Menu Close

Cá nước sông Son

hinh14

Với chiều dài 7,729m, cao 50m, với rất nhiều nhánh hang phụ lớn nhỏ tạo thành, tương truyền rằng chính những mảng đá rũ xuống ở cửa hang đã tạo nên cái tên đầy thi vị “Phong Nha” tức là “gió luồn qua kẻ răng”. Phong Nha đã được hiệp hội Hoàng gia Anh bình chọn là một trong những hang động đẹp nhất thế giới. Và dòng chảy xuyên suốt hang động dài 7,729m này là thượng nguồn của con sông Son.

Yo nói rằng chàng ước mơ đến khám phá sông Son, không phải vì mê cái động Phong Nha hay cái động Thiên Ðường, bởi cái đó không mấy lý thú. Chàng là đệ tử của một đầu bếp có tiếng xứ Nhật, mấy lần hẹn hò trên email, chàng rủ gia đình tôi đi Quảng Bình. Yo nhỏ hơn ông xã tôi hai mươi tuổi và kém tôi mười tuổi, ông xã tôi coi Yo như đứa em út và rất quý chàng. Yo nói rằng thứ làm Yo bị cuốn hút nhất là một con cá bơi qua gần mười ngàn mét trong hang ngầm, chứa toàn nước đá vôi và cơ thể nó chứa đầy canxi sẽ cho ra một món sushi rất lạ. Chàng muốn làm một loại sushi cá sông Son và nếu có cơ hội, đó sẽ là thương vụ làm ăn lớn trong đời chàng.

Bên bến sông Son
Bên bến sông Son

Ông xã tôi tỏ ra thông cảm và quý  chàng gấp vạn lần bởi ông biết rằng rồi đây Yo sẽ thất vọng, vì Yo cứ nghĩ Việt Nam phải na ná giống Nhật và người Việt có xấu xí lắm thì cũng cỡ vợ chồng tôi là cùng. Mà đã chơi được với gia đình tôi thì chắc là chơi được với nhiều người…!

Ðường tới Phong Nha không còn xa lắm, chỉ còn độ 10 cây số nữa thôi. Ðây không phải lần đầu tiên tôi đến Quảng Bình nhưng thực sự là lần đầu thăm Phong Nha.

Thà làm rong rêu bâu trên mạn thuyền/ Một đời sông Son mang theo tật nguyền/ Chỉ mình anh thôi lang thang giữa cuộc đời nghe cái đói bời bời cuộn qua… À ơi…”

Hinh2 Phải chăng, câu hát lái của người hát dạo tôi gặp hôm tối ở Ðồng Hới đã thúc giục tôi đến đây. Sông Son, rốt cuộc truyền thuyết về việc đầu thế kỷ 19, một số lượng lớn quân Tây Sơn bị quân của Nguyễn Ánh giết chết trên dòng sông này, máu loang ra đỏ cả sông; hay truyền thuyết về một cuộc tình chàng nhà nghèo, nàng con nhà giàu cùng nhau tự vẫn ở dòng sông này nên người dân quanh vùng đặt tên sông là Sông Son? Ðâu thực sự là nguồn gốc tên gọi con sông này, hay chỉ đơn giản như những người già ở làng Na nói rằng, mùa này nước sông Son trong xanh lắm, như lòng người làng Na, mùa lũ, nước sông trở nên đỏ ngầu, âu là số mệnh của sông Son, của người dân vùng này, sông Son còn đâu?..

Ðang miên man đôi chút về dòng sông nước chảy, dẫn thuyền khách đến với Phong Nha, thì chiếc taxi dừng lại bởi một thanh niên chắn đường, ra là mời chào vào quán ăn. Hỏi ra mới biết anh chàng này trước đây đi vác gỗ thuê bên Lào, giờ thất nghiệp, về làm “cò cơm” tức cò dẫn khách đến các quán cơm ở điểm dừng mua vé vào động Phong Nha.

Thượng nguồn sông Son chảy xuyên qua động Phong Nha
Thượng nguồn sông Son chảy xuyên qua động Phong Nha

Chỉ có hai “nhà hàng” bán cơm trưa ở đây, không kể đến một tiệm bánh mì và những quầy bán kem, nước ở phía trong điểm dừng mua vé.

