm như thế nào. Lúc chiều đi với mầy ngang hồ Tịnh Tâm, đứng trước mặt hồ ngập đầy rau muống, tao mới thấy cuộc đời thật kỳ dị. Bên kia có những thứ thừa mứa, mà bên này không có. Còn ở nhà có những thứ quý mà tụi mầy không biết hưởng. Ao sen nhưng lại trồng rau muống.

Vĩnh dụi tàn thuốc. Mấy chữ “tiền rừng bạc bể” Đàm nói mỉa làm Vĩnh bực tức. Vĩnh nghĩ những thằng ở Việt Nam không hiểu để có được đồng tiền trên đất Mỹ phải đánh đổi những gì riêng tư nhất để trở thành một cái máy. Vĩnh xòe tay chỉ cặp liễn vẽ hình Bát Tiên và Tứ Linh mà bà Cảnh, mạ Đàm treo lây lất sau một cánh cửa. Đôi liễn chuồn chép hai câu thơ: Vạn tuế uyên nguyên bất tuyệt, thiên thu trợ đậu di hương, mà Vĩnh đoan chắc cho đến giờ này Đàm vẫn không hiểu hết ý nghĩa.

– Một cặp liễn cổ như vậy, bên Mỹ là cả một sự quý giá. Ở nhà mầy vất trong góc, nhưng bên kia đối với tụi tao là biểu tượng của dân tộc.

– Mầy vừa nói ở nhà có những thứ quý mà tụi tao không biết hưởng? Đó là vì mầy không chịu hiểu rằng các thứ quý đó không còn thuộc về đám dân Huế này nữa. Cả cái mặt hồ Tịnh Tâm ngập đầy rau muống của mầy ban chiều cũng thôi là của Huế. Mất cả rồi!

Đàm trả lời Vĩnh, chua chát. Càng ngày ấn tuợng đánh mất tình bạn càng rõ rệt trong đầu Đàm. Tại sao Vĩnh không hỏi thăm về những người bạn lúc xưa giữa họ, về cái “Công Ty Vĩnh Đàm” hài hước mà bạn bè trong trường gán cho họ. Từ hôm Vĩnh trở về Huế, Đàm là người có cuộc sống xáo trộn hơn hết. Đang công tác cho xí nghiệp ở Hội An, hấp tấp cáo bệnh trở ra Huế, nhưng gặp lại Vĩnh, Đàm mang tâm trạng bực nhiều hơn vui. Bao nhiêu năm, những bức hình hào nhoáng của Vĩnh gởi từ Mỹ về đối với Đàm là một viễn cảnh tương lai mà Đàm mong ngóng đạt tới. Bây giờ được trông thấy tận mắt tương lai của mình bằng xương bằng thịt, Đàm có ý nghĩ buồn rầu là nó chỉ đẹp ở bên ngoài, còn trong hồn đầy những khúc mắc. Vĩnh khui chai rượu Tây đem theo, rót đầy ly cho hai người, rồi hỏi vặn bằng một giọng lạnh lùng:

– Vậy cái hồ của ai?

– Của “tập thể”. Mầy không trông thấy những khẩu hiệu dán đầy ngoài đường đó sao? Trên đất nước này dân còn gì nữa? Giản dị có vậy và cũng chỉ vì vậy mà người ta đi tìm tương lai nơi khác.

Đàm uống cạn mấy ly rượu mạnh liền, mặt đỏ nhừ. Vĩnh nhìn đôi dép đứt quai khâu bằng một cọng kẽm của bạn, rồi nhìn Đàm tháo kính chùi những hạt mưa lấm tấm của Huế, như còn đọng trong cặp mắt hấp háy mệt mỏi của Đàm, thương hại:

– Trại tị nạn đóng cửa rồi. Tụi mầy đi nữa vô ích. Đã đến lúc phải xây dựng lại cái xứ sở đã quá mục nát này, mầy không thấy cần sao? Đi nữa, đi hết thì còn gì? Mầy nên thay đổi cách suy nghĩ. Ra đi bây giờ đã muộn rồi. Thế kỷ tới là của chung sống hòa bình, không phải của chiến tranh và trại tị nạn. Thế giới đang đi vào con đường “sống chung” đó. Thời gian sắp tới, tụi ở bên Mỹ còn về nhiều nữa, tụi nó sẽ mở hãng xưởng, lập nhà máy, nắm hết nền kinh tế ở nhà. Mầy nên chuẩn bị, làm việc với tụi ở Mỹ về, không giống như mầy “lao động” hiện giờ đâu. Tin tao đi: Tụi nó sẽ bắt mầy làm đúng tám tiếng một ngày, không thiếu một giây! Đi trễ: đuổi sở. Nghỉ bệnh: đuổi sở. Ăn cắp vặt: ghi vào sổ đen, suốt đời không được mướn. Nghe tao đi, thời gian sắp tới sẽ rất gay go cho tụi mầy. Không vốn đầu tư, không khả năng kỹ thuật, mầy bắt buộc phải đi làm công. Nếu không chịu thay đổi cách nhìn bây giờ, lúc đó mầy sẽ thấy cuộc sống còn khổ hơn nữa.

