Menu Close

António Guterres – Tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

antonio-guterres2Trong khi tình hình thế giới đang có quá nhiều biến động: cuộc chiến Syria đang bước vào thời kỳ khốc liệt nhất mà chưa biết khi nào kết thúc; trong khi tình trạng người tị nạn cũng chưa giải quyết xong, mặc dù những chuyến vượt biển bằng xuồng từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Âu châu đã giảm nhiều trong thời gian qua nhưng các trại tị nạn dọc theo biên giới giữa Syria và Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon vẫn đầy nghẹt người; sau vụ “Brexit” nhiều người lo ngại khối Liên Âu có thể tan rã làm cho khả năng tương lai kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng càng nghiêm trọng hơn; và tình hình tại khu vực Biển Ðông vẫn tiếp tục nóng với người khổng lồ Trung Quốc rất hung hăng coi vùng biển này như sân sau của riêng mình, ngang nhiên tung hoành ngang dọc bất chấp luật lệ quốc tế – thì vai trò của một tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đương nhiên được chú ý tới nhiều hơn trước như một người đứng ra làm trung gian hoà giải những xung đột và kêu gọi các cường quốc hãy cùng nhau giải quyết các vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của thế giới.

antonio-guterres1
António Guterres và Ban Ki-moon – nguồn www.un.org

Từ nhiều tháng qua, nhiều tin đồn cho biết ông António Guterres, cựu thủ tướng của Bồ Ðào Nha, là người dẫn đầu trong cuộc chạy đua tranh chức tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ năm năm tới, tuy nhiên việc chọn Guterres phần nào vẫn gây ít nhiều bất ngờ vì nhiều nhà ngoại giao và giới quan sát tại Liên Hiệp Quốc tin rằng Moscow sẽ chỉ chấp nhận một ứng viên đến từ khu vực Ðông Âu. (Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hiện nay, ông Ban Ki-moon, là người Nam Hàn; vị tiền nhiệm của Ban, ông Kofi Annan, là người xứ Ghana, Phi châu.)

Nhưng rồi cuối cùng, Guterres, người có rất nhiều kinh nghiệm về những hoạt động của Liên Hiệp Quốc, đã dễ dàng đánh bại những đối thủ hàng đầu như Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova, người Bulgaria, Ngoại trưởng Susana Malcorra của Argentina, cựu Thủ tướng Helen Clark của Tân Tây Lan, và Ủy viên Tài chính và Ngân sách của khối Liên Âu, Kristalina Georgieva, người Bulgaria. Những nhân vật này, nếu như được chọn, sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong vai trò tổng thư ký.

Chiến thắng của Guterres được giới quan sát tại Liên Hiệp Quốc hoan nghênh, mô tả nhân vật này bằng những lời lẽ đầy nhiệt tình. Trong vai trò là cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, Guterres gây được nhiều cảm tình cũng như uy tín như là người luôn thẳng thắn và mạnh tiếng khi nói đến vấn đề nhân quyền. Trong quá khứ ông cũng từng thách thức các cường quốc trên thế giới phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người cô thế thay vì cứ nhường trách nhiệm lại cho Liên Hiệp Quốc. Ðây được xem là hành động dũng cảm đối với một tổ chức thường được biết đến là rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói của mình.


Các Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong 71 năm qua

antonio-guterres


António Guterres sẽ thay thế đương kim Tổng thư ký Ban Ki-moon mà nhiệm kỳ năm năm thứ nhì của ông chấm dứt vào ngày 31 Tháng 12 năm nay. Trên thực tế không có một giới hạn nhất định về số lần nhiệm kỳ mà một tổng thư ký có thể nắm giữ, nhưng từ trước tới nay chưa có ai đã từng giữ chức vụ này quá hai nhiệm kỳ.

Tiến trình bổ nhiệm tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bao gồm hai giai đoạn. Một ứng viên trước hết cần được tiến cử bởi Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, và sau đó phải được chấp thuận bởi Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 thành viên.

Trong cuộc chạy đua lần này có tất cả 13 ứng viên và các ứng viên này phải trải qua một loạt những cuộc bình chọn bởi Hội đồng Bảo an để loại bớt dần đi con số ứng viên và cuối cùng chọn ra một ứng viên duy nhất.

Trong tất cả các cuộc bỏ phiếu kín, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ lần lượt đánh giá từng mỗi ứng viên bằng cách bỏ phiếu “khích lệ”, “không khích lệ” hoặc “không ý kiến”.

Trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng, Guterres nhận được 13 phiếu “khích lệ”, không có phiếu “không khích lệ” và hai phiếu “không ý kiến”. Những ứng viên kế cận nhất như Vuk Jeremic của Serbia và Miroslav Lajcak của Cộng hoà Slovak, mỗi người nhận được bảy phiếu “khích lệ” và sáu phiếu “không khích lệ”, trong khi Irina Bokova của Bulgaria nhận được bảy phiếu “khích lệ” và bảy phiếu “không khích lệ”.