“Nhờ ơn Ðảng, ơn Bác” và nói chính xác hơn là nhờ thờ đảng thờ bác mà chị mở được cái nhà hàng này. “Chứ bộ em tưởng dễ tồn tại nơi đất này lắm à. Hàng tháng gia đình chị đều dành thời gian đến viếng mộ bác Giáp, có như vậy người ta mới thấy mình có lòng thành.” – Chị chủ quán thủ thỉ khi mình cũng chịu thủ thỉ trước đôi chút.

Một nhà hàng theo kiểu dã chiến, với hình ảnh lãnh tụ treo ngay trung tâm, như thể đang bảo kê cho quán. Thực đơn gồm các món chế biến từ cá sông Son như cá kho tộ, tô canh chua, sườn rim chua ngọt và gà ‘đặc sản’.

hinh4 Người ta chẳng ai nhìn ai, một đoàn có, một gia đình có, một đôi trai gái có, một vài người già… Mọi người hối hả hoặc mệt lả, húp sùm sụp miếng canh cho xong bữa.

Xong bữa trưa, ra khỏi cái máy chém, tôi bắt đầu đi tìm sông Son.

“Tép sông Son đây con, mua ít về làm quà.” – Một phụ nữ bán tép khô bên đường mời chào.

“Mua đồ chơi cho cháu đi cô.” “Mua chai nước, hàng lưu niệm đi dì.” Mua cái mũ kẻo lên thuyền nắng con ơi.” “Mua ổi đi chị, ổi nhà mới hái”… Ôi chao đủ các mời chào để người ta chóng cả mặt mỗi khi đến một khu du lịch hay dịch vụ nào đó.

Hinh8

Ở đây, dường như phải có quen biết với “ông trên” mới có thể xin được chỗ ngồi bán, hoặc đấu được gian hàng để bán đồ lưu niệm cho khách, nhưng có vẻ tình hình buôn bán của bà con chẳng dễ dàng gì, thỉnh thoảng những đứa trẻ đứng quầy mới bán được vài món đồ sau một buổi kì cò và bám theo du khách.

Chúng tôi lên thuyền, ngược sông Son gần ba mươi phút để đến động Phong Nha.

“Trẻ con ở đây mạnh lắm chị, chắc là do uống nước sông Son mỗi ngày.” Chàng thanh niên trạc hai mươi lăm tuổi điều khiển thuyền chạy vừa trò chuyện với chúng tôi.

Hinh12

Những đứa trẻ đang thỏa nhiên đùa nghịch trong nước. Tôi còn nhớ miên man tiếng hô 1,2,3 nhảy của chúng lúc thằng nhỏ trèo lên vai thằng lớn và làm một cái “ùm”. Tất cả mệt nhọc, khó khăn của chúng được rũ bỏ mỗi lần thả áo bên bờ, hoặc bên thuyền nhảy xuống tắm sông Son.

“Sông Son chảy hoàn toàn trên địa phận Quảng Bình quê em, một phần thượng nguồn con sông này chảy xuyên qua động Phong Nha dài 7,729 m, mạch chảy ngầm trong các núi đá vôi. Trẻ con ở đây vài tuổi là biết bơi rồi, sau vài lần được người lớn thả cho uống nước sông.”– Chàng trai này tiếp lời.

“Trước em học bên nông lâm, định bụng quay về đây thả ít cá nuôi nhưng giờ khó quá. Người thất nghiệp đầy ra rồi. Bữa nay dưới kia họ lên đây kiếm việc cũng nhiều, biển chết nên không đi cá được. Vài người nhớ nghề quá nên lên đây xin được nuôi cá thuê, rồi bưng dọn, cũng có mấy người lên làm cò du lịch, cò cơm… Vì chén cơm hết chị à.”

“Mà ai đời lên vùng đất nghèo này xin làm thuê, tụi em đây, dân gốc đây còn đói nữa là… Chỉ có mấy chả cán bộ bên du lịch là giàu thôi.”

o O o

Trời qua trưa, nước sông Son xanh ngắt một màu. Những mảng rêu bám mạn thuyền trôi lờ đờ trong nước. Bên bờ sông, ai đó bắt sợi dây trên một cây sào cao để buộc trâu lại.

Những ngư dân Quảng Bình gồng mình với biển chết đang lặn hụp xuống để vớt rong.