– Thay đổi cách nhìn?

Đàm ngửng lên ngó Vĩnh ngao ngán. Ngôi nhà của gia đình Đàm, mười sáu năm sau chỉ còn trơ lại cặp liễn chuồn tàn tạ. Thay đổi duy nhất là chiếc nón Phú Cam của Tịnh, từ khi lấy Đàm, treo ở móc. Tịnh không ngớt lên xuống săn đón Vĩnh. Săn đón thái quá khác hẵn cách Tịnh lạnh nhạt với Vĩnh ngày xưa. Còn bà Cảnh, mạ Đàm đang làm bếp, lâu lâu cũng tươi tả chạy lên nói những câu ve vuốt khách. Đàm vừa ngượng, vừa tự ái vì thái độ của mạ và vợ. Từ hôm Vĩnh trở về Huế, Đàm để ý thấy mỗi bận Vĩnh phát biểu một điều gì đó, mặc nhiên được mọi người tung hô. Bà Cảnh và Tịnh cũng không thoát ra khỏi tập quán mới mẻ này. Đợi hai người đàn bà trở vào bếp hẳn, Đàm mới chắp một nụ cười nhạt:

– Vĩnh, mầy đi lâu quá rồi, không hiểu những gì đang xảy ra ở đây, đừng nói với tao những điều vừa rồi. Nếu mày muốn kể một chuyện khôi hài thì được.

– Tao không kể chuyện khôi hài.

– Mầy đang kể mà không biết. Hôm đầu tiên về, mầy kể chuyện Ben Hur và Messala, nhớ không? Bây giờ mầy cũng đang kể chuyện những thằng Messala trở về Jérusalem để mua hết của cải, vật chất, sức lao động và khuyên những người Do Thái bị tước hữu, rằng các anh hãy ở lại thành Jérusalem để xây dựng vương triều La Mã! Không khôi hài sao? Chỉ một điều mà mầy nghĩ không tới, là cuối cùng Messala chết thê thảm trong cuộc đua ngựa ở đấu trường với Ben Hur.

Haya Harareet (Esther) và Charlton Heston (Judah Ben-Hur) trong "Ben-Hur", 1959. nguồn www.doctormacro.com
Haya Harareet (Esther) và Charlton Heston (Judah Ben-Hur) trong “Ben-Hur”, 1959. nguồn www.doctormacro.com

Đàm uống cạn cốc rượu, dằn mạnh ly, rồi bỏ ra cửa sổ, kéo mạnh tấm liếp che mưa đang bắn vào nhà. Vĩnh vẫn ngồi ở bàn, nói sau lưng Đàm:

– Tao muốn mầy trả lời tao điều này: Dân tộc Do Thái vượt qua thử thách vì được Thượng đế của họ làm phép lạ. Còn dân tộc này, đất nước này có gì làm phép lạ?

Một ánh sét lọt qua khe hở làm xanh tái gương mặt Đàm mà Vĩnh chưa kịp ngắm rõ, Đàm đã quay lại với ánh chớp vỡ vụn giữa khuôn mặt. Đàm lừ đừ hơi rượu, nhìn Vĩnh, rồi dằn từng tiếng:

– Phép lạ là cách chúng tao lột sạch những thẳng ở ngoài về. Xã hội này lường gạt ưu việt. Mày sẽ bị ngựa dày như thằng Messala.

Trong một giây, Vĩnh có ấn tượng tiếng sét không đến từ bên ngoài mà theo câu nói của Đàm quật xéo trong gian buồng. Mùi đất xông mưa, ui ui lầm thầm xuyên giữa hai người.

*

Mấy tháng sau bữa cơm ở nhà Đàm, Vĩnh nhận được hồ sơ ly dị do Ngọc gởi từ Mỹ về để điền. Bà Ngãi đương ngồi nhai trầu trỏm trẻm, thấy Vĩnh điền đơn, tán đồng:

– Con nớ mất nết, mi bỏ là phải. Ai đời trong nhà mộ tổ là trọng, ngữ ni ngồi giơ cả háng.

Bà Ngãi vừa lẩm bẩm, vừa nạo cháy trong cái om làm bằng gốm Phước Phú. Cái om nắn trộn đất sét Dương Khánh, lâu năm trầy trụa mẻ lở. Về Huế, càng ngày Vĩnh càng thấy ngôi nhà của dòng họ giống một vật đã trụt lùi vào quá khứ, bỗng bị đem ra phơi dưới ánh sáng, phô bày mọi ngõ ngách của thời gian cũng hiện đầy trên mặt ông Ngãi.