Cuộc bầu chọn tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc diễn ra vào lúc khi có nhiều tiếng nói ảnh hưởng nhất, trong đó có Tổng thư ký Ban Ki-moon, cho rằng đây là thời điểm “chín muồi” để có một tổng thư ký là phụ nữ.

António Guterres lúc trẻ từng là giáo sư phụ giảng đại học. Năm 1974, chế độ độc tài phát xít của Bồ Ðào Nha bị lật đổ trong một cuộc đảo chánh và được thay thế bằng một thể chế dân chủ. Guterres giúp tổ chức thành lập Ðảng Xã hội và chỉ ít lâu sau nổi lên thành một đảng chính theo khuynh hướng trung tả.

Năm 1995, Ðảng Xã hội toàn thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc của Bồ Ðào Nha; Guterres, lúc đó là chủ tịch đảng, trở thành thủ tướng.

Trong thời gian giữ chức thủ tướng, Guterres tạo được nhiều uy tín trong giới chính trị Bồ Ðào Nha. Thậm chí ngay cả những đối thủ chính trị của ông trong đảng Dân chủ Xã hội thuộc cánh trung hữu cũng nể phục ông.

Guterres từ chức thủ tướng năm 2002 sau khi Ðảng Xã hội thất bại trong những cuộc bầu cử địa phương. Ông quay sang hoạt động chính trị quốc tế. Ðã có lúc ông lãnh đạo Quốc tế Xã hội, một tổ chức quy tụ các đảng dân chủ xã hội toàn cầu, và đến năm 2005 trở thành Cao ủy Liên Hiệp Quốc trông coi vấn đề người tị nạn, đưa ông vào vị trí lãnh đạo một cơ quan bán tự trị của Liên Hiệp Quốc với trọng trách giúp đỡ những con người khốn khổ đang chạy trốn chiến tranh, nạn đói, và những hoàn cảnh thiên tai và nhân họa.

antonio-guterres3
António Guterres tại trại tị nạn Syria ở Lebanon – nguồn unhcr.org

Ở trong chức vụ mới này ông cũng đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Ðồng thời ông cũng tạo được uy tín như là một nhà quản lý có hiệu quả. Theo dữ liệu cho biết, Guterres đã cắt giảm nhiều lãng phí tại văn phòng chính của cao ủy và rút số nhân viên xuống còn một nửa, trong khi cùng lúc gia tăng khả năng hoạt động của tổ chức để xử lý một con số khổng lồ những người tị nạn trên khắp thế giới. Ðây là một thành công đáng khích lệ vì nhiều cơ quan tại Liên Hiệp Quốc từ lâu nay vẫn thường bị mang tiếng là ổ tham nhũng thối nát.

Thành tích này ở một công việc đặc biệt khó khăn như trên phần nào giải thích lý do vì sao ông đã đánh bại dễ dàng những đối thủ khác.

Tiêu chuẩn quan trọng nhất ở Guterres là ông có khả năng tác động đến dư luận quần chúng – đã đưa vấn đề người tị nạn lên tầm mức gây được sự chú ý cũng như đánh thức lương tâm của  thế giới về sự cần thiết để hỗ trợ và cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn kể từ năm ngoái. Khả năng tiếp cận với quần chúng không phải là ưu điểm của ông Ban Ki-moon, được xem như một nhà ngoại giao mềm mỏng thường cẩn thận trong lời ăn tiếng nói và bị phê bình là hay tìm cách tránh né khi cần phải lên tiếng chỉ trích những cường quốc như Hoa Kỳ và Nga.

Ðiểm này đặc biệt quan trọng vì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không có nhiều quyền hạn chính thức. Vai trò lãnh đạo tổ chức Liên Hiệp Quốc thường bị cho chỉ là hữu danh. Nhưng trên thực tế có nhiệm vụ kiểm soát nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc và phải điều hành sao cho có hiệu quả với một ngân sách thường luôn eo hẹp nếu đem so với ngân sách khổng lồ của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Quyền lực thật sự của một tổng thư ký nằm ở chỗ nhận thức: Hiểu được tầm quan trọng đến từ trọng trách lãnh đạo một tổ chức quốc tế lớn và được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Nếu hiểu rõ được quyền hạn thực của một người nói “tiếng nói chung cho thế giới” thì một tổng thư ký giỏi có thể đặt mình vào vai trò làm môi giới trong những cuộc đàm phán giữa các cường quốc để giải quyết những vấn đề quan trọng của thế giới.

Do đó, tầm ảnh hưởng của chức vụ tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tùy thuộc phần lớn ở từng cá nhân nắm giữ chức vụ đó và thiện ý của những quốc gia có chịu lắng nghe tiếng nói của Liên Hiệp Quốc ở những thời điểm quan trọng hay không.

VH