Hinh9

Họ vớt để làm gì? Ðể về bằm cho cá ăn, những con cá nước ngọt mang tên cá sông Son đang bơi lội trong những chiếc lồng. Người ta hy vọng nuôi nó để thoát nghèo, nhưng rồi thu nhập cũng chẳng là bao. “Ở đây bà con nuôi cá nhiều lắm, nhà nào kha khá hoặc vay mượn được mới đầu tư nuôi cá được. Thức ăn chủ yếu là rong trên sông Son. Mỗi vụ trúng được vài triệu, nhưng giờ ít mong lắm. Thuyền, tàu du lịch chạy qua hằng ngày, dầu mỡ của máy móc tràn xuống sông, bám vào rong sát bờ, rồi mấy cái lồng cá. Ngạt, cá chết hết, có nhà ôm nợ, vì lỡ vay ngân hàng về đầu tư. Ban đầu em định nuôi nhưng thấy ê chề quá, ông bà già vay cho 80 chục triệu, thêm vốn vô đóng mới cái thuyền này. Chạy theo phiên nhưng được cái có cái nghề trong tay. Chắc vài ba năm nữa lại vốn rồi tính tiếp.” – Anh chàng lái thuyền thở ra khi nói đến đây.

Chiếc thuyền cứ rẽ nước cuốn đi, còn tôi thì thu vào tầm mắt cơ hà hình ảnh về đời sống nơi đây.

Kia, những đứa trẻ nhảy ùm tắm sông và nở nụ cười thân thiện khi chúng tôi ngang qua. Kia, một chuyến đò ngang trên sông Son qua lại đôi bờ làng Phong Nha. Kia là thánh đường làng Na, là những ngôi nhà lụp xụp xây theo kiểu xây cho có. Và kia, những ông Tây, bà Việt vẫy tay chào nhau lúc những chiếc thuyền đi lướt qua nhau…

o O o

Quán nước mía bên ngoài động Phong Nha vẫy tay mời chào:

“Mía ở đây mình tự trồng, bên kia kìa em” Người phụ nữ trạc 40 tuổi vừa nói vừa chỉ tay về phía đám mía xanh bên bờ sông.

“Ai vô động Phong Nha ra rồi cũng ghé quán chị, uống ly nước mía, nghỉ chân chút trước khi lên thuyền trở ra, hái trái xoài, nghe chị làm thơ… tức cảnh sinh tình, chị tặng em bài nhé.” Nói rồi, không đợi khách lên tiếng, chủ quán nước mía bắt ghế nhìn ra sông và bắt đầu ngâm thơ.

Ơ hớ hờ hơ

Sông Son nước chảy lượn lờ

Ðể em ướm vội phận chờ chim di

Chờ thuyền đến chờ thuyền đi

Mang theo cả tiếng kinh kỳ thở than

Phong Nha thủ phận đời hang

Ai đi ai đến xếp hàng vào ra

Nước mía tươi của làng Na

Mời chàng nhấp vội gọi là tình quê

Ai về em nhắn cùng về

Sông Son trong đục tình quê lỡ làng

Bắt con cá trắm trong hang

Nghe con nước quẫy vội vàng dưới trăng

Từ ngày gió bụi lên ngàn

Từ ngày biển giận bọn lang sói và

Từ ngày chàng bước chân ra

Ðất Lào đất trích thân ma xứ người

Nghĩ cho cùng mới buồn cười

Nước sông soi bóng đười ươi mặc quần

Cũng vì một lũ hôn quân

Dân tình rên siết máu tình tự trăng

Ơ hớ hờ hơ…

Vừa dứt tiếng, một tràng vỗ tay vang lên từ đám đông ngồi nghỉ, không biết chị chủ quán có biết rằng chị hò khoan quá hay chứ chẳng phải ngâm thơ như chị nghĩ. Và điệu hò của chị đã được chàng Yo ghi lại, ắt hẳn để làm môt cú click, với dòng note: cô hàng mía ở động Phong Nha.

o O o

Trời xế chiều, chúng tôi lên thuyền quay lại bến. Có vẻ như dòng sông Son với mạch ngầm chảy qua hang đá vôi gánh trên mình không ít cuộc mưu sinh. Một dòng chảy đang thay đổi người dân nơi đây, người ta buộc phải chạy theo du lịch để kiếm chén cơm, nhưng công nghệ du lịch thì…! Chỉ tội cho Yo, dường như chàng không tha thiết gì với món sushi cá sông Son kể từ giây phút Yo lên thuyền, vốc một vốc nước lên ngửi và hỏi: “Nước tanh thế này sao tụi nhỏ nó tắm được? Tội quá!”. Ông xã tôi trả lời một cách lạnh lùng: “Còn nhiều cái tội nghiệp nữa Yo à, chừng này chưa có gì gọi là tanh đâu!”. Tôi thấy Yo hơi tái mặt.

Hinh13

UC