– Bỏ hắn rồi tiền bạc có phải chia không mi?

Vĩnh nghe bọ hỏi, khẽ lắc đầu:

– Đám cưới có hợp đồng, không sợ lỗ.

Ông Ngãi gật gù thỏa mãn, bà Ngãi vẫn nạo cháy rồn rột nói Vĩnh về Huế kiếm nết na thùy mị không thiếu…. Thằng Hậu đánh xe ở cổng vào, vừa trông thấy Vĩnh đã xun xoe, ve vãn. Từ hôm xin tiền Ngọc, thằng Hậu mới thấy mình dại, ham mối lợi nhỏ để mất mối lợi lớn, xoay lại nịnh bợ Vĩnh. Nhưng tánh thằng Hậu bất sất, lỗ mãng, nói nhiều câu trơ trẽn:

– Mệ già, mệ trẻ ở Huế thiếu giống chi. Anh cần bao nhiêu tôi kiếm?

Vĩnh đang soạn các thứ giấy tờ, nghe thằng Hậu đề nghị nham nhở, đâm bực.

– Không kiếm ai hết. Để xe nhà tao đi coi đất.

– Anh đi đâu, tôi chở!

Thằng Hậu lại nhanh nhẩu, nhưng Vĩnh đã gạt phắt:

– Đi với mầy núi của cũng hết. Đụng một chút là ăn xài. Mười mấy năm không làm ra được một đồng bạc, bắt tao nuôi đến bao giờ?

Vĩnh mắng thằng Hậu như tát nước. Ông bà Ngãi tự kỷ ám thị, ngồi nghe cũng cúi gầm mặt. Gió đưa mấy cọng khói nhang cháy phả phất. Mấy đĩa xôi cúng ruồi nhặng, kiến cánh bu đầy. Bà Ngãi lấy cớ ra vườn hóa vàng. Vĩnh nhìn theo bóng bà Ngãi vẩy rượu để tống đạt vàng mã đến tay người quá cố. Từ hôm Vĩnh về Huế, tuần nào cũng có ba bữa cỗ, năm bữa tiệc. Hương khói, hoa quả ngập bàn thờ. Họ hàng nườm nượp đến viếng thăm, đông như người đi phúng. Vĩnh đưa không biết bao nhiêu tiền cho bà Ngãi làm các món ăn cung đình để đãi khách, cùng phân phát cho họ hàng. Thằng Hậu thích phát biểu: “Một người ở nước ngoài, ba họ được nhờ.” Từ sau bữa rượu ở nhà Đàm, Vĩnh tránh gặp lại người bạn học cũ, chỉ lén lút gặp Tịnh.

Có một chuyện mà Vĩnh giấu Đàm: là thời gian ở ngoại quốc, Vĩnh thường mơ thấy mình làm tình với Tịnh. Những giấc mơ cứ đến trong đầu Vĩnh hằng đêm rồi tan biến đi, rồi lại đến sau mỗi cuộc cãi vã với Ngọc. Hôm bước chân qua ngạch cửa nhà Đàm, thấy lại Tịnh, hãy còn đẹp sắc, hai đầu vú nhọn nhú lên kín đáo, chuôi mắt dâm dật, tự dưng Vĩnh thấy rõ giấc mơ cứ chực trào ra thành sự thật. Vĩnh không rời mắt được thân hình mình dây với mái tóc lẳng của Tịnh.

Vĩnh về Huế mấy tháng thì bắt đầu tính chuyện làm ăn, sang lại một cửa tiệm trên đường Lê Lợi, gần khách sạn Hương Giang, để buôn hàng ngoại. Sáng nay Vĩnh hẹn đi xem đất ở An Cựu, ý định làm chỗ ở và chỗ “mãn phần” sau này. Bà Ngãi thường hay te tát tâm sự với hàng xóm về ý định sang tiệm, tậu nhà đất của Vĩnh. Lần nào hàng xóm cũng tán tụng: “Thứ nhất dinh cơ, thứ nhì âm phần” làm bà Ngãi thêm hãnh diện.

Vĩnh trở vào phòng cất giấy tờ. Lúc đóng va li, ngửng lên, Vĩnh vô tình bắt gặp khoảng trần nhà ố mờ, nơi treo thùng đàn ngày xưa. Điệu nhạc cũ, Vĩnh thường dạo với Đàm cách đây mười mấy năm bỗng vọng trở lại. Điệu nhạc mênh mang, như thời gian trôi chậm chạp chung quanh Vĩnh.

Áp Tết Tân Mùi 1991, Tịnh bỏ Đàm đi ở với Vĩnh.

 TV, Paris tháng 10, 1990